Saturday, June 16, 2018

SA KÊ, LOÀI QUẢ DẪN ĐẾN CUỘC BINH BIẾN HUYỀN THOẠI

Ở quần đảo Polynesia thuộc Pháp, quả sa-kê (breadfruit) là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của người dân và cả văn hóa của họ.


Nó có vai trò quan trọng đến mức câu chuyện về loài trái cây này được gắn liền với lịch sử.

Người dân vùng đảo Polynesia của Pháp có truyền thuyết về nạn đói xảy ra trên đảo Ra'iātea.

Một gia đình gồm sáu người trong cơn tuyệt vọng tìm kiếm thức ăn đã phải ăn dương xỉ mọc dại ở thung lũng xung quanh cái hang nơi họ trú ngụ.

Không đành chứng kiến cảnh những người thân yêu đói khát, người chồng nói với vợ rằng anh sẽ chôn mình bên ngoài hang động và sẽ hóa thành một cái cây nở hoa để cho con cái ăn.

Một sáng nọ, người vợ thức giấc và không thấy chồng đâu. Cô biết rằng chuyện gì đã xảy ra.


Gần đó có một cây uru mọc rất nhanh, các nhánh cây trĩu nặng quả sa-kê. Ngày nay, nơi này được gọi là Mahina, nhưng nhiều người dân địa phương vẫn gọi nó là Tua-uru, có nghĩa là 'thung lũng sa-kê'.

Trong chuyến đi tới Polynesia thuộc Pháp, tôi không cần đến câu chuyện trên mới biết rằng sa-kê, hoặc uru, như người địa phương vẫn gọi, là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của người dân và cả văn hóa của họ.

Đi đến đâu tôi cũng nhìn thấy những cái cây cao chót vót với những chiếc lá trông như phủ sáp và lúc lỉu trái cây trĩu nặng, mỗi quả to cỡ trái bóng hoặc có thể lớn hơn.

Chúng được dùng để trang trí lề đường và những căn nhà thấp ("Là chuyện phổ biến", một người thổ dân Polynesia chính hiệu tên là Tea nói với tôi, "bởi vì nó có thể khiến bạn nuôi được cả gia đình trong nhiều năm").

Tại các quầy hàng trong chợ, trái sa-kê hình tròn và hình chữ nhật (chỉ riêng ở Polynesia thuộc Pháp đã có hàng chục giống khác nhau) nằm bên cạnh dừa, chuối, mãng cầu xiêm và chanh leo.


Ở lớp vỏ ngoài màu xanh lá cây của chúng là những mắt hình lục giác nhỏ. Một số quả được bổ đôi, để lộ lớp thịt trắng. Trông chúng giống như trái mít, nhưng nhỏ hơn, và hóa ra chúng lại thuộc cùng một họ với mít và vả.

Trên hơn 100 hòn đảo tạo nên Polynesia thuộc Pháp, mãng cầu là một loại thực phẩm thiết yếu.

Tên gọi của loài quả này bắt nguồn từ thực tế là khi quả vừa chín tới, có thể ăn được, thì trái cây chứa nhiều bột này khi được đem nấu chín sẽ có mùi như bánh mì mới nướng.

Quả càng chín thì càng ngọt, và có thể đem chế biến bằng nhiều cách. T có thể đem nghiền mịn, luộc, nướng hoặc chiên lớp cùi thịt, thậm chí ăn tươi.


Một số người dân địa phương gọi sa-kê là 'Cây sự sống', bởi nó có thể đem đến cho chúng ta rất nhiều thứ: cả trái cây và lá non đều ăn được; gỗ cây rất nhẹ, có thể dùng để xây nhà, làm ca nô. Vỏ cây thậm chí còn được dùng để làm quần áo.

Uru hóa ra là không phải là thứ gì bí mật.


Loài quả có nguồn gốc từ vùng New Guinea này đã được người Polynesia mang theo và trồng ở những nơi họ đi khám phá trên khắp vùng Nam Thái Bình Dương từ hàng ngàn năm qua.

Khi các nhà thám hiểm người Anh biết về loài cây năng suất cao và loại trái cây bổ dưỡng này, thì việc uru được đem đi ra khắp thế giới chỉ con là vấn đề thời gian.

Ngày nay, cây sa-kê có ở rất nhiều các vùng đất trũng nhiệt đới của khoảng trên 90 quốc gia, trong đó có Malaysia, nơi nó được gọi là buah sukun, Venezuela (pan de año) và Ấn Độ (kadachakka).

Năm 1768, khi Thuyền trưởng James Cook ra khơi trên con tàu của Hải quân Hoàng gia Anh HMS Endeavour, nhà thực vật học người Anh Sir Joseph Banks đã đi theo.

Trong hành trình thám hiểm kéo dài ba năm có khoảng thời gian ba tháng dừng chân ở Tahiti.


Ở đây, cả hai người đã nhanh chóng bị hấp dẫn bởi viễn cảnh loài quả này rồi đây sẽ được dùng để nuôi nô lệ ở vùng West Indies (Caribbe), khi chứng kiến cây phát triển nhanh, ít cần chăm sóc và cho sản lượng rất cao loại trái cây giàu chất bột.

Khi trở về Anh, Banks (sau này trở thành chủ tịch của Hiệp hội Hoàng gia, tổ chức khoa học quốc gia lâu đời nhất thế giới) đã trình bày với Vua George III về những phát hiện của họ; nhà thực vật học thậm chí còn treo giải thưởng cho những ai thành công trong việc vận chuyển 1.000 cây sa-kê từ Tahiti đến West Indies.


Tại Tropical Garden, một trang trại do gia đình sở hữu đầy hoa nhiệt đới và cây ăn quả trên đảo Mo'orea, tôi ăn trên một miếng sa-kê cắt vuông được hấp chín ngâm trong sốt khoai mì, được gọi là món po'e (chè hoa quả của người Tahiti).

Từ lúc được nếm thử hương vị đậm đà của nó, tôi đã ngay lập tức thấy thích thú.

Ở khắp mọi nơi tôi ghé qua, tôi đều tìm các thực đơn có món sa-kê ăn vặt, từ món rán cho tới salad và kem.

Tôi đọc và biết rằng ta có thể nấu chín nó trên bếp lửa, ngâm trong nước cốt dừa và ăn khi nó đang ấm ấm với punu pua'atoro, hoặc ăn với món thịt bò nghiền đóng hộp kiểu Anh, corn beef, hoặc nghiền thành bột để làm bánh mì không chứa gluten.

Một số chuyên gia thực vật thậm chí còn nói đó là một siêu thực phẩm của tương lai, có thể giúp giải quyết nạn đói trên thế giới.


Tôi tự hỏi làm thế nào một trái cây quan trọng như vậy mà tôi lại mới phát hiện ra?

Gần hai thập niên sau chuyến thám hiểm ban đầu của Cook, Vua George III đã bổ nhiệm đại úy hải quân William Bligh dẫn đầu chuyến thám hiểm sa-kê, đến Tahiti.

Vào ngày 28/11/1787, Bligh khởi hành cùng đội thủy thủ trên chiếc HMS Bounty.

Cuộc hành trình của họ có khởi đầu vất vả. Mưa to gió lớn khiến chuyến đi bị chậm lại đáng kể, và khi họ đến Tahiti, Bligh và đoàn thủy thủ đã phải đợi thêm năm tháng các cây mới có thể đem đi được.

Tới khi họ lên thuyền đi vào vùng biển Carribe thì các thủy thủ của Bligh đã trở nên quen với đời sống trên đảo, và với phụ nữ Tahiti.

Nhiều người trong số họ không muốn rời đi. Vì vậy, vào ngày 29/4/1789, chỉ một tháng kể từ khi vượt Nam Thái Bình Dương tới West Indies, người bạn Fletcher Christian của Bligh và 18 thủy thủ bất mãn khác đã buộc Bligh cùng 18 người ủng hộ ông phải lên một chiếc thuyền dài 7m và đẩy họ ra khơi, ném toàn bộ các cây sa-kê lên tàu.


Cuộc binh biến "Mutiny on the Bounty" đó nay trở thành truyền thuyết, và hầu hết các nhà sử học tin rằng điều đó xảy ra bởi vì những người theo Kitô giáo nghĩ rằng ông có thể giúp họ trở về Tahiti - điều cuối cùng đã xảy ra tuy không hoàn toàn theo dự tính.

Bligh và thủy thủ đoàn của ông đã sống sót một cách đáng kinh ngạc, nhờ vào bản năng và trí nhớ để đi một hành trình kéo dài 3.618 hải lý (6.701km) trong 48 ngày, tới được Timor, một hòn đảo nằm ở Đông Nam Á.


Bligh nhanh chóng quay trở về Anh, nơi ông được vinh danh và tha bổng mọi sai phạm. Hai năm sau, ông lại một lần nữa dong buồm tới Tahiti, và lần này ông đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Trong thực tế, một số trong những cây được cho là do Bligh đem tới từ những ngày đầu giờ vẫn còn cho ra trái ở Jamaica.


Vào ngày cuối cùng của chuyến đi, tôi tới chợ Papeete, một khu chợ lớn và ồn ào, chỉ cách vịnh Tahiti vài dãy nhà.


Trong khi các du khách khác xem ngắm các quầy hàng bán pareos in màu sắc sặc sỡ (một loại sarong), các chai monoï (hỗn hợp dầu dừa và hoa) và dầu vani, và trang điểm tóc bằng những tràng hoa thơm, thì tôi lên lầu, vào quán Cafe Maeva để thử món sa-kê đã khiến tôi mê mẩn: frites de uru, món sa-kê cắt miếng dày rồi chiên giòn.


Mỗi miếng cắn vào lớp vỏ giòn tan lại cho ta cảm giác vị quả ấm ấm bên trong, vị của loại trái cây xứng đáng được ghi vào lịch sử.

Laura Kiniry
BBC Travel
Link tham khảo:


No comments: