Wednesday, June 6, 2018

AI YẾU !, AI MẠNH?

Sáng hôm nay đọc trên trang mạng của group, một bài viết về "Đàn ông thật là tuyệt vời", thấy cũng sướng lắm nhưng mấy phút trước đọc bài của BS Hoàng lại thấy đàn ông thật là đau khổ: "Đàn ông là loại yếu chứ không phải là loại mạnh"


Thật là nỗi "đau như thiến"! Có ai bị thiến chưa và đau đến cở nào? Hồi nhỏ tôi có nghe kể để thiến bò, người ta đập bể 2 dái của nó, nghe mà rùng rợn. Còn muốn làm Thái giám thì họ cắt luôn của quý của đàn ông. Tôi cũng có suy nghĩ trong cung đã có biết bao nhiêu là "cung nữ" vậy cần thêm Thái giám để làm gì ? Phục vụ cho vua sướng thì cần chi có thêm Thái giám ?

Nhưng bài viết hôm nay không đặt vấn đề ở đó mà chi bao quanh vấn đề: "đám đàn ông bị hạ giá".


AI YẾU !, AI MẠNH?

Khó tin nhưng có thật!


Cho đến hôm nay quý bà quý cô vẫn bị áp đặt vào phái… yếu!, trong khi quý ông tất nhiên tự cho mình là phái mạnh!, vì không lẽ xuống nước nhận mình là phái yếu hơn? Đau hơn nhiều cho các ông là giới yếm thắm một mặt âm thầm chấp nhận như thế để có cớ tranh đấu cho bình đẳng nam nữ, nhưng trên thực tế bà có yếu hay không lại là chuyện khác. Có một điểm rõ ràng bất lợi cho cánh đàn ông khi bàn chuyện mạnh được yếu thua. Đó là báo cáo y học trong gần trăm năm qua bao giờ cũng xác minh một thực tế khiến nhiều bậc mày râu thêm rầu vì ganh tị. Không buồn sao được khi phụ nữ, nói chung, sống thọ hơn nam giới đến cả chục năm! Nguyên nhân tất nhiên không vì nhiều ông quyết định “thà chết sớm cho khỏe thân!” mà vì nhiều bà biết cách sống đúng điệu “đường dài mới biết ngựa hay”! Chẳng những thế, ngay cả lúc bệnh, bà vẫn khéo hơn ông. Bằng chứng là thống kê về thời gian điều trị của bệnh nhân nội trú cho thấy khả năng phục hồi của phái bị gán là “yếu” rõ ràng hơn xa giới tự nhận là “mạnh”!




Đến bệnh cũng sợ… bà!


Có lẽ vì tự ái nên một “ông” giáo sư ở khoa y học xã hội, đại học Vienne, nước Áo, Michael Kunze, đã tiến hành một cuộc khảo sát qui mô với hơn 100.000 đối tượng từ nhiều nước trong vùng Trung Âu bao gồm nạn nhân của chứng mất ngủ, nhức đầu kinh niên và thoái hóa cột sống đến độ phải viếng bác sĩ tối thiểu một lần mỗi tháng, để xem ông hay bà dễ bệnh. Khổ cho ông này sau đó lâm vào cảnh khó báo cáo vì tỷ lệ mắc bệnh của phụ nữ trong cả 3 nhóm kể trên đều cao hơn nam giới rất nhiều, nhưng không hiểu sao mà tuổi thọ của quý bà vẫn cao hơn quý ông? Cứ như bệnh tuy có đến nhưng e dè ngần ngại khi gặp bà?! Không hiểu truyền thuyết thần thoại Hy Lạp thế nào nhưng vị thần bệnh tật chắc là một ông mang râu quặp!



Nếu chỉ dựa vào khác biệt về mặt cơ thể học thì đúng là không thể giải đáp thỏa đáng cho thực tế tại sao bà chịu đựng giỏi hơn ông. Sau khi cãi nhau không xong với đủ loại giả thuyết, các nhà nghiên cứu bèn quyết định đào sâu hơn nữa về nếp sinh hoạt của người bệnh. Từ đó họ ghi nhận một điểm khác biệt cơ bản trong cung cách hành xử của hai phái nam nữ khi mắc bệnh.



Tưởng vậy không phải vậy


Do lối suy nghĩ của nam giới theo kiểu định kiến “sức mấy mà bệnh” nên nhiều ông cố đánh lừa chính mình với ảo tưởng “dư sức qua cầu” để rồi sau đó tự dồn cờ vào thế bí vì hết đường bộc lộ nỗi lo, dù biết rõ hơn ai hết là đã thương tích đầy mình. Các nhà nghiên cứu trên quê hương của điệu valse đã chứng minh:

– Chỉ 20% trong số quý ông thông báo ngay cho người thân về kết quả chẩn đoán.

– Không dưới 30% bệnh nhân đàn ông phủ nhận kết quả chẩn đoán lần đầu, cho dù thầy thuốc hoàn toàn chắc chắn với dữ kiện định bệnh.

– 60% bệnh nhân thuộc giới mày râu thậm chí không bắt tay vào việc trị bệnh cho dù đã được giải thích tường tận về hậu quả của căn bệnh.

– 70% người bệnh nam giới không chấp hành đúng y lệnh, nhất là lịch tái khám.

Không lạ gì khi đa số người tham gia chương trình tầm soát tiểu đường là nữ giới. Tệ hơn nữa là nhiều ông đưa vợ đến phòng khám rồi ngồi chờ ngoài ngõ!

Thấy yếu mà mạnh!

Ngược lại, đa số phụ nữ, tương tự như lúc ghen tuông, có thái độ khác hẳn mổi khi nghi ngờ bệnh tật thập thò trước cửa. Phần lớn các bà nói ngay, nói rất thường, nói rất dai về căn bệnh với nhiều người, từ bạn đời, thân nhân, đồng nghiệp, láng giềng, cho đến người… lạ! Có bà thậm chí kể đủ điều về bệnh dù chưa bị… bệnh! Chính nhờ thông hiểu chiến thuật “chia sẻ” một cách khéo léo và liên tục mà quý bà, quý cô một mặt “pha loãng” nổi lo, và mặt khác qua đó “góp vốn” cho sức chịu đựng. Nếu so với phụ nữ thì phần lớn nam giới rõ ràng hãy còn quá tập tễnh với kỹ thuật “góp gió thành bão” từ sức mạnh của bạn bè bốn phía. Thêm vào đó, thống kê cho thấy không dưới 80% nữ bệnh nhân kiên nhẫn đeo đuổi liệu pháp với tinh thần kỷ luật đáng khen. Hay hơn nữa là 70% số bệnh nhân liễu yếu đào tơ không chịu trị bệnh theo triệu chứng hời hợt mà phải giải quyết tận gốc rễ theo kiểu “không lành không về”. Định trở lại với thái độ của các ông nhưng nói thêm chỉ sợ mích lòng.



Không hẳn lúc nào cũng là vàng!

Thái độ im lặng khi bị bệnh nếu có quý như vàng thì chỉ là vàng cho… thầy thuốc! Nín thinh làm gì để rồi đến lúc cũng phải nói trong muộn màng? Các ông ơi, xin đừng quên, con số bệnh nhân đàn ông chịu tâm sự thật sớm với thầy thuốc có tỷ lệ khỏi bệnh cao gấp 3 lần số các bậc tự cho mình “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” để rồi cuối cùng chỉ còn được một điểm tương đồng với Từ Hải: Chết đứng!



Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng