Văn Miếu được khởi xây từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Đồng thời với Văn Miếu còn có trường thi của trấn Hải Dương, được xây dựng tại xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng . Đến thời kỳ Tây Sơn (1788 - 1802) để thuận tiện cho việc quản lý của bản trấn, Văn Miếu được di chuyển từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, về xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, hợp nhất với trường thi hương tại đây và được đặt tên Văn Miếu Mao Điền, với chiết tự Mao Điền theo tiếng Hán lần lượt là “cỏ lau” và “ruộng cấy” do từ xa xưa, Mao Điền, theo văn bia ghi lại là một vùng đất bằng phẳng, có nhiều cỏ lau.
Kiến trúc cột đỡ uy nghi trong nhà Bái Đường là một trong những nét đẹp của Văn Miếu . Ảnh: Lung Linh
Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm - một trong nhiều vị đại khoa được thờ tại Văn Miếu Mao Điền . Ảnh: Lung Linh
Quần thể kiến trúc Văn Miếu được xây theo hướng Nam, bao gồm các hạng mục Văn Miếu Môn, nhà Bái Đường, Hậu Cung mỗi tòa 7 gian, xây theo hình chữ Nhị, Đông Vu, Tây Vu, Gác Khuê Văn, Gác Chuông, Lầu Trống, Tháp Bút, Đài Nghiên, Thiên Quang tỉnh và Khải Thánh thờ thân phụ và thân mẫu của Khổng Tử, hai hồ nước ở hai bên, cầu trắng dẫn lối đi vào sân chính. Trong đó, nhà Bái Đường là nơi tổ chức các hoạt động tế lễ chính - nơi trang nghiêm nhất trong quần thể kiến trúc Văn Miếu. Nhà Tây Vu và Đông Vu là nơi đào tạo các vị tiến sỹ. Lầu Trống, Gác Chuông vốn là những hiệu lệnh tập hợp học trò xưa. Cầu đá Trắng dẫn lối vào sân chính, với ý nghĩa là nơi gột rửa chay tịnh, trước khi bước vào nơi thanh tịnh dành cho việc giáo dục, khoa cử.
Chuông đại . Ảnh: Lung Linh
Khánh đá có từ thời Cảnh Thịnh trong nhà Bái Đường . Ảnh: Lung Linh
Trống Đại . Ảnh: Lung Linh
Khu di tích Văn Miếu Mao Điền tọa lạc trên khuôn viên rộng lớn tới hơn 10 mẫu (3.6 ha), bao quanh là cánh đồng Tràng xanh ngút tầm mắt, vốn là nơi các sĩ tử thời xưa dựng lều chõng nghỉ ngơi, ôn luyện trước khi vào trường thi ứng thí. Văn Miếu Mao Điền không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp, kiến trúc đặc trưng của một Văn Miếu - trường học của các nho sỹ thời xưa mà còn là cái nôi của bề dày khoa cử xứ Đông, nơi đã tạc trên bia đá tên tuổi của nhiều nhân tài đất nước như Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi, Danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mệnh, Thần toán Vũ Hữu, Nghi Ái quan, nữ Tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ.
Gác Chuông bên hồ súng là hiệu lệnh tập hợp học trò xưa . Ảnh: Lung Linh
Học trò sờ đầu rùa cầu may . Ảnh: Lung Linh
Theo quan niệm Nho Giáo, Văn Miếu là nơi đào tạo của nhiều nho sỹ, những nhân tài cho đất nước. Trong thời kỳ Nho Giáo, trên đất nước ta có nhiều hệ thống Văn Miếu và Văn Chỉ phục vụ cho việc truyền bá Đạo Nho.
Lê Linh
Theo: làng Việt Online