Sunday, July 3, 2022

12 LOẠI KIMCHI CỦA HÀN QUỐC CỰC ĐỘC ĐÁO, TRONG ĐÓ CÓ MỘT LOẠI ĐƯỢC COI NHƯ XA XỈ PHẨM

Nếu là một người yêu thích ẩm thực Hàn Quốc, chắc chắn bạn sẽ biết tới món Kimchi cải thảo trứ danh của đất nước này. Thế nhưng người Hàn Quốc không chỉ sáng tạo ra món Kimchi cải thảo mà còn có hơn chục món Kimchi khác cũng rất ngon và đặc biệt, trong đó có một loại được coi như hàng xa xỉ phẩm và chỉ được dùng trong những dịp đặc biệt.

1. Baechu Kimchi

Baechu Kimchi chính là Kimchi cải thảo đó mọi người ạ. Loại Kimchi này thì quá nổi tiếng với mọi người rồi. Đó là món ăn kèm không thể thiếu trong các nhà hàng Hàn Quốc và các nhà hàng chuyên bán đồ nướng.

Baechu Kimchi - Loại Kimchi phổ biến nhất ở Hàn Quốc
Ngoài ăn kèm thì Kimchi Baechu cũng là nguyên liệu chính để tạo nên nước lẩu Kimchi chua cay ngon khó cưỡng.

Mùa đông mà được ăn lẩu Kimchi hay thưởng thức miếng thịt bò nướng thơm ngon ăn kèm Kimchi thì quả thực không còn điều gì phải hối tiếc nữa.

2. Chonggak Kimchi

Chonggak Kimchi hay Chonggakmu Kimchi là loại Kimchi được làm từ củ cải nhỏ của Hàn Quốc. Thông thường mọi người đi ăn ở các nhà hàng Hàn Quốc sẽ thấy món củ cải muối vàng chứ ít khi thấy món Kimchi củ cải Chonggak này hơn vì thực ra món này làm mất công hơn, củ cải cũng lâu chua nên không thích hợp để sử dụng cho các nhà hàng.

Chonggak Kimchi được làm từ loại củ cải nhỏ và được muối nguyên cả củ
Chonggak Kimchi chuẩn phải được làm từ loại củ cải nhỏ của Hàn Quốc (củ cải đuôi ngựa) vì loại này có độ ngọt và giòn hơn hẳn củ cải của Việt Nam.

Cách làm Chonggak Kimchi cũng tương tự như Baechu Kimchi, nhưng củ cải sẽ được giữ nguyên vẹn cả phần cuống và phần củ, sau đó ướp với muối trắng trong khoảng 2 tiếng cho bớt hăng. Khi củ cải đã ngấm muối, chúng sẽ được rửa sạch và trộn với các gia vị như ớt tươi xay, bột ớt Hàn Quốc, tỏi xay, gừng xay, nước mơ ngâm (có thể thay thế bằng đường), lê hoặc táo xay, hành lá, mắm tép Hàn Quốc (có thể không cho nhưng sẽ không thể ra chuẩn vị Kimchi Hàn Quốc), bột nếp nấu chín và cuối cùng là nước mắm.

3. Gat Kimchi

Gat là tên gọi của loại cải chuyên được sử dụng để tạo nên mù tạt. Gat Kimchi chính là loại Kimchi được làm từ loại cải này.

Gat Kimchi được làm từ cải Gat - loại rau cải được dùng để làm mù tạt
Về cơ bản, Gat Kimchi cũng có cách làm giống như 2 loại Kimchi ở trên, nhưng vị của nó thì thực sự đặc biệt.

Khi ăn Gat Kimchi, bạn sẽ thấy có vị cay nồng xộc lên mũi y hệt như khi bạn ăn mù tạt. Loại Kimchi này thường được làm để ăn vào mùa đông ở Hàn Quốc và cũng chỉ có một số ít nơi làm. Loại Kimchi này phù hợp khi ăn cùng hải sản sống hay các món ngâm tương như Ganjang Gejang.

4. Gogumajulgi Kimchi

Gogumajujgi là một loại Kimchi khá đặc biệt. Nó đặc biệt bởi được làm tự cọng khoai lang (phần nối với lá khoai lang) chứ không phải là ngọn hay thân của cây khoai lang như cách mà người Việt Nam chúng ta vẫn hay ăn loại rau này.

Gogumajulgi Kimchi được làm từ cọng của lá khoai lang nên có hương vị khá độc đáo
Phần cọng khoai lang sau khi được hái về sẽ được tước bỏ lớp bên ngoài, sau đó ngâm vào nước muối để chúng trông trắng hơn và ra bớt vị chát. Khi phần sơ chế đã xong thì chúng sẽ được trộn với các loại gia vị Kimchi như bình thường, nhưng sẽ thêm một chút dầu mè và vừng để dậy mùi và đậm vị hơn.

Người ta sẽ ăn Gogumajujgi theo kiểu xổi, tức là trộn rồi ăn luôn (vì loại Kimchi này để chua sẽ bị mềm, mất đi độ giòn vốn có). Chúng hay được ăn kèm với các món gà như gà rán, súp gà hay gà hầm sâm.

Loại Kimchi này cũng thường được làm và ăn vào mùa hè vì vào mùa đông, rau khoai lang sẽ rất khó phát triển trong thời tiết lạnh giá của Hàn Quốc.

5. Kkakdugi Kimchi

Kkakdugi Kimchi cũng là một loại Kimchi củ cải nhưng không phải là loại củ cải nhỏ mà là loại củ cải lớn với phần trên cuống màu xanh lá và phần dưới màu trắng.

Kkakdugi Kimchi là loại Kimchi được làm từ củ cải và cũng là món Kimchi phổ biến thứ 2 tại Hàn Quốc
Khi làm Kkakdugi Kimchi, người ta sẽ phải xắt củ cải thành những miếng hạt lựu vừa ăn, bỏ đi phần cuống, sau đó trộn củ cải với muối trắng để chúng ngấm muối và giảm bớt độ hăng.

Khi đã ngấm muối, củ cải được trộn với các loại gia vị làm Kimchi thông thường và có thể ăn sau 2 – 3 ngày.

Món Kimchi Kkakdugi có vị ngọt thanh rất dễ chịu nên thường được ăn cùng các món ăn có nhiều hương vị như súp xương bò Hàn Quốc (Seollengtang), súp sườn bò ( Galbitang) và mì tươi Hàn Quốc (Kalguksu)...

Nhiều người Hàn Quốc cho biết Kkakdugi được làm vào giữa đến cuối mùa thu (tháng 10 đến tháng 12) sẽ có vị ngon nhất vì đây là mùa thu hoạch củ cải truyền thống của Hàn Quốc.

6. Oi So Bagi Kimchi

Oi So Bagi Kimchi chính là Kimchi dưa chuột, loại Kimchi phổ biến thứ hai sau Baechu Kimchi. Oi So Bagi được làm từ nguyên liệu chính là quả dưa chuột Kirby của Hàn Quốc (loại dưa chuột nhỏ, đặc ruột).

Oi So Bagi Kimchi được làm từ dưa chuột nên có vị thanh, giòn, mát rất dễ ăn
Để làm ra món Oi So Bagi Kimchi, người ta sẽ rửa sạch dưa chuột sau đó bổ làm tư theo chiều dọc (chừa lại khoảng 2cm ở phần cuống quả để các miếng dưa chuột không bị tách rời khỏi nhau), sau đó ướp muối trắng vào phần bên ngoài và cả phần lõi của dưa chuột cho muối ngấm đều.

Sau khi dưa chuột đã ngấm muối, chúng sẽ được rửa sạch và trộn với các loại gia vị làm Kimchi thông thường và ăn ngay sau khi trộn hoặc để 2 – 3 ngày nếu bạn muốn ăn chua.

Loại Kimchi này có vị tươi mát và rất giòn nên thường được sử dụng để ăn kèm với súp thịt bò và mì tương đen Hàn Quốc.

7. Pa Kimchi

Pa Kimchi chính là Kimchi được làm từ hành lá loại nhỏ (Green Onion – loại hành mà người Việt chúng ta thường sử dụng để làm gia vị cho món ăn thêm thơm ngon).

Pa Kimchi được làm từ loại hành lá nhỏ và thường dùng để ăn kèm với mì gói hoặc cơm
Pa trong tiếng Hàn Quốc có nghĩa là hành. Có 2 loại hành có thể sử dụng làm Pa Kimchi là Jjokpa (loại hành có lá to và mỏng) và Silpa (hành lá nhỏ của Việt Nam).

Loại Kimchi này thường được làm từ Silpa và vào mùa xuân, mùa mà những cây hành lá đang độ phát triển tốt nhất nên cũng có hương vị thơm ngon nhất.

Khác với cách làm của những loại Kimchi khác, người ta sẽ không trộn hành với muối trước khi làm Kimchi mà hành sẽ được trộn với các loại gia vị làm Kimchi luôn, sau đó cho thêm một ít dầu mè và vừng. Để tăng độ thơm ngon của loại Kimchi này, một số gia đình còn cho thêm mực khô ăn liền hoặc bạch tuộc (ruốc) nhưng cũng khá ít gặp.

Pa Kimchi thường được ăn kèm với cơm hoặc ăn với mì gói Hàn Quốc cũng rất ngon.

8. Yeolmu Kimchi

Yeolmu chính là loại củ cải nhỏ để làm Chonggak Kimchi ở trên. Nhưng để làm ra món Yeolmu Kimchi, người ta sẽ sử dụng phần lá của loại củ cải này làm nguyên liệu chính chứ không phải phần củ. Đây cũng là Kimchi dạng nước (giống dưa muối của người Việt mình) chứ không phải dạng khô như Chonggak Kimchi.

Yeolmu Kimchi là Kimchi củ cải dạng nước
Cách làm loại Kimchi này cũng gần giống với các loại Kimchi truyền thống, nhưng chỉ khác ở chỗ người ta sẽ ngâm rau và củ cải trong nước muối chứ không phải ướp muối. Sau khi ngâm muối khoảng 2 tiếng thì vớt lên, để ráo, sau đó trộn với các loại gia vị làm Kimchi. Bạn phải cho thêm một chút nước nữa thì mới có thể tạo ra món Kimchi độc đáo này.

Người Hàn Quốc thích ăn Yeolmu Kimchi với bibimbap (cơm trộn), bibim guksu (mì trộn) hay naengmyeon (mì lạnh). Món Kimchi này cũng thường được làm vào mùa hè bởi vì đây là mùa của loại cải Yeolmu.

9. Bokchoy Kimchi

Bokchoy Kimchi chính là loại Kimchi được làm từ cải chíp của Việt Nam mình (tiếng Hàn Quốc là cải Bokchoy).

Bokchoy Kimchi được làm từ rau cải chíp - Một loại rau rất phổ biến ở Việt Nam
Về cơ bản, Bokchoy Kimchi cũng được làm với công thức tương tự như Baechu Kimchi nhưng người ta sẽ ăn chúng ngay sau khi trộn giống như một món Salad ăn kèm.

Bokchoy Kimchi thường được làm vào cuối mùa thu, khi thời tiết Hàn Quốc bắt đầu chuyển lạnh sâu và những cây cải thảo đã già, mất đi vị ngon ngọt vốn có.

Loại Kimchi này thường được dùng để ăn với cơm trong các bữa ăn thông thường của người Hàn Quốc.

10. Nabak Kimchi

Nabak Kimchi là một loại Kimchi nước có vẻ ngoài trông gần giống với dưa góp của Việt Nam mình. Loại Kimchi này thường được làm vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân, khi các loại rau để làm Kimchi không còn phát triển nhiều do thời tiết quá lạnh giá. Nabak Kimchi cũng không được trộn với nước mắm mà chỉ dùng muối nên rất phù hợp cho những người ăn chay.

Nabak Kimchi trông giống như dưa góp của Việt Nam
Người ta có thể sử dụng củ cải, cà rốt, cải bắp, dưa chuột hay măng hoặc ớt xanh để làm Nabak Kimchi.

Đầu tiên, các nguyên liệu sẽ được cắt miếng vừa ăn rồi ướp với muối trắng trong khoảng 30 phút đến 1 tiếng cho ngấm. Sau đó mang chúng đi rửa sạch, để ráo nước.

Bước tiếp theo là cho bột ớt vào một chiếc túi lọc hoặc túi vải nhỏ rồi ngâm nó trong nước ấm (khoảng 50 – 60 độ C). Bạn không nên dùng quá nhiều bột ớt vì loại Kimchi này thường không cay và có màu nước trong chứ không phải màu đỏ như các loại Kimchi thường thấy.

Sau khi bột ớt đã thôi hết màu và độ cay ra nước, bạn cho thêm vào tô nước một ít tỏi và gừng xắt mỏng, muối, một ít đường sau đó đổ nguyên liệu và thêm một ít hành lá vào hỗn hợp này. Nếu muốn Kimchi có vị thơm ngọt hơn, bạn có thể bỏ thêm vài lát táo hoặc lê.

Sau khi trộn đều, các bạn trút Nabak Kimchi vào một chiếc hũ thủy tinh rồi để bên ngoài nhiệt độ phòng 2 – 3 ngày cho Kimchi lên men. Loại Kimchi này cần phải bảo quản trong tủ lạnh để ăn dần.

Nabak Kimchi thường được dùng để ăn kèm với Tteokguk (súp bánh gạo) – một món ăn truyền thống vào năm mới của người Hàn Quốc.

11. Dongchimi Kimchi

Dongchimi chính xác là loại Kimchi được muối theo kiểu muối dưa chua của Việt Nam. Loại Kimchi này thường được làm bằng củ cải lớn (loại củ cải sử dụng để làm Kkakdugi Kimchi).

Dongchimi là món Kimchi nước giống như dưa muối chua của Việt Nam
Củ cải sẽ không cần xắt miếng mà được giữ nguyên, sau đó rửa sạch và cho vào những chiếc chum bằng đất (loại chum đất có nắp đậy truyền thống của người Hàn Quốc).

Sau khi xếp củ cải vào chum, người ta sẽ pha một hỗn hợp bao gồm nước, muối, một ít lê hoặc táo sau đó đổ vào chum cho ngập củ cải.

Loại Kimchi này sẽ ăn được sau khoảng 1 tuần, và sử dụng kéo dài trong khoảng 3 tháng. Người Hàn Quốc thường làm loại Kimchi này vào mùa đông vì đó là lúc củ cải có độ giòn và chắc, ngọt nhất.

Ngoài củ cải thì bạn có thể làm Dongchimi với nguyên liệu là cải thảo nhưng sẽ bảo quản được ít thời gian hơn rất nhiều.

Dongchimi thường được dùng để ăn kèm với món gà cay Dakgalbi, đồ nướng BBQ, khoai lang nướng/ luộc và ăn cùng cả các loại cháo nữa.

12. Bossam Kimchi (Kimchi cuộn)

Bossam Kimchi là loại Kimchi cực độc đáo của người Hàn Quốc. Nó có nguồn gốc từ Gaeseong ở tỉnh Gyeonggi-do và được coi là một món ăn xa xỉ ở nơi đây.

Bossam Kimchi là một món ăn xa xỉ vì được làm từ nhiều nguyên liệu quý như hạt dẻ, hạt thông, nấm sồi, táo đỏ, hải sản...
Khác với các loại Kimchi khác, Bossam Kimchi có nguyên liệu chính rất đa dạng, bao gồm hạt dẻ, hạt thông, nấm sồi, củ cải, lê, hành lá, bạch tuộc, hàu, tôm, cá, táo đỏ, saffron... sau đó trộn với gia vị làm Kimchi, sau đó tất cả các nguyên liệu này được bọc trong những lá cải thảo đã được ướp muối cho mềm rồi bọc lại để chúng lên men tự nhiên.

Vì được làm từ những nguyên liệu quý giá, đắt tiền nên chúng thường chỉ được làm để tiếp đón những vị khách quý hoặc ăn trong những dịp đặc biệt như các buổi tiệc hay ngày lễ tết.

Người Hàn Quốc có thể sử dụng rất nhiều loại rau củ quả để làm Kimchi và tạo ra những món Kimchi có hương vị độc đáo.

Sẽ thật là đáng tiếc nếu bạn đến Hàn Quốc mà không được thưởng thức những loại Kimchi khác ngoài Baechu Kimchi.

Biết tên của các loại Kimchi sẽ giúp bạn dễ dàng xin thêm được chúng khi đi ăn ở bất cứ nhà hàng nào ở Hàn Quốc đấy!

Theo: Cattour
Link tham khảo:


No comments: