Friday, May 31, 2024

KHÔNG CÓ HÀNH ĐỘNG TỬ TẾ NÀO LÀ LÃNG PHÍ

Đời người vô thường, không biết được tương lai sẽ ra sao; vậy nên đừng vội kiêu ngạo khi đang ở vị trí cao; tốt nhất là hãy tử tế với tất cả mọi người.


Một con sư tử đang ngủ say thì bị một con chuột vô tình đụng phải, sư tử thức giấc và vô cùng giận dữ, nó há miệng thật to định nuốt chửng con chuột.

Nhưng chuột xin sư tử hãy suy nghĩ lại, vì có thể trong tương lai nó sẽ giúp ích cho sư tử. Sư tử cười nhạo ý tưởng ngu ngốc đó của con chuột nhưng vẫn thả cho nó đi, vì nghĩ ăn thịt nó cũng chẳng bõ bèn gì.

Một thời gian sau, sư tử bị mắc bẫy của thợ săn. Đúng lúc đó, một chú chuột nhỏ đi ngang qua và nhìn thấy sư tử. Chuột bèn cắn đứt sợi dây để giải thoát cho sư tử.

Sau đó chú chuột nhỏ mỉm cười nói: “Tôi đã đúng, phải không?”


Ý nghĩa:

Chừa lại cho người khác một đường lui cũng là mở ra cho mình một đường sống. Đời người vô thường, không biết được tương lai sẽ ra sao; vậy nên đừng vội kiêu ngạo khi đang ở vị trí cao; tốt nhất là hãy tử tế với tất cả mọi người.

Liên Hoa / Theo: nguyenuoc

ỨC MAI - NGUYỄN HÀM NINH


ỨC MAI - NGUYỄN HÀM NINH

Lâm đường tạc dạ sóc phong xuy,
Tiểu các thanh hàn độc toạ trì.
Địch lí quan san sầu cựu khúc,
Thuỷ biên li lạc nhận tiền kì.
Hương nam tuyết bắc vô hương tấn,
Nguyệt địa vân giai hữu mộng tư.
Dục hả tân từ viễn tương tặng,
Mỹ nhân uyển tại thuỷ chi mi.


憶梅 - 阮咸寧

林塘昨夜朔風吹
小閣清寒獨坐池
笛裡關山愁旧曲
水邊籬落認前期
香南雪北無方訊
月地雲階有夢思
欲把新詞遠相贈
美人宛在水枝眉


Nhớ Mai (người dịch: Mai Văn Hoan)

Đêm qua, gió bấc thì thào
Một mình gác nhỏ lạnh vào thấu xương
Vẳng nghe tiếng sáo mà thương
Bờ sông, thuở ấy vẫn thường bên nhau
Hương nam, tuyết bắc còn đâu
Trăng sân, mây biếc… mộng sầu biệt ly
Xa xôi muốn gởi thơ đi
Bên hồ người ngọc tức thì hiện ra!


Nhà thơ Lương An cho biết: bài thơ này được Nguyễn Hàm Ninh sáng tác khi công chúa Mai Am - người mà ông thầm yêu trộm nhớ đã lấy Thân Trọng Dị - một vị quan to trong triều. Trở lại Phủ Tùng Thiện Vương, không còn bóng dáng người đẹp, ông cảm thấy vô cùng trống trải. Xuyên suốt bài thơ là nỗi thương nhớ công chúa Mai Am. Ngay cái tiêu đề Ức mai cũng nói lên điều đó. Bài thơ này đã được công chúa Mai Am trân trọng đưa vào Diệu Liên thi tập của mình. Dám làm thơ “ghẹo” cả công chúa, hơn nữa chồng công chúa lại là một vị quan to trong triều. Thiết nghĩ từ xưa đến nay ít ai bạo gan như Nguyễn Hàm Ninh.

Sơ lược tiểu sử tác giả:

Nguyễn Hàm Ninh (阮咸寧, 1808-1867) tự là Thuận Chi, hiệu Tĩnh Trai và Nhâm Sơn; là một danh sĩ trong lịch sử Văn học Việt Nam thời nhà Nguyễn.

Nguyễn Hàm Ninh là người làng Phù Ninh, sau dời sang làng Trung Ái, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (nay là làng Trung Thuần, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, được người cô không con nuôi cho ăn học.
Năm Kỷ Sửu (1829), ông đỗ tú tài. Năm Tân Mão (1831), thì ông đỗ thủ khoa (giải nguyên) kỳ thi Hương lúc 23 tuổi.


Ban đầu, ông được bổ dạy học tại Quốc tử giám. Năm Quý Tỵ (1833), ông làm tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Gặp lúc thân phụ qua đời, ông về cư tang cho đến năm Bính Thân (1836) thì được vời ra giữ chức Quốc học độc thư và dạy học cho thái tử Nguyễn Phúc Miên Tông.
Năm Mậu Tuất (1838), ông được chuyển giữ chức Tôn nhân phủ Chủ sự, nhưng vì phạm lỗi, bị vua Minh Mạng cho bãi chức.

Về quê được ít lâu, năm Tân Sửu (1841), học trò ông là Nguyễn Phúc Miên Tông lên nối ngôi (tức vua Thiệu Trị), ông lại được vời ra giữ chức hành tẩu ở Nội các, rồi viên ngoại lang bộ Hình.

Năm Bính Ngọ (1846), chuyển ông sang làm lang trung bộ Lễ, rồi đổi làm Án sát tỉnh Khánh Hòa. Ở đây, ông bị thuyền buôn bắt chở sang Trung Quốc, đến lúc về nước, bị triều đình cách chức đày vào Đà Nẵng sung quân.

Ít lâu sau, ông mới được cho về làm Trước tác ở Viện Hàn Lâm. Lại bị khiển trách, và lần này thì ông bị cách chức luôn.

Ngày 15 tháng 12 năm Đinh Mão (1867), Nguyễn Hàm Ninh qua đời, lúc thọ 59 tuổi.

Mộ Nguyễn Hàm Ninh hiện ở xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Nguồn: Thi Viện

VỤ THỬ BOM HẠT NHÂN KHIẾN CẢ HÒN ĐẢO BỐC HƠI

Vào ngày 1/11/1952, Mỹ cho nổ quả bom hydrogen đầu tiên trên thế giới, mật danh là “Mike”, một phần của Chiến dịch Ivy.


Đây là cuộc thử nghiệm đầy đủ đầu tiên của thiết kế mang tính đột phá do nhà vật lý người Mỹ gốc Hungary, Edward Teller và nhà toán học người Ba Lan, Stanislaw Ulam tạo ra. Vụ nổ này đã làm bốc hơi cả một hòn đảo và tác hại vẫn còn dai dẳng đến ngày hôm nay.

Vụ nổ kinh hoàng

Quả bom Mike cao 6m, nặng 74 tấn là thiết bị hạt nhân đầu tiên có sức nổ đáng kể từ quá trình tổng hợp nguyên tử, thay vì chỉ dựa vào phân hạch, phân chia các nguyên tử. Vẻ ngoài không giống như vũ khí truyền thống, nó được đặt trong một cấu trúc nhôm gợn sóng, đi kèm một tháp tín hiệu để liên lạc với phòng điều khiển đặt trên tàu USS Estes.

Do sử dụng deuterium lỏng làm nhiên liệu nên cần phải có một nhà máy đông lạnh quy mô lớn để duy trì chất này ở nhiệt độ gần bằng không tuyệt đối. Cung cấp năng lượng cho cơ cấu phức tạp trên là một nhà máy điện công suất 3.000 kilowatt dành riêng cho cơ sở đông lạnh. Quả bom được đặt trên đảo đá nhỏ không người ở tên là Elugelab, thuộc đảo san hô vòng Enewetak, Nam Thái Bình Dương.

Vào sáng 1/11/1952, Mike đã phóng thích sức mạnh ghê hồn của nó ra Trái đất, tạo một quả cầu lửa có đường kính đáng kinh ngạc là 5 km. Chỉ trong vòng 90 giây, đám mây hình nấm đã bốc lên độ cao 17 km, rồi nhanh chóng tăng vọt lên 33 km chỉ một phút sau đó.


Cuối cùng, nó ổn định ở độ cao 41 km, phần đỉnh mở rộng có đường kính 161 km, còn phần thân rộng 32 km. Sức mạnh của vụ nổ kinh hoàng chưa từng có này đo được là 10,4 megaton.

Một báo cáo quân sự về lịch sử của Chiến dịch Ivy lưu ý: “Vụ nổ, như được chứng kiến từ các tàu khác nhau trên biển, không dễ gì mô tả. Cùng với ánh sáng rực rỡ, sức nóng được cảm nhận ngay lập tức ở khoảng cách từ 50 - 60 km. Quả cầu lửa khổng lồ, xuất hiện ở phía chân trời giống như Mặt trời khi mọc lên một nửa, nhanh chóng mở rộng sau một thời gian lơ lửng nhất thời”.

Sức công phá của quả bom dữ dội đến mức Elugelab, một hòn đảo đá đơn độc, ngay lập tức bị “bốc hơi”, để lại một miệng núi lửa lớn có đường kính 1,9 km và sâu 50 mét.

Vụ nổ còn tạo ra những con sóng cao tới 6 mét, cuốn sạch thảm thực vật xung quanh các hòn đảo lân cận. Chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử, Gordon Dean, đã tóm tắt ngắn gọn kết quả vụ thử dành cho Tổng thống mới nhậm chức, Dwight D. Eisenhower, với những từ ngữ lạnh lùng: “Đảo Elugelab đã biến mất!”.

Đảo Elugelab, thuộc đảo san hô vòng Enewetak, biến mất hoàn toàn sau vụ thử bom.

Hậu quả dai dẳng

Thử nghiệm của Ivy Mike cũng dẫn đến việc phát hiện ra hai nguyên tố mới. Ngay sau khi quả bom được kích nổ, một phi đội máy bay của Không quân Hoa Kỳ được lệnh bay qua đám mây nguyên tử.

Chúng được trang bị các thùng nhiên liệu cải tiến để thu giữ và lọc các mảnh vụn trong không khí. Sau đó, các bộ lọc này được bọc chì và gửi đến Los Alamos, New Mexico để phân tích.

Trong số những người bị hấp dẫn bởi “báu vật” khoa học tiềm năng chứa trong các bộ lọc này có nhà khoa học hạt nhân, Albert Ghiorso thuộc Đại học California, Berkeley. Ông suy đoán rằng, những bộ lọc này có thể chứa các nguyên tử đã biến đổi, thông qua phân rã phóng xạ, thành các nguyên tố 99 và 100 được dự đoán nhưng chưa khám phá.

Ghiorso, cùng với nhà hóa học Stanley Gerald Thompson và Glenn Seaborg, đã lấy được nửa tờ giấy lọc từ cuộc thử nghiệm của Ivy Mike. Trên đó, họ có thể phát hiện sự tồn tại của nguyên tố 99 và 100, được tạo ra bởi dòng neutron tập trung cực mạnh về vị trí phát nổ. Năm 1955, hai nguyên tố mới được đặt tên là einsteinium và fermium, để vinh danh Albert Einstein và Enrico Fermi.

Thử nghiệm hạt nhân trên đảo san hô vòng Enewetak kết thúc vào năm 1958. Năm 1977, quân đội Hoa Kỳ bắt đầu nhiệm vụ gian nan là khử nhiễm Enewetak và các đảo xung quanh.

Nỗ lực này liên quan đến việc cạo tỉ mỉ lớp đất mặt từ các khu vực bị ảnh hưởng, sau đó được trộn với xi măng trước khi chôn chúng trong một miệng núi lửa nguyên tử trên vùng đất phía Bắc của đảo Runit. Miệng núi lửa này có chiều rộng 110 mét và sâu 30 mét, sau đó được bao bọc trong các lớp bê tông bổ sung để tạo thành một mái vòm bảo vệ.


Năm 2000, một đợt dọn dẹp khác lại diễn ra. Lần này, thay vì cạo bỏ lớp đất mặt, người ta thay thế nó bằng lớp đất mặt sạch và tạo một mái vòm kho chứa chất thải phóng xạ khác tại một số địa điểm trên đảo san hô, các khu vực vẫn bị ô nhiễm trên Enewetak đã được xử lý bằng kali.

Đất không thể được xử lý hiệu quả cho mục đích sử dụng của con người đã được loại bỏ và sử dụng làm vật liệu lấp cho đường đắp cao nối các đảo chính của đảo san hô, Enewetak và Parry. Các nhà khoa học tin rằng, đảo san hô sẽ phù hợp cho con người sinh sống vào năm 2026 - 2027.

Enewetak là một phần của Quần đảo Marshall, bao gồm 40 đảo nhỏ và đảo san hô, trải rộng thành hình bầu dục, ban đầu do người Nhật nắm giữ từ năm 1914, nhưng sau bị Hoa Kỳ chiếm vào tháng 2 năm 1944. Nó trở thành căn cứ của Hải quân Hoa Kỳ trong hơn 40 năm, cho đến khi Quần đảo Marshall giành được độc lập vào năm 1986. Enewetak từng trở thành địa điểm thử nghiệm hạt nhân, với 43 vụ từ năm 1948 - 1958, làm thay đổi mãi mãi cảnh quan và ý nghĩa lịch sử của đảo này.

Theo Amusingplanet
Lê Du / Theo: giaoducthoidai
Link tham khảo:



Thursday, May 30, 2024

CẢNH TỰ TÂM SINH

Tâm bạn chứa điều gì, nó sẽ kết duyên gắn bó với điều đó, nói một cách ngắn gọn đó là “cảnh tự tâm sinh”.


Trong lòng gieo trồng hạt giống thù hận, hạt giống này sẽ trong không gian sinh mệnh của bạn mà bén rễ nảy mầm, trưởng thành kết quả, sau đó nó sẽ vô tình nuốt trọn lòng khoan dung. Ngược lại, nếu sự biết ơn luôn tồn tại và tỏa sáng trong lòng bạn, nó sẽ khiến các sinh mệnh không tốt dần bị biến mất đi từ lúc nào.

Trong lòng ẩn chứa sự đố kỵ, ẩn chứa sự tính toán, ẩn chứa sự tham lam, bạn sẽ không thể thoát khỏi bóng tối của sự hẹp hòi, bủn xỉn, ích kỷ, bạn sẽ ở trong cái vòng nhỏ hẹp tự cho là đúng của mình mà oán trời trách đất, mua dây buộc mình.

Trong lòng ẩn chứa sự so sánh với người khác, bạn sẽ lấy “sự so sánh với người khác” mà ngu ngốc tự dày vò bản thân.

Trong lòng ẩn chứa địa vị, nhà cửa, tiền bạc, cuộc sống của bạn sẽ bị cuốn theo một cách mệt mỏi vào vòng xoáy đan xen của “địa vị, nhà cửa, tiền bạc”. Khi bạn dần dần đạt được những thứ này, dục vọng của bạn sẽ thúc đẩy bạn truy cầu nhiều hơn, những thứ tốt hơn, cho tới khi bản thân hoàn toàn mê mờ mất phương hướng. Đợi đến khi đại nạn tới gõ cửa, bạn sẽ nhận ra điều mà sinh mệnh có thể mang đi chỉ là hai bàn tay trắng.


Ngược lại, nếu trong tâm bạn chứa đầy sự thiện lương, chứa đầy lòng khoan dung, chứa đầy lòng biết ơn, chứa đầy sự chân thành, bạn sẽ phát hiện ra rằng, cuộc sống của bạn thực sự tràn ngập ánh mặt trời. Bạn sẽ trải nghiệm được cảnh giới giải thoát thật sự mỹ diệu đẹp đẽ sau khi buông bỏ các tâm truy cầu điều này điều khác. Gặp phải bất kể mâu thuẫn gì, trước tiên bạn cần tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình, để rồi thay đổi suy nghĩ và hành động. Tất cả những điều không tốt của người khác đều không đáng để tâm tới, đều sẽ bị lòng bác ái bao la của bạn làm tiêu tan như băng tuyết.

Trong tâm có mang cả đất trời, có mang cả vũ trụ to lớn, bạn sẽ hòa tan vào bên trong trời đất và vũ trụ. Những thị phi, tranh đấu, tình cảm nam nữ, công danh lợi lộc, thăng quan tiến chức… tất cả nơi cõi nhân gian này chỉ là một vở kịch lướt qua giây lát trong mắt bạn, và sẽ giúp bạn cười một cách thoải mái.

1. Thà rằng giả vờ ngu ngốc, chứ đừng bao giờ tự cho rằng mình thông minh

Nguyên nhân là bởi mọi người thường ghét những người tự cho mình là thông minh. Sự vật khách quan rất phức tạp, hơn nữa cũng thay đổi rất nhanh, cho dù chỉ số thông minh của bạn cao tới đâu, cho dù bạn có cố gắng thông minh tới đâu, nhận thức bất cứ sự việc gì cũng đều không dễ dàng. Cho dù bạn nắm vững những kiến thức cần có (căn bản không thể hoàn toàn đầy đủ), nhưng chỉ trong chốc lát, nó lại có thể phát sinh thay đổi, hơn nữa vĩnh viễn sẽ không dừng lại. Vì vậy nên mãi mãi duy trì thái độ khiêm tốn thận trọng, dám thừa nhận đứng trước Tạo Hóa, bản thân vĩnh viễn là một kẻ ngốc.

Ảnh: Freepik.

2. Thà thua một cách quang minh chính đại, chứ đừng chỉ thắng không bại

Đặc biệt, tranh cãi luôn là không cần thiết. Bởi đại đa số mọi người đều có tâm lý hiếu thắng, chứ không muốn thua. Tốt nhất là cả hai cùng hòa. Cho dù là đối nội hay đối ngoại, giữa các cá nhân, chủ động chịu thiệt nhiều khi là lựa chọn tốt nhất.

3. Thà rằng chịu thiệt, chứ không nên chiếm giữ những tiện ích nhỏ

Bởi đại đa số mọi người đều thích chiếm tiện ích nhỏ, chứ không muốn chịu thiệt. Bạn cần tin rằng “chịu thiệt là phúc”. Đương nhiên nên ngăn chặn việc bị mắc lừa. Chẳng may có bị mắc mưu dính lừa, cùng đừng nên canh cánh để trong lòng. Tin rằng trời cao đất dày (quy luật tự nhiên và quy luật xã hội) nhất định sẽ nghiêm trị bọn họ, không cần tới bạn phải trừng trị họ.

4. Thà có thể cực nhọc, chứ đừng nên ham muốn hưởng lạc

Nguyên nhân là bởi ham muốn hưởng lạc dễ làm hao mòn ý chí, làm tâm hồn dễ sa ngã hư hỏng. Siêng năng vất vả cần cù một cách thích đáng, có thể rèn luyện bản thân, rèn luyện ý chí của mình.

5. Thà là người bình thường, chứ đừng nên mua danh buộc lợi

Bởi bình thường chính là hạnh phúc. Giở trò dối trá, mua danh buộc lợi, làm thể xác và tinh thần mệt mỏi, nếu gây chuyện thị phi, gieo gió sẽ gặt bão.

6. Thà tự tin vô căn cứ, chứ đừng nên bi quan mù quáng

Bởi vì tự tin là một loại sức mạnh, cho dù sự tự tin của bạn có đôi chút vô căn cứ, bạn có thể điều chỉnh tâm tính của mình trong quá trình thực hiện, tìm thấy vị trí thỏa đáng của mình. Nếu bạn tự ti một cách mù quáng, tự nhiên bạn sẽ mất đi tất cả và không tiến bước được gì.

Ảnh: Freepik.

7. Nên cầu mong khỏe mạnh, chứ đừng mong muốn công danh lợi lộc

Bởi sức khỏe là tài sản qúy nhất của sinh mệnh con người. Cho dù nguy hiểm có bất ngờ ập đến, cũng đừng nên từ bỏ hy vọng và tinh thần can đảm.

8. Thà rằng phải cần cù làm việc, cũng đừng nên không làm việc gì

Chăm chỉ cần cù là điều kiện cần thiết của mọi thành công, hơn nữa bản thân nó cũng là suối nguồn của hạnh phúc; nó có thể làm bạn cảm giác được thành công mỗi ngày.

9. Thà rằng kiên trì, chứ không thể vứt bỏ lý tưởng

Lý tưởng là ngọn hải đăng, là một loại sức mạnh nhân cách.

Làm người đừng nên gian trá, không có ai là ngốc cả!

Cảnh giới của sinh mệnh, tương lai của sinh mệnh, nói là đang ở trong mê, nhưng kỳ thực cũng giản đơn. Nó chỉ là nằm trong sự chọn lựa của bạn, chỉ để xem xem bạn chứa thứ gì trong tâm mình.

Theo NTD
Kiên Định biên dịch

ĐỀ LƯU QUAN TRƯƠNG ĐÀO VIÊN KẾT NGHĨA XỨ - NGUYỄN ĐỀ


Đề Lưu Quan Trương đào viên kết nghĩa xứ - Nguyễn Đề

Bôi tửu tương đề dị tính thân,
Tình vi huynh đệ nghĩa quân thần.
Thuỷ chung chí khí huyền thiên nhật,
Di hiểm can trường đối quỷ thần.
Trần cục tam phân vân cửu biến,
Đào viên thiên cổ cảnh trường xuân.
Sùng từ di tượng do đoàn tụ,
Chiêm ngưỡng nhân tri trọng đại luân.


題劉關張桃園結義處 - 阮提

杯酒相締異姓親 
情為兄弟義君臣
始終志氣懸天日
夷險干腸對鬼神
塵局三分雲久變
桃園千古景長春
崇祠遺像猶團聚
瞻仰人知重大倫


Thơ đề chốn vườn đào kết nghĩa giữa 
Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi
(Người dịch: Lâm Giang)

Chén rượu cùng nâng buổi kết thân
Tình là huynh đệ nghĩa quân thần
Thuỷ chung chí khí treo vừng nhật
Lòng dạ hiểm di thấu quỷ thần
Cuộc thế ba phần mây biến đổi
Vườn đào muôn thuở cảnh trường xuân
Tượng thờ trong miếu còn đoàn tụ
Chiêm ngưỡng người nay trọng đại luân


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Nguyễn Đề (阮提, 1761-1805), húy là Nễ, tự Nhất Quế, hiệu Quế Hiên (桂軒, Gia phả ghi là Quế Hiên công); sau đổi tên là Đề, tự Tiến Phủ, hiệu Tỉnh Kiên, biệt hiệu Văn Thôn Cư Sĩ, là nhà thơ Việt Nam ở cuối thế kỷ 18-đầu thế kỷ 19. Nguyễn Đề sinh ngày 13 tháng 2 năm Tân Tỵ (1761) tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Ông là con thứ sáu của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (1708-1755) và Trần Thị Tần (1740-1778), và là anh cùng mẹ với Nguyễn Du.

Nhờ cha làm quan lớn (Tể tướng), nên những năm tháng thiếu thời, ông sống khá yên vui cùng các anh em trong một cơ ngơi bề thế ở phường Bích Câu, trong kinh thành Thăng Long.
Nguyễn Đề làm quan với Tây Sơn và nhà Nguyễn khá tự nguyện và hăm hở, không mặc cảm, ít vướng bận nghĩa “trung quân”, thậm chí có lúc ông còn chỉ trích những người bảo thủ, lánh đời. Vì chuyện này, ông phải chịu không ít lời gièm pha. Trên ba trăm bài thơ của ông đều là những bài thơ vịnh cảnh, ngụ hứng, cảm hoài, thù tạc...Trong số đó có gần chục bài thơ viết cho em trai là Tố Như (tức Nguyễn Du)...Tuy viết bằng chữ Hán, nhưng thơ ông có giọng điệu bình dị, ít triết lý và được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ tinh tế mà không cầu kỳ và kiểu cách.


Nguyễn Đề là nhà thơ có tấm lòng nhân nghĩa, vị tha; có tâm hồn sâu lắng và nhiều trăn trở...Ngòi bút của ông bình dị, nhưng có nhiều bài hay, câu hay. Đặc biệt, ông có hàng chục bài thơ viết cho Nguyễn Du với tất cả tình cảm yêu thương của một người anh dành cho một đứa em trai có số phận khá vất vả, long đong. Lần Nguyễn Du nuôi chí chống Tây sơn, việc bại lộ bị bắt giam. Nhờ ông có thân quen với viên tướng Tây Sơn là Nguyễn Thận mà người em (Nguyễn Du) được thả. Tuy hai anh em sống cách xa nhau, và mỗi người một số phận; song họ luôn nhớ nhau, đặc biệt là tình cảm của ông đối với Nguyễn Du (và ngược lại) vô cùng sâu sắc. Đây thật là một thứ tình anh em hiếm thấy trong lịch sử Văn học Việt Nam.

Nguồn: Thi Viện

70 TUỔI, TÔI ƯỚC LÀM VIỆC NÀY SỚM HƠN ĐỂ NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI DỄ DÀNG, UNG DUNG CHẲNG DỰA VÀO CON CÁI

Người đàn ông Trung Quốc có cuộc sống hưu trí như ý sau khi rút ra những kinh nghiệm từ chính bản thân mình và quan sát người cao tuổi xung quanh.


Bài viết của tác giả họ Lưu, 70 tuổi trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)

Sau khi nghỉ hưu, tôi nhận ra sự thật rằng ai rồi cũng sẽ già đi, sẽ có nhiều nỗi lo và cả những lúc cô đơn, muộn phiền. Để tuổi hưu trí có thể hạnh phúc hơn, nhất định phải có sự chuẩn bị trước. Mỗi người sẽ có cách tận hưởng tuổi già riêng tùy theo hoàn cảnh sống của bản thân.

Với tôi, sau 10 năm nghỉ hưu, tôi ước mình nên làm những việc sau sớm hơn, như vậy mới có sức khỏe và tài chính ổn định, mối quan hệ gia đình hòa thuận – nền tảng quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống.

Khám sức khỏe định kỳ

Tuổi già là lúc cơ thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe. Điều này khiến tôi lo ngại mỗi khi đi khám sức khỏe định kỳ, sợ rằng sẽ mắc thêm bệnh, tốn kém chi phí điều trị và phải ở trong bệnh viện một cách cô đơn, buồn chán.


Thế nhưng khi nhận ra nhiều người bạn xung quanh mắc bệnh đến giai đoạn gần cuối mới nhập viện, có người còn quá muộn để cứu chữa thì tôi mới hiểu sức khỏe là khoản bản thân không nên tiếc. Không tránh được bệnh tật nhưng tôi nghĩ bản thân có thể phòng ngừa và kiểm soát ở mức độ nhất định.

Tôi tự đi khám sức khỏe định kỳ, tự theo dõi các chỉ số như huyết áp, đường huyết, nhịp tim đều đặn cũng như lựa chọn chế độ ăn ít gia vị, ít chất béo. Nhờ vậy mà 70 tuổi các chỉ số sức khỏe của tôi được bác sĩ nhận xét ổn định hơn so với người cùng tuổi, nền tảng thể lực cũng tốt hơn so với thời gian trước.

Chú ý đến giấc ngủ

Tôi vẫn thường nghe mọi người nhắc nhở về việc nên chăm vận động khi về già nhưng không phải ai cũng chú ý đến cách nghỉ ngơi đúng. Tuổi càng cao, tôi càng thấy khó ngủ, điều này dẫn đến tình trạng uể oải khi thức dậy, ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất trong suốt cả ngày dài.

Ban đầu tôi không quá để tâm, chỉ nghỉ có thể ngủ trưa bù. Trên thực tế giấc ngủ trưa kéo dài quá 1 tiếng chỉ làm cơ thể thêm phần mệt mỏi. Ngủ đều đặn mới có thể giúp người cao tuổi duy trì sự ổn định của đồng hồ sinh học, phục hồi thể lực và tăng cường khả năng miễn dịch.

Khi bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của giấc ngủ, tôi không xem tivi hay điện thoại ít nhất 1 tiếng trước khi ngủ. Thay vào đó tôi đọc sách hoặc ngồi thiền, ngâm chân nước ấm, thư giãn cơ thể để dễ ngủ hơn. Ngoài ra tôi duy trì ngủ trưa 20-30 phút để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ tối. Ăn tối trước 18h cũng giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn tốt hơn, tránh cảm giác đầy hơi, khó tiêu khi đến giờ lên giường.


Sống độc lập với con cái

Vừa nghỉ hưu, tôi và vợ liền chuyển đến nhà con trai sống. Tuy nhiên tôi nhanh chóng hiểu rằng đây không phải cách nghỉ hưu phù hợp với bản thân. Người cao tuổi và người trẻ có nhiều khác biệt trong suy nghĩ, thói quen sinh hoạt dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có, gây sứt mẻ tình cảm.

Vậy nên để tránh hiềm khích, tôi lựa chọn trở về quê, cùng vợ sống tự do tự tại theo ý mình. Tôi cũng tiết kiệm lương hưu mỗi tháng để không cần phụ thuộc tài chính vào con cái. Các con tôi cũng có sự độc lập, không ỷ lại bố mẹ trong chuyện chăm cháu, làm việc nhà còn chúng tôi được thảnh thơi, không cần lo bị con cái ghét bỏ do quan điểm sống khác nhau. Tôi ước mình nhận ra điều này sớm hơn để không còn khoảng thời gian căng thẳng với con cháu.

Trân trọng từng giây phút bên người bạn đời


Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời, tôi cảm thấy may mắn khi luôn có người đồng hành đáng tin cậy là vợ bên cạnh. Tuy đến tuổi này vẫn có những lúc mâu thuẫn nhưng tôi không còn cố tranh cãi đến cùng với vợ như trước mà chọn cách giải quyết bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo hơn mỗi khi nói để tránh làm vợ buồn.

Chúng tôi dành thời gian đi du lịch mỗi khi có điểm đến cả 2 hứng thú, cùng làm vườn, tập thể dục, nấu ăn, trò chuyện mỗi ngày. Có sở thích riêng, đời sống tinh thần phong phú cũng là cách vợ chồng tôi vui khỏe tuổi già không dựa vào con cái. Sinh, lão, bệnh, tử để quy luật không tránh khỏi, tôi lo lắng một ngày một trong hai ra đi trước, bản thân tôi sẽ hối tiếc vì không trân trọng những phút giây bên người thân yêu nhất.

Kim Linh / Theo: Đời sống Pháp luật

Wednesday, May 29, 2024

THÀNH CỔ GIAO HÀ, TÂN CƯƠNG

Giao Hà là một địa điểm khảo cổ học của Trung Quốc nằm ở thung lũng Yarnaz, cách thành phố Turfan 10 km về phía Tây thuộc khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Đây là một pháo đài nằm trên đỉnh một vách đá dốc đứng, trên một cao nguyên có hình dáng như chiếc lá, nằm giữa hai thung lũng sông sâu. Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa Quốc gia Nara và Cục Di sản văn hóa Tân Cương đã hợp tác trong một dự án để bảo tồn các di tích của Giao Hà từ năm 1992.

Thành cổ Giao Hà.

Trong số những người dân định cư đầu tiên của khu vực này là những người Tochari (Thổ Hỏa La) thuộc Hệ ngôn ngữ Ấn-Âu, tại lòng chảo Tarim và lưu vực Turfan lưu vực từ trước năm 1800 TCN. Từ năm 108 TCN đến năm 450, Giao Hà là kinh đô của các vương quốc Tiền Gushi, đồng thời với triều đại nhà Hán, Tấn, và Nam-Bắc triều ở Trung Quốc.


Đây cũng chính là một địa điểm quan trọng dọc theo Con đường tơ lụa, tuyến đường thương mại về phía tây, và giáp với các vương quốc Korla (Khố Nhĩ Lặc) và Karasahr (Yên Kỳ) ở phía Tây. Từ năm 450 đến 640, nó thuộc quận Cao Xương của vương quốc Cao Xương, và năm 640 nó đã được nhà Đường đổi thành huyện Giao Hà. Từ năm 640 đến 658, nó là nơi đóng trị sở của An Tây đô hộ phủ, tiền đồn quân sự cao nhất Trung Quốc đóng ở miền tây. Từ đầu thế kỷ 9, nó đã trở thành huyện Giao Hà của người Cao Xương Hồi Cốt, cho đến khi vương quốc của họ bị người Kyrgyz chinh phục vào năm 840.

Một ngôi chùa Phật giáo.

Thành phố được xây dựng trên một "hòn đảo" lớn có chiều dài 1.650 mét, rộng tới 300 mét (chỗ rộng nhất) ở giữa một con sông hình thành hàng rào tự nhiên, đây chính là lý do mà thành phố không hề có bất cứ một bức tường bảo vệ nào. Thay vào đó, vách đá dựng đứng cao hơn 30 mét phía bờ sông đã trở thành bức tường tự nhiên. Cách bố trí của thành phố có khu dân cư phía đông và phía tây, trong khi phía Bắc dành cho các đền thờ và tháp Phật giáo. Cùng với đó là một nghĩa trang rất đáng chú ý và những tàn tích của một phủ làm việc lớn ở phần phía đông nam. Ước tính dân số tại đây là khoảng 7.000 theo thống kê dưới triều đại nhà Đường. Thành phố bị bỏ rơi sau khi nó bị phá hủy trong một cuộc xâm lược của quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn chỉ huy vào thế kỷ 13.


Các di tích được quan tâm bởi các nhà khảo cổ học và nhà thám hiểm Aurel Stein, người đã mô tả lại "một mê cung của những ngôi nhà đổ nát và đền thờ được chạm khắc xây dựng từ hoàng thổ". Di chỉ khảo cổ đã được khai quật một phần trong những năm 1950 và đã được bảo vệ bởi Chính phủ Trung Quốc kể từ năm 1961. Hiện nay, chính phủ Trung Quốc và các tổ chức đang cố gắng để bảo vệ địa điểm khảo cổ này cũng như các thành phố, di tích khác trên con đường tơ lụa. Điều này bước đầu đã thành công khi Giao Hà trở thành một trong số 22 địa điểm của Trung Quốc được công nhận là Di sản thế giới vào năm 2014 dưới tên Con đường tơ lụa: Mạng đường Trường An - Hành lang Thiên Sơn.

Theo Vietkings (tổng hợp) - Theo Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings.org)



ANH HÙNG LÀ GÌ? CẦN ĐỊNH NGHĨA THẾ NÀO VỀ HAI CHỮ "ANH HÙNG"?

“Anh hùng”, từng được hiểu là một mẫu người tài năng, mẫu mực. Nhưng ngày nay “anh hùng” đôi khi lại được hiểu theo cách méo mó. Để dễ bàn luận, chúng ta cần hiểu nghĩa căn bản của hai chữ anh hùng.


Anh hùng là gì? Anh hùng là người tài năng xuất chúng, công to, đức cả khiến mọi người đều kính phục. Thế mà giữa xã hội này, mỗi người quan niệm anh hùng theo mỗi cách. Phim ảnh giải trí hiện nay đang nhồi nhét đầy rẫy các hình tượng “siêu anh hùng”. Chỉ có các nhân vật sở hữu sức mạnh và khả năng đặc biệt mới xứng được Hollywood cho vào danh sách này. Tuy nhiên, có thể bạn còn chưa biết, lịch sử luôn có những nhân vật anh hùng mà không cần khả năng gì đặc biệt.

1. Anh hùng Lưu Bị

Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, hành động được Lưu Bị làm nhiều nhất có lẽ là… khóc. Gặp Quan Trương, khóc. Gặp Thủy Kính, khóc. Gặp Gia Cát, khóc. Gặp Lỗ Túc, khóc. Gặp vua Hán, khóc. Gặp đâu khóc đó. Nhiều người cho rằng như vậy là bạc nhược, kém cỏi. Ngược lại, Tào Tháo cười suốt ngày. Tuy nhiên thứ nhất, “khóc” là do La Quán Trung “khóc” hộ; thứ hai, không phải cứ cười mới là anh hùng.

Lưu Bị là một người bị cho là mềm yếu

Lưu Bị là một người bán giày dệt chiếu, chẳng biết có phải dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương thật hay không, nhưng dù sao cũng có học hành, lại biết chút võ vẽ chứ không phải không, vậy chắc cũng không phải loại tầm thường. Riêng cái việc nhân lúc thiên hạ đại loạn mà dấy binh khởi nghiệp đã không phải việc của kẻ tầm thường, bảo Lưu Bị không anh hùng là không phải.

Lưu Bị khởi nghiệp tới hơn năm mươi tuổi mà chẳng đánh thắng nổi trận nào, bỏ chạy sang Đông Ngô cầu viện, sau đó nhờ Chu Du chỉ huy thắng lợi chiến dịch Xích Bích lịch sử lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, mà Lưu Bị cũng có chút đất đai, lại có thời gian chỉnh đốn quân đội vì không bị Tào Tháo đuổi nữa. Nghe chừng thì thảm bại, nhưng nếu không phải Lưu Bị mà là Viên Thiệu, Viên Thuật chẳng hạn, thì liệu có chịu nổi cú sốc đó không? Một người đến năm mươi tuổi vẫn trắng tay, mà kiên trì không từ bỏ, nói người đó không phải anh hùng thì thật lạ.

Lưu Bị được thiên hạ tôn làm anh hùng, chứ không phải ai đặt ra. Tào Tháo khi gặp Lưu Bị uống rượu luận anh hùng, từng nói rằng (lúc đó Lưu Bị thân cô thế cô, tướng chỉ có Quan Trương, quân không có mống nào): “Anh hùng thiên hạ ngày nay, chỉ có Tháo và sứ quân mà thôi”. Lưu Bị giật mình đánh rơi cả đũa, không phải vì sợ, mà vì quá bất ngờ. Vốn đã giấu mình kỹ thế, hàng ngày chỉ trồng rau cắt cỏ, mà Tào Tháo vẫn nhận ra “chân tướng”, làm sao không giật mình được.

2. Tống Giang

Tống Giang, anh là ai? Vốn làm một chức áp ti quèn, rồi lỡ tay giết Diêm Tích Kiều mà bỏ nhà chạy trốn, rồi làm thơ phản bị bắt, kết án tử hình, suýt thì mất đầu, may nhờ bọn Tiều Cái, Lí Quì đến cứu. Chẳng ngờ cuối cùng là “lạc thảo” (làm cướp). Sau khi Tiều Cái mất, nhờ quan hệ tốt mà được đôn lên làm đầu lĩnh.

Tống Giang, võ kém cả Lưu Bị, mưu mẹo không thể so với Ngô Dụng, Công Tôn Thắng, nhưng tại sao lại được các hảo hán ủng hộ đến vậy? Lí do đơn giản là: Tống Giang là anh hùng.


Thứ nhất, Tống Giang là người có tấm lòng rộng lượng, thời còn làm áp ti, dù lương nhà nước ba cọc ba đồng nhưng vẫn dốc gia sản giúp đỡ người khác, dù đi làm quan nhưng quan hệ với giới giang hồ đâm chém cũng rất tốt.

Thứ hai, Tống Giang dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn có phong thái lãnh đạo. Dù là trên đường đi lưu đày, nhưng đám Trương Hoành, Trương Thuận, Mục Xuân, Mục Hoằng, Quách Thịnh, Lã Phương… cứ nhìn thấy Tống Giang là bái rạp gọi bằng bác xưng em hết. Sức hiệu triệu của Tống Giang là cực lớn, lớn hơn Tiều Cái rất nhiều. Kể ra, những người lên Lương Sơn theo Tiều Cái chỉ có ba anh em họ Nguyễn, Công Tôn Thắng, Ngô Dụng, Bạch Thắng; sau này Lâm Xung giết Vương Luân đưa Tiều Cái lên làm đầu lĩnh nữa. Số còn lại, tất tần tật đều lên Lương Sơn vì nghe nói có Tống Giang trên đó.

Thứ ba, có gan. Đầu tiên tất nhiên là có gan làm phản. Thứ nữa là có gan đánh trận. Nói thì đơn giản, nhưng thực sự rất là không đơn giản. Có người nói Tống Giang đâu phải đánh đấm gì, chỉ ra trước trận hò hét, nhưng thử nghĩ một tay quan văn mà trận nào cũng hăng hái bôn ba, võ không bằng Lâm Xung, mưu kém xa Ngô Dụng, mà nói một câu ai cũng phải nghe, thử xem có mấy người làm được?

3. Chỉ có anh hùng mới hiểu nhau

Người ta có câu “anh hùng tương tích”, tức là anh hùng thì hiểu lòng nhau, quý mến nhau. Lưu Bị võ kém Quan Trương, mưu thua Gia Cát. Tống Giang võ kém Lâm Xung, mưu thua Ngô Dụng. Vậy tại sao những người giỏi võ, giỏi mưu hơn lại cam chịu ở dưới trướng họ? Bởi vì anh hùng không phải chỉ là biết võ biết mưu. Anh hùng là ở cốt cách, khí phách, ý chí. Những võ tướng tài giỏi, những hảo hán Lương Sơn đâu có đời nào lại chịu nghe một kẻ nhu nhược chỉ huy? Đừng nói toàn là những tay hảo hán, mà ngay cả người bình thường, gặp kẻ nhu nhược đớn hèn chỉ huy, phỏng có ai chịu tuân theo mệnh lệnh?

Cốt cách anh hùng đấy, nói thì trừu tượng, nhưng nó cũng có những biểu hiện rất cụ thể mà cả ở Lưu Bị và Tống Giang đều thấy rõ, đó là không ngại khó, không ngại khổ, không sợ nguy hiểm; gặp nghịch cảnh vẫn hiên ngang, gặp cường địch vẫn bình thản. Đó là những tính cách mà tất cả đàn ông trên đời đều phải học tập.

4. Định kiến


Có nhiều người ghét Tống Giang vì lí do là nhận chiêu an của triều đình. Vậy ta thử phân tích xem nếu không chiêu an thì sẽ ra sao.

Nếu không chịu nhận chiêu an thì Lương Sơn vẫn còn, nhưng còn đến bao giờ và còn để làm gì? Nếu muốn làm việc lớn hơn như thay đổi triều đại, thì Lương Sơn phải liên kết với các thế lực khác, mạnh nhất có lẽ là Phương Lạp. Tuy nhiên, điều đó không đơn giản, Phương Lạp là kẻ kiêu hùng, không phải mấy tay hảo hán nhỏ lẻ trên giang hồ. Hơn nữa, cho dù giải quyết xong các nhóm khác cũng chưa chắc đã lập được triều đình riêng. Quân Lương Sơn chỉ mạnh khi ở Lương Sơn, lợi dụng địa hình địa vật để phòng thủ tấn công. Còn ra khỏi Lương Sơn thì chưa biết sẽ ra sao.

Cho dù có lập được triều đình đi nữa, thì rồi triều đình đó sẽ ra sao? Dù nói gì thì nói, Lương Sơn Bạc vẫn là “đầu trộm đuôi cướp”, tập hợp dân giang hồ tứ chiến, không chịu bị ràng buộc vào quan tước, ghét đám quan quân như ghét rắn rết. Tự nhiên bây giờ bắt họ làm quan, họ có làm không?

Lương Sơn oai hùng nhưng thực ra là không có chỗ dung thân. Nếu không nhận chiêu an, họ mãi mãi là phường thảo khấu, chiếm giữ một Lương Sơn bé tí, cả đời không có lối thoát. Vì vậy, nhận chiêu an không phải việc gì sai lầm, mà là Tống Giang suy nghĩ trên cơ sở có tương lai cho anh em.

Sai lầm của Tống Giang là có, nhưng không phải ở việc chiêu an. Sai lầm là sau khi chiêu an xong không biết phải làm gì. Ông đi đánh Phương Lạp thì không hề gì, nhưng thói đời hết chim thì cất cung, hết thỏ thì giết chó săn, Tống Giang không hiểu cái đạo lí đó (vì làm quan bé quá nên ít trải nghiệm). Đáng ra ông đứng giữa Phương Lạp và triều đình thì ông phải rất có lợi, bên nào mạnh hơn thì ông ngả theo bên đó mà đòi tiền bên kia. Đừng nói chuyện “chính nghĩa” gì ở đây, vì Tống Giang cũng lừa nhiều người lên Lương Sơn lắm rồi. “Chính nghĩa” là đảm bảo cho anh em một con đường sống. Tống Giang trong lúc nông nổi đã không làm được. Âu cũng là cái vận hạn của Lương Sơn.

Còn nước Thục, mất nước một phần do Lưu Bị thua trận, nhưng ai chẳng có lúc thua trận. Tào Tháo thua trận Xích Bích chẳng nặng nề hơn Lưu Bị thua trận Di Lăng. Vấn đề ở chỗ, Tào Tháo lúc đó còn khỏe mạnh, còn có cơ hội sửa sai, còn Lưu Bị đã già yếu, thua trận xong chẳng bao lâu thì qua đời. Nói khí số nhà Hán hết là vậy. Không cần phải đổ lỗi hết cho Lưu Bị.

Nói tóm lại, anh hùng trong thiên hạ thành hay bại đều do phần số đã định.

5. Kết luận

Xưa nay chớ đem thành bại luận anh hùng, kẻ dám nghĩ dám làm, không ngại gian khó, hiểm nguy, ý chí kiên định, hết thảy đều là anh hùng. Tích anh hùng xưa nay đều nhiều, đều để lại cho hậu thế nhiều bài học cả, nhớ mà ghi lấy đặng tự răn mình. Còn chuyện công danh thành bại, tựa hồ mây khói qua trước mắt, tan biến lúc nào chẳng hay, không cần bận lòng làm chi.

“Cổ kim đa thiểu sự
Đô phó tiếu đàm trung”.

Bruce Phan / Theo: Mặc Nhiên Đường

BÍ ẨN GỐC ME TÂY GIÁ 24 TỶ ĐỒNG, CHỦ NHÂN DÀNH GẦN 2 NĂM TẠO HÌNH CỬU LONG CANH NGỌC

Từ thời còn là thợ điêu khắc học việc, anh Tâm đã ấp ủ ý tưởng làm một tác phẩm để đời. 24 năm sau, có duyên với những gốc me tây, anh mới hoàn thành tâm nguyện.

Anh Võ Văn Tâm và tác phẩm tạo hình từ gốc me tây đặc biệt

Từ gốc me tây bỏ đi đến phù điêu 9 rồng đạt kỷ lục

Với ai đó, những gốc cây lớn hàng trăm năm, hình thù cổ quái đến đâu cũng chỉ là gỗ bỏ đi. Còn với những nghệ nhân điêu khắc như anh Võ Văn Tâm (ấp Hiệp Sơn, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), đó chắc chắn là báu vật.

Vốn là thợ điêu khắc, tạo nên những đồ trang trí từ gốc cây, nhưng 5 năm trước, khi vô tình "vấp phải" 2 gốc me tây khổng lồ, anh Tâm quyết thực hiện tác phẩm để đời của mình.

Anh Tâm kể, hơn 20 năm trước, khi còn là thợ điêu khắc học nghề ở Đồng Nai, anh đã có ước mơ có thể làm được một tác phẩm thật lớn để lưu lại tên tuổi. Từ khi anh ra nghề (năm 2000) cho tới khi được chào mua 2 gốc me tây khổng lồ, ước mơ ấy chưa từng nguôi.

Khi được chào mua 2 gốc me tây có dáng rồng cuộn, anh bỗng có "linh cảm" về việc biến nó thành tác phẩm lớn. Anh Tâm đã dành 3 năm sau đó để săn lùng khắp nơi, mua được 7 gốc me tây nữa rồi bắt tay vào việc khắc bức "Đông Hải long châu".

"Đông Hải long châu" là tác phẩm điêu khắc tâm đắc nhất của anh Tâm

Vì không có phác thảo ý tưởng trên bản vẽ, tất cả hình dung trong đầu, anh Tâm mất nhiều ngày mới có thể định hình được cách ghép 9 gốc me tây vào với nhau. "Mỗi gốc cây hồi chưa đục đẽo nặng dữ lắm, có gốc nặng cả tấn, đâu thể dùng tay mà bê vác được.

Tôi phải thuê xe cẩu, thử xoay chuyển từng gốc, tìm phương án ghép lại, rồi suy nghĩ các thế lý tưởng có thể tạo hình. Không ưng lại cẩu xuống, mấy hôm sau xếp lại. Cũng mất nhiều thời gian mới nảy ra trong đầu thế 9 con rồng cuộn vào nhau, cùng ôm trân châu như hiện tại",
anh Tâm cho hay.

Sau 5 năm dồn công sức, anh mới hoàn thiện tác phẩm

Tổng thể cả khối dài 12m, chiều cao 3,5m, chiều sâu 2,8m. Điều khiến anh Tâm tự hào nhất đó là anh điêu khắc hết sức tỉ mỉ, chen vào tận các hốc giữa các khối rễ để tạo hình. Riêng thời gian chạm khắc đã mất gần 2 năm.

Từng góc cạnh của tác phẩm đều được anh chăm chút, chạm khắc tinh xảo

Khi tác phẩm Đông Hải long châu của anh Tâm hoàn thiện vào dịp Tết nguyên đán 2024, tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu đã đến xác nhận, trao chứng nhận bức điêu khắc rồng làm từ gỗ me tây lớn nhất Việt Nam.

Từng chú rồng trong tác phẩm đều có thần thái uy nghiêm

Chủ ra giá 24 tỷ, đại gia đem 10 tỷ đến nài nỉ đành bỏ về

Tác phẩm này mang hình dáng của 9 con rồng cuộn lẫn nhau, bảo vệ ngọc quý. Mỗi con mỗi dáng nhưng đều có đầy đủ đầu, chân, đùi, thân hình, đuôi. Ngoài ra, dưới chân bức tượng còn có 9 con cá chép đang quẫy nước.

Tác phẩm mang hồn vía, địa hình sông nước và cả tính cách phóng khoáng, quần tụ, yêu thương nhau của người miền Tây.

Mảnh đất đồng bằng sông Cửu Long tạo cảm hứng để anh Tâm sáng tác

Anh lý giải, là một người miền Tây, anh tạo tác phẩm với 9 con rồng như ẩn dụ cho vùng đất đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, trân châu là linh khí miền Tây, 9 con cá chép tượng trưng cho vượng khí, cho thế hệ tương lai chờ đến lúc hóa rồng.

Nghệ nhân chú ý đến từng chiếc móng vuốt, cái râu, vảy... khi tạo hình rồng

Hiện tại, tác phẩm của anh Tâm đang được trưng bày tại xưởng làm việc. Anh Tâm đã làm mái che, đang cho sơn phủ lên toàn bộ tác phẩm. Anh dự định sau khi hoàn thiện, anh sẽ làm khung kính để tránh bụi và những tác động xấu từ thời tiết có thể ảnh hưởng đến tác phẩm.

Me tây vốn là loại cây lâu năm, chất gỗ tốt, ổn định, có độ bền tốt, không bị tác động ăn mòn của mối mọt. Tuy nhiên, anh Tâm muốn bảo quản thật tốt để tác phẩm có thể lưu giữ lâu dài.

Những màu sắc tự nhiên, vân gỗ của các gốc me tây tạo nên màu sắc uyển chuyển của tác phẩm

Tác phẩm này đang được anh Tâm định giá 24 tỷ đồng. Con số này như một dấu mốc kỷ niệm 24 năm anh ra nghề, cũng là năm hoàn thiện ước mơ cuộc đời anh (2024). Thời điểm trước, đã có người đến tham quan và trả hơn 10 tỷ đồng, nhưng anh Tâm không chịu bán.

Anh cho biết, ngoài chất xám và tâm huyết, anh cũng đầu tư khá nhiều tài chính để làm tác phẩm này. Tiền mua gỗ, vật tư, công vận chuyển thời điểm tạo hình cũng rất lớn, không tiện tiết lộ.

9 cá chép quẫy nước được khắc phía dưới bức tượng, ẩn dụ cho thế hệ kế cận sẵn sàng để hóa rồng

Bên cạnh đó, trong 18 tháng liên tục, anh cũng thuê thêm 6 người thợ nữa từ Huế vào, cùng mình tạo tác. Tiền công cho thợ chính 1 triệu/ngày, thợ phụ 800 - 900 nghìn/ngày, thợ gọt 500 - 600 nghìn/ngày, chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt phí cho thợ.

Và thứ khó định giá nhất là tài năng, chất lượng nghệ thuật, là giấc mơ ấp ủ 20 năm của nghệ nhân. Anh Tâm tin rằng, 24 tỷ đồng là giá xứng đáng cho tác phẩm giàu ý nghĩa này.

Theo Bích Chi / Theo: ĐSPL



CỔ NHÂN DẠY "NHÂN SINH TỨ TAI", TRÁNH SỚM ĐỂ ĐƯỢC PHÚC BÁO

Cổ nhân từng nói: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu.” Điều này có nghĩa là họa và phúc là do chính con người tạo ra. Ban đầu, bạn có thể không gánh chịu bất kỳ tai họa nào, nhưng lại vì bất cẩn và không chú ý trong cách ứng xử, giao tiếp mà tự gây ra rắc rối cho bản thân mình. Do đó, người xưa nói về “nhân sinh tứ tai”, khi gặp rắc rối, đừng nghĩ rằng mình đã va phải điều gì xui xẻo, mà nên tự kiểm điểm xem liệu mình đã làm điều gì liên quan đến bốn tai họa hay không. Vậy bốn tai họa ở đây cụ thể là những việc gì?


1. Tai họa từ lời nói

Có câu thành ngữ “thị phi khẩu thiệt”, tức là nói tới việc dính dấp vào chuyện mồm lưỡi – đúng sai, ý chỉ tai họa bắt nguồn từ miệng mà ra. Người ta thường nói rằng người tốt tại miệng, miệng lành thì được hưởng lợi tứ phương. Tuy nhiên, một câu nói vô tình cũng có thể mang đến tai họa. Có những người cảm thấy bản thân có địa vị và quyền thế, cho rằng dù có nói sai điều gì đi chăng nữa, người khác cũng không dám làm gì mình.

Thời Tây Tấn có một vị hoàng đế tên là Tư Mã Diệu, chỉ vì buông lời đùa cợt với phi tần mà bị phi tần sát hại. Dẫu là hoàng đế cao quý thì cũng vì một câu nói đùa mà mất mạng. Còn có trường hợp như Dương Tu, tài năng xuất chúng nhưng không kiềm được miệng lưỡi mà bị Tào Tháo giết hại. Vì vậy, những người dân bình thường càng cần chú ý nhắc nhở bản thân, cẩn trọng lời nói và hành động thì mới có thể tránh được tai họa.

2. Tai họa từ sự kiêu ngạo

Sự kiêu ngạo không nhất thiết là chỉ những người có tính kiêu căng, mà bất kỳ ai không có lòng kính sợ đều rơi vào danh sách kiêu ngạo. Tất nhiên, những người thường xuyên phát ngôn kiêu căng, tự cho mình không sợ trời không sợ đất thường sẽ nhanh chóng gánh chịu hậu quả. Nhưng đôi khi, những người bình thường và chân thật cũng có thể rơi vào tai họa kiêu ngạo vì thiếu sự kính sợ. Hãy lấy một ví dụ đơn giản, các luật lệ giao thông được thiết lập để đảm bảo sự an toàn cho mọi người, chúng ta nên giữ sự kính sợ cần thiết đối với tính mạng của bản thân và người khác. Những người vượt đèn đỏ hoặc lái xe quá tốc độ do say rượu, cuối cùng gặp phải tai nạn chính là do họ không coi trọng và tuân thủ các quy tắc đặt ra.

3. Tai họa từ lòng tham

Có người nói rằng lòng tham là bản tính của con người, nhiều tội ác trong xã hội đều bắt nguồn từ lòng tham. Có người tham tiền, có người tham sắc, còn có người tham danh vọng và lợi ích, mọi tai họa đều xuất phát từ chữ “tham”. Những người tham lam thì dễ bị lừa, trong xã hội ngày nay có rất nhiều người gặp phải các hình thức lừa đảo điện thoại hoặc lừa đảo tài chính, đa số đều là do bị cám dỗ bởi lòng tham, không biết rằng mình đang là miếng mồi ngon của những kẻ lừa đảo.

4. Tai họa vô cớ

Tai họa vô cớ là gì? Nghĩa là gặp phải những tai nạn không lý do, chẳng hạn như bạn đang đi trên đường, bất ngờ có một viên gạch rơi từ trên tòa nhà cao và đập trúng đầu bạn, điều này gọi là tai họa vô cớ. Nhưng liệu tai họa vô cớ có thể tránh được không? Tất nhiên là có, bởi vì “họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu”. Người xưa tin vào nhân quả báo ứng, “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, hôm qua làm điều gian ác thì hôm nay phải chịu hậu quả. Vậy nên, muốn tránh tai họa vô cớ thì phải hành thiện tích đức, đắc được phúc báo, tránh xa tai họa.

Lan Chi biên dịch
Theo: vandieuhay

Tuesday, May 28, 2024

MỘT DÂN TỘC BỖNG NHIÊN BIẾN MẤT KHÒI NHÂN GIAN

Một bí ẩn thiên cổ! Hàng triệu người đã biến mất khỏi nhân gian chỉ sau một đêm, và lại tái xuất hiện sau 900 năm? Xét nghiệm DNA tiết lộ manh mối, sự thật rốt cuộc là gì?


Hôm nay chúng ta sẽ nói về một vụ mất tích bí ẩn quy mô lớn từ 900 năm trước. Hàng triệu người biến mất trong một khoảng thời gian ngắn, không ai biết họ đã đi đâu. Họ là người Khiết Đan đã cai trị miền bắc Trung Quốc trong 200 năm.

Khiết Đan chính là Trung Quốc?!

“Khiết Đan” có nghĩa là thép hoặc đao kiếm trong tiếng Khiết Đan. Nhìn vào cái tên này là biết, dân tộc này khẳng định là kiêu dũng thiện chiến. Quả thực là, năm đó kỵ binh Đại Liêu do người Khiết Đan kiến lập đi đến đâu cũng đều có rất ít địch thủ. Một quốc gia rộng lớn đã sớm được kiến lập, trải dài từ biển Nhật Bản về phía đông, dãy núi Altai của Kazakhstan ở phía tây, đến dãy núi Đại Hưng An Lĩnh ở phía bắc, mà hiện tại là khu vực sông Ergun biên giới giữa Trung Quốc và Nga, đến sông Hà Câu ở phía nam tỉnh Hà Bắc, uy danh lẫy lừng. Thậm chí khi đó, các nước Tây Á và châu Âu chỉ biết đến Khiết Đan chứ không biết có đại Tống.

Ngay cả bây giờ, không ít quốc gia vẫn gọi Trung Quốc là Khitan, tức Khiết Đan. Ví dụ: Trung Quốc trong tiếng Nga là “Китай” (âm thanh: Kitai), người Tây Ban Nha gọi Trung Quốc là “Catay”, và người Iran ở Tây Á cũng gọi Trung Quốc là “Katay”. Thậm chí còn có một danh từ cổ “Cathay” trong tiếng Anh đề cập cụ thể đến Trung Quốc. Tên tiếng Anh của hãng hàng không lớn nhất Hồng Kông, Cathay Pacific, dịch ra là “Hàng không Trung Quốc Thái Bình Dương”.

Tuy nhiên, kỵ binh Khiết Đan khi tới Vạn Lý Trường Thành đã bị chặn chết ở đó, cuối cùng không thể thống nhất được Trung Nguyên như người Mông Cổ. Tại sao? Bởi vì có một vị tướng họ Dương cũng kiêu dũng thiện chiến như vậy.

Các thợ săn người Khiết Đan. (Tranh thời Tống - Miền công cộng)

Tướng quân Dương gia vô địch

Dương lão lệnh công Dương Nghiệp năm đó đã giao đấu với người Khiết Đan ở biên giới hàng chục năm, ông không thua trận nào, sau này ông được mệnh danh là “Dương vô địch”. Thật không may, ông khi đi gặp một người bạn đã vô tình bị người Khiết Đan bắt giữ. Người Khiết Đan quý tài của ông, nói rằng hỡi lão tướng quân, ông có thể tham gia cùng chúng tôi, giúp chúng tôi thống nhất thiên hạ, và ông cũng sẽ làm nên vinh quang cho tổ tiên của mình. Nhưng Dương Nghiệp đến chết cũng không chịu hợp tác, tuyệt thực ba ngày rồi qua đời.

Người Khiết Đan tuy buồn bực nhưng cũng có chút vui mừng, một khi tảng đá lớn Dương Nghiệp bị dỡ bỏ, tiến về phương nam sẽ không thành vấn đề. Đại nghiệp thống nhất sắp đến gần. Đáng tiếc, điều họ không ngờ tới chính là đã xuất hiện một người còn lợi hại hơn Dương Nghiệp, đây chính là con trai cả của ông, Dương Diên Chiêu.

Nhắc tới Dương Diên Chiêu, ông còn có một cái tên quen thuộc hơn là Dương Lục Lang. Là con trai trưởng, nên phải gọi là Dương Đại Lang mới đúng, tại sao lại gọi là Lục Lang? Điều này cũng có xuất xứ của nó. Cuốn “Tống sử” nói rằng cái tên Lục Lang là do người Khiết Đan đặt. Dương Diên Chiêu luôn có thể khiến người Khiết Đan bội phục. Người Khiết Đan sùng kính anh hùng, nói rằng họ là những tướng tinh của thiên thượng hạ phàm. Họ gọi ngôi sao quản tướng là sao Lục Lang, nên họ gọi Dương Diên Chiêu là Dương Lục Lang.

Dương Lục Lang quả thực là người nhiều mưu kế khi hành quân và chiến đấu, lại luôn có một số chiêu trò thần kỳ, thường lấy ít thắng nhiều, giống như chiến thần Hàn Tín năm xưa. Trong trận Toại Thành nổi tiếng, Dương Lục Lang một mình bảo vệ cô thành, tính cả dân chúng chỉ có ba nghìn người bên ông. Phía trước là đại quân 10 vạn do thái hậu Tiêu của nhà Đại Liêu chỉ huy, có trang bị công thành tiên tiến, phía sau là quân tiếp viện đã chờ đợi từ lâu, nhìn thế nào cũng đều là đường chết. Tuy nhiên, trong tuyệt cảnh, Dương Lục Lang đã nghĩ ra một diệu kế.

Lúc đó đang giữa mùa đông, nước nhỏ xuống liền biến thành băng. Ông yêu cầu dân binh đổ nước lên tường thành qua đêm. Ngày hôm sau, các bức tường tứ phía bị đóng băng thành tường băng khiến mọi thứ trơn trượt. Người dân Khiết Đan chết lặng khi nhìn thấy nó. Làm thế nào để leo lên? Dù có bao nhiêu người cũng không thể leo lên được. Xong rồi, chúng ta hãy đi đường vòng và tấn công Thái Châu bên cạnh. Tuy nhiên, ngay khi họ rút lui, Dương Lục Lang lập tức liên lạc với tướng quân của hai thành phố lân cận, quả quyết rời khỏi thành, tấn công họ từ cả phía trước và phía sau. Kết quả là quân Liêu đại bại, thương vong thảm trọng, áo giáp và cờ vứt bỏ trên con đường hàng trăm dặm.

Dương Diên Chiêu. (Cổ Thụy Trân - Epoch Times)

Mười sáu châu Yến Vân

Sau nhiều trận đánh như vậy, dã tâm thống nhất Trung Nguyên của người Khiết Đan đã bị đánh bại, sau đó họ ký kết “Liên minh Đàn Nguyên” với triều đại Bắc Tống ở phía nam, nói rằng chúng ta hãy giao hảo, kết thành anh em. Anh làm anh trai, tôi làm em trai. Anh ơi, nếu anh mỗi năm cho em một ít tiền tiêu vặt, em sẽ không vào nam quấy rối anh. Nhưng số tiền tiêu vặt này cũng không phải là số tiền nhỏ, nó có giá một trăm nghìn lượng bạc và hai mươi vạn tấm lụa. Tuy nhiên, là triều đại nhu nhược nhất và giàu có nhất trong lịch sử Trung Quốc, nên Bắc Tống hoàn toàn đồng ý.

Điều này đã dẫn đến hàng trăm năm hòa bình. Thật không may, lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc luôn đi kèm với những phong ba khởi phục, và thường xuyên có những dòng nước ngầm cuộn lên bên dưới làn nước tưởng chừng như bình lặng. Người Nữ Chân ở phía đông lặng lẽ nổi dậy, kiến lập một quốc gia tên là Đại Kim.

Người Nữ Chân đến Bắc Tống nói, Đại Liêu không là thứ gì cả, bọn họ ở đây ức hiếp các bạn, mỗi năm đều bắt các bạn phải cống nạp, ngoài việc cống nạp, bọn họ còn ức hiếp phụ nữ của chúng ta. Hãy cùng liên thủ để tiêu diệt chúng. Các bạn có thể lấy lại 16 châu Yến Vân trong tay Đại Liêu, chúng ta chỉ cần số tiền tiêu vặt đó thôi là được.

Nhắc đến 16 châu Yến Vân, cũng có một câu chuyện đằng sau nó.

Mười sáu châu Yến Vân đề cập đến Bắc Kinh, Thiên Tân, phía bắc Hà Bắc và phía bắc Sơn Tây hiện tại, địa thế từ trên cao dốc xuống, dễ phòng thủ khó tấn công, là giới tuyến tự nhiên giữa những dân tộc du mục phương bắc và dân tộc nông canh phương nam, và cũng là yếu điểm chiến lược tranh đoạt giữa các vương triều của Trung Nguyên và các quốc gia dân tộc du mục phương bắc.

Mười sáu châu Yến Vân nguyên bản là nằm trong tay nhà Đường. Sau khi nhà Đường diệt vong, tiến nhập vào thời kỳ ngũ đại thập quốc. Thạch Kính Đường, hoàng đế khai quốc của triều đại Hậu Tấn, vì để nhận được sự ủng hộ của người Khiết Đan, đã nhẫn tâm dâng vùng đất này cho Da Diệp Đức Quang, Thái Tông của triều đại Liêu. Liêu Thái Tông rất vui mừng, nói rằng đây là lễ vật từ thiên thượng. Từ đó trở đi, người Khiết Đan bắt đầu sống tạp cư với người Hán, và điều này cũng mở đường cho sự diệt vong sau đó của dân tộc này mà chúng ta sẽ nói chi tiết dưới đây.

Lại nói, Bắc Tống vừa nghe nói có thể thu hồi lại mười sáu châu Yến Vân, liền cho rằng thương vụ này không tồi, đó chính là vùng đất mà Bắc Tống vẫn luôn tâm tâm niệm niệm muốn đoạt lại. Tuy nhiên, phương án ban đầu của họ là dùng tiền để chuộc về, vì mục đích này, Tống Thái Tổ cũng thành lập một kho bạc nhỏ chuyên dụng gọi là “Kho bạc Phong Chang”.

Bằng cách này, hai bên đã hợp tác, lập ra một “liên minh trên biển”, cả hai bên đều tấn công Đại Liêu từ bên sườn. Rất nhanh sau đó, vào năm sau, Đại Liêu mất đi một nửa lãnh thổ, lại một năm sau nữa, hoàng đế cuối cùng của Đại Liêu là Thiên Tộ đế bắt đầu hành trình chạy trốn thoát thân, ba năm sau, ông bị nhà Tấn bắt được, nhà Liêu bị tiêu diệt. Sau khi vong quốc, một số vương tộc Đại Liêu còn sót lại đã thành lập Tây Liêu ở Tân Cương. Tây Liêu từng mở rộng sang Ba Tư, trở thành một cường quốc ở Trung Á, nhưng nó chỉ tồn tại được hơn 80 năm trước khi bị kỵ binh Mông Cổ tiêu diệt. Tộc Khiết Đan từ đó đã biến mất khỏi lịch sử.

Còn nhà Bắc Tống thì sao? Chẳng phải ban đầu Bắc Tống đã lập khế ước làm anh em với Đại Liêu? Vi bội khế ước sẽ bị báo ứng. Hai năm sau khi nhà Liêu diệt vong, Bắc Tống cũng bị diệt vong trong tay nhà Kim. Mặc dù vương triều Nam Tống tồn tại lâu hơn, nhưng 16 châu Yến Vân vẫn bị Đại Kim cướp đi, hàng năm phải trả số tiền gấp bội. Có thể nói cái giá phải trả quá lớn.

Hàng triệu người cùng nhau biến mất?!

Người Khiết Đan còn thảm hơn. Sự diệt vong của một triều đại không có gì bất thường, nhưng là một quốc gia rộng lớn thống trị miền bắc Trung Quốc trong 200 năm, Đại Liêu có dân số 2 triệu người khi mới thành lập, vào thời kỳ đỉnh thịnh thậm chí đạt tới 9 triệu người. Tuy nhiên, khi nhà Liêu bị diệt vong, dân số khổng lồ này đều biến mất, bóng dáng của họ cũng không còn được tìm thấy trong sử sách nữa, thật kỳ lạ.

Bạn thấy đấy, sau khi nước Mông Cổ diệt vong, người Mông Cổ vẫn sống trên thảo nguyên của tổ tiên họ, và người Mãn Châu vẫn ở đó sau khi nhà Thanh diệt vong. Tuy nhiên, sau khi nhà Liêu vong quốc, dân tộc Khiết Đan không còn tồn tại, trong 56 dân tộc của Trung Quốc không có tộc Khiết Đan. Vậy tất cả họ đã đi đâu?

2 đô vật người Đạt Oát Nhĩ. (Wikipedia/ Khereid/ SA-3.0)

Một bộ phận nhỏ trong số họ đã đến Tây Liêu và cuối cùng đồng hóa với các dân tộc ở Tây Á. Một số quý tộc cũng đổi họ sau khi rơi vào tay nhà Kim, trong đó được sử dụng phổ biến nhất là họ “Lưu”. Một số người sau đó đã đào thoát sang Mông Cổ, Da Luật Sở Tài, mưu sĩ của Thành Cát Tư Hãn và sau này là tể tướng nhà Nguyên, là một ví dụ điển hình. Nhưng đây chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong dân chúng Khiết Đan, chủ yếu là quý tộc, vậy hàng triệu bình dân bách tính đã đi đâu?

Trên thực tế, sự biến mất của người Khiết Đan chỉ sau một đêm luôn là một bí ẩn chưa có lời giải trong giới sử học. Nếu họ không biến mất, mà bằng cách nào đó vẫn sinh tồn, thì con cháu hậu đại của họ ở đâu?

DNA xác nhận hậu duệ của người Khiết Đan là…

Liên quan đến vấn đề này, có ba câu đáp án khác nhau đang lan truyền trên Internet.

Đáp án đầu tiên là họ đã trở về quê hương ở vùng Đông Bắc Trung Quốc và trở thành người Daur hiện nay. Một số học giả đã so sánh tập tục sinh hoạt, tín ngưỡng tôn giáo, ngôn ngữ và các phương diện khác của người Khiết Đan và người Daur, kết luận rằng người Daur là dân tộc kế thừa nhiều truyền thống của người Khiết Đan nhất. Ví dụ như người Khiết Đan té nước vào nhau để cầu mưa, người Daur cũng có phong tục này. Người Khiết Đan sùng thượng màu đen, hành lễ quỳ bái, người Daur cũng vậy. Người Khiết Đan rất thích chơi khúc côn cầu, lúc bấy giờ gọi là “kích cúc”, người Daur cũng thường tổ chức thi đấu khúc côn cầu, nam nữ già trẻ đều tham gia.

Tuy nhiên, chỉ tập tục tương tự thôi thì không thực sự thuyết minh được vấn đề. Để thực sự giải khai được bí ẩn này, các chuyên gia đã nghĩ ra công cụ xét nghiệm ADN. Sau năm 1922, nhiều ngôi mộ Khiết Đan khác nhau được khai quật trên khắp Nội Mông. Các chuyên gia đã trích xuất DNA ty thể từ tủy răng và tủy xương của những tiêu bản trong lăng mộ cổ này, sau đó so sánh nó với DNA của người Daur, cuối cùng họ kết luận rằng có mối quan hệ di truyền tối cận giữa hai người, tộc Daur là hậu duệ trực hệ của người Khiết Đan.

Cũng đã vượt qua cuộc giám định ADN là “bổn nhân” đến từ Vân Nam. Đây là đáp án thứ hai về hậu duệ của người Khiết Đan.

Nghe nói vào cuối thế kỷ 12, một đội quân Mông Cổ có người Khiết Đan tham gia tiến về phía nam xuống Vân Nam, sau này trở thành lực lượng chủ yếu thống trị Vân Nam thời nhà Nguyên, thậm chí một số người Khiết Đan còn trở thành thủ lĩnh địa phương. Sau này, khi nhà Nguyên thống nhất thiên hạ, không cần phải đánh nhau, những quân nhân này đổi nghề nghiệp tại chỗ, ở lại Vân Nam. Tuy nhiên, đến thời nhà Minh và nhà Thanh, thực hành chính sách “cải tạo thổ dân, trả lại địa phương”, bãi bỏ chế độ thủ lĩnh cha truyền con nối, người Khiết Đan rất bất mãn, từ đó họ ẩn tính chôn danh, tiến vào núi sâu rừng già sinh sống. Họ tự xưng mình là “bổn nhân”, hiện tại có khoảng 150.000 nhân khẩu, nếu bạn đến từ Vân Nam, và họ của bạn là “A”, “Mãng” hoặc “Tương”, thì bạn có thể là hậu duệ của những người Khiết Đan này.

Tuy nhiên, dân số của hai nhóm này không lớn, không có cách nào giải thích được bí ẩn về sự biến mất đồng thời của hàng triệu người Khiết Đan. Sau đó, đáp án thứ ba được đưa ra, nói rằng người Khiết Đan rất có thể đã đồng hóa với người Hán địa phương. Điều này có thể được nhìn thấy từ lịch sử của Khiết Đan.

Về nguồn gốc của người Khiết Đan, trong cuốn “Liêu sử” có hai thuyết pháp. Một thuyết pháp nói họ là hậu duệ của Thần. Một vị thần nhân cưỡi bạch mã đến sông Phù Thổ ở núi Mã Vu, có một nữ thần lái chiếc xe bò xanh từ rừng tùng xuống sông Hoàng Hà, họ gặp nhau tại ngã ba sông ở núi Mộc Diệp. Sau đó, họ phải lòng nhau và kết thành vợ chồng, sinh được 8 người con trai, đó chính là tổ tiên của 8 bộ tộc Khiết Đan.

Còn có một thuyết pháp khác rất đơn giản trực bạch, đó là “Liêu bản Viêm đế chi hậu”, tức là người Liêu nguyên bản là hậu duệ của Viêm đế. Kết hợp lại mà xét, người Khiết Đan tin rằng họ là con dân của Thần, và giống như người Hán, họ cũng đều là con cháu Viêm Hoàng. Trên thực tế, nhà Liêu luôn tự gọi mình là “Bắc triều”, nhà Tống ở phía nam là “Nam triều”, ý tứ là gì? Chính là nói, họ tin rằng họ là người Trung Quốc ở phương bắc chứ không phải người ngoại tộc, và họ có đủ tư cách để tranh tài ở Trung Nguyên.

Người Khiết Đan tự cho rằng họ là hậu duệ của Viêm Đế Thần Nông. (Miền công cộng)

Sau khi chiếm được mười sáu châu Yến Vân, họ cũng rất tôn trọng văn hóa Hán. Bản thân Liêu Thái Tông là một người rất hâm mộ Khổng Tử. Nhưng cũng không thể đánh mất nền văn hóa của chính mình, vậy phải làm gì? Ông nghĩ ra cách thực hành “chế độ chính quyền bắc nam”, sử sách ghi rằng nó “kiêm trị Trung Quốc, quan phân nam bắc”.

Quan viên được chia làm hai loại: quan chức miền Bắc và quan chức miền Nam. Quan ở phía bắc là quan nước Liêu, quản lý người Khiết Đan. Quan ở phía Nam gọi là quan Hán, quản lý người Hán theo chế độ của người Hán. Các quan lại miền Bắc được thiết lập dựa trên chế độ nguyên thủy của người Khiết Đan, các quan lại phía nam được kiến lập mô phỏng theo chế độ nhà Đường, bao gồm Trung thư tỉnh, Ngự sử đài, Đại Lý tự và Hàn Lâm viện, không thiếu thứ gì.

Vì vậy, một số nhà sử học cho rằng: “Đế quốc Khiết Đan thực sự bao gồm hai quốc gia. Một quốc gia bao gồm người Khiết Đan và những người thuộc các dân tộc khác ngoài Hán tổ thành, do chính Liêu đế tự thống trị; quốc gia kia bao gồm người Hán tổ thành, được cai trị bởi các quan đại thần người Hán do hoàng đế nhà Liêu bổ nhiệm.” (Bộ sưu tập lịch sử nhà Liêu của Phó Lạc Hoán – Năm chương về khảo sát Liêu đại tứ thời Nại Bát)

Bằng cách này, văn hóa Hán đã được bảo tồn tốt ở mười sáu châu Yến Vân, người Khiết Đan và người Hán có thể tương xử hòa thuận. Ngoài ra, Đại Liêu từ trên xuống dưới đều sùng thượng văn hóa Hán, nên sau khi Đại Liêu bị tiêu diệt, để tránh bị truy sát, việc người dân thay đổi diện mạo làm người Hán là chuyện tự nhiên nhất.

Ngoài ra, văn hóa Khiết Đan rất độc đáo, chỉ có quý tộc mới có họ. Cả nước chỉ có hai họ: hoàng tộc họ Da Luật, gia tộc hoàng hậu họ Tiêu. Ngoài ra, tất cả những người bình thường chỉ có tiểu danh chứ không có họ, điều này cũng gây khó khăn cho việc truy tìm tung tích gia tộc sau khi họ Hán hóa, tạo thành hiện tượng người Khiết Đan biến mất chỉ sau một đêm.

Hương Thảo biên dịch
Theo Epoch Times