Saturday, June 30, 2018

"THỰC TẾ" VỚI "THỰC DỤNG" KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Có một lần, một người bạn Mỹ dạy học chung với tôi bảo với tôi rằng: “Người Việt Nam bọn mày lúc nào cũng bảo người Mỹ bọn tao sống thực dụng. Bọn tao không sống thực dụng mà sống thực tế. Tao ở Việt Nam hơn chục năm nay thấy người Việt Nam mới sống thực dụng“.


Hơi nóng mặt, tôi hỏi lại: “Thế mày định nghĩa thế nào là thực tế, thế nào là thực dụng?”

Bạn tôi bảo:

“Sống thực tế là hiểu rõ thực trạng cuộc sống, không mơ mộng hão huyền hay tìm cách trốn tránh thực tại.

Sống thực tế là hiểu rõ năng lực và giá trị thực của bản thân để có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình.

Còn sống thực dụng là bất chấp thực tế, bất chấp năng lực thực sự của mình ra sao mà chỉ chăm chăm giành được cái lợi nhỏ trước mắt, ngoài ra mặc kệ hậu quả sau này nghiêm trọng thế nào.”


Đã từng sống ở Mỹ một thời gian dài, tôi biết bạn tôi nói đúng.

Ở Mỹ, học sinh học vừa sức, không nhồi nhét, không quan tâm đến thành tích và cũng không có khái niệm trường chuyên lớp chọn. Bằng cấp đối với họ chỉ là một tờ giấy chứng nhận rằng họ đã đạt yêu cầu về mặt kiến thức lẫn chuyên môn ở một trình độ nhất định, không có gì ghê gớm cả. Cái họ quan tâm là trên thực tế, năng lực và kiến thức của anh có tương xứng với bằng cấp và vị trí của anh trong xã hội hay không. Ở Việt Nam thì bằng cấp và thành tích là thước đo quyết định địa vị cũng như thu nhập. Cha mẹ ép con cái học cố sống cố chết để vào trường chuyên lớp chọn rồi vào đại học. Học xong đại học thì phải cố bơi cho được cái thạc sĩ. Tất cả không phải vì kiến thức mà chỉ vì chỗ đứng trong xã hội. Kết quả là học được gì không quan trọng, có sử dụng được không cũng không quan trọng, thậm chí bằng giả cũng chả sao. Cái quan trọng nhất là kiếm sao cho được nhiều tiền.

Ở Mỹ, mỗi lần một công trình được thi công, người ta phải tính toán sao cho thiên nhiên ở đó bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất, hệ cân bằng sinh thái ít bị tổn hại nhất, môi trường sống của người và động thực vật không bị phá hoại, vì họ hiểu được một vấn đề thực tế rằng tài nguyên thiên nhiên là những di sản vô giá bắt buộc phải bảo tồn cho thế hệ sau.

Còn ở Việt Nam, miễn là kiếm được ít tiền bỏ túi, người ta sẵn sàng xả độc ra biển, hút cát dưới sông, phá rừng xây thuỷ điện, thậm chí san bằng cả một khu bảo tồn sinh thái độc đáo để xây resort, gắn cáp treo bất chấp hậu quả về sau.

(Ảnh qua Twitter@hop_yen)

Ở Mỹ, người dân quan tâm đến bầu cử, đến chính trị vì họ biết họ có quyền công dân cũng như mọi quyết định chính trị của họ đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của gia đình họ.

Ở Việt Nam, người dân chỉ lo kiếm tiền vun đắp cho bản thân được ngày nào hay ngày nấy. Họ thờ ơ dửng dưng với những bất công tiêu cực của xã hội miễn sao những điều đó không xảy ra với họ là được. Tham nhũng tràn lan, nợ công tăng vọt, doanh nghiệp quốc doanh thất thoát nghìn tỉ… đối với họ đều không phải là vấn đề đáng bận tâm nếu ngày mai vẫn còn bia để dô dô.

Ở Mỹ người dân thể hiện lòng yêu nước bằng cách gắn lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng và sự cường thịnh của quốc gia. Họ không làm những điều có lợi cho bản thân nhưng đi ngược lợi ích cộng đồng.

Ở Việt Nam, người ta thể hiện lòng yêu nước bằng cách ngồi tự hào khoe khoang bề dày lịch sử dân tộc với những chiến công của tổ tiên, hoặc lên cơn mê sảng vì một giải bóng đá khu vực hoặc lên mạng không tiếc lời thoá mạ một thằng Tây nào đó dám cả gan nói xấu Việt Nam. Còn lại họ thản nhiên dùng đủ mánh khoé xấu xa để giết đồng bào mình và trục lợi từ việc đó, từ việc rải đinh ra đường cho tới việc bơm hoá chất độc hại vào thực phẩm.

Ở Mỹ, người dân cân bằng cuộc sống bằng niềm tin tôn giáo. Họ đến nhà thờ để tìm sự yên bình trong tâm trí và sinh hoạt cộng đồng giúp đỡ những người cùng đức tin.

Ở Việt Nam, người ta đi lễ chùa, đền, miếu cầu tiền bạc, cầu trúng số, cầu thi đậu, cầu chức quyền… như thể thánh thần sẽ vì những thứ hương hoa xôi thịt rẻ tiền mà thoả mãn lòng tham không đáy của đám người trần mắt thịt.

Ở Mỹ, những dịp cưới hỏi hay ma chay, giỗ chạp là những sự kiện riêng tư. Họ tổ chức đơn giản, trang trọng và chỉ mời những người thực sự có ý nghĩa với họ.

Ở Việt Nam, ma chay hiếu hỉ cưới xin là những dịp tốt để làm rùm beng tốn kém vừa để chứng tỏ với thiên hạ vừa để kiếm tiền mừng.


Ở Mỹ, người ta dạy trẻ con cách tự lập, cách ứng xử giao tiếp, cách bảo vệ bản thân không bị xâm phạm, cách thoát hiểm… những kĩ năng thực tế con người cần để tồn tại và phát triển trong xã hội.

Ở Việt Nam, người ta nhồi vào đầu bọn trẻ một mớ kiến thức cao siêu nhưng vô dụng với đích đến là những bằng cấp.

Ở Mỹ, người ta đánh giá trí thông minh và năng lực của con người qua sự sáng tạo, phát minh và đóng góp cho xã hội. Anh là ai không quan trọng, miễn sao anh có đóng góp cho xã hội thì anh sẽ được sự công nhận và tưởng thưởng xứng đáng.

Ở Việt Nam, năng lực của con người được đánh giá qua, gốc gác, sự khôn lỏi ma lanh và khả năng dùng thủ đoạn để thăng tiến. Đóng góp cống hiến là chuyện hết sức xa vời.


Lối sống thực tế và lối sống thực dụng không hề giống nhau mặc dù chúng dễ gây ra nhầm lẫn. Lối sống thực tế mang đến những sự phồn vinh vững mạnh và lâu dài vì nó được xây dựng trên nền tảng vững chắc của những giá trị thực.

Ngược lại lối sống thực dụng triệt tiêu và đảo lộn những giá trị thực tiễn để tạo ra cái lợi nhỏ trước mắt, để lại những tác hại khôn lường. Chọn lối sống thực dụng, chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho lựa chọn thiếu sáng suốt này.

Theo Facebook Vien Huynh

BIỆT DANH "CHÚ SAM" CỦA MỸ

07/09/1813: Mỹ có biệt danh là Chú Sam


Vào ngày này năm 1813, Hoa Kỳ bắt đầu được đặt biệt danh là “chú Sam”. Tên gọi này gắn liền với Samuel Wilson, một người buôn thịt từ vùng Troy, New York vốn cung cấp thịt bò đóng thùng cho quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh năm 1812. Wilson (1766-1854) đóng lên các thùng thịt chữ “U.S.” viết tắt cho chữ “United States”, nhưng những người lính đã bắt đầu gọi trại thành “Uncle Sam” (chú Sam). Các tờ báo địa phương hưởng ứng câu chuyện này và “Uncle Sam” cuối cùng đã được chấp nhận rộng rãi làm biệt danh cho chính phủ liên bang Hoa Kỳ.

Thomas Nast

Vào cuối những năm 1860 và 1870, họa sĩ chuyên vẽ biếm họa chính trị Thomas Nast (1840-1902) bắt đầu quảng bá hình ảnh của chú Sam. Nast tiếp tục phát triển hình ảnh nhân vật này và cuối cùng gắn cho Sam bộ râu trắng và bộ đồ vest có hình sao và sọc đặc trưng gắn liền với Chú Sam hiện nay. Nast, vốn sinh ra ở Đức, cũng được cho là sáng tạo ra hình ảnh ngày nay của Ông già Noel và hình con lừa làm biểu tượng của Đảng Dân chủ, cũng như hình con voi làm biểu tượng cho đảng Cộng hòa. Nast cũng nổi tiếng với việc đả kích tham nhũng trong bộ máy cầm quyền thuộc Đảng Dân chủ tại thành phố New York trong các bức tranh biếm họa chính luận của mình và góp phần vào việc lãnh đạo William Tweed của New York bị hạ bệ.


Có lẽ hình ảnh nổi tiếng nhất của Chú Sam đã được tạo ra bởi nghệ sĩ James Montgomery Flagg (1877-1960). Trong bức tranh của Flagg, Chú Sam đội một chiếc mũ cao với áo khoác màu xanh và đang chỉ thẳng tay về phía trước vào mặt người xem. Trong Thế chiến I, bức chân dung này của Chú Sam với dòng chữ “I Want You For The US Army” (Tôi muốn anh tham gia Quân đội Hoa Kỳ) đã được sử dụng làm poster tuyển quân. Hình ảnh này, vốn đã trở nên vô cùng nổi tiếng, lần đầu tiên được sử dụng trên trang bìa của tuần báo Leslie’s Weekly vào tháng 7 năm 1916 với tiêu đề “Bạn đang làm gì để chuẩn bị sẵn sàng?” Poster này đã được phân phối rộng rãi và sau đó đã được tái sử dụng nhiều lần với các chú thích khác nhau.

James Montgomery Flagg
Vào tháng 9 năm 1961, Quốc hội Mỹ đã công nhận Samuel Wilson là “nguồn gốc biểu tượng quốc gia chú Sam của Mỹ”. Wilson qua đời ở tuổi 88 vào năm 1854, và được chôn cất bên cạnh vợ là bà Betsey Mann tại nghĩa trang Oakwood ở Troy, New York. Thị trấn này đã tự gọi mình là “Quê hương của Chú Sam”.

Nguồn: History.com
Dịch: nghiencuuquocte.org

Link tiếng Anh:

https://www.history.com/this-day-in-history/united-states-nicknamed-uncle-sam


HUYỀN THOẠI VỀ TƯỢNG THƯƠNG TIẾC

Chuyện hiển linh xưa nay không hiếm, nhưng những huyền thoại về Tượng Thương Tiếc, sống động như chuyện đời thường, chuyện hàng ngày trước mắt, khiến cho ai nghe cũng cảm động nghiêng mình kính cẩn và hết lòng thán phục.


Huyền thoại về Tượng Thương Tiếc được lan toả khắp nơi và khá nhiều chuyện tình tiết khó hiểu:

- Các xe chở rau từ Đà Lạt về khuya thường gặp một người lính ra chặn xe xin mua rau, khi tới bến kiểm lại tiền chỉ thấy toàn là tiền vàng mã.

- Một chuyện khác xảy ra ở Biên Hoà, vào một buổi sáng, có một quân nhân đặt mua bánh mì khá nhiều, khi giao hàng cho người quân nhân ra về, người chủ cất tiền vô tủ, đến lúc cần tiền lấy hàng, mở tủ ra chỉ thấy toàn tiền vàng mã, trong khi đó mỗi mộ ở nghĩa trang đều được cúng một khúc bánh mì…

- Có một cụ già ở chân núi Châu Thới, đêm nọ trời đã khuya, cụ nghe tiếng gọi ở ngoài xin nước uống. Khi đem nước và đèn ra cho người xin nước, thoạt đầu cụ tưởng như những lần quân đội hành quân vào xin nước. Nhưng khi người lính uống xong, ngẩng mặt lên cám ơn ra đi thì cụ chợt sửng sốt, tự nghĩ “sao lại có người lính giống Tượng Thương Tiếc đến như thế?”. Sáng hôm sau cụ già ra nghĩa trang để kiểm lại, cụ nhận thấy mặt mũi vóc dáng anh lính xin nước tối qua y hệt pho tượng Thương Tiếc, vết sình non hãy còn dính đầy đôi giầy trận, cụ cho rằng đêm qua bức tượng đã hiện thành người. Cụ về thuật lại với bà con ở Suối Lồ Ô, một người đi xem rồi về đồn mười, đồn trăm… lan khắp cả Thủ Đức, Tân Vạn, Biên Hoà, đổ nhau đi coi tượng đài Thương Tiếc làm xe cộ kẹt cứng cả một quãng đường trước cổng nghĩa trang.

Lễ Quốc Khánh 1-11-1969 tại Đền Tử Sĩ - NTQDBH

- Một chuyện khác, những đêm trăng, những đêm mưa gió trở trời hiu hắt, dân chúng xung quanh vùng nghĩa trang có người nhất quyết chính mắt họ trông thấy người lính giống hệt Tượng Thương Tiếc đi lại trên xa lộ!

Chuyện huyền bí lan truyền rất nhiều trong dân chúng và trong Quân Đội. Một số sĩ quan yêu cầu Chuẩn Úy Thường Vụ Chung Sự Nghĩa Trang cho biết những gì thật sự mắt thấy tai nghe, Chuẩn Úy Thường Vụ Kể:

“Nhân một hôm đi Chợ Tam Hiệp sắm đồ giỗ ông già, khi mua xong, tôi cho tài xế đem về nhà trước. Tôi ghé thăm các bạn ở Tam Hiệp và mời họ đến nhà ăn giỗ ngày hôm sau. Khi về, trời sẩm tối, đến cổng nghĩa trang, tôi nghỉ chân dưới bức tượng. Không biết cao hứng thế nào, trước khi lội bộ về nhà, tôi nhìn lên tượng, và nói với giọng điệu cố hữu của một Thượng Sĩ đại đội:

- Ê mày, mai giỗ ông già tao, mày có rảnh ghé nhà tao 2 giờ chiều nhậu chơi.

Nói xong tôi bước về nghĩa trang vì tôi ở phía sau khu nhà phục dịch chung sự. Tám giờ sáng hôm sau, việc cúng giỗ bắt đầu và tiệc nhậu kéo dài đến một giờ chiều. Tiễn khách ra về xong, tôi đi ngủ, phần vừa say, phần vì đêm qua thức khuya. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng gõ cửa ầm ầm. Nhà cửa rung rinh, tôi giật mình la to:

- Ai phá nhà tao đó?

Tiếng gõ cửa vẫn không dứt, tôi bực bội đứng dậy mở cửa, tôi sửng sốt, thấy Tượng Thương Tiếc đứng chình ình trước cửa và nói:

- Chuẩn Úy Thường Vụ Bê bối quá, kêu hai giờ chiều đến nhậu, nhưng ông nằm say sưa ngủ tôi nhậu với ai?…

Tôi hoảng, đóng sập cửa lại, không dám ngó ra ngoài. Tôi nghe tiếng cười khằng khặc và bước đi rung rinh nhà, tiếng chân xa dần rồi im bặt”.


Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Đại Đội Chung Sự Nghĩa Trang Biên Hoà kể trường hợp ông gặp Tượng Thương Tiếc ngồi sau xe Jeep của ông:

“Khi chạy xe vào Nghĩa Trang, tôi hay dừng lại, đón những binh sĩ đi bộ từ cổng vào, cho họ đỡ mỏi chân. Một buổi trưa, ăn cơm xong, trở lại làm việc, lúc tới cổng nghĩa trang, tôi dừng xe đón một Hạ Sĩ xin quá giang. Lúc anh ta ngồi vào phía sau, tôi bắt đầu rồ ga, sang tay số tiếp tục chạy vào trong. Rồ ga hoài mà xe không tiến thêm một tí nào… Tôi quay ra, định nhờ anh lính xuống đẩy giùm… thì thấy bức Tượng Thương Tiếc đang ngồi phía sau. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì có tiếng nói cất lên:

- Xe jeep Thiếu Tá sao chở nổi tôi…

Tiếp đó là một tràng cười khằng khặc, đồng thời bức tượng cũng biến mất”.

Vị Thiếu Tá còn kể tiếp:

“Nghĩa trang ở trên đồi vào tháng mưa cỏ mọc um tùm nên phải thuê người vô cắt cỏ. Trong lúc một cô đang cắt cỏ, có một anh binh sĩ đến tán tỉnh, vì quen với lối trêu chọc của lính nên cô chẳng thèm quay lại xem hình dáng người tán tỉnh mình là ai. Cô nghe tiếng người lính hỏi:

- Cô có biết tôi là ai không?

Cô gái vẫn cắm cúi làm việc và trả lời:

- Ông là ai, kệ ông chứ mắc mớ gì tôi…

Bỗng cô gái nghe một tràng cười ngạo nghễ từ phía sau và những bước chân thật nặng nề rung chuyển cả đất. Bấy giờ cô mới quay lại, thấy bức tượng đài kỷ niệm đang đứng trước mặt. Cô la hoảng, chạy vào khu làm việc, kể lại sự tình vừa xảy ra cho tôi nghe, đồng thời cô cũng xin nghỉ việc ngay ngày hôm đó…”


- Một chuyện khác: “Vào giữa một đêm trăng mờ năm 1968, một chiếc xe đò chở đầy hành khách từ miền Trung về, khi tới xa lộ còn cách nghĩa trang quân đội 500 thước, viên tài xế bị ngủ gật nên thắng gấp, khiến bánh xe trợt một đoạn dài, rồi lật nghiêng. Trong lúc mọi người đang khóc than, đang tìm cách đập vỡ cửa kiếng chui ra, thì chợt có tiếng nói vang lên:

- Xin đồng bào bình tĩnh... xin đồng bào bình tĩnh... ai đâu ở đó... đã có lính nhảy dù đến cứu bồ.

Tiếng nói vừa dứt thì xe được đẩy lại dựng đứng như cũ, anh tài xế cùng lơ xe và khách vừa mở cửa ra ngoài, vừa hết lời khen sức mạnh ghê gớm của đại ân nhân. Thế nhưng mọi người chỉ thấy ân nhân dáng người cao lớn đứng sừng sững bên kia đường, rồi ông ta bước từng bước rất dài về phía trước. Tới trước cửa nghĩa trang quân đội thì biến mất. Anh tài xế bỗng la thất thanh, chỉ vào Tượng Thương Tiếc:

- Bà con ơi... ổng đó... ổng đó... Trời ơi... trời ơi... ổng hiển linh cứu bà con mình.

Thế là mọi người vội leo ngay vào trong xe, rồi ai nấy đều chắp tay lạy... đều đọc kinh râm ran... cả kinh Phật lẫn kinh Chúa”.

- Chuyện Tượng Thương Tiếc cứu người bị cướp: “Vào lúc 10 giờ tối tháng 3 năm 1969, có hai cặp tình nhân đi trên hai chiếc Honda ra xa lộ hóng gió, gần tới nghĩa trang thì bị ba chiếc khác chở 6 thanh niên tóc dài ép té bên đường. Liền sau đó 3 tên ngồi phía sau nhảy xuống dùng dao uy hiếp khổ chủ để cướp xe và lấy tiền. Trong lúc bọn cướp cạn đang trói các nạn nhân, thì bỗng có tiếng hét lớn trên đầu dốc:

- Chớ làm càn... chớ làm càn.

Rồi liền đó xuất hiện ở giữa đường xa lộ một bóng đen... Bóng đen khệnh khạng đi tới, một tên cướp hoảng hốt gào lên:

- Ối giời ơi... ma ma, chạy... chạy...

Thế nhưng không làm sao chúng chạy được, cứ thế đứng sững như trời trồng, bóng đen hai tay xách bổng hai chiếc Honda bỏ bên vệ đường, vừa lúc đó có bốn chiếc xe chạy đến, một xe Cảnh Sát đi tuần, một xe Jeep của bốn quân nhân nhảy dù, trên có một Trung Tá, còn hai xe kia là du lịch. Thấy chuyện lạ, các xe ngừng hết lại. Dưới bóng tối mờ mờ mọi người thấy trên đỉnh dốc có một bóng đen đứng hiên ngang lừng lững. Khi rõ chuyện, Cảnh Sát đến chỗ bọn cướp, đứa nào đứa nấy cứ như bị điểm huyệt. Một người lớn tiếng hỏi:

- Còn ai đứng ở trên kia đó...

Một tràng cười vang lên, rồi một giọng như sấm động...

- Cố gắng, Nhảy Dù... cố gắng.

Như hiểu ra chuyện, vị Trung Tá Nhảy Dù trấn an mọi người:

- Không sao đâu, pho tượng Thương Tiếc đi tuần thôi.

Sau đó ông vẫy tay la to:

- Về nghỉ đi em, khuya rồi... Nhảy Dù...

Bóng đen bỗng đứng nghiêm giơ tay chào:

- Cố gắng... Tuân lệnh Trung Tá”.


Tôi chợt nhớ một đoạn trong bài học thuộc lòng thời xa xưa:

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.
Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dãy sơn hà gấm vóc!

Chuyện hiển linh xưa nay không hiếm, nhưng những huyền thoại về Tượng Thương Tiếc, sống động như chuyện đời thường, chuyện hàng ngày trước mắt, khiến cho ai nghe cũng cảm động nghiêng mình kính cẩn và hết lòng thán phục. Sống nằm gai nếm mật bảo vệ quê hương, chết hồn thiêng còn hiện về giúp người hoạn nạn… Dù có bị làm nhục phỉ báng cũng không quên vai trò của người lính chiến.

Trần Công Nhung

TẠI SAO HOẠN QUAN KHÔNG CÓ CHỔ "DUNG THÂN" TRONG HOÀNG CUNG NHẬT BẢN?

Trong khi nhiều quốc gia phong kiến châu Á đều tồn tại chế độ hoạn quan, thái giám thì tầng lớp này lại vắng bóng trong hoàng cung Nhật Bản thời xưa.

Hoàng cung Nhật Bản
Trải qua hàng ngàn năm phong kiến, chế độ hoạn quan, thái giám tồn tại ở Trung Hoa thời xưa vẫn thường bị người đời chê trách, lên án.

Nhưng không thể phủ nhận một sự thật rằng, tầng lớp thái giám đóng vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, đặc biệt là đối với cuộc sống cung đình.

Tuy xuất thân không cao, nhưng tầng lớp này từng xuất hiện những nhân vật nắm giữ quyền lực "dưới một người, trên vạn người", gây nên nhiều lục đục trong nội bộ triều chính, thậm chí trở thành kẻ đầu sỏ làm nên sự biến đổi của cả một triều đại.

Nói tới các quốc gia châu Á, không khó để nhận thấy Nhật Bản là một đất nước có nhiều điểm tương đồng với Trung Hoa về lịch sử, văn hóa. Nhưng điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, khi rất nhiều quốc gia phong kiến đều tồn tại chế độ thái giám, thì hoàng cung nước Nhật xưa kia lại chẳng có lấy một bóng hoạn quan.

Vậy đâu là lý do khiến giai cấp hoạn quan, thái giám không có cửa ở xứ Phù Tang thời xưa?

Nguyên nhân giải thích cho sự xuất hiện của thái giám trong lịch sử


Hoạn quan, thái giám đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử Trung Quốc và vẫn được duy trì cho tới triều đại phong kiến cuối cùng tại đất nước này. (Ảnh minh họa).

Trong xã hội phong kiến Trung Hoa nói riêng, quyền lực Hoàng đế được xếp ở vị trí tối cao. Để duy trì huyết mạch hoàng gia, các vị vua thời xưa thường sở hữu cho mình một hậu cung với lượng lớn cung tần, mỹ nữ.

Những phụ nữ này đều được coi là người của Hoàng đế và tuyệt đối không được phép tư thông với người đàn ông khác.

Để đảm bảo sự trong sạch của các cung phi, hậu cung thường tuyển chọn một lượng lớn các cung nữ làm kẻ hầu người hạ.

Nhưng bởi sự hạn chế về yếu tố thể lực, sức khỏe, cung nữ chỉ thích hợp xử lý các việc vặt, mà sinh hoạt trong cung vốn có vô số công việc cần lao động tay chân nặng nhọc.

Đối tượng đảm đương những công việc ấy thích hợp nhất chỉ có thể là đàn ông. Nhưng muốn đảm bảo sự trong sạch nơi hoàng cung, những người đàn ông muốn vào đây làm việc đều phải trải qua "cung hình (thiến) làm mất đi khả năng tính dục bình thường.

Đây chính là một trong số những nguyên nhân chủ yếu đưa đến sự xuất hiện của tầng lớp đặc biệt là thái giám trên vũ đài lịch sử.

Vì sao hoàng cung Nhật Bản vắng bóng hoạn quan, thái giám?


Hậu cung Nhật Bản không có quá nhiều cung tần mỹ nữ như ở Trung Hoa. (Ảnh minh họa).

Sự xuất hiện của thái giám được coi là giải pháp để giải quyết nhiều nhu cầu công việc trong hoàng cung.

Vậy vì sao chốn cung đình Nhật Bản xưa kia lại không có tầng lớp này? Nguyên nhân chủ yếu đến từ 3 lý do dưới đây:

Thứ nhất, nhu cầu sử dụng thái giám không cao

Ngoại trừ Võ Tắc Thiên, các Hoàng đế Trung Hoa cổ đại đều là nam. Thế nhưng tại Nhật Bản xưa, trong số 125 nhiệm kỳ Thiên hoàng lại có tới 8 vị là nữ.

Hậu cung của các nữ Thiên hoàng đương nhiên đều là nam giới. Vì vậy việc sử dụng thái giám là không cần thiết.

Hơn nữa, ngay cả với các Thiên hoàng là nam, thì hậu cung của họ cũng có rất ít cung tần mỹ nữ, nhiều là 10 người, thậm chí chỉ có 2,3 người. Số lượng này nếu so với tam cung lục viện của các Hoàng đế Trung Hoa thì quả thực thua xa.

Nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến các công việc ở hậu cung Nhật Bản không nhiều, vì vậy số lượng người phục vụ cũng không cần quá cao.

Theo ghi nhận của các tư liệu lịch sử, người phục vụ trong hoàng cung Nhật khi xưa hầu hết đều là các đối tượng được chỉ định đặc biệt và xuất thân từ các gia đình quý tộc.


Sở hữu hậu cung khá khiêm tốn, nên sự xuất hiện của thái giám là không cần thiết ở hoàng cung Nhật thời xưa. (Ảnh minh họa).

Thứ hai, chế độ quản lý yêu cầu cao

Chế độ hoạn quan của Trung Hoa nhìn qua có vẻ rất đơn giản, nhưng thực tế đã phải trải qua hàng thế kỷ mới có thể hoàn thiện.

Chỉ riêng việc quản giáo các hành vi của thái giám cũng phải được đúc kết từ kinh nghiệm rút ra từ nhiều bài học xương máu trong lịch sử các triều đại.

Những quy định, quy chuẩn đối với tầng lớp này trải qua năm tháng cũng dần trở nên vô cùng phức tạp và nghiêm ngặt.

Ví dụ, chỉ riêng việc tuyển chọn thái giám nhập cung, kiểm tra thân thể định kỳ mỗi năm, bảo quản và hoàn trả dụng cụ thiến… đều phải được quy định rõ ràng.

Ngoài ra, thái giám được cho là những người mất khả năng sinh hoạt độc lập nên buộc phải dựa vào sự nuôi dưỡng của cung đình. Điều này buộc hoàng cung phải hao tốn rất nhiều tiền của cho số nhân lực này.

Bởi vậy, nếu không có nhu cầu sử dụng hoạn quan, thì hoàng cung Nhật Bản cũng không việc gì phải hao tâm, tổn sức, tiêu phí tiền của để nghĩ ra hàng loạt bộ luật cho thái giám và chi trả nhiều phí tổn cho họ.

Trong khi chế độ thái giám xuất hiện ở nhiều quốc gia phong kiến, đặc biệt là các nước châu Á, thì tầng lớp này lại vắng bóng trong hoàng cung Nhật Bản. (Tranh minh họa).

Thứ ba, kỹ thuật y học chưa đủ để đáp ứng

Dù ở thời đại nào, kỹ thuật "thiến" đều là một loại giải phẫu y học đòi hỏi trình độ cao.

Y học Trung Hoa thời xưa từng có thần y Hoa Đà phát minh ra thuốc mê và hoàn thiện kỹ thuật thiến động vật nên tầng lớp thái giám mới "có cửa" xuất hiện. Dù vậy, tỷ lệ thất bại trong quá trình này vào thời xưa vẫn ở mức rất cao.

Trong khi đó, Nhật Bản đến tận thế kỷ thứ 18 mới học được kỹ thuật thiến ngựa từ Trung Hoa. Hơn nữa, tại đất nước này thời bấy giờ, chỉ có cơ quan được chính quyền chỉ định mới có đủ điều kiện thực hiện thành công phẫu thuật này.

Vì thế, sự đi sau về y học cũng là một trong số nguyên nhân khiến chế độ hoạn quan không xuất hiện ở xứ sở Phù Tang.

Trần Quỳnh
Theo: Thời Đại

CÂU HỎI CHO TÌNH YÊU

Có một chàng trai yêu cùng lúc hai người bạn gái nhưng lại không biết mình thật sự yêu ai hơn. Và chàng đi tìm câu trả lời. Chàng gặp một nhà hiền triết, kể cho ông tâm sự của mình. Sau khi nghe xong, nhà hiền triết bảo:


- Hãy hỏi lòng con câu hỏi này và trả lời thật lòng: "Khi con vui và hạnh phúc, con muốn chia sẻ cảm giác ấy với cô gái nào?". Người nào con nghĩ đến sẽ là người con yêu. Tiếp đó con lại hỏi mình câu này và cũng trả lời thật lòng: "Khi gặp chuyện không vui hay phiền toái, ai sẽ là người con tìm đến để tâm sự hầu có thể vơi bớt phần nào gánh nặng trong lòng?". Cô gái nào con nghĩ đến cũng là người con yêu.

Nếu với cả hai câu hỏi trên con đều chỉ chọn được cho mình một người, điều ấy là tuyệt vời nhất. Nhưng nếu mỗi câu hỏi đem lại cho con một lựa chọn khác, ta khuyên con nên chọn người mà con sẽ tâm sự những lúc buồn phiền.


Trong cuộc sống thường nhiều buồn phiền hơn là hạnh phúc. Có quá nhiều người để con gặp gỡ, để con cười vui hớn hở với họ nhưng không nhất thiết họ phải là người yêu của con. Đôi khi con vẫn có thể hưởng thụ niềm vui của mình mà không cần chia sẻ với ai. Song với phiền muộn, không có nhiều người sẵn lòng ngồi nghe con trải lòng và chia sẻ cùng con gánh nặng ấy.

Nếu một người nào đó chỉ nghĩ đến con khi cảm thấy vui vẻ hoặc chỉ có thể cùng con đùa vui, nhưng lại không sẵn lòng bên con khi con gặp những chuyện không may hoặc lại đi tâm sự những buồn phiền của họ với ai khác thay vì với con, người ấy không dành cho con tình yêu đủ lớn để vượt qua bão dông trong cuộc đời.


Người luôn bên con, làm dịu đi những đau khổ trong lòng con mới là người giữ vị trí quan trọng nhất trong tim con. Những khi gặp chuyện buồn, đó là lúc tất cả hiện ra chân thật nhất. Vậy, hãy nói cho ta biết ai là người đầu tiên hiện ra trong tâm trí con khi gặp buồn phiền?

(Sưu tầm trên mạng)

Friday, June 29, 2018

LỜI NGUYỀN CỦA HÒA THÂN

Trước khi chết Hòa Thân ngấn lệ viết một lời nguyền, 100 năm sau quả nhiên linh nghiệm


Với nhiều khán giả Việt Nam, Hòa Thân là một cái tên quen thuộc. Nhiều người cho rằng ông chính là tham quan đệ nhất không chỉ của triều Thanh, mà còn trong cả lịch sử Trung Quốc. Xoay quanh nhân vật này quả thực có rất nhiều chuyện đáng kể.

Theo sử cũ ghi chép, Hòa Thân làm quan 30 năm, đến khi kiểm kê tài sản của ông ai nấy đều phải kinh ngạc. Tổng số tiền ông từng tham ô lên tới 1 tỷ lượng bạc, tương đương với tổng thu nhập tài chính trong 15 năm của triều Thanh.

Cuối cùng khi Càn Long vừa mới băng hà chưa đầy nửa tháng thì Hòa Thân bị hoàng đế Gia Khánh vừa kế vị ban cho cái chết, kết thúc một cuộc đời huyền thoại.

Nỗ lực phục vụ nhân dân, trừng trị tham ô

Hòa Thân thuộc dòng họ Nữu Hỗ Lộc, người Chính Hồng Kỳ tại Mãn Châu, sinh ra trong một gia đình hoạn quan có thế lực. Cha ông từng làm phó Đô thống tỉnh Phúc Kiến nhưng mẹ lại sớm qua đời. Gia cảnh Hòa Thân dần suy tàn. Cuộc sống của ông khi nhỏ khá vất vả, thậm chí thường ăn không no, hai anh em phải sống nhờ vào người khác.

Sau khi lớn lên Hòa Thân sở hữu một tướng mạo phi phàm, là một chàng trai anh tuấn nức tiếng xa gần. Hơn nữa ông còn tinh thông bốn thứ tiếng là: Mãn Thanh, Hán, Mông Cổ và Tây Tạng. Kể cả Tứ Thư, Ngũ Kinh ông cũng đều thông hiểu. Hòa Thân được thầy giáo vô cùng yêu mến.

Năm 18 tuổi, do tài mạo song toàn, Hòa Thân được Phùng Anh Liêm, Tổng đốc Trực Lệ yêu mến và gả cháu gái cho. Từ đó ông như cá chép hóa rồng, dần dần bước lên đỉnh cao sự nghiệp. Mặc dù thi cử không đỗ đạt nhưng nhờ có người chống lưng hậu thuẫn, bản thân làm việc lại linh hoạt nên Hòa Thân làm đến chức quan Tam phẩm Thanh Xa Đô Úy với danh nghĩa là tú tài. Đến năm 22 tuổi lại được phong làm thị vệ Tam phẩm.

Năm 23 tuổi, Hòa Thân đã làm tùy tùng trong đội thị vệ của Hoàng đế, phụ trách khiêng kiệu và giơ cờ. Mặc dù chức quan không cao nhưng lại có thể gần gũi tiếp xúc với Hoàng thượng. Hòa Thân đã tận dụng tối đa mọi cơ hội để thể hiện tài năng của mình trước mặt Càn Long. Chỉ sau đó 4 năm, ông trở thành trọng thần của triều đình, được Càn Long vô cùng sủng ái. 


27 tuổi Hòa Thân trở thành trọng thần của triều đình, được Càn Long vô cùng sủng ái. (Ảnh dẫn theo kienthuc.net)

Ban đầu, Hòa Thân cũng bụng đầy chí lớn, nhất tâm muốn làm một vị quan tốt phục vụ nhân dân. Ông cũng từng là một vị quan thanh liêm, có thành tích xuất sắc, được bổ nhiệm làm đại thần tổng quản Phủ Nội vụ. Sau đó, Càn Long ra lệnh cho Hòa Thân đến Vân Nam điều tra vụ án tham ô của Lý Thị Nghiêu.

Hòa Thân hầu như không ăn không ngủ. Sau một thời gian âm thầm điều tra, thăm dò, ông đã tìm được bằng chứng tham ô của Lý Thị Nghiêu và đưa y ra trừng trị trước pháp luật. Đồng thời Hòa Thân cũng khiển trách thậm tệ hành vi tham ô của y, khiến Lý Thị Nghiêu tinh anh lão luyện cũng không có chốn dung thân, thậm chí y còn có ý định tự sát. Do đó Hòa Thân được thăng chức làm Thượng thư Bộ Hộ.

Dần dần biến chất

Khi có được quyền cao chức trọng, Hòa Thân đã sớm quên mất lời thề làm một vị quan thanh liêm ngày xưa. Ông dần dần thoái hóa, bản thân lại trở thành một tham quan. Là sủng thần luôn bên cạnh Càn Long, những đại thần khác muốn thăng tiến đều phải hối lộ, nịnh nọt ông. Bạc vàng, đồ cổ, tranh chữ chất đầy nhà Hòa Thân.

Hơn nữa Hòa Thân còn kết giao vây cánh rất rộng, hình thành nên một thế lực lớn. Có lẽ Càn Long cũng biết tường tận về việc tham ô của Hòa Thân nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà không cho điều tra kỹ. Cuối cùng, Càn Long lại để lại cho con trai mình là Hoàng đế Gia Khánh ra tay trừ diệt Hòa Thân.

Khi Càn Long vừa băng hà, Gia Khánh đã tuyên bố 12 tội trạng của Hòa Thân và hạ chiếu lục soát nhà ông. Số tài sản mà quân lính tìm được khiến người ta không khỏi giật mình.

Trong 24 năm kể từ khi bắt đầu được Càn Long để mắt và sủng ái, Hòa Thân đã tích lũy cho mình một số tài sản kếch xù, bao gồm: 3.000 phòng (phòng trọ, dinh thự), 8.000 mẫu đất (tương đương 32km2), 72 ngân hàng, 75 hiệu cầm đồ. Bên cạnh đó, số tiền mặt của Hòa Thân cũng không khỏi khiến người ta lóa mắt với 60.000 lạng vàng bọc đồng, 100 thỏi vàng lớn nguyên chất (1 thỏi = 1000 lạng vàng), 56.600 thỏi bạc cỡ vừa, 9 triệu thỏi bạc nhỏ, 58.000 cân tiền ngoại, 1,5 triệu đồng tiền xu.

Không chỉ vậy, Hòa Thân còn bỏ túi không ít trân phẩm, báu vật trong thiên hạ. Phủ họ Hòa lúc bấy giờ chứa tới 1.200 miếng ngọc bội, 230 chuỗi ngọc trai (mỗi viên tương đương một quả anh đào), 10 viên ngọc trai lớn (mỗi viên có kích cỡ bằng quả mơ), 10 viên hồng ngọc, 40 viên ngọc bích lớn.

Ngoài ra, Hoà Thân còn sở hữu 711 nghiên mài mực cổ, 40 bàn đựng đồ ăn bằng vàng, 11 tảng san hô (mỗi tảng cao 1m), 14.300 xếp vải quý, 20.000 tấm len lông cừu thượng hạng, 460 đồng hồ châu Âu…

Chưa dừng lại ở đó, độ xa hoa của phủ họ Hòa không thua kém so với Hoàng cung, người ta đếm được 144 sập vàng, 23 sập khác nạm bằng vàng ròng, 40 sập sơn son mạ vàng, ngay tới chậu rửa mặt cũng được nạm ngọc thạch. Chỉ tính riêng số tỳ thiếp thì phủ họ Hòa đã có tới 600 người, còn gia nhân thì không đếm xuể.

Phủ Hòa Thân. Ảnh dẫn theo votpusk.ru

Lời nguyền trước khi chết

Sau khi Hòa Thân chết, toàn bộ tài sản của ông đều bị tịch thu, sung công. Nhờ chuyện này mà quốc khố nhà Thanh trở nên giàu có. Dân gian bởi thế mới có câu: “Hòa Thân ngã ngựa, Gia Khánh ăn no”.

Hoàng đế Gia Khánh vốn định xử Hòa Thân tội lăng trì. Nhưng các quan đại thần và công chúa cầu xin, Hoàng đế mới đổi lại, ban cho Hòa Thân tự tử trong nhà.

Sau khi nghe xong phán quyết của Hoàng đế Gia Khánh, Hòa Thân cầm dải lụa trắng dài hơn 3m, rồi cười một cách lạnh lùng, ghê rợn. Sau đó ông viết một câu thơ nguyền rủa toàn bộ vương triều nhà Thanh. Lời nguyền như sau:

Ngũ thập niên lai mộng huyễn chân 
Kim triều tản thủ tạ hồng trần
Tha niên thủy phiếm hàm long nhật
Nhận thủ hương yên thị hậu thân.

Tạm dịch:

Năm mươi năm hư hư thực thực
Kiếp này buông tay tạ hồng trần
Năm sau nước dâng con lũ lớn
Nhận rõ hương hỏa kẻ hậu nhân.

Hai câu thơ đầu là hồi ức về những điều đã qua của Hòa Thân, coi cuộc đời 50 năm của mình như mây khói. Hai câu sau ông đã mượn điển cố để phát ra lời nguyền của mình. “Thủy phiếm hàm long” chỉ nước lũ dâng cao.

Quả nhiên, năm đầu tiên sau khi Hòa Thân bị ban cho cái chết, đê sông Hoàng Hà tại Hà Nam bị vỡ.

“Nhận rõ hương hỏa kẻ hậu nhân” chính là ngụ ý Hòa Thân sẽ đợi lần sau khi nước lũ dâng lên sẽ đầu thai, sông Hoàng Hà vỡ đê một lần nữa tại tỉnh Hà Nam. Đúng tháng 10 vào một năm ấy, một bé gái oa oa cất tiếng khóc chào đời. Cô bé ấy chính là Từ Hy Thái Hậu sau này.

Từ Hi Thái Hậu. (Ảnh dẫn theo wanhuajing)

Có người nói rằng đời trước của Từ Hy Thái Hậu chính là Hòa Thân. Bà chấp chính mấy chục năm, khiến Triều Thanh ngày càng suy tàn và bị các nước phương Tây thi nhau xâu xé. Cuối cùng, Từ Hy Thái Hậu đã khiến vương triều Mãn Thanh gần sụp đổ, đồng thời bị diệt vong vào năm thứ 3 sau khi Từ Hy băng hà. Điều này cũng ứng nghiệm với lời nguyền Hòa Thân lưu lại từ 100 năm về trước.

Tất nhiên đó là một giả thuyết rất ly kỳ. Hòa Thân chết bởi tay Hoàng đế triều Thanh, nguyền rủa triều Thanh. Hơn 100 năm sau Hòa Thân đầu thai thành Từ Hy Thái Hậu, thao túng triều chính, coi các Hoàng đế nhà Thanh như quân cờ, con tốt trong tay, chính là trả lại mối hận năm xưa.

Người ta nói bánh xe lịch sử là có sự luân hồi. Lịch sử cũng có nhân quả và báo ứng của riêng mình, chính là “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”. Thực hư câu chuyện này ra sao, mời quý độc giả cùng bình luận.

Theo NTDTV
Hiểu Mai biên dịch

HOWARD SCHULTZ, TỪ TAY TRẮNG KHỞI NGHIỆP ĐẾN ÔNG CHỦ ĐẾ CHẾ CAFE STARBUCKS

Xuất thân từ khu ổ chuột ở Brooklyn, đã từng trải qua những tháng ngày bán máu để có tiền trang trải học phí, không ai ngờ được rằng chàng trai nghèo khổ – Howard Schultz lại trở thành một trong những doanh nhân quyền lực nhất thế giới khi sở hữu trong tay cả một đế chế cà phê hùng mạnh với thương hiệu nổi tiếng Starbucks.

Howard Schultz

Tuổi thơ nghèo khó

Sinh ngày 19/07/1953 trong một gia đình nghèo ở khu ổ chuột tại thị trấn Brooklyn, New York, Howard Schultz không có điều kiện để học hành bởi gia đình ông quá nghèo. Để có tiền trang trải học phí ông đã từng phải đi bán máu.

Howard Schultz

Tuổi thơ của ông là những tháng ngày không êm đềm như bao đứa trẻ khác khi thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố mẹ tranh cãi nhau về việc đi vay tiền hay phải trả lời những cuộc điện thoại của chủ nợ. Bất hạnh dường như vẫn bám riết lấy gia đình Howard Schultz khốn khổ khi căn bệnh ung thư hiểm nghèo đã cướp đi người bố mà ông kính trọng.

Mất mát quá lớn đó dường như đã làm thay đổi cách suy nghĩ của Howard Schultz, ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm chủ một công ty nhưng từ sâu thẳm trái tim mình ông luôn khát khao rằng nếu mình đứng ở một vị trí có thể tạo ra được sự khác biệt nào đó thì ông sẽ không bao giờ bỏ mặc những người đứng ở phía sau.

Quyết định táo bạo và ngã rẽ cuộc đời

Năm 1982, Howard Schultz quyết định bỏ việc ở Hammarplast (Mỹ) với mức lương cao để đầu quân cho một nhà bán lẻ ở Seattle với vị trí trưởng phòng marketing khi mà lúc đó công ty này chỉ có vỏn vẹn năm cửa hàng.

Quyết định táo bạo của ông lúc đó vấp phải sự phản đối của rất nhiều người, trong đó gay gắt nhất là mẹ của ông. Bà không bao giở tưởng tượng được rằng con trai mình có thể từ bỏ một sự nghiệp đang trên đà phát triển tại một công ty có tiếng như vậy để về làm cho một doanh nghiệp địa phương nhỏ bé.

Lý do mà Howard Schultz quyết định đầu quân về Starbucks đó chính là nhà lãnh đạo tài ba này đã sớm nhìn ra được triển vọng của nó trong tương lai. Ông hoàn toàn bị quyến rũ bởi hương vị tuyệt vời của cà phê rang sẫm, bởi cái không khí mới lạ pha trộn chút hiện đại của Starbucks khi nằm ở giữa vùng quê Seattle. Sự mê hoặc đó đã trở thành động lực thúc đẩy Schultz thực hiện khát khao thành công của mình.

Cuộc đời Howard như bước sang một trang mới khi ông trở thành CEO của Starbucks vào năm 1987, chỉ sau 5 năm ông về làm việc.

Howard Schultz đã trở thành CEO của Starbucks vào năm 1987, chỉ sau 5 năm ông về làm việc.

Với bản lĩnh và tư cách của một doanh nhân, ông đã đứng ra thuyết phục các nhà đầu tư tin vào những chiến lược kinh doanh mà ông đã vạch ra cho công ty. Từ đó, Starbucks bắt đầu ăn nên làm ra.

Tuy nhiên, sự khác biệt về tầm nhìn và triết lý kinh doanh đã khiến cho mối quan hệ giữa ông và đội ngũ lãnh đạo trở nên rạn nứt. Howard Schultz quyết định bỏ ra ngoài và thành lập II Gionarle để cạnh tranh trực tiếp Starbucks.

Quyết định táo bạo này đã khiến Schultz phải chạy vạy vay vốn khắp nơi để có thể thành lập và duy trì được công ty. Ngay từ những ngày đầu thành lập II Gionarle, Schultz đã chú trọng ngay đến việc tìm kiếm các nhân tài và tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp bởi ông biết rằng cần phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở sản phẩm mà còn ở tất cả các nhân viên. Ông tin rằng điểm khác biệt đó sẽ tạo ra được dấu ấn đối với khách hàng, hình ảnh của doanh nghiệp sẽ in sâu vào tâm trí họ một cách tự nhiên nhất.

Howard Schultz đã từng có chia sẻ khá thú vị với báo giới: “Chúng tôi không cần tuyển những người có nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi cũng không cần tuyển những người phải được đào tạo chính quy. Chúng tôi tuyển những người yêu thích công việc, yêu cà phê, thể hiện niềm đam mê với cà phê. Việc đào tạo kỹ năng là phần việc sau này”, chính điều này mới tạo nên bản sắc của một doanh nghiệp.

Cuộc bứt phá ngoạn mục của một thương hiệu vùng quê

Kể từ khi Schultz ra đi, Starbucks sụt giảm doanh số nghiêm trọng đến mức không thể cứu vãn được nữa, các ông chủ của Starbucks đã phải bán lại công ty của mình. Và một lần nữa, Howard Schultz lại lo tài chính để mua lại công ty cũ. Giờ đây, Starbucks đã nằm gọn trong tay của ông . Tham vọng chiếm lĩnh thị trường là động lực giúp ông đưa Starbucks ra khỏi Seattle lấn sân sang các địa phương khác.

Suốt mười năm chinh chiến cùng đồng đội là những nhà điều hành sáng suốt và dày dặn kinh nghiệm, Howard Schultz đã đưa Starbucks từ một doanh nghiệp địa phương với vỏn vẹn chỉ có 5 cửa hàng trở thành một tập đoàn quốc gia với hơn 8.600 cửa hàng và 25.000 nhân viên phục vụ.

Năm 1992, Starbucks đã có bước nhảy vọt đáng kinh ngạc khi tiến hành IPO (việc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng) và trở thành công ty đại chúng. Đây là ước mơ của bất kì một ông chủ doanh nghiệp nào nhưng đằng sau sự thành công đó Starbucks cũng gặp phải không ít vấn đề .

Starbucks đã thực sự trở thành một đế chế cafe.


Đạt đến đỉnh cao danh vọng, nhưng việc đối mặt với phố Wall, với những kỳ vọng về tài chính có thể khiến Starbucks đi chệch hướng. Nhưng thật may mắn là Starbucks có được Howard Schultz – vị CEO với lòng say mê cà phê sâu sắc đã cầm cương luôn giữ cho công ty không đi xa quá các giới hạn và tầm nhìn chiến lược của mình. Và cùng với sự ra đời của các sản phẩm mới, Starbucks cũng không ngừng kết nối và hợp tác với nhiều đối tác để nâng cao vị thế cạnh tranh của mình, đó là một chiến lược khôn ngoan.

Dù thống lĩnh thị trường cà phê thế giới là vậy nhưng xung quanh Starbucks vẫn luôn có rất nhiều đối thủ cạnh tranh như The Coffee Beans, Gloria Jean’s… hay đơn giản như ở Việt Nam thì gã khổng lồ này phải đối mặt với Tập đoàn cà phê Trung Nguyên hay Highland Coffee.

Nhưng với hương vị khác biệt trong từng cốc cà phê cộng với cách chọn vị trí của cửa hàng, Starbucks vẫn lôi cuốn được những vị khách khó tính nhất. Khách hàng khi đến với Starbucks có thể tận hưởng trọn vẹn sự hòa trộn độc đáo giữa hương vị đậm đặc của tách cà phê phin pha trộn với hương vị thơm thoảng của cà phê Folgers giữa không gian nghệ thuật hài hòa, hòa quyện giữa phong cách sang trọng quý phái và bình dị.

Khách hàng đến với Starbucks đủ mọi mọi tầng lớp nhưng khi đến đây hầu hết họ đều cảm nhận được không khí ấm cúng, thân hữu, không phân biệt tầng lớp. Đây chính là điểm khác biệt và cũng là điểm mạnh nhất của Starbucks mà các đối thủ khác không có được.

Hơn thế nữa, tính quần chúng, chiêu khách khôn ngoan của Starbucks đã được Howard Schultz tận dụng triệt để, thể hiện ngay trên các sản phẩm cà phê dành cho phụ nữ và trẻ em không bao giờ uống cà phê. Chính bởi vậy, từ dân nghiền cà phê nhà nòi đến các tay uống cà phê lơ mơ đều có thể kiếm được một ly cà phê hợp với trình độ và khẩu vị thưởng thức cà phê của mình. Những điều này, các đối thủ cạnh tranh của Starbucks đều chưa làm được. Và đó cũng là lý do tại sao Starbucks lại trở thành ông vua thị trường cà phê thế giới.

Giờ đây, bằng niềm đam mê cùng với khả năng lãnh đạo tuyệt vời, Howard Schultz đã đưa Starbucks trở thành một đế chế đồ uống hùng mạnh với 18.000 của hàng cùng hơn 200.000 nhân viên với khoảng 44 triệu cốc cà phê được bán ra hàng tuần.

Thành công có được ngày hôm nay không chỉ nhờ vào bản lĩnh kinh doanh, tầm nhìn chiến lược sâu rộng mà trên hết còn có niềm đam mê, nhiệt huyết và ý chí bền bỉ, quyết tâm theo đuổi ước mơ đến cùng ngay cả trong những lời chế giễu của kẻ khác. Câu chuyện khởi nghiệp của vị CEO đi lên từ hai bàn tay trắng này là bài học vô cùng ý nghĩa với những ai đang xây dựng sự nghiệp và nỗ lực theo đuổi giấc mơ của mình.

Câu chuyện khởi nghiệp của vị CEO đi lên từ hai bàn tay trắng này là bài học vô cùng ý nghĩa với những ai đang xây dựng sự nghiệp và nỗ lực theo đuổi giấc mơ của mình.


“Mọi công ty đều có thể phát triển lớn mạnh mà không cần phải đánh mất sự đam mê và cá tính vốn có, miễn sao nó không bị lèo lái bởi những đắn đo về lợi nhuận, mà thay vào đó là những giá trị thực. Chìa khóa thành công nằm ở trái tim. Tôi dốc hết trái tim mình vào từng tách cà phê và các đối tác của tôi ở Starbucks cũng vậy. Khi khách hàng cảm nhận được điều đó, họ luôn đáp lại bằng tấm lòng trân trọng”, đó là những chia sẻ rất thật của một CEO đi lên bằng chính đôi chân của mình với một tình yêu mãnh liệt với từng hạt cà phê.

Chỉ cần dốc hết trái tim vào từng việc mình làm, chúng ta có thể đạt được những ước mơ mà người khác cho rằng không thể. Đó là điều viết nên câu chuyện cuộc sống thành công với một kết thúc có hậu!

Nguyễn Hà (T.H)

VÌ SAO NGƯỜI DÂN BHUTAN KHÔNG SỢ CHẾT?

Trong một lần đến Thimphu, thủ đô của Bhutan, tôi đã ngồi đối diện một người đàn ông có tên Karma Ura và trút hết ruột gan của mình. Có lẽ lý do là vì ông ấy có tên là Karma (tức ‘Nghiệp’ theo Phật giáo), hay do không khí loãng hay do hành trình chuyến đi đã làm tôi không e dè gì nữa.


Nghĩ về cái chết

Điều mà tôi quyết định thổ lộ với ông ấy hết sức riêng tư.

Không lâu trước đó, dường như không hiểu từ đâu tôi trải qua một số triệu chứng khó chịu: khó thở, chóng mặt, tay chân tê cứng. Lúc đầu, tôi sợ rằng mình đang lên cơn đau tim. Do đó tôi đi đến gặp bác sỹ. Bác sỹ đã tiến hành một số xét nghiệm và kết luận rằng...

“Không có gì cả”, Ura nói. Ngay cả khi tôi nói hết câu thì ông ấy đã biết là nỗi lo sợ của tôi là không có cơ sở. Không phải là tôi đang chết dần mòn, ít nhất cũng không chết nhanh như tôi lo sợ. Tôi chỉ bị chứng hoảng loạn mà thôi.

Điều tôi muốn biết là: “Tại sao vào lúc này?” – cuộc sống của tôi vẫn đang diễn ra tốt đẹp – và tôi có thể làm được gì để thay đổi tình trạng này?

“Anh cần nghĩ về cái chết năm phút mỗi ngày,” Ura trả lời. “Cách làm này sẽ giúp được anh.”

“Bằng cách nào?” tôi hỏi trong khi cảm thấy chết lặng.


“Chính là nỗi sợ cái chết trước khi chúng ta làm được những gì chúng ta muốn hay nhìn thấy con cái chúng ta lớn khôn. Đó chính là lý do khiến anh cảm thấy bất an.”

“Nhưng tại sao tôi lại cần nghĩ về một điều đau buồn đến như vậy?”

“Những người giàu ở phương Tây – họ chưa từng chạm vào xác người chết, những vết thương còn nguyên hay những thứ thối rữa. Đó chính là vấn đề. Đó là cuộc sống nhân sinh. Chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho giây phút chúng ta từ giã cõi đời.”

Vương quốc bất ngờ

Các địa điểm, cũng như con người, có cách gây bất ngờ cho chúng ta, miễn là chúng ta đón nhận khả năng bất ngờ và không bị ảnh hưởng bởi những quan niệm sẵn có.

Vương quốc nằm trên dãy Himalaya này được biết đến nhiều nhất với Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia. Đây là một đất nước mà sự hài lòng được cho là ngự trị còn nỗi buồn không được phép ghé đến. Bhutan thật sự là một đất nước đặc biệt và Ura, giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Bhutan, là một người đặc biệt. Tuy nhiên sự đặc biệt đó mang nhiều sắc thái.


Thật ra, khi đưa ra đề xuất tôi nên nghĩ về cái chết một lần mỗi ngày, Ura hơi dễ dãi đối với tôi. Trong văn hóa Bhutan, người ta phải nghĩ về cái chết năm lần một ngày.

Điều này thật không bình thường đối với bất kỳ nước nào, nhất là đối với một nước thường được đánh đồng với hạnh phúc như Bhutan. Liệu đây có phải là đất nước của sự tăm tối và tuyệt vọng mà bên ngoài không biết đến?

Không nhất thiết phải như vậy.

Một số nghiên cứu mới đây cho thấy bằng cách nghĩ về cái chết thường xuyên như vậy, người dân Bhutan sẽ đạt được một cái gì đó.

Trong một nghiên cứu hồi năm 2007, các nhà tâm lý học Nathan DeWall và Roy Baumesiter tại Đại học Kentucky đã chia vài chục sinh viên ra làm hai nhóm. Một nhóm được yêu cầu nghĩ về lần đi khám nha khoa rất đau đớn và một nhóm được yêu cầu chiêm nghiệm về cái chết của chính họ.

Cả hai nhóm sinh viên này sau đó được yêu cầu hoàn thành một từ đầy đủ từ một số chữ cái cho sẵn. Nhóm nghĩ về cái chết đã đưa ra những từ tích cực hơn nhiều so với nhóm kia, chẳng hạn như từ ‘vui sướng’.

‘Sống trọn vẹn từng khoảnh khắc’


Điều này khiến cho các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng ‘cái chết là một việc đáng sợ về mặt tâm lý nhưng khi chúng ta chiêm nghiệm về nó thì chúng ta tự động tìm đến những suy nghĩ vui vẻ’.

Điều này, tôi tin chắc, không hề khiến Ura hay bất kỳ người dân Bhutan nào cảm thấy ngạc nhiên.

Họ biết rằng cái chết là một phần của cuộc sống dù chúng ta có muốn hay không và việc không để ý đến sự thật này sẽ dẫn đến một cái giá nặng nề về mặt tâm lý.

Bà Linda Leaming, tác giả cuốn sách Hướng dẫn Hạnh phúc: Điều tôi học được ở Bhutan về Cuộc sống, Yêu thương và Sự tỉnh thức, cũng biết rõ điều này.

“Tôi nhận thấy rằng nghĩ về cái chết không khiến cho tôi đau buồn. Nó khiến cho tôi sống trọn vẹn từng khoảnh khắc và nhìn cuộc sống theo cách mà tôi không thường nhận ra,” bà viết. “Lời khuyên của tôi, hãy đến Bhutan. Hãy nghĩ những điều bạn không dám nghĩ, điều mà bạn sợ phải nghĩ một vài lần mỗi ngày.”


Không như nhiều người ở phương Tây, người Bhutan không tách riêng hình ảnh của cái chết.

Chết chóc và hình ảnh cái chết có mặt ở khắp nơi, nhất là trong những tranh vẽ Phật giáo với những hình ảnh minh họa đầy màu sắc. Không ai, ngay cả trẻ nhỏ, được giữ tránh xa những hình ảnh này hay những điệu múa nghi lễ thể hiện cái chết.

Tin vào kiếp sau

Tại sao người dân Bhutan có thái độ như thế đối với cái chết? Một lý do khiến người dân Bhutan nghĩ về cái chết thường xuyên là vì nó có mặt ở mọi nơi xung quanh họ. Đối với một đất nước nhỏ bé, có nhiều cách để chết. Người dân có thể mất mạng trên những cung đường ngoằn ngoèo, hiểm trở. Bạn có thể bị gấu vồ hay ăn nhầm nấm độc...


Một cách giải thích khác là niềm tin Phật giáo thấm sâu vào đất nước này, nhất là niềm tin vào kiếp sau. Nếu bạn tin rằng bạn sẽ có kiếp sau, bạn sẽ ít có khả năng lo sợ kết thúc kiếp sống hiện tại. Như trong Kinh Phật dạy, chúng ta không nên sợ cái chết hơn là sợ vứt bỏ đi lớp áo cũ.

Điều này không có nghĩa là người dân Bhutan không có nỗi sợ hay nỗi buồn trước cái chết.

Dĩ nhiên là họ sợ và buồn.

Nhưng, như bà Leaming nói với tôi, họ không chạy trốn những cảm giác này. “Ở phương Tây chúng ta muốn vượt qua nỗi buồn,” bà nói. “Chúng ta sợ nỗi buồn. Còn ở Bhutan có một sự chấp nhận. Đó là một phần của cuộc sống.”

(Bản quyền hình ảnh: THINKSTOCK)

Eric Weiner
BBC Travel

Link tiếng Anh:

http://www.bbc.com/travel/story/20150408-bhutans-dark-secret-to-happiness


Thursday, June 28, 2018

NHỮNG MÓN LẨU TIẾNG TĂM LỪNG LẪY CỦA TRUNG HOA

Vào mùa đông lạnh giá, các món lẩu rất được ưu ái tại Trung Quốc, trong đó nổi tiếng nhất có thể kể đến lẩu Tứ Xuyên, lẩu nhúng Bắc Kinh...

Lẩu Tứ Xuyên

Món ăn dân gian này bắt nguồn tại các bến cảng vùng Trường Giang vào đầu triều Thanh. Nó nhanh chóng được các thuyền viên yêu thích bởi sự tiện lợi, dễ làm và khả năng làm ấm cơ thể hiệu quả. Nồi lẩu Tứ Xuyên thường được phục vụ trong loại nồi hai ngăn. Một ngăn có chứa nhiều gia vị cay nóng, ngăn còn lại thì không cay để phù hợp với khẩu vị của khách và trung hoà bớt vị cay. Tuy nhiên cũng có những nồi lẩu có đến 9 ngăn.


Lẩu Tứ Xuyên có hai loại, một là lẩu Thành Đô, hai là lẩu Trùng Khánh, cả hai loại thoạt nhìn thì rất khó phân biệt với nồi nước dùng đầy ớt, tiêu như nhau. Nhưng về cách chế biến, khẩu vị của người Trùng Khánh thích cay nồng hơn, gia vị cũng đậm đà hơn. Những du khách không quen ăn cay sẽ không tài nào nếm nổi phần nước lẩu cay chảy nước mắt của nồi lẩu Trùng Khánh.


Tuy lẩu Tứ Xuyên cay là thế nhưng lại không hề gây nhiệt cơ thể bởi được chế biến với 89 nguyên liệu khác nhau, giúp người ăn cảm thấy vị cay nhưng không gây ảnh hưởng tới sức khỏe dạ dày.

Lẩu shabu Bắc Kinh (lẩu nhúng)

Lẩu nhúng Bắc Kinh vốn là lẩu thịt dê, món ăn đơn giản nhưng nước dùng lại được chế biến khá cầu kỳ với 10 loại nguyên liệu gồm dầu ớt, nước tương, bột ngọt, giấm, dầu mè, dầu hạt tiêu, mùi tây, rau hẹ, đậu tương, hành, gừng... Nồi nước dùng phải luôn sôi sùng sục để người ăn thoải mái nhúng thịt dê, hải sản, xách bò và nhiều loại rau ăn kèm.


Với người dân phương Bắc Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Kinh rất ưa chuộng món này, nhất là khi trời chuyển sang đông. Món ăn kèm khoái khẩu nhất cho lẩu nhúng này chính là những đĩa tỏi ngâm. Vị chua của giấm, nồng của tỏi sẽ tăng thêm vị ngon miệng cho người ăn.



Lẩu hoa cúc Tô Hàng

Món lẩu hoa cúc là món ăn do đích thân Từ Hy thái hậu nghĩ ra. Nước lẩu hoa cúc được hầm bởi nước dùng gà hay xương heo, nguyên liệu ăn kèm cũng rất đa dạng với các loại thịt gà, cá thái lát... Hoa cúc được rửa sạch, phơi ráo, khi nước lẩu đã sôi thì cho phần hoa cúc vào là có thể dùng. Trong Đông y, hoa cúc có tác dụng bổ khí huyết, tăng tuổi thọ, chống lão hóa, thải độc, giải nhiệt, giảm huyết áp...



Lẩu khô Hồ Nam

Nguyên liệu làm lẩu khô có thể là vịt, cá, thỏ... Những món này sau khi sơ chế được ướp thêm các loại phụ liệu như gừng lát, rau mùi... rồi dùng rượu trắng xào sơ qua, sau đó bỏ vào chút dầu ớt, đun khoảng 15 phút là trở thành nồi lẩu khô có mùi vị đặc biệt. Đây là món ăn độc đáo của vùng Hồ Nam.


Lẩu hải sản Quảng Đông



Món lẩu hải sản của người Quảng Đông rất chăm chút phần nguyên liệu, nồi lẩu bắt buộc phải có nhiều loại hải sản đa dạng như thịt bò, mực, bạch tuộc, xách bò, hải sâm... Khi ăn, các loại hải sản sẽ được nhúng chín trong phần nước dùng thanh ngọt, sau đó để riêng vào chén của mỗi người rồi mới tiếp tục bỏ các phần nguyên liệu thịt gà, thịt bò vào nồi lẩu. Sau khi dùng xong phần thịt mới thêm vào các loại rau cải, nấm để ăn sau cùng.

Lẩu vịt nấu bia

Đây là món lẩu mới và rất được ưa chuộng những năm gần đây tại Trung Quốc. Món ăn được bắt nguồn do một vị khách trong một lần bất cẩn đã trót đổ bia vào trong nổi lẩu, nhưng sự tình cờ đó lại khiến mùi vị nước dùng thơm ngon hơn. Cũng từ đó đã có khá nhiều nhà hàng thử nghiệm chế biến nước dùng lẩu từ bia.


Món vịt nấu lẩu bỏ hết phần nội tạng, chỉ lấy phần thịt, đầu, chân rồi nấu chín với các loại gia vị gừng, ớt, tiêu... Phần bia chỉ bỏ vào sau khi nước lẩu đã sôi, đun riu riu khoảng 10 phút là có thể dùng.


Theo Trí Thức Trẻ

RANH GIỚI MỘT ĐỜI NGƯỜI LÀ GÌ?


Ranh giới một năm là mùa xuân, ranh giới một ngày là bình minh, vậy ranh giới một đời là gì?

Người ta thường nói: “Nhất niên chi tế tại vu xuân, Nhất thiên chi tế tại vu thần, Nhất sinh chi tế tại vu cần” (一年之际在于春, 一天之际在于晨, 一生之际在于勤 Ranh giới một năm là mùa Xuân, Ranh giới một ngày là bình minh, Ranh giới một đời là chuyên cần), xuất phát từ Thiệu Ung, một triết gia, thi nhân và là nhà thiên văn nổi tiếng thời Bắc Tống. Vì sao đức chuyên cần lại được coi là ranh giới của một đời?


Đào Khản

Đào Khản (317–420) vốn là thống sứ Kinh Châu thời Đông Tấn, do tiểu nhân ganh ghét mà bị giáng chức đến Quảng Châu. Ở Quảng Châu có rất ít việc phải lo, nhưng hàng ngày, mỗi buổi sáng ông Đào khiêng 100 viên gạch từ phòng đọc sách ra sân, và sau đó đến tối lại khiêng số gạch ấy quay vào phòng đọc sách.

Người ta tò mò hỏi, ông trả lời: “Tôi có ý định phục hồi lại chức quan ở Kinh Thành. Nếu tôi sống quá an dật và trở nên tự mãn, tôi e rằng mình sẽ không thể thực hiện được mục đích này”. Quả nhiên sau đó, Đào Khản đã được chuyển về lại Kinh Châu.

Tăng Quốc Phiên


Tăng Quốc Phiên là một vị quan nổi tiếng của triều đại nhà Thanh. Tư chất bẩm sinh của ông không cao. Thời thiếu niên ông ở nhà đọc sách, có một tên trộm nấp trên xà ngang nhà ông, hy vọng đợi Tăng Quốc Phiên sau khi đi ngủ sẽ lấy ra được vài thứ tốt. Tuy nhiên đợi và đợi mãi, Tăng vẫn không ngừng lật qua lật lại đọc bài văn đó.

Tên trộm nổi giận, nhảy ra và nói: “Với trình độ của nhà ngươi thì đọc được sách gì?”, lập tức đọc thuộc lòng một lượt những bài văn này, rồi nghênh ngang bỏ đi. Tăng Quốc Phiên không vì vậy mà nản chí, không những thế ông càng siêng năng hiếu học, cuối cùng đã trở thành một vị danh nhân nổi tiếng một thời, mà tên trộm thông minh kia thì bị vùi lấp trong dòng sông dài của lịch sử.

Khang Hy

Khang Hy là vị hoàng đế hiền minh bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa. Một ngày kia, Khang Hy chất vấn một viên quan chưởng quản nông nghiệp, xem toàn quốc trung bình mỗi người sở hữu bao nhiêu diện tích đất. Câu trả lời là 1,5 mẫu. Hoàng đế bèn nói: “Ta không thể ăn lương thực của thần dân, vì thế ta cũng sẽ trồng trọt trên 1,5 mẫu đất.”


Từ đó, trong hậu cung, ông đã trồng rau, lúa mì, gạo và tự mình tưới nước, bón phân. Sau đó, lúa không phát triển tốt do ở miền Bắc Trung Quốc vì khí hậu rất lạnh. Khang Hy phát hiện thấy có một cây lúa trong ruộng của mình mọc cao hơn những cây khác. Đến mùa thu, ông lấy giống từ cây này và gieo mầm vào mùa xuân năm sau. Theo cách này, Khang Hy đã tìm thấy một chủng lúa tốt phù hợp với khí hậu miền Bắc. Ông đưa nó cho nông dân, khắp nơi phương Bắc sản lượng đều gia tăng, bách tính an cư lạc nghiệp. Vì thế người đời sau nói: Đức chuyên cần của Khang Hy đã làm cảm động cả trời đất.

Sách “Thượng Thư” có viết: “Thiên Đạo thù cần” (天道酬勤 Đạo trời đền đáp cho người cần cù phấn đấu vươn lên), nói rõ ràng chân lý nhân sinh là sự siêng năng xoay chuyển nghịch cảnh, có thể đưa con người từ mùa đông lạnh giá đến mùa xuân ấm áp. Ba câu chuyện trên là minh chứng lịch sử cho chân lý này.

Một mùa xuân lại đến, mở ra niềm hi vọng cho cả đất trời, vạn vật. Một chút ý chí bồi dưỡng tác phong chuyên cần, cũng sẽ mở ra một chương mới cho cuộc đời của mỗi chúng ta.


Mã Lương (biên tập)