Thursday, January 31, 2019

THỜI GIAN KHÔNG QUAY TRỞ LẠI

Khi tìm kiếm một người để chung sống cùng nhau suốt đời, đừng luôn so sánh với những người khác và hy vọng mình sẽ kiếm được người tốt nhất. Vì như thế, bạn sẽ chỉ đánh mất thời gian quý báu trong đời, hãy nhớ rằng "Thời gian không bao giờ quay trở lại".


THỜI GIAN KHÔNG QUAY TRỞ LẠI
Ngày kia, một thầy giáo và học viên của mình cùng ngồi nghỉ dưới tán cây lớn, gần đó là trảng cỏ rộng.
Chợt người học viên hỏi: "Thầy ạ, em cảm thấy rối trí trong việc làm sao tìm được người bạn đời như ý muốn. Thầy có thể giúp em chăng?".
Thầy sau một lúc im lặng nói: "Ừm, câu hỏi khá khó nhưng cũng đơn giản..."
Học viên ngạc nhiên: "Vậy là sao hả thầy?"
Thầy bèn nói:
- Hãy nhìn kia, trảng cỏ rộng lớn ấy. Bây giờ em ra đó, băng qua nó nhưng nhớ là không được quay đầu lại, chỉ tiến thẳng tới trước thôi. Trên đường đi em cố tìm xem có cây cỏ nào xinh đẹp thì nhổ lên và đem về cho thầy. Chỉ một cây cỏ thôi, không phải nắm nhé. Giờ thì đi đi.


Học viên:
- Dạ được. Thầy đợi chút nhé.
Ít phút sau...
Học viên:
- Em đã về...
Thầy:
- Tại sao thầy không hề thấy cây cỏ xinh đẹp nào như đã dặn trên tay em cả.
Người học viên trả lời:
- Trên đường đi, em thấy không ít cây cũng gọi là xinh đẹp, nhưng em nghĩ rằng mình có thể tìm được cây đẹp hơn, vì vậy em đã không chọn. Cứ thế, và rồi em đi đến cuối trảng cỏ mà chưa chọn được cây nào cả. Và vì thầy dặn không đi ngược lại nên em đành về tay không.


Người thầy chậm rãi đáp:
- Đó là những gì xảy đến trong cuộc sống của chúng ta.
Khi tìm kiếm một người để chung sống cùng nhau suốt đời, đừng luôn so sánh với những người khác và hy vọng mình sẽ kiếm được người tốt nhất. Vì như thế, em sẽ chỉ đánh mất thời gian quý báu trong đời, hãy nhớ rằng "Thời gian không bao giờ quay trở lại".
(Sưu tầm trên mạng)

MỌI BỆNH TẬT ĐỀU KHỞI PHÁT TỪ TRONG TÂM?

Rốt cuộc, hết thảy bệnh tật trên đời đều là tâm thái của bạn gây nên cả. Phải làm thế nào để cải biến tất cả đây?


Tâm thái của bạn chính là chủ nhân của cơ thể. Hoàn cảnh không trói buộc con người, mà là con người ta tự buộc chặt mình vào trong hoàn cảnh.

1. Tâm niệm và bệnh tật là có quan hệ trực tiếp với nhau

Tâm hồn có tổn thương, có vấn đề thì sẽ biểu hiện ra ngoài thân thể. Rất nhiều bệnh tật trên thân thể chỉ là giả tướng. Giống như chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được hình dạng của quả, chứ không biết được hạt giống gieo xuống từ khi nào và ở đâu, rồi lại nảy mầm kết trái ra sao. Vậy nên tâm tướng và hình tướng nó có sự đối ứng với nhau, phản ảnh qua lại lẫn nhau nhưng chúng ta lại không nhìn thấy giai đoạn trung gian của nó bởi nó không thể sờ được hay thấy được bằng cặp mắt thịt này.

Bệnh tật có tâm niệm trong đời này, còn có nhân duyên, quan niệm, của những đời trước. Hãy để cho mỗi một niệm đều chan chứa tình thương. Trong tình yêu thương đó không có đau lòng, sợ hãi, phẫn nộ, mà chỉ có bình thản, hài hòa. Học cách yêu thương để thân thể trở thành đồng hồ đo của tình thương, để tâm hồn tỏa ra ánh sáng lương thiện vốn có!

Đời người, mỗi một cảm xúc đều là một cái hộp tối của tâm hồn. Đời người, mỗi một trạng thái đều là hiển hiện của tâm linh. Đó cũng chính là góc khuất của tâm tình mà người ta hay nói đến.

Con người ta một khi sinh ra tâm trạng tiêu cực trong suốt khoảng thời gian dài, rất mau chóng sẽ chiêu mời bệnh tật. Có những người sợ hãi quá độ, kết quả có thể dẫn đến các chứng bệnh thần kinh. Lại có những người tâm oán hận rất lớn mạnh, sẽ chiêu mời các loại tai họa.

2. Xin hãy ghi nhớ rằng, lực lượng tự nhiên là vô cùng to lớn

Nó vốn không sợ bạn cứng rắn đến đâu, chỉ sợ bạn luôn hiền lành, khiêm nhường. Phàm những người có tâm oán hận quá nặng, vận mệnh trong đời phần lớn đều sẽ đau khổ bi thảm. Phàm những người hiền lành, khiêm nhường, vận mệnh cuộc đời phần nhiều sẽ tốt lành. Sống theo đạo trời, một đời bình yên là vậy.

Tâm oán hận sâu nặng chính là căn nguyên của mọi khổ nạn trong đời. Hãy cố gắng loại bỏ nó đi. Đời người nếu sinh khởi một niệm tâm oán hận, sau này thế nào cũng sẽ có người tức giận với bạn, hoặc khiến bạn tức giận. Con người ta nếu như ngày nào cũng như vậy thì quả là phiền phức rồi. Rác rưởi tích tụ nhiều rồi, tai họa trong đời ắt sẽ giáng xuống.

Nếu như một đời này của chúng ta luôn thích nóng giận, thế thì sẽ cứ luôn mắc bệnh. Hãy luôn tự nhắc nhở bản thân: “Mình không nên cứ luôn tức giận như thế!“. Vậy thì, mọi thiếu sót của bản thân đều sẽ dần dần được hóa giải. Hãy nhớ rằng, nếu đời người thật sự học được cách sám hối thì nhất định có thể cải biến vận mệnh của mình.

Nếu chúng ta bớt nóng giận, sau này những việc khiến ta tức giận cũng sẽ ít đi. Đồng thời, người khác cũng sẽ ít chọc giận bạn hơn. Trường khí đen bẩn trong thân thể bạn tự nhiên sẽ giảm bớt đi, đau nhức trong thân thể cũng sẽ thuyên giảm đi rất nhiều. Vận mệnh đời người cũng sẽ theo đó mà phát sinh thay đổi.

Một khi nội tâm an hòa, không nóng dận không sầu bi, tự sẽ có năng lượng mạnh mẽ, sóng gió cuộc đời như gió thoảng mây trôi (Ảnh: ĐKN)

3. Người ta trong đời luôn phải học cách nhận thức bản thân
Đây là năng lực giác ngộ cá nhân vô cùng quan trọng. Ai có thể tìm ra được càng nhiều thiếu sót của bản thân thì năng lực giác ngộ của người đó càng mạnh. Người nào cứ mãi tìm kiếm khuyết điểm của người khác thì si mê của người đó càng sâu. Người tu Đạo không nhìn vào chỗ thiếu sót của người khác, mà chỉ nhìn vào chỗ thiếu sót của bản thân.

Vào thời thượng cổ, người người đều tu Đạo, người người đều tu tâm, con người thời đó hầu như đều có thể sống đến hơn trăm tuổi. Về điều này, trong “Hoàng Đế Nội Kinh” đều có ghi chép rõ ràng. Hiện tại, một đời này của chúng ta, phần nhiều đều sống không được thoải mái lắm.

Rất nhiều người hàng ngày đều đang bới tìm khuyết điểm của người khác, hễ gặp chuyện thì cứ luôn oán trách người khác, trước nay không chịu nhìn lại bản thân mình. Ngày ngày luôn nghĩ đến việc tranh đấu tính kế người khác, họ không biết rằng người thích tranh tới tranh lui cuối cùng đều chỉ là công dã tràng.

Tâm tình của người ta có thể làm lợi muôn vật, thay đổi vạn vật. Tâm trạng của người ta có thể nuôi dưỡng sinh mệnh của chính mình. Tâm trạng người ta rối bời rồi thì thân thể của người đó sẽ mắc bệnh. Thân thể của chúng ta là đồng hồ đo của linh hồn. Tiếc thay chúng ta trước nay lại không hề hay biết, cũng thật đáng buồn thay!

Trong bộ y kinh “Hoàng Đế Nội Kinh”, người xưa từ sớm đã vén mở những quy luật thân tâm đơn giản như vậy: “Vui vẻ tổn thương tim“, “vui vẻ thì khí trì hoãn“, vui mừng quá độ thường thì không còn chút sức lực. “Giận tổn thương gan“, “giận thì khí sôi trào lên“, vậy nên người xưa có câu “giận dựng đứng cả tóc gáy“. “Buồn thì hại phổi“, “buồn thì tinh thần sa sút“, khóc đến bi thương cực độ, con người ta sẽ bị sốc choáng. “Lo nghĩ nhiều tổn thương lá lách“, “nghĩ nhiều thì khí ứ đọng“. Hay như: “Lo sợ thì hại thận“, “lo sợ thì khí huyết tụt giảm“.

Chỉ khi dừng tranh đấu, dừng trách móc mới thấy cuộc đời rộng mở, nội tâm an hòa, sức khỏe cũng vì thế tốt hơn (Ảnh: Hellobacsi)

4. Biết rõ tính cách của bản thân chính là biết rõ bệnh tật của mình
  • Phàm là người dễ bị kích động, chẳng mấy ai có được trái tim khỏe mạnh. Mạch máu đầu não thông thường cũng sẽ lưu thông không được tốt.
  • Phàm là người hay tức giận, rất dễ mắc các bệnh tuyến giáp trạng, gan cũng sẽ không được tốt.
  • Phàm là những người thích phân cao thấp, không chịu nhận thua, phần nhiều xương cổ không được tốt.
  • Phàm là những người nhát gan sợ sệt, thận tạng thông thường sẽ không được tốt.
  • Phàm là những người hay đa nghi, thường có vấn đề về tuyến tụy.
  • Phàm là những người không có chủ kiến, đầu óc thường hay mơ hồ.
  • Phàm là những người hay tức giận trong lúc làm việc, thường có vấn đề xung quanh bờ vai.
  • Phàm là những người mà con cái không nghe lời, thường thường có vấn đề nơi các khớp chân.
  • Phàm là những người chăm chỉ nghiêm túc, phần đông trông khá là gầy gò.
  • Phàm là những người chấp nhận được thì cứ chấp nhận, thích tích cóp từng chút một, không có tinh thần cầu tiến, rất dễ bị béo phì.
  • Phàm là người hay lo lắng, tim dễ đập mạnh, phần nhiều mắc các bệnh cao huyết áp.
  • Phàm là người sợ áp lực, phần nhiều dễ mắc chứng huyết áp thấp.
  • Phàm là những người đặc biệt thích sạch sẽ, da dẻ thường không được tốt, tỳ vị cũng không được khỏe.
  • Phàm là người đau khổ quá độ, phần nhiều tuyến tụy không được tốt, lưng cũng không được tốt, rất dễ có cảm giác nhức mỏi.
  • Phàm là người hay buồn bực, phần nhiều dễ bị ngứa ngáy trên người.
  • Phàm là những người cảm thấy đời người quá gian nan, thường thường khi đi đứng hành động cảm thấy đặc biệt khó khăn.
“Tướng” do tâm sinh, “bệnh” do tâm khởi, vậy nên các loại bệnh tật, suy cho cùng đều là do tâm thái bạn dẫn khởi cả! Muốn cải biến cơ thể, đổi thay vận mệnh, đừng chỉ tập trung vào biểu hiện bề ngoài. Uống mười thang thuốc chẳng bằng cười một nụ cười sảng khoái. Thay đổi thái độ, nghĩ tích cực hơn, sống an lạc, nhẹ thân tâm, đạo trường sinh chẳng phải đó sao?

Theo Soundofhope
Vũ Dương biên dịch

CHUYỆN ĂN UỐNG CỦA CÁC VUA NGUYỄN


Ông cố và ông nội tôi (cụ Nguyễn Đắc Tiêu) suốt đời ở trong ban Nhạc chánh của Nam triều. Đời bác tôi (ông Ngũ Vọng) , lại làm Thị vệ cho vua Khải Định và ông vua cuối cùng Bảo Đại. Lúc nhỏ tôi được gần ông nội tôi và bác tôi. Để giải buồn, ông tôi và bác tôi hay kể chuyện trong Nội cho tôi nghe. Những chuyện đó cứ được kể đi kể lại đã làm cho nhiều người khó chịu và chúng cũng đã hằn sâu trong tâm trí tôi. Không ngờ, nững nếp hằn đó đã trở thành những cơ sở đầu tiên cho cuộc đời nghiên cứu Huế của tôi sau này.

Nhân nói chuyện ăn Tết năm nay, tôi xin trình bày đôi nét về chuyện ăn uống của các vua Nguyễn.

Trong cung Nguyễn có hai bộ phận lo chuyện bếp núc.

Bộ phận Lý Thiện : Người phục vụ trong bộ phận này phần lớn là dân làng Phước An (Thừa Thiên-Huế) phụ trách nấu nướng cỗ bàn cho những yến tiệc, kỵ giỗ của triều đình. Đầu đường Lê Huân phía cột cờ có một con đường nhỏ mang tên Lý Thiện. Đó là nơi ăn ở và làm việc của bộ phận Lý Thiện ngày xưa.


Bộ phận Lý Thiện : Ở ngay trong Đại Nội (phía phải của Nhà hát cung đình Duyệt Thị Đường). Thượng Thiện hằng ngày đi chợ mua thực phẩm cho vua và gia đình nhà vua. Bộ phận này là bếp chính của vua.

Mẹ tôi đã từng được bác Ngũ Vọng đưa vào xem bếp Thượng Thiện và được nghe lính Thượng Thiện giải thích cặn kẽ chuyện bếp núc của nhà vua.

Bếp Thượng Thiện lo nấu nướng cho vua ăn có đến mấy chục người. Mỗi người phụ trách một việc như : vót đũa, vót tăm, quết thịt nạc, làm nem, làm chả, làm tré, người đi chợ, người nấu các món ăn (mỗi người chỉ nấu được một vài món / 35 món).

Nấu cơm và thức ăn cho vua đều dùng nồi trách bằng đất nung sản xuất ở làng "Đột Đột" huyện Phong Điền. Đồ đất mới đưa vào Nội liền được thả vào một chảo nước chè xanh đậm đặc đang sôi sùng sục, ninh đến khi nào các đồ đất mới ấy được mạ một lớp men xanh mới vớt ra và cất vào kho để dùng dần. Mỗi bữa ăn dùng một cái om nấu cơm, vua ăn xong đập bể, bữa sau lại dùng cái khác.


Đũa vua dùng vót từ một loại tre già, vót sao cho chiếc đũa có một đầu to, một đầu nhỏ. Vót xong dùng dăm tre chuốt cho thật bóng láng và bỏ vào nồi hấp rồi phơi khô trước khi nhập kho. Tăm vua dùng gọi là "tăm bông" cũng vót từ một thứ tre già. Chiếc tăm dài bằng cây bút bi. Đầu nhỏ giống đầu tăm thường dùng xỉa răng. Đầu lớn bằng mút đũa được người vót dùng sống rựa đập nhè nhẹ cho tuơ ra, cái xơ tre thật mịn mới được dùng. Cái đầu xơ loe ra giống như một cái bông vạn thọ, nhà Nguyễn kiêng chữ "hoa" nên gọi là "tăm bông". Các cụ nhuộm răng đen, sau khi ăn cơm xong, xỉa răng uống nước cho sạch miệng rồi dùng đầu tăm bông chà sạch răng. Cuối cùng chấm đầu bông ấy vào thuốc rỏi (đen như mực) để rỏi lại hàm răng, giữ cho hàm răng luôn luôn bóng đẹp, nhất là phái nữ.

Vua ăn cơm gọi là hoàng đế "ngự thiện" hoặc "Ngài ngự thiện". Trừ vua Duy Tân và vua Bảo Đại "ngự thiện" với vợ con, các ông vua khác thường ngồi ăn cơm một mình. Khi cần có người nói chuyện cho vui trong khi ăn, vua cho hai trực thần (quan văn từ tứ phẩm, quan võ từ tam phẩm trở lên) vào ngồi gần hầu chuyện, gọi là "chầu thiện". Vua " ngự thiện" trên bàn hoặc trên sập, hai quan "chầu thiện" ngồi chênh chếch đối diện với một khoảng cách có thể đối thoại với nhau bằng giọng bình thường. Nếu có những vị quan nào được vua quý trọng, vua sẽ "ban thiện" bằng cách sai thị vệ dọn thêm một mâm riêng và mâm cơm được đặt ở một khoảnh cách nhất định để vị quan đó vừa ăn cơm vừa hầu chuyện.


Trong lúc vua ăn, ban nhạc cung đình ngồi ở xa xa hòa nhạc giúp cho không khí bữa ăn bớt phần tẻ nhạt.

Mỗi bữa "ngự thiện" có 35 món. Các món chính đựng trong vịm bịt giấy và buộc lạt cẩn thận. Tên thức ăn được viết trên một cái nhãn dán bên ngoài vịm. Vua thích món ăn nào thì bảo thị vệ mở món đó. Trước khi ăn, nhà vua thường ban bớt thức ăn cho các bà phi được nhà vua sủng ái nhất.

Trong 35 món ngự thiện không phải món nào cũng thuộc loại cao lương mỹ vị mà thực ra có nhiều món rất bình dân như : dưa môn kho, ruốc sả, dưa cải, rau muống chấm nước tôm kho ... Vua Duy Tân lúc nhỏ rất thích ăn cơm với cá bống kho khô, khi lên làm vua, bữa "ngự thiện" nào cũng có món ăn dân tộc ấy. Cơm "ngự thiện" đầy đủ như thế, nhưng nhiều khi nhà vua không thích ăn mà chỉ húp một chén cháo trắng rồi đứng dậy.


Vua ăn xong, thị vệ bèn bưng vào một khay thức ăn tráng miệng gồm có các loại chè, bánh, kẹo, mứt, trái cây. Những món này được những bàn tay "cực kỳ tinh tế " của các bà trong cung Nguyễn tự làm hay gửi mua. Bởi thế, dù không muốn ăn nhà vua cũng cố gắng nhón tay lấy một vài món bỏ vào miệng ăn để vừa lòng các bà. Các bà có món ăn được vua chọn lấy làm hãnh diện. Những món nhà vua không dùng hết, vua để riêng ban cho các quan. Vua cho ai món gì thì giao cho thị vệ sai lính thượng thiện bỏ vào quả sơn đỏ để vào siểng phủ khăn điều và che lọng xanh rước đến tận nhà người đó. Tại đây, chủ nhà phải có mặt để đón "ân vua, lộc nước".

Việc nấu nướng ăn uống của vua lâu ngày ảnh hưởng đến các quan và dần dần ảnh hưởng đến dân gian. Đến nay, triều Nguyễn đã chấm dứt gần nửa thế kỷ mà cái ảnh hưởng đó vẫn còn. Và nó đã được xem là di sản văn hóa vật chất của trung tâm văn hóa Huế.

Nguyễn Đắc Xuân 
1994

Wednesday, January 30, 2019

TƯỞNG CHAY NHƯNG KHÔNG THUẦN CHAY

Gửi team thuần chay: Bạn có biết 9 loại thực phẩm này không hề 'thanh tịnh' chút nào không?

Có thể bề ngoài của chúng trông rất giống những món ăn chay, nhưng bạn sẽ không ngờ đến sự thật bên bên trong chúng.

Ăn thuần chay đồng nghĩa với việc bạn phải loại bỏ mọi thực phẩm được chế biến từ thịt động vật, bất kể đó là sữa hay trứng. Khi bắt đầu việc thuần chay và vĩnh biệt những món thịt hấp dẫn, bạn sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho những tháng ngày chỉ ăn rau, củ, quả và các loại hạt, bên cạnh đó là không tơ tưởng đến bún bò, cơm tấm sườn bì chả... nữa.

Ngoài tập ăn rau củ, người ăn chay cần biết rằng họ phải gạch bỏ ngay những món chế biến từ thịt.

Đôi khi, trong suốt thời gian ăn chay, bạn sẽ đôi lần nghi ngờ hay thắc mắc về những món mình được và không được ăn. Thậm chí là ăn nhầm phải những món không hề thuần chay chút nào nhưng lại mảy may chẳng hay biết.

Dưới đây là 9 loại thực phẩm mà team thuần chay vẫn lầm tưởng sử dụng hàng ngày.

1. Thuốc lá

Đúng là hút thuốc lá thật sự rất có hại cho sức khỏe của bạn. Nhưng ngoài việc đó ra, thuốc lá cũng không hề thân thiện đối với những người theo đuổi chế độ ăn thuần chay, vì một loại chất được gọi là castoreum.


Castoreum là một loại chất dầu được tiết ra từ tuyến gần trực tràng của hải ly. Loại chất này sẽ làm tăng thêm hương vị cho thuốc lá và hiện nay cũng là thành phần không thể thiếu. Năm 1991, Philip Morris (công ty sản xuất thuốc lá đa quốc gia của Mỹ) đã chỉ dụng gần 4 kg chất tạo mùi này để sản xuất ra 400 tỷ điếu thuốc lá, chứng minh rằng dù chỉ một ít chất dầu từ động vật cũng có thể tạo nên điều to lớn.

2. Nước ngọt

Những người ăn thuần chay thường lầm tưởng rằng nước ngọt rất an toàn trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Tuy nhiên, từ khi một blogger nổi tiếng có tên Sean O'Callaghan (hay còn gọi là Fat Gay Vegan) phát hiện một số công ty đã sử dụng gelatine để sản xuất nước ngọt và nước ép trái cây.


Gelatine là một chất rắn không màu, không vị được lấy từ da lợn và tủy xương của gia súc.

Nghi ngờ này cũng đã được các chuyên gia làm rõ. Theo đó, đúng là có một số công ty đã thật sự sử dụng gelatine trong nước trái cây của họ. Vì vậy, nước ép trái cây đóng hộp hay nước ngọt cũng không phải là thực phẩm thuần chay đâu nhé.

3. Bia trái cây lên men

Chúng ta đều biết, loại bia này thường được sản xuất dựa trên việc lên men trái cây cũ. Ví dụ như một số loại bia táo lên men.


Nếu là một người ăn chay, tránh thưởng thức các loại bia trái cây lên men nhé!

Một số tín đồ thuần chay vẫn thường xuyên uống các loại bia trái cây như Rekorderlig, Bulmers và Strongbow. Tuy nhiên, tin buồn rằng một số trong chúng có sử dụng gelatine, còn một số khác lại chứa tinh chất của rệp son hay còn được gọi là bọ yên chi.

Vì vậy, nếu là một người ăn chay, bạn cần tìm hiểu trước khi thưởng thức các loại bia trái cây lên men nhé.

4. Rượu vang

Nếu bạn chưa biết thì rượu vang còn có một cái tên nghe hết hồn khác chính là nước ép cá.

Mọi người sẽ tranh cãi rằng rượu vang chỉ được làm từ nho và chỉ nho thôi, làm gì có cá ở đây. Vâng, chúng tôi hiểu điều đó, nhưng một sự thật không thể chối cãi đó chính là bên trong rượu vang có chứa isinglass.


Isinglass là một loại thạch được lấy từ bong bóng cá. Isinglass cũng giống như gelatine chỉ khác là nó được sản xuất từ cá. Sở dĩ rượu vang có thêm loại thạch này là vì để nó trông sóng sánh và hấp dẫn hơn. Chính vì vậy, việc nói bạn đang uống một ly nước ép cá là không ngoa chút nào.

5. Bia

Nếu đã quyết tâm vào việc thuần chay thì có lẽ bạn nên quên chuyện nhậu nhẹt say xỉn từ bây giờ đi thôi. Cũng tương tự như rượu vang hay bia trái cây lên men thì bia thông thường cũng vẫn chứa một ít isinglass hoặc gelatine để làm mịn.


Mặc dù vậy, bạn cũng đừng quá đau khổ vì trên thị trường hiện nay cũng có một số loại bia thuần chay mặc dù chúng khá khó tìm và không được bán phổ biến.

6. Ngũ cốc

Vâng! Bữa sáng bằng ngũ cốc cũng không hề "thanh tịnh" chút nào đâu vì bên trong ngũ cốc thường có chứa chocolate và nguyên liệu làm nên chocolate có bao gồm sữa.



Tuy nhiên, khi số người ăn thuần chay tăng lên, một số công ty cũng đã sản xuất các loại ngũ cốc không hề liên quan đến sữa động vật để giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn.

7. Kẹo

Dù đối tượng ăn kẹo vốn là trẻ con nhưng nếu không biết rằng kẹo cũng có một chút liên quan đến động vật thì có thể bạn sẽ ăn nhầm đấy.


Gelatine cũng xuất hiện trong kẹo để giúp sản xuất ra kẹo dẻo và các loại thạch.

8. Nước sốt Worcestershire

Sốt Worcestershire có vị ngọt chua, cay, màu nâu sẫm và được sử dụng trong rất nhiều món rau trộn, thịt xào, bánh mì kẹp và nhiều món ăn khác. Ngoài dùng để tẩm ướp, loại sốt này cũng dùng để chấm trực tiếp cho rau củ luộc, há cảo hấp, thậm chí là sử dụng để làm cocktail.


Tuy nhiên, cũng giống như nước mắm Việt Nam, loại sốt này được tinh chế từ cá cơm. Vì vậy khi ăn rau trộn, bạn hãy hỏi kỹ rằng nhà hàng có sử dụng loại sốt đặc biệt này hay không.

9. Đường bột

Ở Mỹ, đường bột được sản xuất từ xương động vật có chứa than và bột. Vì vậy loại đường này ở Mỹ là hoàn toàn không thuần chay. Tuy nhiên nếu được sản xuất ở Anh, hầu hết các nhãn hiệu đều không đụng đến động vật vì vậy đường bột của họ đều là thuần chay.


Từ nay về sau, khi ăn bánh ngọt có phủ lớp đường bột này bên trên, bạn cũng nên cân nhắc về việc có mua chúng không nhé.

Bên trên là 9 thực phẩm nghe có vẻ thuần chay nhưng thật ra đều có chứa ít nhất một thành phần liên quan đến động vật. Nếu bạn đã từng ăn nhầm những loại thực phẩm này thì cũng đừng quá lo lắng mà chỉ cần cẩn thận hơn ở những lần sau là được.


Thực phẩm hiện nay vốn chứa rất nhiều thành phần mà chúng ta không thể nắm rõ vì vậy hãy chắc chắn mua mua thức ăn mỗi ngày ở những cửa tiệm chay uy tín để không ăn nhầm những thực phẩm chế biến từ động vật.

Nguồn bài: BBC

NHỮNG LÝ DO THÚ VỊ KHIẾN XÍ BỆT ĐỨC CÓ CỐNG THOÁT NGƯỢC ĐỜI VỚI THẾ GIỚI

Người Đức rất kỹ tính, họ làm như vậy là có lý do cả.

Là một phần không thể thiếu của "công trình phụ", bệ xí đã trở thành yêu cầu bắt buộc cho cuộc sống văn minh.


Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã áp dụng loại xí bệt với phần bệ lõm xuống. Khi xả nước, chất thải sẽ bị cuốn thẳng xuống cống thoát. Đó là loại xí bệt cơ bản có thể tìm thấy ở hầu hết các châu lục.

Tuy nhiên, ở Đức, Áo, Hungary và Hà Lan lại dùng kiểu xí bệt có thiết kế lạ đời có tên “flat bottom toilet” (xí bệt đáy phẳng). Thay vì hình nón, phần bệ lõm xuống lại phẳng phiu và được đặt cao hơn cống thoát. Tấm ảnh dưới đây sẽ cho thấy sự khác biệt:

Để lý giải điều này, phải lật lại lịch sử hàng trăm năm của bệ xí. Ở thời điểm nào đó, có sự chia rẽ trong cộng đồng thiết kế xí bệt.

Đại đa số cho rằng, phân nên rơi xuống và ngập trong nước càng nhanh càng tốt để hạn chế mùi hôi bốc lên. Đó là cách tiếp cận cổ điển của phương Tây.

Tuy nhiên, vài nhà thiết kế ở Đức lại cho rằng xí bệt cổ điển vẫn có thiếu sót: Lỗ cống thoát (siphon) rất thấp và thẳng đứng, có nguy cơ nước bắn ngược lên bàn tọa. Người Đức cho rằng sự bất tiện đó là không thể chấp nhận được. Dó đó, thiết kế đáy phẳng với cống thoát ngược với bình thường có thể làm giảm đáng kể nước bắn lên bàn tọa.

Tuy nhiên, các nhà thiết kế phương Tây phản bác lại rằng, thiết kế đáy phẳng cũng đâu có hoàn hảo - phân của chúng ta sẽ nằm chềnh ềnh ở đó và bốc mùi.


Thật thú vị, người Đức chẳng có vấn đề gì với điều đó. Thậm chí, nó còn nằm trong tính toán của thiết kế đáy phẳng: Họ có thể quan sát phân của bản thân hàng ngày để đánh giá tình hình của hệ tiêu hóa. Phát hiện giun hoặc máu trong phân là điều khá nghiêm trọng.

Tưởng rằng đến đây, các nhà thiết kế phương Tây đã cứng họng. Họ lại tiếp tục: Xí bệt đáy phẳng sẽ gây bắn tung tóe ra xung quanh khi đàn ông tiểu đứng. Không sai, chỉ trừ việc đàn ông Đức có thói quen tiểu ngồi. Đến nước này thì bắt bẻ kiểu gì nữa?

Thú vị đúng không? Không có gì là hoàn hảo và đó là 2 trường phái tư tưởng, 2 cách tiếp cận văn hóa khác nhau.

Ở Mỹ, mực nước trong bồn cầu thường tràn lên quá nửa

Ngoài ra, sự khác biệt còn nằm ở mực nước ở cống thoát. Ở Mỹ, mực nước trong bồn cầu thường tràn lên quá nửa, cao hơn nhiều so với thế giới. Còn ở châu Âu, nước chỉ xâm xấp cống thoát.

Xí bệt của Mỹ: Dễ bắn nước, đi tiểu gây tiếng ồn lớn, thậm chí "của quý" còn có thể bị nhúng xuống nước nếu ngồi không cẩn thận. Thế nhưng, phân sẽ luôn được đảm bảo ngập trong nước, hạn chế được mùi hôi. Ngoài ra cũng đỡ tốn công cọ rửa hơn vì phân trôi nổi lững lờ dưới nước, ít tiếp xúc với bề mặt bệ xí.

Cùng thở phào vì câu hỏi tưởng như hóc búa này đã được giải đáp.

Long.J
Theo:Trí Thức Trẻ
Link tham khảo:
https://www.quora.com/Why-do-toilets-in-Germany-have-a-flat-bottom-and-a-hole-on-the-opposite-side

"TẠI SAO APPLE KHÔNG THỂ SẢN XUẤT MÁY VI TÍNH TẠI MỸ? VÌ NGƯỜI MỸ CHẲNG THỂ SẢN XUẤT NỔI CON ỐC-VÍT."

Ngay cả các đối tác Mỹ cũng không thể sản xuất được những con ốc vít theo đúng tiêu chuẩn của Apple.


Bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và những lời cảnh cáo từ Tổng thống Trump, yêu cầu Apple bắt đầu sản xuất máy tính và các thiết bị của họ tại Mỹ, có vẻ như "Táo khuyết" sẽ không thể mang dây chuyền sản xuất của họ về quê nhà.

Và những con ốc vít nhỏ bé chính là lý do.

Năm 2012, Timothy D. Cook, CEO Apple đã xuất hiện trên sóng truyền hình trong khung giờ vàng để thông báo rằng Apple sẽ sản xuất máy tính Mac tại Mỹ. Đây sẽ là sản phẩm đầu tiên của Apple được sản xuất bởi các công nhân Mỹ sau nhiều năm và chiếc Mac Pro cao cấp sẽ lên kệ với dòng chữ khác thường: "Được lắp ráp tại Mỹ".

Văn phòng của Apple tại Austin, Texas, nơi chuẩn bị được bổ sung 15.000 công nhân viên mới

Nhưng khi Apple bắt đầu sản xuất những chiếc máy tính giá 3.000 USD tại nhà máy ở Austin, Texas, họ đã gặp phải một rắc rối khá hy hữu. Cụ thể, theo ba nhân viên làm việc trong dự án tại Austin, Apple đã gặp khó trong việc tìm đủ nguồn cung cấp ốc vít cho máy tính Mac. Các nhân viên này chia sẻ thông tin với yêu cầu được giấu kỹ danh tính.

Tại Trung Quốc, Apple có một số đối tác với khả năng sản xuất số lượng lớn ốc vít theo yêu cầu của Apple trong thời gian ngắn. Nhưng ở Texas, nơi mọi thứ đều lớn hơn, hóa ra lại chẳng có bất cứ nhà cung cấp ốc vít nào.

Quá trình thử nghiệm những phiên bản mới của máy tính Mac đã bị cản trở vì xưởng cơ khí với 20 nhân viên mà Apple dựa vào chỉ có thể sản xuất tối đa 1.000 ốc vít mỗi ngày.

Thiếu ốc vít là một trong vài vấn đề khiến ngày giao hàng của máy tính Mac sản xuất tại mỹ bị trì hoãn trong nhiều tháng, các nhân viên giấu tên chia sẻ. Vào thời điểm mẫu máy tính Mac này sẵn sàng sản xuất quy mô lớn, Apple đã phải đặt hàng ốc vít từ Trung Quốc.

Những thách thức ở Texas minh họa các vấn đề mà Apple sẽ gặp phải nếu họ cố gắng đưa một khối lượng lớn dây chuyền sản xuất rời khỏi Trung Quốc. Với bài học Texas, Apple đã phát hiện ra rằng không một quốc gia nào - chắc chắn là bao gồm cả Mỹ - có thể bì được với Trung Quốc về cả quy mô, kỹ năng, cơ sở hạ tầng và chi phí sản xuất.

Tim Cook đã giúp Apple chuyển dây chuyền sản xuất sản phẩm ra nước ngoài

Trung Quốc cũng đồng thời là thị trường quan trọng nhất của Apple và sự phụ thuộc của "Táo khuyết" vào thị trường này đã được thể hiện rất rõ nét trong tháng vừa rồi. Ngày 2/1, Apple cho biết lần đầu tiên sau 16 năm doanh thu hàng quý của họ thấp hơn so với ước tính ban đầu, chủ yếu là do doanh số iPhone tại Trung Quốc sụt giảm đáng kể. Thứ ba này, (ngày mai 29/1), Apple sẽ công bố chi tiết tình hình tài chính của họ quý vừa rồi và dự báo cho 1 năm sắp tới.

Có thể "Táo khuyết" sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính hơn nếu chính quyền của ông Trump áp thuế đối với các mẫu điện thoại sản xuất tại Trung Quốc. Ông Trump đã từng đe dọa sẽ thực hiện điều này.

Apple đã tăng cường tìm kiếm các phương hướng để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Theo một giám đốc của "Táo khuyết", Apple đang xem xét sản xuất iPhone tại Ấn Độ và Việt Nam. Vị giám đốc này cũng giữ kín danh tính bởi ông không được phép công khai các kế hoạch của Apple. Các lãnh đạo của Apple cũng lo lắng về sự phụ thuộc nặng nề vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc có thể dẫn tới rủi ro trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang căng thẳng, vị giám đốc chia sẻ thêm.

"Người Trung Quốc có kỹ năng tốt tới mức khó tin", ông Cook chia sẻ tại một hội nghị diễn ra ở Trung Quốc vào cuối năm 2017. "Sản xuất các sản phẩm của Apple cần có những cỗ máy tinh vi và những người biết cách điều khiển chúng".

"Tại Mỹ, nếu tổ chức một cuộc gặp mặt các kỹ sư gia công, tôi không chắc số người tham dự đủ lấp đầy một phòng họp", Tim Cook chia sẻ. "Nhưng tại Trung Quốc, số lượng kỹ sư gia công có thể lấp đầy nhiều sân bóng đá".

Kristin Huguet, phát ngôn viên của Apple, tuyên bố rằng với khoản thanh toán 60 tỷ USD cho 9.000 nhà cung cấp Mỹ, giúp hỗ trợ cho 450.000 việc làm trong năm ngoái, Apple là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế Mỹ. Đối tác sản xuất máy tính cho Apple tại Texas, Flextronics, không đưa ra bất cứ bình luận nào.

Chính Tim Cook đã giúp Apple chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài vào năm 2004. Đây là một động thái giúp cắt giảm chi phí và cung cấp quy mô khổng lồ cần thiết cho việc sản xuất một vài trong số những sản phẩm công nghệ bán chạy nhất trong lịch sử.

Apple ký hợp đồng với một loạt đối tác, góp phần xây dựng những nhà máy khổng lồ tại Trung Quốc. Một số nhà máy trải dài hàng kilomet và sử dụng hàng trăm ngàn lao động cho việc lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói thiết bị của Apple. Các dây chuyền lắp ráp sử dụng linh kiện từ khắp nơi trên thế giới được vận chuyển đến Trung Quốc.

Quá trình lắp ráp cuối cùng là phần tốn nhiều công sức nhất trong việc sản xuất một chiếc iPhone hay bất kỳ thiết bị nào.

Quá trình lắp ráp cuối cùng là phần tốn nhiều công sức nhất trong việc sản xuất một chiếc iPhone hay bất kỳ thiết bị nào. Vì thế, vị trí đặt dây chuyền lắp ráp thường được dùng để xác định quốc gia xuất xứ của sản phẩm cho việc đánh thuế.

Ông Cook thường phản đối khái niệm iPhone được sản xuất tại Trung Quốc. Apple cũng thường chỉ ra rằng Corning, với nhà máy ở Kentucky, sản xuất rất nhiều kính bảo vệ màn hình cho iPhone và một công ty ở Allen, Texas đã tạo ra công nghệ laser cho hệ thống nhận dạng khuôn mặt của iPhone.

Tim Cook cũng thường xuyên lập luận rằng lao động giá rẻ là lý do Apple tiếp tục duy trì dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Mức lương tối thiểu tại Trịnh Châu, Trung Quốc, nơi đặt nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới, rơi vào khoảng 2,10 USD/1 giờ, đã bao gồm cả những phúc lợi. Apple cho biết mức lương khởi điểm cho công nhân lắp ráp sản phẩm của họ là 3,15 USD/1 giờ. Số tiền phải chi trả cho nhân công tương đương tại Mỹ cao hơn đáng kể.

Mặc dù là một trong những máy tính mạnh mẽ nhất của Apple nhưng Mac Pro sản xuất tại Mỹ cũng là một trong những sản phẩm đắt nhất của họ.

Các nhà cung cấp Trung Quốc đã vận chuyển linh kiện của họ tới Texas để phục vụ quá trình lắp ráp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ví dụ như khi cần linh kiện mới bởi thiết kế có chút thay đổi, các kỹ sư được giao nhiệm vụ thiết kế Mac Pro đã phải tìm tới những xưởng cơ khí ở trung tâm Texas.

Đó là lý do tại sao họ tìm thấy Stephen Melo, chủ sở hữu kiêm chủ tịch của Caldwell Manufacturing ở Lockhart. Nhân viên của Flextronics, công ty mà Apple thuê để sản xuất máy tính, chỉ thuê Caldwell sản xuất 28.000 con ốc vít mặc dù số lượng họ cần lớn hơn rất nhiều.

Khi Melo mua lại Caldwell vào năm 2002, công ty này có thể sản xuất được ốc vít với khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của Apple. Nhưng nhu cầu ấy đã tiêu tan khi Apple chuyển dây chuyền sản xuất sang Trung Quốc. Melo nói rằng ông đã thay thế một loạt máy ép khuôn cũ, có thể sản xuất hàng loạt ốc vít, bằng những cỗ máy mới được thiết kế cho các công việc chuyên môn, chính xác hơn.

Melo nghĩ rằng thật mỉa mai khi Apple, một công ty hàng đầu với các dây chuyền sản xuất khổng lồ ở nước ngoài, lại gọi cho ông để đặt hàng số lượng lớn ốc vít. "Chẳng hơi đâu mà đầu tư cho dây chuyền sản xuất ốc vít ở Mỹ vì những linh kiện như thế này có thể mua được với giá rất rẻ ở nước ngoài", Melo nói.

Công nhân đang vào ca tại một nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn, ảnh chụp năm 2015. Mỗi nhà máy tại Trung Quốc có thể chứa hàng trăm ngàn nhân công lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói các sản phẩm của Apple

Với các máy móc mới của mình, Melo đã làm ốc vít cho Apple nhưng sản phẩm cuối cùng không đáp ứng chính xác những yêu cầu của "Táo khuyết". Caldwell đã cung cấp 28.000 con ốc vít cho Apple trong 22 chuyến giao hàng. Ông Melo thường tự lái chiếc Lexus của mình 1 tiếng đồng hồ để giao hàng cho Apple.

Một cựu quản lý của Apple, người quyết định chia sẻ với yêu cầu được giấu tên, cho biết quy mô của Flextronics nhỏ hơn rất nhiều so với các đối tác ông thường thấy trong những dự án tương tự của Apple tại Trung Quốc. Không rõ tại sao dự án này lại thiếu công nhân viên, quản lý này chia sẻ và suy đoán rằng có thể do công nhân Mỹ đắt hơn Trung Quốc.

Quản lý này cho biết rằng các công việc tương tự của Apple tại Trung Quốc sẽ bao gồm rất nhiều nhân công để đảm bảo tất cả các nguyên liệu được đưa vào sản xuất đúng lúc, đúng chỗ. Ở Texas, các công nhân thường hay bị quá tải. Do đó, nguyên vật liệu thường không được đặt đúng chỗ cần thiết hoặc không đến đúng lúc, góp phần gây ra sự chậm trễ của cả dây chuyền.

Một sự thất vọng khác với ngành sản xuất ở Texas: Công nhân Mỹ không sẵn sàng làm việc cả ngày lẫn đêm. Các nhà máy tại Trung Quốc có những ca làm việc suốt mọi khung giờ và nếu cần thiết công nhân còn giảm giờ ngủ để đáp ứng kế hoạch sản xuất. Nhưng đó không phải là điều mà các công nhân Mỹ sẵn sàng thực hiện.

"Nhân công Trung Quốc không chỉ rẻ. Đó là một quốc gia mà chủ sở hữu lao động sẵn sàng ép mọi người làm thêm giờ, bạn có thể sắp xếp 100.000 người làm việc cả đêm cho bạn", Susan Helper, một giáo sư kinh tế tại Đại học Case Western Reserve chia sẻ. "Điều đó đã trở thành một phần tất yếu trong chiến lược giới thiệu sản phẩm".

Bà Helper cho rằng Apple có thể sản xuất nhiều sản phẩm hơn tại mỹ nếu họ đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc và phụ thuộc nhiều hơn vào robot cũng như các kỹ sư chuyên ngành thay vì nhân công giá rẻ. Bà cũng nói thêm rằng chính phủ và cả ngành công nghiệp Mỹ cũng cần phải cải thiện mảng đào tạo nghề và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng.

Nhưng, bà Helper bổ sung, rất khó để tất cả những điều trên cùng xảy ra.

Apple vẫn lắp ráp Mac Pro tại nhà máy ở ngoại ô Austin, một phần là vì họ đã đầu tư vào đây những cỗ máy thửa riêng, phức tạp. Nhưng Mac Pro có doanh số kém và kể từ khi ra mắt vào năm 2013 đến nay Apple đã không cập nhật cho nó bất cứ điều gì.

Tháng 12 năm ngoái, Apple thông báo rằng họ sẽ tuyển thêm 15.000 công nhân cho văn phòng tại Austin, cách nhà máy Mac Pro khoảng 1,6 kilomet. Tuy nhiên, dự kiến không một nhân công nào trong số này được dành cho các dây chuyền sản xuất.

Jack Nicas
Theo The New York Times
Nguồn: Trí Thức Trè
Link tham khảo:

https://www.dallasnews.com/business/technology/2021/01/18/apple-commits-100-million-to-racial-equity-programs-while-disclosing-its-own-diversity-hiring-record/


KIẾN TRÚC VƯỢT THỜI GIAN CỦA CÂY CẦU GỖ Ở TRUNG QUỐC

“Cầu mưa gió”(風雨橋 Phong Vũ Kiều) là một trong những kiểu kiến trúc cầu độc đáo và nổi tiếng của người Dong ở Trung Quốc. Đặc trưng của cầu mưa gió là được làm hoàn toàn bằng gỗ và là điểm đến khá lý tưởng cho du khách gần xa.

Dân tộc Dong là một trong 56 nhóm dân tộc thiểu số cư ngụ tại Trung Quốc. Cư dân Dong sống trong các ngôi làng nằm rải rác ở các tỉnh như Hồ Nam, Hồ Bắc, Quý Châu, Quảng Tây. Đây là những nơi nổi tiếng với loại gạo ngọt truyền thống và đặc biệt là kỹ năng có một không hai về nghề mộc, được thể hiện qua kiến trúc độc đáo của những chiếc cầu gỗ vượt thời gian.


Những chiếc cầu này được gọi là “Cầu mưa gió” bởi lẽ trên những chiếc cầu này có các mái chòi, đó là nơi nghỉ ngơi tránh mưa tránh gió của người dân Dong. Ngoài tên gọi trên, những chiếc cầu này còn được gọi với cái tên khác là “Cầu hoa” do kiến trúc tinh xảo của chúng. Vào những ngày mưa gió, các mái chòi trên cầu trở thành nơi lý tưởng cho người dân gặp gỡ chuyện trò, nghỉ ngơi thư giãn, tán gẫu, trao đổi ý kiến và là nơi biểu diễn các trò văn nghệ giải trí.

“Cầu mưa gió” là sự kết hợp giữa cầu, tháp và chòi với vật liệu chính chủ yếu là gỗ. Trên cả hai mặt của cầu có các rào chắn và được bố trí các hàng ghế, tạo thành một khu vực nghỉ ngơi cho khách qua đường, bên trong hành lang có mái che. Mái hiên của cầu có kiến trúc vuốt ngược lên, bên trong các chòi và tháp được trang trí bằng hoa văn rồng phượng, trên các cột chống được khắc với các họa tiết đẹp mắt.


Một trong số những chiếc cầu nổi tiếng này phải kể đến là cầu Chengyang (程陽 Trình Dương) ở Sanjiang (三江縣 huyện Tam Giang), tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Chiếc cầu này được xây dựng vào năm 1916, đó cũng được xem là chiếc cầu mưa gió lớn nhất ở Trung Quốc. Cầu Chengyang có 2 bệ móng, 3 cột chống, 3 nhịp cầu, 5 gác chòi, 19 hành lang và 3 tầng. Chiếc cầu có chiều dài 64.4 mét, chiều rộng 3.4 mét và chiều cao 10.6 mét. Các cột chống được xây dựng bằng đá, kiến trúc phần trên được làm chủ yếu bằng gỗ, mái chòi được lợp bằng ngói. Ở hai bên cầu được bố trí các hàng ghế tựa để dành cho người dân nghỉ ngơi mỗi lúc đi qua.


Từ những hàng ghế, người dân có thể ngồi ngắm nhìn dòng sông Linxi chảy phía dưới hoặc lia tầm mắt ra xa ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên. Hai bên bờ sông là cánh rừng chè xanh ngát, và dọc theo sườn đồi là những cánh rừng tươi tốt. Hàng ngày, chiếc cầu đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan chiêm ngưỡng.

Một số hình ảnh về "Cầu mưa gió" ở Trung Quốc: 
Trình Dương Phong Vũ Kiều (程陽風雨橋) ở Tam Giang Động Tộc Tự Trị Huyện (三江侗族自治縣)






Theo Amusingplanet


DƯA CHUỘT THÌ RẺ CÒN DƯA CHUỘT BIỂN THÌ ĐẮT NHƯ ĐIÊN, CÓ LÝ DO CẢ ĐẤY

Dưa chuột thường giỏi lắm 70.000 đồng/kg, còn dưa chuột biển (hải sâm) lên tới 70 triệu đồng/kg.

Theo một số website và trang Facebook về nông sản, giá dưa chuột (loại ngon, giòn, thơm mát) tại thị trường Hà Nội vào ngày 11/1/2019 khoảng 35.000 đồng/kg.


Trên thế giới cũng vậy, dưa chuột là loại rau củ không quá đắt đỏ, giá dưới 3 USD/kg (khoảng 70.000 đồng). Tuy nhiên, có một loại dưa chuột khác đắt như điên, lên tới 3000 USD/kg (suýt 70 triệu đồng) - chỉ khác ở chỗ, nó không phải rau củ, cũng không thể gieo hạt xuống đất chờ ngày thu hoạch. Đó chính là dưa chuột biển (sea cucumber), ở Việt Nam thường được gọi là hải sâm.

Cùng là "dưa chuột" tại sao giá cả lại chênh nhau đến 100 lần?

Phàm là những thứ sản vật có giá trị, người ta sẽ liều mạng vì nó và hải sâm đã khiến không ít thợ lặn phải trả giá đắt dù chỉ bắt được 1 - 2 con.

Hải sâm là một trong những loài vật kỳ lạ nhất hành tinh. Chúng không có chi, không có mắt, chỉ có miệng và hậu môn cùng một loạt cơ quan bên trong cơ thể tròn ung ủng y hệt quả dưa chuột.

Một bữa tiệc đám cưới xa xỉ toàn hải sâm ở Trung Quốc

Tuy cùng một kết cấu cơ thể, hải sâm có con nhẵn, có con lại xù xì gai góc đến đáng sợ. Tuy vậy, loài vật lạ đời này đã trở thành đặc sản ở châu Á trong nhiều thế kỷ, chuyên xuất hiện trên bàn tiệc của tầng lớp thượng lưu, nơi hải sâm sẽ đi liền với bào ngư.

Mãi đến những năm 1980, nhu cầu về hải sâm trên toàn thế giới mới bùng nổ. Chúng thường được săn bắt, làm sạch sau đó sấy khô rồi đóng gói trong bao bì sang trọng dùng làm quà biếu.

Điều khá hài hước về giá bán của hải sâm chính là: Loại nào càng gai góc, giá càng cao!


Trên thế giới có khoảng 1250 loài hải sâm khác nhau, hải sâm Nhật Bản được cho là có phẩm chất cao nhất.

Với giá bán lên tới 3000 - 3500 USD/kg, thực khách thưởng thức hải sâm tại các nhà hàng sang trọng sẽ phải chi khoảng 170 USD/đĩa (khoảng 4 triệu đồng). Vị của hải sâm không quá đặc biệt, dù dai nhưng vẫn giòn.

Lý do chính khiến hải sâm trở nên đắt giá vì chứa hàm lượng glycosaminoglycan rất cao, chất này giúp điều trị các vấn đề về viêm khớp trong nhiều thế kỷ qua. Còn mới đây, các nhà khoa học đã dùng chiết xuất từ hải sâm để triều trị một số bệnh ung thư và giảm cục máu đông.

Với sự quan tâm của các công ty dược phẩm, nhiều quốc gia đã tham gia vào cuộc chiến hải sâm. Từ Morocco, Mỹ cho đến Papua New Guinea đều muốn thống lĩnh thị trường hải sâm thế giới.

Từ năm 1996 đến năm 2011, số quốc gia xuất khẩu hải sâm tăng đột biến từ 35 lên 83. Đáng buồn thay, đây là họa lớn đối với hải sâm.

Hải sâm, loại "dưa chuột" siêu đắt giá đến từ đại dương

Ở Mexico, các thợ lặn đã bó tay khi sản lượng hải sâm thu hoạch được tụt 95% chỉ trong 2 năm (2012 - 2014). Do đó, hải sâm càng hiếm, chúng càng đắt đỏ - các thợ lặn lại phải xuống những vực nước sâu hơn và rõ ràng sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Một số tộc người chuyên lặn biển để săn bắt hải sâm hầu như đều bị điếc hoặc bại liệt vì áp lực nước và thiếu oxi.

Có thể bạn đang thắc mắc, vì sao không gây giống rồi nuôi công nghiệp hải sâm? Nhiều nước đã thử nghiệm mô hình chăn nuôi hải sâm nhưng hầu hết đều thất bại, chủ yếu vì ấu trùng hải sâm rất yếu ớt, những con sống sót đến khi đủ trưởng thành cần từ 2 - 6 năm. Qúa lâu và quá nhiều rủi ro.

Tham khảo B.I
Long.J


Tuesday, January 29, 2019

THÚ ĂN HỘT VỊT LỘN

Có lẽ chỉ duy nhất người Việt Nam có truyền thống ăn hột vịt lộn. Tôi đã từng đọc rất nhiều sách Đông Tây kim cổ (bản dịch ra tiếng Việt có trước và sau năm 1975) về đời sống tầng lớp quý tộc lẫn bình dân, giàu sang lẫn nghèo khó, đọc nhiều đến nỗi tôi thuộc lòng dân tộc nào thì thích ăn món gì, phong tục đãi khách quý của họ ra sao, nhưng tôi chưa bao giờ thấy thực đơn xứ Đông, Tây nào có món hột vịt lộn như người Việt.


Người miền Nam kêu trái cây bắt đầu bằng từ “trái”, người miền Bắc gọi trái cây bắt đầu bằng từ “quả”. Trứng gà, vịt không phải là trái cây, miền Nam không xài từ “trái”, mà kêu là “cái hột vịt” dù không hề thấy “hột” (hạt) chỗ nào, hoặc là “cái trứng vịt”, nhưng người miền Bắc thì vẫn dùng từ “quả trứng”.



Sở dĩ tôi phải giải thích kỹ cách gọi tên như vậy để cho bạn đọc dù ở vùng miền nào đọc cũng hiểu khi nói về văn hóa món ăn thức uống phương Nam, với những cách thưởng thức đặc trưng phương Nam mà xài từ ngữ kiểu miền Bắc thì người đọc sẽ không “thẩm thấu” được tất cả sự tinh túy trong cách ăn, cách uống, hương vị món ăn như thế nào. Cũng giống như bạn muốn biết cái ngon của mắm bù hóc Khmer thì bạn phải hiểu được văn hóa ẩm thực Khmer, bạn mới thấy người Cao Miên thích loại mắm đó, coi nó là món ăn đặc sản quốc hồn quốc túy của họ là có lý do chính đáng, chớ không gớm ghiếc hay hôi thúi gì hết.

Lúc nhỏ, ở quê tôi người ta thường bán hột vịt dạo bưng rao lòng vòng trong xóm. Hột vịt đã luộc chín sẵn, để trong cái nồi nhôm lớn, trong nồi vẫn có nước nóng. Có bà bán nhiều thì chơi nguyên cái gánh gióng, mỗi đầu gánh đặt một bếp than, trên có nồi hột vịt. Tay xách theo cái thùng xô nhôm đựng hũ muối tiêu, mớ dĩa sành nhỏ xíu bằng bề tròn nắp lon nước ngọt, mớ muỗng nhôm cũng nhỏ xíu. Bà nào bán ít thì ủ nồi trứng trong cái thúng đựng đầy trấu bưng bên hông.


Mấy bả vừa đi vừa rao kéo dài: “Hột vịt lộộộộộộn… hôôôôông….?” Nhà đông người nên mỗi lần mua là hốt luôn một lúc hai chục trứng. Mẹ tôi lấy cái mâm nhôm lớn ra, cho tất cả hột vịt vô mâm, rổ rau, chén muối tiêu để kế bên, lấy cho mỗi người một cái muỗng nhôm (nhỏ hơn muỗng cà phê) rồi cả nhà nhào vô xì xụp. Mẹ tôi cũng lấy giấy nhựt trình xé ra, dạy anh em bọn tôi cách xếp miếng giấy lại thành cái nẹp để quấn quanh cái trứng vịt đang nóng hổi rồi cầm ăn cho khỏi bị nóng. Mỗi người chỉ được có hai trứng thôi là hết.

Thời đó, có mấy người lớn thấy con nít ăn hột vịt lộn là đi theo dụ, nói rằng ăn con vịt (trong trứng) là học ngu, để tao ăn giùm cho, mày ăn tròng đỏ với cái mề trắng thôi. Có đứa tin sái cổ, bèn đưa cái trứng vịt cho “tên kia” ăn hết phần phôi vịt đi, còn lại phần mề trắng cứng ngắc mới ăn. Riêng tôi thì dụ không được, tuy cũng hơi sợ sợ sẽ bị “học ngu” đó, nhưng tật ham ăn lớn hơn, nên nhứt định thà chịu “ngu” chớ không cho ai ăn miếng nào.


Hột vịt lộn là trứng vịt có trống (có phối giống) đưa vô lò ấp từ 17 đến 21 ngày thì đem ra luộc (hoặc chế biến món khác) làm thức ăn, nếu để quá thời gian này thì trứng vịt sẽ nở ra con vịt. Thập niên 50 đến 80 người ta ấp trứng vịt bằng lò ấp sử dụng trấu, sau này người ta dùng lò ấp sử dụng điện tạo hơi ấm giống thân nhiệt con vịt khi ấp trứng cho trứng phát triển phôi.

Trứng ấp non thì luộc ăn ngọt nước hơn trứng già vì khi đó cái mật trong phôi chưa hình thành. Tùy theo khẩu vị, có người thích ăn trứng lộn non, có người thích ăn loại úp mề (mề trong trứng lớn cỡ ngón chưn cái, không già khôn non), có người thích ăn loại lộn già. Theo Ðông y, trứng vịt (tươi, lộn), thịt vịt có tính hàn, nên món ăn từ thịt vịt, trứng vịt bao giờ cũng ăn kèm với rau răm (tính nhiệt) để trung hòa, như vậy mới tốt cho sức khỏe.


Người miền Nam hay miền Bắc đều biết ăn hột vịt lộn, nhưng cách thưởng thức thì khác nhau. Người Bắc ở đây là Bắc vùng ngoài, Bắc mới vô Nam sau này, chớ Bắc sống lâu năm ở Sài Gòn, di cư thời 1954 thì cách ăn uống kiểu miền Nam lâu rồi. Tôi sống ở Sài Gòn cộng lại hơn mười năm, rồi tôi đi các tỉnh phía Bắc nữa, từ đó mới để ý thấy cách ăn khác nhau như vầy:


Người Bắc lột hết vỏ trứng vịt ra một lần cho vô cái chén (tất nhiên là bỏ hết nước trong trứng lộn), rắc muối tiêu, vắt thêm chút nước chanh, cho lá rau răm vô rồi dùng đũa hoặc cái muỗng lớn vẽ cái trứng ra ăn. Có khi, để đỡ phải dơ tay khi lột vỏ trứng, họ lột hết vỏ một lúc hai ba bốn trứng cho vô cái tô luôn rồi mới ăn. Ăn kiểu này, phù hợp với câu thành ngữ “Chém to kho mặn”.


Người Sài Gòn ăn hột vịt lộn bằng cách thưởng thức từ từ từng trứng một. Nồi luộc hột vịt lúc nào cũng giữ nóng trên bếp than. Muối ăn hột vịt lộn là muối hột (nguyên cục) cho vô nồi đất rang nổ mịn ra, trộn thêm tiêu xay và chút xíu bột ngọt. Hột vịt lộn luộc vừa chín tới vớt từ trong nồi nước sôi ra còn nóng hôi hổi, người ta đặt nó vô cái chén chung nhỏ bằng sành cho phần nhọn trứng quay xuống dưới, phần đầu lớn trứng ở trên. Cái chén chung có tác dụng giữ cho trứng vịt đứng thẳng cho dễ xúc và người ăn không bị nóng tay khi ăn. Dùng cái dĩa nhỏ xíu múc ra một chút muối tiêu, rau răm rửa sạch để sẵn trong rổ, khi ăn mới sắp rau ra dĩa.


Dùng cái muỗng nhỏ gõ giập vỏ trứng, lột ra một lỗ cỡ đầu ngón tay trỏ, múc một tí xíu muối tiêu cho vô chỗ vừa đập vỏ, rồi húp hết phần nước ngọt có pha lẫn vị muối tiêu trong cái trứng lộn. Sau đó, họ tiếp tục mở vỏ trứng cho lớn hơn, chút muối tiêu cho vô, rồi dùng cái muỗng xúc từng muỗng nhỏ trong trứng ăn từ từ với lá rau răm. Vị ngọt, bùi của phôi trứng, của phần lòng đỏ, cảm giác sần sật giòn tan khi nhai miếng mề trắng, hòa với vị muối tiêu, vị cay nồng của rau răm tan dần trong miệng, người ăn nhởn nhơ ăn tới tới, hết trứng này tới trứng khác, cá nhân tôi có khi đánh bay mỗi lần hết chục trứng mà không thấy đã thèm. Ăn hết trứng này mới vớt trứng khác ăn tiếp, trứng lúc nào cũng nóng hôi hổi mới ngon và không có mùi tanh. Các quán ăn, xe đẩy bán hột vịt rong ở Sài Gòn luôn luôn có thêm cái tô lớn đựng chanh hoặc trái tắc (quất) để khách vắt thêm vô chén muối tiêu khi ăn. Người miền Tây Nam Bộ cách ăn hột vịt lộn cũng giống như người Sài Gòn, khác ở chỗ người miền Tây không xài thêm chanh, tắc khi ăn.


Ðành rằng “vật dưỡng nhơn”, ăn trứng lộn kiểu miền Nam có cái hay ở chỗ người ăn không nhìn thấy cái phôi con vịt, không có cảm giác ghê khi nhìn thấy chính mình “tàn sát” một lúc hàng chục sinh linh bé nhỏ vừa mới tượng hình.


Chợ Việt ở Nam Cali đều có bán trứng vịt lộn $1/trứng, nếu mua được trứng mới về thì ngon đáo để luôn. Tất cả trứng vịt lộn ở Nam Cali này đều là vịt Mỹ chớ không phải nhập từ Việt Nam qua, muốn ăn ngon mà rẻ cứ vô chợ mua, đừng thấy mấy bảng hiệu để tên ở Việt Nam thì tưởng nhập từ Việt Nam qua, nó chỉ có cái tên thôi mà “chém” gấp đôi giá mua trong chợ.

Tạ Phong Tần