Sunday, June 24, 2018

KHÚC HẬU ĐÌNH HOA

Mấy ngày trước tôi có kể cho các bạn về chuyến đi Trung Quốc vừa rồi, tôi có đến Nam Kinh. Chuyến này, tôi không trở lại thăm "Nam Kinh Đại Kiều" vì cầu đang được trùng tu lại. Tôi được đến tham quan những nơi khác, có một nơi mà lúc đầu không để ý, chỉ thấy một khúc sông, một dãy tường thành đã sụp đổ ngổn ngang gạch đá. Người dẫn đoàn cho biết đây là bến Tần Hoài, một di tích lịch sử và trong văn học nhà thơ Đỗ Mục đã làm bài thơ "Bạc Tần Hoài". Hôm nay đọc được một bài viết nói về câu chuyện này nên post lên cho các bạn đọc:

Câu chuyện chưa kể đằng sau bài ca mất nước "Khúc Hậu Đình Hoa"


Trong lịch sử Trung Hoa, triều đại thịnh trị và tạo nên những kỳ tích huy hoàng là triều Đường. Năng lượng ấy mãnh liệt đến mức nó duy trì đến mấy trăm năm sau. Mặc dầu đôi lúc có loạn lạc, có những vị vua kế nghiệp bất tài nhưng cái thời Trinh Quán ấy như một dòng sông Ngân chảy giữa đất trời với muôn vàn tinh tú xôn xao với những ánh sáng lạ…

Thế nhưng khi Đường triều đến thời mạt, thì chính trị nhiễu nhương, xã hội loạn lạc, và đình triều cũng mục nát như ai. Một triều đại đã đến tuổi già nua, bộc lộ nhiều bệnh hoạn, sắp tới hồi chung cục.

Và Đỗ Mục là nhà thơ sống giữa thời mạt ấy.

Nhắc tới Đỗ Mục, người ta thường nhớ tới những bài thơ vẽ nên cảnh sắc trữ tình, nói nên thứ tình cảm trong sáng, lành mạnh, thanh nhã, nhẹ nhàng làm rung động lòng người. Có thể nhắc đến hai bài sau:

Thanh minh

Thanh minh lất phất mưa phùn
Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa
Hỏi thăm quán rượu đâu à?
Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài.

Sơn hành

Lên đỉnh non thu chếch nẻo ngoài,
Giữa vùng mây trắng thoáng nhà ai.
Dừng xe, chiều ngắm rừng phong thẳm,
Lá đỏ hơn hoa giữa tháng hai.

Nhưng có lẽ bài thơ đọng lại nhiều cảm xúc ngậm ngùi trong tâm khảm người đọc lại là:


Bạc Tần Hoài

Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa, 
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia. 
Thương nữ bất tri vong quốc hận, 
Cách giang do xướng “Hậu đình hoa”.

Dịch nghĩa:

Khói lan toả trên nước lạnh, ánh trăng lan trên cát 
Buổi đêm đậu thuyền tại bến sông Tần Hoài cạnh quán rượu 
Cô gái trẻ không biết đến nỗi hận mất nước 
Ở bên kia sông còn hát khúc “Hậu đình hoa”.

Dịch thơ (Bản dịch của Trần Trọng Kim):

Khói lồng nước, bóng trăng lồng cát, 
Bến Tần Hoài, thuyền sát tửu gia. 
Gái ca đâu nghĩ nước nhà, 
Cách sông vẫn hát khúc” Hoa Hậu Đình”.


Tác phẩm được đặt tên như một thứ mô-tip của Đường Thi. Nếu Trương Kế có “Phong Kiều dạ bạc” (đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều) thì ở đây là “Dạ bạc Tần Hoài” (đêm đậu thuyền ở bến Tần Hoài). Ba chữ “Bạc Tần Hoài” tên tác phẩm có gì đó khu biệt với các bài thơ cùng thể loại.

Tần Hoài là con sông bắt nguồn từ vùng Đông Bắc tỉnh Giang Tô, chảy qua Nam Kinh rồi đổ vào sông Trường Giang. Tương truyền khi Tần Thuỷ Hoàng tuần du đất Cối Kê ở phương Nam, mới cho đào khúc sông này để nối dòng Hoài Thuỷ chảy vào Trường Giang, nên mới có tên là Tần Hoài từ đó.

Có tài liệu viết rằng, từ thời Lục Triều (giai đoạn ra đời Hậu Đình Hoa), hai bên sông Tần Hoài đã nổi tiếng là khu vực vui chơi xa hoa vô độ. Các triều đại sau đó có thịnh suy đổi thay nhưng khu vực này vẫn như thế. Đặc biệt là tới thời mạt Đường đây là chốn ăn chơi sa đọa nhất, lặp lại những triều đại đã suy vi trước đó.

Như vậy, cũng là ghé bến sông trong đêm nhưng ở Phong Kiều thì yên tĩnh đến lặng tờ:

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

(Tản Đà dịch)

Còn bến Tần Hoài của Đỗ Mục lại là Kim Lăng đô hội, chốn ăn chơi mải miết quên đất quên trời. Đây là một đoạn sông chảy ngang qua kinh đô một thuở của vua Trần Hậu Chủ, vì đam mê tửu sắc, say đắm ca vũ mà nước mất, nhà tan…

Tiết Thanh Minh không đoàn viên ở quê cha, dừng xe bên núi ngắm nhà trong mây, hy vọng có một cửa Thiền chào đón. Và bây giờ thay cho việc đi bộ giữa đồng, đi xe lên núi, Đỗ Mục với một lá thuyền con mệt mỏi ghé bến tửu lâu! (Chữ “Bạc” 泊 có ba chấm thuỷ bên trái, có nghĩa là “trôi nổi”, cũng có nghĩa là “ghé lại”, ví dụ như “bạc thuyền” là ghé thuyền lại).

Nhưng trong thời loạn, hoạn quan và lũ xu nịnh nhiều như dòi bọ hỏi kiếm ai ra người tri âm? Và cũng trong thời mạt tận của nhà Đường, bậc thi nhân ngồi riêng một góc trong quán rượu không phải để say mà để uống những đắng cay thực tại, để mơ về thời thịnh thế Trinh Quán, để thấy cái tương lai treo trên sợi chỉ mành của một vương triều tàn mạt!

Câu thứ nhất:

“Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa”
(Khói lan toả trên nước lạnh, ánh trăng lan trên cát)

Câu thơ thứ nhất có hai chữ “lung” nối kết khói nước cùng mặt nước lạnh trên sông Tần Hoài, kết ánh trăng và bãi cát thành từng cặp nhất thể. Tất cả trở thành mông lung, mờ ảo, cứ chập chờn, mang mang trong con mắt của một người say.

Trần Thúc Bảo

Cảnh vật được nhìn ở tầm gần. Có lẽ lúc con thuyền chuyển bánh lái ghé vào một cái bến có tửu gia:

“Yên lung hàn thuỷ”: Nhà thơ thấy những lớp khói sóng đang phủ trùm không cho ai thấy mặt nước lạnh của sông.

“Nguyệt lung sa”: Trăng in lên bãi nhuộm cát thành tấm lụa óng ánh dài và rộng. Bờ sông bên này dường như chỉ có một con thuyền cột vào bên quán rượu, có trăng trong, có đêm lạnh, có “Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. Nỗi buồn thời thế và nỗi buồn thấy đời người như bóng ảnh đã làm cho cái nhìn về thời gian dường như lộn ngược.

Bởi, đáng lẽ ghé vào bến sông Tần Hoài, nhà thơ có dịp nhìn “Khói sóng không bay cao mà trắng xóa, mờ mịt che làn nước xanh lạnh ngắt dưới ánh trăng”.

Sau đó, đến ngồi trong quán rượu, thi nhân mới có điều kiện để nhìn trăng lồng ánh sáng cho bãi cát.

Câu thứ hai:

“Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia”
(Buổi đêm đậu thuyền tại bến sông Tần Hoài cạnh quán rượu)

Câu thứ nhất tả cảnh. Câu thứ hai kể sự kiện: “Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia”.

Với tâm trạng buồn của kẻ “cô phàm nhân” trong đêm lạnh, trăng dầu dãi thì ghé quán rượu để quên, để xóa đi nỗi sầu là lựa chọn cần thiết.

Hai câu cuối:

Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng “Hậu đình hoa”.

(Cô gái trẻ không biết đến nỗi hận mất nước
Ở bên kia sông còn hát khúc “Hậu đình hoa”.)

Hai câu cuối cũng thay đổi trật tự của logic. Đáng lẽ nói: Cách sông ta nghe tiếng hát, tiếng ca xướng rất rộn rã của bài “Hậu Đình hoa” từ bờ bên kia. Các cô gái ca kỹ ấy không biết nỗi hận mất nước hay sao?.

Ở đây, Đỗ Mục lại viết :

Thương nữ bất tri vong quốc hận,
(Những ca kỹ bán mình không biết nỗi hận mất nước)


Sau đó mới cho biết cái nguyên nhân nào của câu thơ này :

Cách giang do xướng “Hậu đình hoa”
(Cách con sông, phía bờ bên kia còn rộn rã cùng nhau hát xướng khúc “Hậu Đình hoa”!)

Những người ca kỹ này đang sống trong một đất nước dù loạn lạc, suy tàn nhưng vẫn là triều Đường. Họ đang hát bài ca của Trần Hậu Chủ thời Nam Bắc triều đã xảy ra cách đó 200 năm rồi!

Lớp hậu sinh này làm sao mà biết được những gì đã xảy ra trong lịch sử đã dằng dặc trôi qua lâu như vậy?

Với lại, thân phận dưới đáy xã hội, họ dùng tấm thân và khả năng ca vũ để kiếm cơm qua ngày, một kiếp “thương nữ” phù du, ta làm sao đòi hỏi họ phải có tấm lòng ưu thời mẫn thế của đấng trượng phu?

Đỗ Mục đang trách những người ca kỹ ấy không biết đến nỗi hận mất nước. Chính ông cũng biết cái trách ấy là không đúng đối tượng.

Thực ra, ông hiểu cái họa mất nước chỉ tính từng ngày. Cả triều đình mù quáng, bất tài lo ăn chơi cũng “hồn nhiên” như những cô thương nữ kia mà thôi!

Kịch bản của thời Hậu Trần lại được đưa lên sân khấu với những người thủ vai như vậy. Lịch sử lại là vòng quay. Đáng buồn là bao nhiêu kẻ thức nhận được như Đỗ Mục đều không sao cản lại, chỉ đi theo con bệnh mà thở dài.

Cũng cần nói một chút về âm nhạc của người xưa, thực ra ba yếu tố: thơ, nhạc và vũ điệu đều luôn đồng nhất.

Tương truyền, khi vua Thuấn sai người diễn tấu nhạc vũ “Đại thiều”, sau khi diễn tấu xong 9 chương, có phượng hoàng đến chầu bái, nhảy múa, trăm loài thú cũng nhảy múa theo.

Hơn 2000 năm sau, Khổng Tử đánh giá rằng: “Nhạc Đại thiều tận thiện tận mỹ vậy”.

Người xưa cho rằng âm nhạc là để cho con người vui vẻ. Nhưng niềm vui mà người quân tử có được là vì dùng nhạc để đồng hóa với Đại Đạo, còn niềm vui mà kẻ tiểu nhân có được là dùng nhạc để thỏa mãn ham muốn của con người. Dùng thiên đạo để tiết chế tư dục, thì sẽ có được niềm vui chân chính mà không mê loạn. Phóng túng tư dục mà xa rời thiên đạo, thì sẽ mê mất tâm trí nên không có được niềm vui chân chính.


Nghe âm thanh gian tà, thì khí tà loạn trên thân người sẽ bị đánh thức, tà khí thành khí hậu, nhạc dâm dật sẽ trở thành thời thượng. Nghe âm thanh thuần chính, chính khí trên thân người sẽ hưởng ứng với nhạc, chính khí thành khí hậu, hòa nhạc sẽ thịnh hành…

Trần Hậu Chủ xướng nhạc dâm loạn mà trao nước cho nhà Tùy.

Nhưng nhà Tùy lại theo vết xe đổ ấy. Người ta kể rằng, một hôm nghe xong bản nhạc trong cung Tùy, nhạc công Vạn Bảo Thường nói: “Tiếng nhạc này bạo ngược lại bi ai, báo trước thiên hại sắp tới sẽ tự tàn sát lẫn nhau, hơn nữa con người cũng sẽ bị giết gần hết”.

Kết cục của nhà Tùy còn thê thảm hơn Hậu Chủ: Tùy Dạng Đế bị giết chết ở Giang Đô!

Âm nhạc, ca vũ, ca từ với người xưa là điềm báo nhạy cảm nhất về sự thịnh hay suy, tồn hay vong của một đất nước. Đỗ Mục nghe rộn ràng như một dàn hợp xướng hát khúc “Ngọc Thụ Hậu Đình Hoa”, một khúc hát được gọi là “Vong Quốc Chi Âm” (Khúc âm nhạc mất nước), làm sao ông không khỏi bàng hoàng?

Nhà Tùy diệt nhà Trần vì an chơi xa xỉ, nhà Đường diệt Tùy cũng là thay Trời hành Đạo. Bởi mức độ ăn chơi của thời Hậu Tùy gấp trăm ngàn lần Hậu Chủ!

Và thật oái oăm với lịch sử. Đến lượt Vãn Đường vua chúa lại tin dùng hoạn quan, lại mê gái đẹp, say tiếng hát hay… lại bóc lột dân chúng mà thỏa dục tính ích kỷ, trụy lạc.

Khúc “Hậu Đình Hoa “được rất nhiều các nhà thơ cùng thời hoặc sau thời của Đỗ Mục nhắc nhở như một bài học giáo huấn từ lịch sử.

Lưu Vũ Tích ngậm ngùi khi nghĩ tới cố đô của 6 triều đại đi qua. Ông cho rằng, tất cả được-mất là do con người. Và cảnh cáo về bài học mất nước của Hậu Chủ là thói ăn chơi vô độ

Kim Lăng hoài cổ

Việc hưng phế là do người tạo
Chứ núi sông diện mạo trơ trơ
“Hậu đình hoa” khúc thoảng đưa
Điệu buồn u ám người nghe não lòng.

Lý Thương Ẩn sống cùng thời với Đỗ Mục, khi đi qua cung điện tan hoang của nhà Tùy, ông mô tả cảnh đổ nát tiêu sơ của chốn xưa đang dành cho ma quỷ trú ngụ. Bầy đom đóm và con quạ già chính là hậu thân của những kẻ làm vua ăn chơi mà quên dân tình lầm than khốn khổ. Những câu hỏi mỉa mai: Nếu không có Đường Thái Tông thì sự ăn chơi không biết sẽ còn tăng trưởng bao nhiêu lần nữa? Hóa ra trên cõi thế, cả hai là kẻ thù, người chính kẻ tà, nhưng gặp nhau chín suối lại cùng hát “Hậu Đình hoa”!

Cung điện nhà Tùy

Suối xanh cung điện khoá yên hà
Toan lấy Vô thành dựng đế gia
Ví chẳng ấn vàng về kẻ khác
Ắt là buồm gấm đến miền xa

Giờ đây cỏ mục không đom đóm
Muôn thuở cành dương có quạ già
Dưới đất gặp vua Trần Hậu chủ
Há nên hỏi khúc “Hậu đình hoa”?

La Vinh