Thursday, June 21, 2018

ĐỪNG ĐỂ NGỘ NHẬN VIỆC TU HÀNH

Có nhiều người nghèo vì mặc cảm mà không tiếp tục đi chùa, bởi họ không có tiền để ủng hộ các hoạt động của chùa.




Mấy mươi năm trước, Phật giáo đã bị hiểu lầm là tiêu cực. Người ta ngộ nhận việc xuất gia hoặc đi chùa, tu niệm là việc làm của những kẻ chán đời, thất chí, việc của ông già bà lão và những người nghèo khó, chứ không phải việc dành cho những người trẻ và những ai có ý hướng sống đời sống hạnh phúc, những ai có nhiệt huyết gắn bó với cuộc đời. Còn ngày nay, nhìn vào các hình thức sinh hoạt ở nhiều tự viện, nhiều tổ chức Phật giáo, không khéo lại khiến người đời rơi vào các ngộ nhận khác.

Chùa quá cao sang, Tăng Ni khó gặp

Để phát huy tinh thần nhập thế phụng sự đạo pháp, giáo hóa chúng sinh, phần lớn các chùa ngày nay, nhất là các chùa ở thị thành vô cùng bận rộn, tất bật. Người tu học Phật muốn tìm một nơi yên tĩnh để tịnh tâm hoặc chiêm nghiệm đạo lý cũng rất khó; muốn gặp chư Tăng Ni để tham vấn, học hỏi cũng không dễ. Có chùa có không gian yên tĩnh nhưng lại kín cổng cao tường, hoặc có bảo vệ hay người coi chùa đi theo giám sát khách viếng chùa, khiến cho người đến lễ Phật hoặc muốn tiếp xúc với Tăng Ni cảm thấy rất khó chịu.


Nhiều chùa to lớn, lộng lẫy quá, trông giống như những nơi cao sang quyền quý, mà xung quanh chỉ là người dân nghèo sống trong những mái nhà lụp xụp, xác xơ, khiến cho người dân khó gần gũi, họ cảm thấy mình nhỏ bé, thấp kém quá, mình nghèo hèn quá không hợp, không có cảm giác thoải mái với những nơi cao sang. Tâm lý của người bình dân, nghèo khó thường nhiều mặc cảm tự ti, quen với những gì bình thường, giản dị dễ gần gũi.

Chùa vận động, kêu gọi ủng hộ quá nhiều

Mặt khác, chùa có quá nhiều chương trình hoạt động kêu gọi sự đóng góp của Phật tử, mà phần lớn là từ thiện và phục vụ tín ngưỡng. Có nhiều người nghèo vì mặc cảm mà không tiếp tục đi chùa, bởi họ không có tiền để ủng hộ các hoạt động của chùa. Thầy kêu gọi ủng hộ chương trình này nọ, đi đó đi đây, mà không có khả năng ủng hộ hoặc ít khi ủng hộ nên cảm thấy ngại, cảm thấy buồn lòng, dù không ai bắt buộc đến chùa phải cúng dường hay đóng góp. Càng cảm thấy khổ hơn khi các bạn đồng tu, đồng sự hỏi mình đã ủng hộ chưa hay ủng hộ bao nhiêu.


Tôi có một người bạn vừa tham gia đạo tràng nọ chưa bao lâu, anh đã lặng lẽ rút lui vì cho rằng mình không thích hợp. Anh cho biết: “Gia đình tôi kinh tế cũng eo hẹp. Biết mình phước mỏng nghiệp dày nên tôi muốn tu tạo phước lành trong khả năng. Nhưng khi tham gia sinh hoạt ở đạo tràng thì tôi mới thấy mình không đủ điều kiện. Nhiều lần chùa kêu gọi đóng góp mà tôi không ủng hộ được gì cả. Có lần người đứng ra kêu gọi còn đưa ra hẳn số tiền. Đối với các Phật tử giàu có thì số tiền kia chẳng là bao, nhưng đối với tôi thì rất lớn”.

Có trường hợp Phật tử tránh gặp mặt thầy vì sợ…“khuyến cúng”. Một lần tôi nghe nhóm Phật tử nọ bảo nhau, họ phải lánh gặp thầy. Vì thầy hay kêu gọi ủng hộ hoạt động này nọ, xây chùa, tổ chức bố thí, phóng sinh, rồi đi từ thiện, số lần kêu gọi ủng hộ diễn ra rất dày khiến cho Phật tử không kham nổi. Dĩ nhiên là Phật tử tự nguyện phát tâm, thầy không bắt buộc nhưng tham gia hoạt động ở chùa lại không ủng hộ thầy thì cũng ngại, mà ủng hộ mãi thì không kham.

Thức ăn chay khá đắt đỏ

Khi hiểu được lợi ích của việc ăn chay thì người Phật tử sơ cơ muốn tập ăn chay. Nhưng không ít người đã phải thảng thốt: “Trời ơi, thực phẩm chay còn đắt hơn thực phẩm mặn”. Nếu ăn chay sơ sài, qua loa, chỉ cần tương chao, tàu hủ, rau dưa thì dễ nhưng nếu muốn ăn chay hợp vệ sinh, nhiều món, đủ chất dinh dưỡng thì cũng khá đắt đỏ.


Một người bạn đạo nói: “Mỗi sáng tôi chỉ ăn ổ bánh mì mặn 10.000 đồng, bây giờ ăn chay phải ăn 12.000 đồng, đắt quá”. “Tôi thấy có nhiều chùa tổ chức tiệc buffet chay gây quỹ từ thiện, mỗi vé có giá 200-300.000 đồng. Có lẽ những tiệc như thế này nhằm thu hút sự ủng hộ của giới doanh nhân, các Phật tử giàu có, chứ người dân lao động nghèo thì khó có thể tham gia nhằm làm quen với việc ăn chay”, một người bạn đạo khác bộc bạch.

Đúng thật như thế. Đến các chùa lớn chúng ta sẽ thấy những nhà hàng, quán chay của chùa (hoặc gần chùa) bán thức ăn chay với giá không thua giá thức ăn mặn, thậm chí còn cao hơn. Ước mong có những quán chay, vừa kinh doanh mà vừa trợ duyên cho người ăn chay, nhất là những người bình dân có nhiều thuận duyên hướng Phật, tu đạo.

Theo Diệu Thể/Giác Ngộ