Sunday, June 30, 2019

TINH TÚY NGHỆ THUẬT ẨM THỰC TRUNG HOA TRUYỀN THỐNG

Nghệ thuật ẩm thực Trung Hoa nổi tiếng khắp nơi trên thế giới như là một trong những biểu hiện của nền văn hóa đặc sắc có lịch sử hơn 5000 năm. Ẩm thực Trung Hoa truyền thống không chỉ là nhu cầu ăn uống thông thường mà hàm chứa trong đó các triết lý sâu sắc.


Ẩm thực vốn là nhu cầu cơ bản cho sự tồn tại của con người, tuy nhiên, người Trung Quốc cổ đại thường liên hệ ẩm thực với cuộc sống tinh thần, họ trải nghiệm cuộc sống thông qua ẩm thực, tìm hiểu về hiện tượng tự nhiên và xã hội cũng thông qua ẩm thực.

Ảnh: pinterest.com

Nghệ thuật ẩm thực hàm chứa nguyên lý của Đạo gia: âm dương ngũ hành

Từ xa xưa người Trung Quốc đã vận dụng tư tưởng nguyên lý “Âm dương ngũ hành” vào ẩm thực và đã thiết kế một hệ thống lý luận hoàn chỉnh.

Các nhà triết gia cổ đại cho rằng, vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều cấu thành, tồn tại và phát triển dưới sự thống nhất và cân bằng âm dương,

“Ngũ hành” chính là nhận thức của người Trung Quốc cổ đại về năm yếu tố cơ bản hình thành những quy luật trong vụ trụ.

Trong ẩm thực truyền thống của Trung Quốc, nguyên lý âm dương ngũ hành được xem là nền tảng của mọi vật trong tự nhiên, có câu “Vạn vật trong tự nhiên, có sự điều hòa âm dương, thì là quân bình”. Con người chính là một trong “Tam tài”, nếu như con người không có sự cân bằng về âm dương, tất sẽ sinh bệnh.

Vì vậy trong quyển “Hoàng đế nội kinh tố vấn, âm dương ứng tượng đại luận” có nói: “Dương thắng tắc âm bệnh, âm thắng tắc dương bệnh. Dương thắng tắc nhiệt, âm thắng tắc hàn.Trọng hàn tắc nhiệt, trọng nhiệt tắc hàn”.

Có nghĩa là trong cơ thể con người nếu dương khí quá mạnh thì âm khí sẽ yếu, ngược lại nếu âm khí quá mạnh thì dương khí cũng yếu. Dương khí mạnh sẽ sinh bệnh về nhiệt, âm khí mạnh sẽ sinh chứng bệnh về hàn, hàn đến cực điểm sẽ sinh bệnh về nội nhiệt, nhiệt đến cực điểm cũng sinh chứng nội hàn.

Âm dương ngũ hành (Ảnh: phongthuy)
Ẩm thực là hoạt động không thể thiếu để duy trì sự sống cho con người, vì vậy chế độ ăn uống cũng phải tuân theo nguyên lý “âm dương ngũ hành”.
Do đó, văn hóa ẩm thực của Trung Quốc không chỉ đơn giản là chia thành năm hương vị, còn gọi là “ngũ vị”, mà còn phân chia các loại thực phẩm, rau , thịt, củ, quả thành “ ngũ cốc”; “ ngũ nhục”; “ngũ thái”; “ngũ quả”. “Ngũ khí” thuộc dương gồm có các mùi như mùi khai, mùi khét, mùi thơm, mùi tanh, mùi thối; “ngũ vị” thuộc âm gồm các vị như ngọt, chua, cay, đắng, mặn.

Thuốc và thực phẩm cùng có nguồn gốc từ “ngũ khí” và “ngũ vị”, hàng ngày con người hấp thụ “ngũ vị” chính là để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của mình, nhưng cũng đồng thời là để dung hòa sự cân bằng âm dương,thuận theo triết lý “âm dương ngũ hành”, mục đích là để cân bằng âm dương trong ngũ tạng của cơ thể con người.

Chính vì thế, trong cuộc sống hàng ngày, người Trung Quốc luôn tuân theo nguyên lý “âm dương ngũ hành” trong việc phân chia thực phẩm thành hai loại là âm và dương để định vị chức năng sử dụng của thực phẩm.

Chứng bệnh thuộc về “âm” như “thiếu máu” cần phải dùng thực phẩm thuộc “dương” để bổ sung. Những thực phẩm loại này gồm có gan, trứng, đường nâu hoặc đỏ, táo tàu…có tác dụng tiêu hàn bổ khí. Chứng bệnh thuộc “dương” như huyết áp cao, viêm nhiễm, cần bổ sung thực phẩm có tính “âm” như dưa hấu, đậu xanh, hạt sen, dưa chuột… các loại thực phẩm này có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, hạ hỏa.

Tất cả các loại nguyên liệu thực phẩm có chức năng điều hòa sự cân bằng âm dương trong cơ thể được chia thành “nhiệt, ôn, lương, hàn”, nhiều loại thảo dược Trung Quốc cũng được xếp vào bốn loại thuộc tính như chức năng của các loại thực phẩm này.

Trong cuộc sống hàng ngày, người Trung Quốc luôn tuân theo nguyên lý “âm dương ngũ hành” trong việc phân chia thực phẩm (ảnh: elle.vn)

Chế độ ăn uống cần dựa trên tình trạng sức khỏe “hàn giả nhiệt chi”, “nhiệt giả hàn chi”, “hư tắc bổ chi”, “thực tắc tả chi”.

Ví dụ, da vàng nhợt nhạt phản ánh có bệnh về lá lách và dạ dày (chứng hư và hàn), nên ăn các loại thực phẩm có tính “ôn và nhiệt” như gừng, sả; mặt đỏ miệng khô nóng là chứng “thượng hỏa” (bốc hỏa, nóng) cần ăn thực phẩm có tính “hàn” như dưa hấu để giải nhiệt, ngược lại, nếu ăn những thực phẩm có tính “nóng” như ớt thì sẽ làm cho bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.

Những nguyên tắc về chế độ ăn uống này, có thể được tạm hiểu là “âm suy” cần bổ sung những loại thực phẩm dễ tiêu hóa, nhiều chất dinh dưỡng và có tính “dương”; “dương thịnh” hay còn được gọi là chứng “bốc hỏa” cần phải ăn một số loại thực phẩm có hàm lượng calo thấp, chất xơ và có tính “âm”.

Lý Thời Trân cũng đưa ra một số loại thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh gan, bệnh tim, lá lách, bệnh phổi, bệnh thận, trong đó ông đã vận dụng tư tưởng nguyên lý âm dương ngũ hành để nói rõ những ảnh hưởng và tác dụng của các loại thực phẩm đối với cơ thể con người.

Không chỉ có Lý Thời Trân, các thầy thuốc đông y, những nhà dưỡng sinh học, y dược học trong lịch sử y học Trung Hoa đều căn cứ vào triết lý âm dương ngũ hành để giải thích quan điểm chữa bệnh của mình.

Lý Thời Trân (Ảnh: pinterest.com)

Nguyên lý ‘’thiên nhân hợp nhất’’ thể hiện qua nghệ thuật ẩm thực

Văn hóa truyền thống Trung Quốc cho rằng con người và thiên nhiên là một tổng thể hợp nhất, con người muốn sinh tồn và phát triển thì phải dung hòa được mối quan hệ này, vì vậy mới có câu “Thiên nhân hợp nhất” ” và “dân dĩ thực vi thiên”.

Người xưa đặt con người trong môi trường tự nhiên để tìm hiểu về cuộc sống, yêu cầu con người phải dung hòa với thiên nhiên, con người và thiên nhiên phải là một thể thống nhất. “Hoàng Đế nội kinh” đã nói rõ: “Nhân dĩ thiên địa chi khí sinh, tứ thời chi pháp thành”. Lão Tử cũng nói “Đạo đại, thiên đại, địa đại, nhân diệc đại, nhi nhân cư kỳ nhất yên”. Vì vậy, chế độ ăn uống của con người cũng phải hòa hợp với thiên nhiên, tuân theo nguyên lý “thiên nhân hợp nhất”.

Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; căn cứ vào thời khắc ngày và đêm, sáng, trưa, chiều, tối sẽ có những món ăn khác nhau, thậm chí cả phương thức nấu nướng cũng phải dựa theo các yếu tố về thời tiết khí hậu để chọn lựa những loại thực phẩm có tính chất và công dụng khác nhau.

Khổng Tử nói “Bất thực bất thời” hàm chứa hai ý nghĩa: thứ nhất là ăn uống phải tuân theo thời tiết, thứ hai là không ăn những thực phẩm trái mùa.

Khổng Tử nói “Bất thực bất thời”. (Ảnh: pinterest.com)

Tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” là dấu hiệu thăng hoa trong nghệ thuật ẩm thực Trung Quốc, chỉ ra rằng ăn uống không chỉ đơn giản có chức năng giảm đói hoặc duy trì sự sống, mà còn có chức năng phù hợp với sự chuyển động tuần hoàn của cuộc sống tự nhiên trong vũ trụ.

Nguyên lý “thiên nhân hợp nhất” trong văn hóa ẩm thực Trung Quốc cổ đại có tính khoa học nhất định. Chúng ta biết rằng “Các chất dinh dưỡng cơ bản để duy trì sự sống của con người gồm bảy loại chính là protein,chất béo, carbohydrate (đường), khoáng chất (muối vô cơ), vitamin, xenlulo,nước và điện giải. Những chất này (thường được gọi là các chất dinh dưỡng) đều có nguồn gốc từ thiên nhiên, chủ yếu có trong các loại thực phẩm mà con người sử dụng hàng ngày.

Các chất dinh dưỡng mà con người hấp thu thông qua ẩm thực, sẽ qua quá trình vật lý, hóa học và sinh học mà tác động lên cơ thể con người, có tác dụng bồi bổ chất dinh dưỡng, duy trì và bảo vệ sức khỏe”.

Vì thế có thể nói một cách khoa học rằng, tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” không chỉ phản ánh ý nghĩa nội hàm triết học trong ẩm thực Trung Quốc, mà còn có tính khoa học.

Nguyên lý “Thiên nhân hợp nhất” (Ảnh: pinterest.com)

Nguyên lý “trung hòa vi mỹ” trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa

“Trung hòa vi mỹ” là nguyên lý có giá trị cao nhất trong nghệ thuật ẩm thực truyền thống Trung Hoa. “Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã, hòa dã giả, thiên hạ chi đạt giả dã. Chí trung hòa, thiên hạ vị yên, vạn vật dục yên”.

Vậy “trung” là gì? Không thể chỉ đơn giản là hiểu theo nghĩa “trung gian” mà phải được hiểu theo nghĩa “vừa vặn”; “mức độ phù hợp”; “không thiếu không thừa”. “Hòa” cũng là một khái niệm trong nghệ thuật nấu nướng.

“Tả truyện- Thiệu công nhị thập niên” đã mượn chữ “Hòa” trong tư tưởng triết học để giải thích rất rõ ràng về nghệ thuật ẩm thực Trung Quốc: “Hòa như canh yên, thủy, hỏa, hê, hải, diêm, mai, dĩ phanh ngư nhục. Chước chi dĩ tân, tể phu hòa chi, tề chi dĩ vị, tế kỳ bất cập, dĩ tả kỳ quá, quân tử thực chi, dĩ bình kỳ tâm. Quân thần diệc nhiên….nhược dĩ thủy tế thủy, thùy năng thực chi? Nhược tì bà chi chuyên nhất, thùy năng thính chi? Nhân chi bất khả dã như thị” (Ví như nấu món canh, phải điều chỉnh nước, lửa, dấm, muối, vị mặn, vị chua cho điều hòa vừa vặn, con người ăn vào sẽ rất tốt, làm quân bình cơ thể. Trong mối quan hệ vua tôi cũng giống như vậy).

Yến Anh thời Xuân Thu đã từng giải thích theo tư tưởng triết học một cách sâu sắc về ý nghĩa của chữ “hòa” trong nghệ thuật ẩm thực, đó là không nồng quá cũng không nhạt quá, không mặn quá cũng không chua quá, không đơn giản cũng không phức tạp quá mà tất cả đều vừa phải, cân bằng, hài hòa và thống nhất với nhau.

Yến Anh (Ảnh: Wikipedia)

Những người quen thuộc với việc nấu nướng đều biết, điểm đặc biệt nhất của người đầu bếp xuất sắc là ở chỗ họ biết cách sử dụng nhiều loại nguyên liệu, gia vị, có nhiều phương pháp nấu ăn khác nhau và tiến hành các bước một cách tinh tế thể hiện trong cùng một món ăn, từ đó tạo ra những món ăn với khẩu vị đặc biệt khác nhau.

Cần lưu ý rằng “hòa” các loại thực phẩm và gia vị với nhau nhưng không có nghĩa là “tạp”, mà là “tập hợp các hương vị lại với nhau và lấy ra cái chung nhất, tinh túy nhất”, do đó tạo ra một món có hương vị mới thể hiện nghệ thuật nấu nướng tuyệt vời.

Sự “trung hòa” ngoài việc giúp cho món ăn có vị ngon đặc biệt ra, còn có vai trò quan trọng trong điều tiết chức năng và chăm sóc sức khỏe con người.

Lý luận y học Trung Hoa cho rằng vị cay có tác dụng điều trị cảm lạnh, đau nhức gân cốt, bệnh về thận; vị ngọt (mật ong, táo tàu) có tác dụng bổ ích, cải thiện tâm trạng, giúp cho người bệnh suy nhược phục hồi sức khỏe nhanh chóng hơn; vị chua, giải khát, phòng ngừa cảm lạnh, dùng dấm chua luộc trứng gà cho người bệnh ăn có thể trị được bệnh ho là phương thuốc bí truyền trong dân gian và đã được y học hiện đại chứng minh rằng kết quả rất tốt; vị đắng có tác dụng giải nhiệt, tăng cường thị lực, giải độc.

“Trung hòa chi mỹ” (cái đẹp của sự trung hòa) của ngũ vị là điều kiện quan trọng để tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Mặc dù trong thực tế có một số người thích ăn quá mặn, quá chua, quá cay nhưng nếu ăn với chế độ như vậy trong thời gian dài sẽ có hại cho sức khỏe, điều đó càng chứng minh rằng triết lý “trung hòa chi mỹ” trong văn hóa ẩm thực truyền thống Trung Quốc là đúng đắn.

Tư tưởng triết học “trung hòa vi mỹ” nhấn mạnh rằng vạn vật trong tự nhiên đều tuân theo trạng thái “trung hòa” mà tìm được vị trí phù hợp của mình để sinh sôi phát triển.

Nguyên lý “dĩ thực liệu bệnh” trong văn hóa ẩm thực Trung Quốc

‘‘Dĩ thực liệu bệnh” còn gọi là “thực trị”, có nghĩa là lợi dụng những chức năng đặc thù của thực phẩm đối với cơ thể con người để đưa ra phương pháp phòng bệnh hoặc chữa bệnh phù hợp.

Chúng ta biết rằng thực phẩm chính là nguồn dinh dưỡng cần thiết giúp cho cơ thể mạnh khỏe và phát triển toàn diện. Nói cách khác, thực phẩm có vai trò cung cấp dinh dưỡng quan trọng nhất.

Trong thực tế, từ xa xưa người Trung Quốc đã nhận thức được rằng thực phẩm không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng mà còn có tác dụng phòng chữa bệnh rất hiệu quả.

Tư tưởng “dĩ thực liệu bệnh” là một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực truyền thống Trung Hoa, là “quốc hồn quốc túy Trung Hoa”. Thời Xuân thu Chiến quốc, quyển “Hoàng đế nội kinh”- là bộ sách trung y đầu tiên đã tổng kết toàn bộ những tri thức về y học cổ truyền, được coi là kinh điển y học – đã ghi chép một cách vô cùng khoa học rằng “ngũ cốc vi dưỡng, ngũ quả vi trợ, ngũ súc vi ích, ngũ thái vi sung” mà gạo, trái cây và rau là những thức ăn có nguồn gốc thực vật.

Danh y Biển Thước (Ảnh: .pinterest.com)

Danh y đương thời Biển Thước cho rằng “Quân tử hữu bệnh, kỳ tiên thực dĩ liệu chi, thực liệu bất dũ, nhiên hậu dụng dược” (Người có bệnh, trước tiên cần phải lấy thức ăn để chữa trị, nếu điều trị bằng thức ăn mà không khỏi, sau đó mới dùng thuốc để điều trị).

Danh y đời Đông Hán Trương Trọng Cảnh cũng đã từng nói: “Nhân thể bình hòa, duy tu hảo tương dưỡng, vật vọng phục dược, dược thế thiên hữu sở trợ, lệnh nhân tạng khí bất bình, dị thụ ngoại hoạn”( Cơ thể con người đã được cân bằng, chỉ cần nghỉ ngơi thoải mái, không cần dùng thuốc, thuốc tất nhiên là có tác dụng rất mạnh, khiến cho các cơ quan bộ phận trong cơ thể mất cân bằng, từ đó dễ dàng bị nhiễm bệnh).

Triều đại Tùy Đường xuất hiện rất nhiều những triết lý chuyên đề về tư tưởng triết học “dĩ thực liệu bệnh”, chẳng hạn như Tôn Tư Mạo với “ Thiên kim yếu phương” nói về “Thực trị”, ông chủ trương “Vi y giả, đương hiểu bệnh nguyên, tri kỳ sở phạm, dĩ thực trị trị chi, thực liệu bất dũ, nhiên hậu dụng dược” (Người có bệnh, trước tiên cần phải biết được nguồn gốc của bệnh, lấy thức ăn để chữa trị, nếu điều trị bằng thức ăn mà không khỏi, sau đó mới dùng thuốc để điều trị), điều này phản ánh quy tắc điều trị thuốc không tốt bằng thực phẩm.

Ảnh: .pinterest.com

Có thể thấy, tư tưởng triết học “dĩ thực liệu bệnh”là quan điểm truyền thống trong văn hóa ẩm thực Trung Quốc. Thần Nông nếm thử một trăm loại thảo mộc để tìm ra thuốc, thực chất là để tìm dược liệu trong thực phẩm. Trong tài liệu y học cổ đại Trung Quốc, nhiều loại thuốc cũng đồng thời là thực phẩm.

Tìm hiểu về nghệ thuật ẩm thực của người Trung Hoa cổ xưa, dường như là cả một kho tàng kiến thức ẩn sâu bên trong công việc tưởng chừng rất bình dị và thường nhật này. Điều đó minh chứng cho sự thâm sâu trong cảnh giới tư tưởng của người Trung Hoa xưa.

Có thể nói rằng Trung Hoa cổ xưa luôn chứa đựng hàm ý trong mọi việc, điều đó làm nên một nền văn minh chứa đầy sự thần bí và huyền kì mà trải qua hàng năm lịch sự, nó vẫn không ngừng là chủ đề khám phá của con người hiện đại.

Tịnh Tâm

NGƯ ÔNG ĐẮC LỢI

Tranh truyện của MỚ.


Nguồn: Người Đô Thị Online

Saturday, June 29, 2019

NGHĨA GỐC CỦA "TRÂU GIÀ GẶM CỎ NON"

Câu tục ngữ “Trâu già gặm cỏ non, ăn gà tranh thủ sớm”, dù là ý nghĩa ban đầu hay ý nghĩa hiện đại cũng đều rất thú vị, cho thấy sự khôn ngoan của người xưa trong sinh hoạt thường ngày.

“Trâu già gặm cỏ non, ăn gà tranh thủ sớm”, dù là ý nghĩa ban đầu hay ý nghĩa hiện đại cũng đều rất thú vị. (Ảnh: Secretchina)

Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe thấy một số câu tục ngữ, nhất là khi ở cùng với những người lớn tuổi. Đối với một số người mà nói, những câu tục ngữ này có thể cảm giác thô tục, cũ kỹ, không có văn vẻ nội hàm gì cả.

Nhưng thật ra, rất nhiều tục ngữ chẳng những hữu dụng, mà còn vô cùng sâu sắc, ẩn chứa nhiều đạo lý, đều là những thứ chúng ta không học được trong sách. Chúng là những kinh nghiệm mà ông cha tích lũy từ trong cuộc sống, có ý nghĩa không hề thua gì trong sách vở.

Đó cũng chính là lý do vì sao tục ngữ tồn tại lâu như vậy, được truyền lại từ đời này sang đời khác. Nhiều tục ngữ được sử dụng trong đời sống hàng ngày, trong quá trình lưu truyền, phát sinh ra thêm nhiều hàm nghĩa, đôi khi còn có tác dụng chỉ dẫn cho người đời sau.

Ý nghĩa hiện đại của “Trâu già gặm cỏ non, ăn gà tranh thủ sớm”

Ví dụ như chúng ta ngày nay thường nghe thấy câu tục ngữ “Trâu già gặm cỏ non, ăn gà tranh thủ sớm”, chắc hẳn mọi người đều rất quen thuộc với nửa câu đầu.

“Trâu già gặm cỏ non” đối với người thời nay mà nói, chủ yếu là để châm chọc những người đàn ông mặc dù đã lớn tuổi nhưng vẫn suốt ngày muốn tìm những cô gái trẻ tuổi xinh đẹp để lấy vợ hoặc làm bạn gái. Việc này vào thời xưa thường khiến người khác chê cười.

Vậy nửa câu sau “ăn gà tranh thủ sớm” là có ý gì? Câu này thường được người hiện đại dùng để khuyên nhủ kẻ khác: Bất kể làm việc gì, cũng phải rèn sắt khi còn nóng, đừng lôi thôi lằng nhằng, nếu không sẽ bỏ lỡ thời cơ tốt nhất, như vậy rất đáng tiếc. Mà “ăn gà” ở đây ý chỉ tất cả mọi chuyện lớn nhỏ trong cuộc sống.

“Trâu già gặm cỏ non” đối với người thời nay mà nói, chủ yếu là để châm chọc những người đàn ông lớn tuổi trăng hoa, thích phụ nữ trẻ. (Ảnh: Pinterest)

Nghĩa gốc của “Trâu già gặm cỏ non, ăn gà tranh thủ sớm”

Giải thích ở trên đều là ý nghĩa đã bị biến đổi theo thời gian. Vậy mọi người biết ý nghĩa gốc của câu này là gì không?

Ý nghĩa ban đầu của câu tục ngữ này, chủ yếu nói chuyện ở nông thôn. Ý là: Trâu càng già, càng thích ăn cỏ tươi non; còn ăn gà thì nên làm thịt sớm, không nên ăn gà đã nuôi qua vài năm.

Nghĩ lại cả câu thì cũng không có gì khó hiểu, bởi vì động vật cũng giống con người, khi tuổi tác tăng lên, cũng sẽ già đi. Đối với trâu bò mà nói, khi chúng già rồi, hàm răng cũng không còn khỏe nữa, không nhai nổi cỏ già cứng, đương nhiên chỉ có thể ăn cỏ non. Ngoài ra đối với trâu già mà nói, cỏ non cũng dễ tiêu hóa hơn.

Mọi người hẳn là cũng biết, trước đây ở nông thôn, rất nhiều gia đình đều nuôi già, một phần là gà mái có thể đẻ trứng, gà trống gáy sáng. Gà mái đẻ trứng, không những có thể làm thức ăn, còn có thể đem bán lấy tiền, có rất nhiều lợi ích.

Ăn gà phải tranh thủ sớm, nếu không sẽ rất khó ăn. (Ảnh: Sclance)

Chẳng qua ngày xưa nhiều nhà sống trong cảnh đói khổ, cho nên bình thường mọi người thường tiếc không muốn giết gà ăn, thường chờ tới dịp lễ tết mới dám làm thịt. Chỉ là đợi đến lúc đó rồi, gà cũng đã già, thịt không còn ngon nữa, người già trong nhà cũng nhai không nổi, vì vậy nên mới nói “Ăn gà phải tranh thủ sớm”.

Câu tục ngữ này, dù là ý nghĩa ban đầu hay là ý nghĩa hiện đại cũng đều rất thú vị, chúng ta qua đó cũng cảm nhận được sự khôn ngoan của con người trong cuộc sống.

Tuệ Tâm biên dịch

CHINA TOUR 2019 - NGÀY 5: HOÀNH THÔN (宏村)

Hai ngày mưa tầm tã, hôm nay có lẽ trời thương cho ngày cuối chúng tôi còn ở khu vực Hoàng Sơn nên cho một ngày nắng ấm. Nói ấm cũng không đúng mà phải nói là sáng sớm đã nóng trong mùa hè ở nơi này. Sáng nay chúng tôi được đưa đi tham quan một ngôi làng cũ có cái tên là Hoành Thôn (宏村).


Xe dừng trong khu cho bus, chúng tôi băng qua đường vào một bãi đậu xe nhỏ. Ở đây có những hàng cây thật cao, xanh mướt, thỉnh thoảng có từng đám mây trắng bay là đà xuống theo cơn gió thổi qua. Đó thật ra là hoa hay hạt của giống cây trồng trong khu vực này, nó nhỏ mỏng manh như Bồ Công Anh, tôi đoán có lẽ là cây gòn vì thân cây thật to và có gai, trái khô như trái gòn treo lủng lẳng trên cây. Anh dẫn đoàn chạy đi lấy vé và chúng tôi xếp hàng vào bên trong. Nói với các bạn dù không phải là dịp nghỉ lễ nhưng ở Trung Quốc tất cả các khu du lịch hay cảnh điểm đều rất đông người hàng ngày, tôi đoán du khách chỉ chừng 20% chớ còn lại là dân bản địa, họ đi từng đoàn từ các tỉnh khác về chỉ số ít là dân sống ở địa phương.



Chúng tôi đi vào bên trong bước theo ven hồ, hồ rất lớn nước phẳng lặng trong như gương. Dọc theo bờ hồ có rất nhiều người ngồi vẽ tranh, cảnh khu làng phía bên kia thật đẹp chiếu xuống tấm gương nước càng thêm xinh. Đó là tại sao có rất nhiều người họa cảnh. Tôi đến đây lần đầu tiên trong đời nhưng không hiểu sao lại có một ấn tượng rất mạnh dường như đã quen, đã gặp qua ở đâu. Tôi hỏi bà xã sao nơi này quen quá, mình đã đi qua rồi phải không. Bà xã nói chắc anh nằm mơ nhưng cuối cùng tôi biết tôi đã thấy qua nơi này rồi sau khi nghe anh dẫn đoàn giải thích rằng nơi đây thường được các hảng phim lấy làm ngoại cảnh và nổi tiếng nhất là phim "Ngọa Hổ Tàng Long" (臥虎藏龍) đạo diễn Lý An (diễn viên chánh là Châu Nhuận Phát, Dương Tử Quỳnh, Chương Tử Di...).
Hoành thôn (tiếng Trung: 宏村; bính âm: Hóngcūn; nghĩa đen: "Làng Hoành") là một ngôi làng nằm tại thị trấn Hoành Thôn, Y huyện, thành phố Hoàng Sơn, trong khu vực lịch sử Huệ Châu, phía Nam tỉnh An Huy Trung Quốc, gần sườn tây nam của dãy núi Hoàng Sơn. Năm 2000, khu di tích thôn cổ Hoản Nam, tiêu biểu là Tây Đệ và Hoành thôn đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới nhờ dấu ấn đậm nét của một làng quê mang đậm phong cách Trung Quốc với đường cổ, cầu cổ, bia đá, thư viện cổ, các pho tượng bằng đất và rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá và gỗ.                                                                             
Thôn Hoành có hình con trâu, có hệ thống nước nhân tạo và những khu vườn rất độc đáo, được mệnh danh là "Ngôi làng trong tranh". Ngôi làng được xây dựng năm 1131 đời Nam Tống với hơn 800 năm lịch sử, tên cũ là "Hoằng thôn" (弘 hoằng nghĩa là mở rộng ra) sau vì kiêng húy "Hoằng Lịch" (弘曆) của Càn Long mới đổi là "Hoành" (宏). Nhìn từ trên cao xuống, ngôi làng trông như một con trâu đang nằm trên một vùng đất có núi và nước. Ngọn núi Lôi Cương gần đó là đầu con trâu, hai cây cổ thụ là hai sừng trâu, những ngôi nhà cổ sắp xếp trật tự dưới chân núi là mình trâu, bờ đê hình bán nguyệt giữa làng là dạ dày. Kênh rạch rộng 1 mét chạy dài hàng km quanh co các ngôi nhà để dẫn nước suối vào nhà giống như ruột trâu. Bốn cây cầu bắc qua suối là bốn móng của con trâu.                                                                                                                 
Hiện nay, thôn Hoành có khoảng 150 ngôi nhà cổ có niên đại từ đời nhà Minh-Thanh được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh, mỗi một ngôi nhà có một phong cách khác nhau. Một trong số đó là một bảo tàng trưng bày nhỏ.                       
(Theo Wikipedia)
Khi bạn bước lên cây cầu đá giữa hồ nhìn xung quanh mới thấy tuyệt vời của khung cảnh này. Hồ có bông sen, bông súng mọc dưới chần cầu còn xa xa là mặt nước phẳng một bên là bức tường trắng. Đi vào một cổng nhỏ thì một ngôi nhà cổ như một cái trường học mà khi vào trong tôi thật sự xúc động khi thấy một tấm bình phong cổ xưa trong có ghi toàn bộ "Chu Hy Gia Huấn" (朱熹家訓) mà đôi khi tôi có lấy mấy câu post lên cho các bạn đọc chơi. Theo cô gái hướng dẫn tại điểm tham quan và những tấm biển trên cổng thôn này của gia tộc họ Uông (汪) đã làm quan to trong triều Thanh nhiều đời vì bên trong còn để lại mấy cái kiệu rất đẹp và  nhà từ đường rất bề thế.


Ngay giữa thôn là một cái hồ nước hình bán nguyệt, bên trong còn rất nhiều căn nhà mà bây giờ phía trước cửa nhà đã trở thành hàng quán, đường đi quanh co nhưng lát đá và dọc theo con đường đó là hàng mương nước chảy trong veo, có cá nuôi trong đó, lúc đi ngang qua anh bạn cùng đoàn chỉ cho tôi phía bên dưới mương có một con lươn màu vàng đang ngo ngoe trong cái hang nhỏ.


Trưa nay chúng tôi được ăn trưa ở một nơi đặc biệt VIP, nơi đây chỉ có 2 bàn ăn của bọn tôi và được biết đây là phòng đọc sách của ông quan lớn họ Uông của thôn này cất lên trong một khu vườn, phía sau là rừng tre khoảng mấy trăm năm trước. Nói nghe xôm vậy chứ bên trong đã được gắn máy lạnh cho mát, sàn lót ván mới tinh. Bên ngoài khu vườn cũng có một cái đình và trong đình cũng có một bàn ăn nhưng không có máy lạnh. Ăn trưa xong chúng tôi tiếp tục tham quan những ngôi nhà khác, ngôi nhà nào cũng tương tự nhưng chỉ có những hoa văn trạm trổ trên các cây cột hay mái nhà hoặc những bức tranh, hoành phi treo bên trong là thuộc loại cổ xưa, di tích.


Hôm nay là ngày chót chúng tôi ở Hoàng Sơn, buổi xế trưa chúng tôi được đưa ra ga xe lửa Hoàng Sơn Bắc (黃山北) để xuống Vũ Di Sơn (武夷山) khởi hành lúc 15:36 giờ. Tôi đi Trung Quốc rất nhiều lần nhưng chỉ bằng máy bay, từ tỉnh này qua tỉnh nọ cũng bằng máy bay hoặc xe bus. Lần này tôi đề nghị đi thử bằng xe lửa tốc hành của Trung Quốc vì đã nghe qua, thấy nhiều nhưng chưa thử.


Dù chỉ là một ga nhỏ nhưng ga Hoàng Sơn Bắc cũng rất lớn và hiện đại với hơn 5 đường rầy và lúc nhập ga cũng được rà soát an ninh như đi ở phi trường. Vì có một vài bạn đồng hành đã đi rồi nên lúc chúng tôi được gọi nhập trạm, chúng tôi xếp ngay ở số cửa có ghi sẵn dưới đất. Lúc xe lửa đến, xe đậu lại và chính xác cửa lên ngay con số đó, vì thời gian không quá 10 phút cho lên xuống nên bọn tôi liệng các hành lý lên xe thật nhanh. Trên toa có số ghế chỗ ngồi y như trên máy bay nhưng chổ để hành lý rất ít, nếu xách tay có thể để ở ngăn bên trên đầu nhưng bọn chúng tôi mỗi người mang theo từ một tới hai cái va li lớn không chỗ để phải để ngay lối đi và lần này thì chúng tôi lại chất va li gần ngay cửa để lúc xuống thì tuôn xuống thật nhanh mới kịp giờ. Xe dừng lại ở nhiều trạm nhưng khi khởi hành lại thì chỉ mấy phút đã đạt gần 280-290 cây số giờ có lúc gần 300 trong khoảng đường dài, rất nhanh và rất êm không lắc. Trên xe mỗi toa có 2 cầu tiêu được quét dọn sạch sẽ, thỉnh thoảng có người đẩy xe bán nước hoặc thức ăn nhẹ, đôi lúc là anh bảo vệ an ninh đi qua lại và vệ sinh thì tuyệt đối tốt vì gần như mỗi toa đều có nhân viên quét dọn và hay qua lại thường xuyên.



Chúng tôi đến Vũ Di Sơn lúc gần 5 giờ chiều, ra trạm thật nhanh như kế hoạch nên mọi việc đều tốt không lo cho số hành lý quá nhiều. Trạm này có tên là Vũ Di Sơn Đông, trạm lớn hơn trạm Hoàng Sơn Bắc, có rất nhiều tuyến đường. Anh chàng dẫn tour mới đã đợi chúng tôi ngoài cổng với cái bảng K&R Travel trên tay. Anh chàng này hơi yểu điệu (không biết có cong cong không) nhưng rất hay cười, anh ta nói với chúng tôi lúc trên xe là kế hoạch hôm nay hơi thay đổi một chút vì tối nay trời tốt chúng tôi sẽ xem show biểu diễn trước thay cho tối mai vì ngày mai có thể có những con mưa nhẹ không thích hợp để xem show lộ thiên.



Chúng tôi về khách sạn nhận phòng, nghỉ một chút rồi đi ăn cơm tối và đi xem show. Mỗi lần qua Trung Quốc là lần nào cũng có đi xem biểu diễn. Toàn là những show đình đám rất hoành tráng của Trương Nghệ Mưu làm đạo diễn, các show đều là sân khấu lộ thiên mà diễn viên có khi cả ngàn người cùng biểu diễn, ngồi xem hoa cả mắt vì không biết phải nhìn về phía nào. Lần này càng ngạc nhiên hơn với show "Ấn tượng Đại Hồng Bào" (印象大紅袍) vì show lộ thiên biểu diễn trên sàn quay 360 độ. Sàn quay không phải là sân khấu mà là chỗ ngồi của hơn 2000 khán giả sẽ quay từ từ thưởng thức biểu diễn liên tục của sân khấu vòng tròn. Một đêm xem đầy ấn tượng.

(còn tiếp)
LKH

Clip tham quan Hoành Thôn

Show "Ấn tượng Đại Hồng Bào"

HỒ LÔ PHONG THỦY

Kỳ đi Hoàng Sơn năm nay (tháng 5/2019), tôi có kể cho các bạn nghe khi thăm phố cổ ở Hàng Châu, người dẫn đoàn có dặn là đừng mua gì hết chờ khi đến Hoàng Sơn thì cái gì cũng có. Trong lúc đi tham quan hàng quán, tôi có thấy rất nhiều hồ lô cỏn con nhỏ xíu nhưng là hồ lô thật, nó được khắc vào đó 100 chữ "phúc" (福) với rất nhiều kiểu chữ, rất đẹp và rất rẻ, tôi mua vì không biết có duyên gặp lại mấy món này không và quả thật đến Hoàng Sơn không gặp lại dù cũng có bán nhiều loại quả hồ lô nhưng không có điêu khắc đẹp như vậy, bây giờ mới thấm thía "Tô Châu quá hậu vô đĩnh đáp" (蘇州過後無艇搭) là như vậy.


Lúc mua, ông già bán hàng có nói: hồ lô có nắp mở được treo để trừ tà, còn hồ lô nguyên trái còn có cuốn trên đầu quả, treo để cầu sức khỏe và tài lộc. Tôi mua vì thấy nó đẹp chứ không có cầu xin gì cà nhưng hôm nay đọc được bài này thấy cũng vui vui. (LKH)

Hồ lô phong thủy và câu chuyện ly kỳ về vật biểu tượng của trường thọ

Sách phong thủy “Tuyết tâm phú” (雪心賦) viết: “Hồ lô sơn hiện, thuật số y lưu” (葫蘆山現,術數醫流), ý rằng nơi nào có ngọn núi hình quả hồ lô thì nơi ấy ắt có xuất hiện y sư hoặc thuật sĩ cao minh. Bởi vậy, nó được coi là biểu tượng của sức khỏe và trường thọ.

Quả hồ lô được coi là biểu tượng linh thiêng của sức khỏe và trường thọ. (Ảnh: NxtMarket)

Bầu hồ lô là một thứ quả có hình dạng kỳ lạ, tròn trịa đầy đặn, miệng nhỏ bụng lớn, người xưa thường dùng làm đồ đựng rượu, nước, hoặc các linh đơn dược liệu để phục vụ cho những chuyến đi xa.

Không ai biết hồ lô bắt đầu được trồng từ bao giờ, nhưng cho đến nay, loại quả này không chỉ quen thuộc trong cái ăn thường ngày mà còn cả trong văn hóa tinh thần. Hồ lô miệng nhỏ bụng lớn, tượng trưng tài lộc đầy kho, chiêu tài nạp phúc. Tuy nhiên, công dụng nổi bật nhất của hồ lô chính là tiêu tai hóa bệnh.

Sách phong thủy kinh điển “Tuyết tâm phú” có viết: “Hồ lô sơn hiện, thuật số y lưu”. Tức chỉ nơi nào có ngọn núi hình quả hồ lô thì nơi ấy ắt có xuất hiện y sư hoặc thuật sĩ cao minh.

Từ xa xưa, những người làm nghề chữa bệnh, xem bói, bốc quẻ hoặc tướng số đều thích treo hồ lô trong nhà hoặc ở nơi làm việc của mình để mong sự nghiệp suôn sẻ, thuận lợi. Quả hồ lô thường dùng để đựng linh đơn diệu dược, là biểu tượng của sức khỏe và an lành. Có nghĩa, nhà có người bệnh thì chỉ cần treo trái hồ lô ở bên giường người bệnh, bệnh nhẹ sẽ hết, bệnh nặng sẽ giảm, tinh thần khoan khoái.

Ông Lý Thiết Quải, một trong bát tiên thường hay mang theo hồ lô bên mình, dùng thuốc tiên trong quả hồ lô để chữa bệnh cho người nghèo khổ ốm đau. Ông Thọ là một vị thần bất tử, hay mang theo mình nấm linh chi, trái đào tiên và quả hồ lô đựng nước trường sinh. Chính vì thế, hồ lô còn là một biểu tượng của sự trường sinh. Đó là một món quà rất ý nghĩa để tặng người cao tuổi, tượng trưng cho lời cầu chúc sức khỏe và trường thọ.

Cả Phật giáo và Đạo giáo đều rất xem trọng hồ lô và coi nó là biểu tượng của điềm lành. Quả hồ lô được dùng làm bình đựng rượu tiên, hay lọ nhỏ đựng nước cam lộ của Quán Thế Âm Bồ Tát cũng thường có hình dạng giống hồ lô. Trong Lão giáo, quả hồ lô là pháp bảo trừ tà và hóa giải tà khí, bắt giữ những linh hồn xấu.

Ở Hong Kong, nếu đến phòng khám trong các bệnh viện, hoặc phòng khám tư nhân đi nữa, bạn thường sẽ thấy một tấm bảng nhỏ ghi bốn chữ: “Huyền hồ tế thế”(悬壶济世). Kỳ thực từ “hồ” trong bốn từ này là dùng để chỉ hồ lô.

Trong “Hậu Hán thư” – một trong những tác phẩm lịch sử của Trung Hoa – có ghi lại rằng vào cuối đời Đông Hán có một chàng trai tên gọi là Phí Trường Phòng. Một hôm Phí Trường Phòng đang một mình uống rượu trong quán thì chợt thấy có một ông lão râu tóc bạc phơ treo một chiếc hồ lô bên đường bán thuốc.

Vì đang lúc nhàn rỗi, chẳng có việc gì làm nên Phí Trường Phòng vừa nhâm nhi rượu, vừa đưa mắt quan sát ông lão nọ. Suốt mấy canh giờ, đám người xung quanh ông lão thưa dần, và cuối cùng thì chẳng còn một ai.

Chờ thêm một lúc, thấy không còn ai đến mua thuốc nữa, ông lão lẳng lặng, nhẹ nhàng chui vào trong chiếc hồ lô vẫn dùng đựng thuốc, và trong chớp mắt đã không còn nhìn thấy hình bóng ông ta đâu nữa.

Chứng kiến cảnh ấy, Phí Trường Phòng vô cùng kinh ngạc. Dù đã uống nhiều rượu, thế nhưng lúc ấy anh lại rất tỉnh táo, cảm thấy người nhẹ nhõm và khoan khoái như vừa bước ra từ một giấc mơ kỳ diệu. Anh nhận ra rằng, ông lão bán thuốc kia chắc chắn không phải là một người bình thường.

Bầu hồ lô thường gắn với những câu chuyện thần thoại ly kỳ. (Ảnh: Kienthuc)

Hôm sau Phí Trường Phòng lại vào quán rượu cũ, ngồi đúng vị trí ngày hôm trước, kêu một ít rượu ngon và đồ nhắm, rồi nhâm nhi chờ ông lão bán thuốc xuất hiện. Vừa thấy ông lão, anh liền mang rượu và đồ nhắm tiến về phía ông với ý định bái lạy ông và xin được làm đệ tử.

Sau một hồi quan sát kỹ lưỡng mọi hành động, cử chỉ, thái độ cũng như lời ăn tiếng nói của Phí Trường Phòng, cuối cùng ông lão gật đầu đồng ý. Ánh mắt lộ rõ niềm vui, nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra hết sức bình thản, ông đưa mắt ngầm bảo Phí Trường Phòng hãy kiên nhẫn chờ thêm một lát nữa.

Qua mấy canh giờ, người đến mua thuốc vãn dần, rồi cũng đến lúc người khách cuối cùng đi rất xa, khuất hẳn sau hàng rào, bấy giờ ông lão mới nắm lấy tay Phí Trường Phòng, cùng nhau chui vào trong lòng chiếc Hồ lô đựng thuốc.

Sau khi đã tiến hẳn vào trong lòng quả bầu, Phí Trường Phòng lại một lần nữa giật mình kinh ngạc. Trước mắt anh là cả một tòa tiên cảnh, không chỉ có lầu son gác tía mà bốn bề đều là kỳ hoa dị thảo, hương thơm gió mát, ánh nắng dịu dàng ấm áp, không khí vô cùng trong lành khiến cả tâm hồn cũng như thể xác Phí Trường Phòng vô cùng sảng khoái. Từ đó, giữa chốn tiên cảnh, anh được ông lão bán thuốc chỉ dạy y thuật. Anh cũng ngày đêm miệt mài học hỏi, rèn luyện, trau dồi y thuật.

Thời gian dần trôi, nhận thấy Phí Trường Phòng đã thông thạo y thuật, dược học, ông lão bèn tặng Phí Trường Phòng một cây gậy trúc và bảo anh hãy về nhân gian để cứu chữa người bệnh.

Phí Trường Phòng lạy tạ vị ân nhân rồi cưỡi lên gậy trúc, trong chốc lát anh đã về đến trần thế. Đến quán rượu nọ, vừa nhìn thấy Phí Trường Phòng, người chủ quán không thể giấu nỗi sự kinh ngạc, trợn trừng hai mắt, kêu một tiếng thất thanh, không biết vì mừng rỡ hay kinh hãi.

Lấy làm lạ, Phí Trường Phòng nhìn chủ quán một lúc rồi đưa mắt quan sát cảnh vật xung quanh. Sau khi hỏi chủ quán cặn kẽ mọi sự, Phí Trường Phòng mới hay rằng mình đã đột ngột biến mất khỏi nơi này hơn mười năm rồi, người thân của anh cũng như bà con xóm giềng đều cho rằng anh đã mất tích và chết ở một nơi nào đó.

Giật mình, Phí Trường Phòng vội chạy về nhà, vừa nhác trông thấy anh, người nhà đã ùa ra vây chặt lấy với tâm trạng mừng mừng, tủi tủi. Dù cười nói hết sức vui vẻ nhưng không ai cầm được nước mắt trước sự trở về đột ngột, đầy huyền bí của anh.


Từ đó, Phí Trường Phòng bắt tay vào nghề thuốc, chữa trị bệnh tật cho bà con trong vùng. Y thuật của anh vô cùng cao minh, hầu như mọi loại bệnh nan y mà các danh y khác bó tay, anh đều chữa khỏi. Thậm chí có những trường hợp người nhà khiêng xác người bệnh đã chết đến nhờ anh cứu chữa, Phí Trường Phòng vẫn có thể cứu người ấy sống lại được.

Danh tiếng về tài năng y thuật của Phí Trường Phòng vang bốn phương. Bệnh nhân khắp cả nước kéo về xin anh cứu chữa. Đối với những bệnh nhân bệnh tình nguy kịch, không thể đến được, Phí Trường Phòng không ngần ngại tìm đến tận nơi để chữa trị cho họ và hầu hết những người ấy đều khỏe mạnh trở lại.

Mỗi lần rời khỏi nhà, Phí Trường Phòng không quên đeo bên hông một chiếc hồ lô đựng đầy thuốc quý. Khi khám bệnh cho một ai đó, Phí Trường Phòng lại treo chiếc hồ lô ấy lên một vị trí cao ráo, sạch sẽ. Cũng từ đó mà bốn chữ “Huyền hồ tế thế” (悬壶济世) đời và lưu truyền cho mãi đến ngày nay.

TinhHoa tổng hợp
Link đọc thêm (chữ Hoa):


SƠN ĐÔNG MÃI VÕ

Không biết “Sơn Đông” ở nơi nào lại gắn liền với từ “mãi võ” trở thành cách gọi các nhóm lưu động bán thuốc gia truyền cao đơn hoàn tán, rượu thuốc đả trật xương khớp thậm chí nhổ răng bằng tay không cần thuốc tê. Để gây ấn tượng, hầu hết các gánh Sơn Đông đều có biểu diễn những màn võ thuật, múa đao, chặt gạch, ảo thuật hoặc làm xiếc. Có đoàn mang theo con khỉ mặc bộ đồ màu đỏ đạp xe vòng quanh, tay cầm cái nón chìa ra mời cô bác đứng xem ủng hộ trong tiếng trống và tiếng phèng la tùng tùng xèng chen lẫn tiếng chủ gánh hô to bán cho cô này gói thuốc xổ, bán cho bác trai đứng đằng kia gói thuốc cao trị đau lưng.


Hồi hai mươi tuổi ra đời đi làm kiếm sống, tôi quen một anh bạn từng là môn sinh phái Thiếu Lâm Sơn Ðông từ miền Bắc vào Sài Gòn sinh sống. Thấy tên môn phái là lạ trong giới võ thuật hỏi ra mới biết đó là môn võ Bắc Thiếu Lâm ở tỉnh Sơn Ðông bên Trung Quốc. Anh bảo môn phái này do sư tổ Nguyễn Văn Thơ sáng lập khi theo học võ với sư phụ Trần Vi Sìn, người Sơn Ðông trôi dạt sang Việt Nam mưu sinh bằng nghề bán thuốc dạo. Anh có cú móc tay rất điêu luyện khác xa với chiêu Cầm nã thủ mà anh bảo là Ðường Lang quyền một trong những tuyệt chiêu của môn phái Bắc Thiếu Lâm Sơn Ðông. Môn võ này bắt chước hình thái chuyển động của con bọ ngựa như móc, nhấc, bổ, trượt, dùng nhu chế cương kết hợp nội công và ngoại công rất linh hoạt.

Anh không khẳng định Sơn Ðông là cái nôi của nghề bán thuốc dạo kiêm biểu diễn nội công như các vị sư tổ của anh trong môn phái Bắc Thiếu Lâm từng làm. Ðó là chuyện bình thường kiếm sống ngoài đời của một võ sư mà không mở võ đường thu nạp đệ tử. Anh cho rằng các gánh Sơn Ðông mãi võ có mặt ở khắp Trung Quốc từ xa xưa, không nhất thiết nó phải xuất phát từ tỉnh Sơn Ðông. Người biết võ công thâm hậu thường am hiểu cấu tạo xương cốt thể chất con người nên không lạ gì chuyện chữa trị vết thương, đả trật xương khớp. Họ tự chế ra thuốc từ các loài thảo dược và làm công việc đó như một cách giúp người giúp đời. Tất nhiên có khi họ nhận một chút thù lao để mưu sinh.

Nhổ răng dạo của gánh Sơn Đông mãi võ – Ảnh: Tư liệu

Tình cờ tôi đọc được bài tản văn “Một thời để mãi võ” của nhà báo Phan Tấn Hải, tôi rất đồng tình khi ông ví chuyện làm báo như chuyện mãi võ. “Vài năm nay, trên nước Mỹ, tôi mưu sinh bằng một nghề tương tự như Sơn Ðông mãi võ. Từ thuở nhỏ, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh các chàng võ sĩ Sơn Ðông đứng giữa chợ, nơi các ngã tư trong Chợ Lớn, vung cước đi quyền, nghĩa là “bán võ” để kiếm sống. Không biết cách so sánh nghề làm báo như kiểu mãi võ có làm ai tổn thương không, tôi chỉ thấy bình thường thôi – tập lạnh nhạt là điều cũng nên quen, bởi vì cảm xúc không nên để dư hoặc thiếu”.

Nhưng điều làm tôi suy nghĩ trong bài viết khi ông nhắc đến các nhóm Sơn Ðông mãi võ thường tập trung ở Chợ Lớn. Họ là những võ sư thực thụ. “Các tay trong những gánh võ, tôi tin và bây giờ vẫn tin, phải là võ sư thật. Họ dùng cổ uốn cong mũi giáo. Họ nhào lộn, múa quyền, đá liên hoàn cước hay hơn xi nê”. Và nghề bán thuốc mãi võ không phải là nghề dễ kiếm sống. “Họ kiếm sống gian nan lắm, ai cũng biết điều này. Ðồng tiền họ nhặt được nơi góc phố, ngoài mồ hôi của lòng bàn tay sau giờ múa võ, có thể có cả lòng thương hại của những người không còn thật tâm tin vào loại thuốc trật gân đả xương của họ… Một lần tôi hỏi một ông cụ người Hoa, thuộc phái Ðường Lang, người tôi thường gặp dưới góc phố. Ông cụ không ở trong các gánh múa võ Sơn Ðông, nhưng hẳn là quen nhiều sinh hoạt của họ, bởi vì nhiều chuyện ông cụ kể lại y hệt như tiểu thuyết Kim Dung”.

Một gánh Sơn Đông mãi võ ở Trung Quốc năm 1840 – Tranh vẽ của hoạ sĩ: Thomas Allom

Nhà báo Phan Tấn Hải nhắc đến phái Ðường Lang, cũng như tôi nhắc đến anh bạn võ sinh Ðường Lang thuộc Thiếu Lâm Bắc phái. Một sự trùng lặp ý tưởng về môn võ xuất phát từ Sơn Ðông. Tôi đem chuyện này hỏi người bạn già am hiểu nhiều chuyện Ðông – Tây, có phải cụm từ Sơn Ðông mãi võ đúng thật xuất phát từ tỉnh Sơn Ðông bên Trung Quốc. Nhưng ông không dám võ đoán là xác thực. Ông bạn nói, chuyện bên Tàu xa xôi quá, chuyện đời Sơn Ðông mãi võ Sài Gòn mới gần gũi hơn, hơi đâu mà tìm ra gốc gác cũng như ở Sài Gòn thuở đó treo đầy bảng quảng cáo thuốc tây trị sán lãi giun kim, đau lưng nhức mỏi mà người dùng đâu cần biết thuốc tây nhập cảng bên Tây hay bên Tàu hoặc bào chế tại Sài Gòn.

Ông bạn già kể hồi đầu thuở thập niên 1950, vùng Chợ Lớn có một gánh Sơn Ðông nổi tiếng và thường biểu diễn bán thuốc Nam, thuốc cao đơn hoàn tán thu hút dân chúng bao quanh đứng xem chật cứng. Ðó là gánh thuốc lưu động Lê Văn Quý. Nói là gánh Sơn Ðông mãi võ nhưng thực ra ông Lê Văn Quý không phải múa võ mà là làm xiếc ảo thuật, mặc dầu dưới đất cũng bày ra mấy cục gạch thẻ để chặt tay không nhưng không bao giờ thấy võ sĩ nào trong đoàn ra biểu diễn. Cứ mỗi lần gánh Lê Văn Quý xuất hiện ở Chợ Lớn là ông phải đến xem cho bằng được. Vui, tiếng cười khoái trá của đám con nít, thanh niên, ông già bà cả thu hút người xem chứ không phải những màn đập đầu vào trái dừa hay dao chém vào bụng không hề hấn. Những màn biểu diễn võ thuật của một vài gánh Sơn Ðông hay thì hay thật nhưng các tay bầu gánh thường dùng võ thuật bạo lực trình diễn nên dễ khiến người xem nhàm chán hơn là thoả mãn tính giải trí vui chơi của gánh Sơn Ðông ảo thuật của ông Lê Văn Quý.

Vui nhất là câu mở màn chào bà con đứng xem chung quanh: “Tôi là Lê Văn Quý, mắt hí hí, đầu có chí, ăn mứt bí, nhổ răng thí, vợ cao như cây đèn quý”. Sau màn giới thiệu gây tiếng cười, ông cho con khỉ mặc quần xà lỏn màu đỏ chạy xe đạp vòng vòng, lại biết cầm gói thuốc tễ đi mời khách. Màn chính ảo thuật của ông Lê Văn Quý là tráo bài Tây, và màn trái banh bong biến hoá. Biết là trò bịp nên ông bạn già của tôi quan sát rất kỹ nhưng chẳng bao giờ phát hiện ra sơ hở, thủ thuật khéo tay biểu diễn ảo thuật đường phố của ông ở thời đó như vậy là thượng thừa. Ông bạn tôi kể thêm, hay nhất là không biết ông Lê Văn Quý dùng thuốc gì mà dùng miếng bông gòn chậm vào cái răng cấm, lấy ra lúc nào mà người cho ông nhổ răng chẳng hề hay biết.

Nghe ông kể chuyện về gánh Sơn Ðông ảo thuật của ông Lê Văn Quý vang danh vùng Chợ Lớn làm tôi bùi ngùi nhớ đến anh Mạc Can, con trai của nhà ảo thuật thuộc thế hệ đầu tiên ở Việt Nam từ những năm 1930, tuy rằng ngày nay mấy nhà ảo thuật trẻ tuổi có nhiều ngón nghề điêu luyện hơn ông nhiều. Tôi quen nghệ sĩ Mạc Can khi anh đến Mỹ định cư sau khi cha anh, ông Lê Văn Quý qua đời ở tuổi 94. Vài lần chúng tôi cùng ăn cơm, đi uống cà phê nhưng Mạc Can không bao giờ kể về chuyện cha mình từng lập gánh Sơn Ðông mãi võ. Có một lần, anh chỉ nhắc đến cha mình như một nhà ảo thuật kiếm sống ngoài đường phố mà Mạc Can đã hư cấu câu chuyện nghề nghiệp của gia đình thành một tác phẩm tiểu thuyết “Tấm ván phóng dao”.

Mạc Can (bên phải) cùng anh em trong tiết mục phóng dao – Ảnh: Tư liệu

Mạc Can sung sướng lắm, cái nghề ảo thuật lặt vặt của anh nối nghiệp cha mình ở tuổi xuống dốc cuộc đời lại nổi danh thành một nhà văn ngang hông và sau đó là nhà xuất bản ở Việt Nam đặt hàng thêm vài ba tác phẩm. Mạc Can kể chuyện anh thành nhà văn mà ánh mắt long lanh như thể hồi lúc chạy xe honda đi làm tiết mục ảo thuật cho những gánh xiếc rong, được tin báo qua phôn “Tấm ván phóng dao” được bình chọn xếp hạng. Anh kể, tôi dừng xe bên đường, lặng người mà nước mắt trào ra.

Có những lúc chúng tôi ngồi lặng lẽ bên ly cà phê, ánh mắt tinh nghịch hề hề của Mạc Can tràn đầy vẻ ưu tư. Anh suy nghĩ chuyện nên ở hay nên về vì cái nghề viết lách ở xứ này chẳng khác nào làm nghề Sơn Ðông mãi võ. Nhà báo Phan Tấn Hải nói đúng quá: “Bán văn giữa chợ để sống càng làm tôi hiểu nhiều hơn, xúc chạm nhiều hơn, thọc tay vào sâu hơn cái mạng lưới cuộc sống… Có nhiều người cầm bút, khi gửi bài cho báo, ưa nghĩ rằng điều anh hoặc chị ta viết phải là giá trị muôn đời… Nhưng đó hẳn là chuyện của các tạp chí văn chương, không dính gì tới cái ngã tư Bolsa mà các môn phái Sơn Ðông đang bán văn mưu sinh”.

Chuyện viết lách mưu sinh là một lẽ, chuyện nghề nghiệp và cách biệt văn hóa ở một đất nước xa lạ mới là chuyện chính của Mạc Can sống trên nước Mỹ. Anh dứt khoát quyết định “về”. Một thời gian ngắn làm gã “Sơn Ðông mãi võ” đối với anh ở xứ người là quá đủ, cũng như trước đây nhiều văn sĩ nghệ sĩ đã từng có một thời lận đận theo gánh Sơn Ðông bán thuốc kiếm sống như nhà văn Duyên Anh hay cô đào Ngọc Giàu hồi trẻ trước khi trở thành những người được công chúng biết đến.

Trang Nguyên
Nguồn: Báo Trẻ Online

Friday, June 28, 2019

CHÂN LÝ KẾT BẠN NGÀY NAY: KẺ THÙ CỦA KẺ THÙ LÀ BẠN?

“Sự tương đồng có sức hấp dẫn vô đối, tôi không muốn ám hạ thấp vai trò của chia sẻ sở thích trong việc kết bạn”, trích lời của Jennifer Bosson, giáo sư tâm lý học tại đại học Nam Florida. “Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy những người có chung kẻ thù, ghét cùng một thứ, thường tạo dựng được một mối quan hệ khăng khít".


Bạn gặp một người “bạn của bạn” lần đầu. Cô ấy có vẻ hồi hởi, phóng khoáng, cô ấy thích BTS. Bạn cũng thích BTS. Đây có vẻ là một người thú vị để kết bạn.

Cho đến khi cô ấy bắt đầu kể về những khuyết điểm của người bạn chung, cây cầu nối đã dẫn bạn và cô ấy đến với nhau. Sau 5 phút nói xấu người bạn đó, bạn và cô ấy đã trở thành những-người-bạn-thân-thiết?

Từ tận những năm 40 của thế kỷ trước, tâm lý học xã hội đã nhận ra rằng: hai người xa lạ dễ kết bạn với nhau hơn nhờ chia sẻ những cảm xúc tiêu cực. Nhưng một nghiên cứu đầy đủ mới đây đã mở rộng kết quả đó thành một chân lí mới: nói xấu, đặc biệt là nói xấu một người khác dường như là cách nhanh và hiệu quả nhất để hai người kết bạn với nhau. Nếu bạn muốn bắt thân với ai đó, chẳng còn con đường nào nhanh và ngắn hơn là cùng nhau “gossip” về những người mà cả hai bạn cùng ghét.


“Sự tương đồng có sức hấp dẫn vô đối, tôi không muốn ám hạ thấp vai trò của chia sẻ sở thích trong việc kết bạn”, trích lời của Jennifer Bosson, giáo sư tâm lý học tại đại học Nam Florida. “Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy những người có chung kẻ thù, ghét cùng một thứ, thường tạo dựng được một mối quan hệ khăng khít hơn”.

Đầu những năm 2000, một vài thí nghiệm đã được Jennifer Bosson triển khai để tìm ra mối liên hệ giữa những cảm xúc tiêu cực (thù hận, căm ghét, phê phán, chỉ trích) với việc kết bạn của con người. Trong một nghiên cứu năm 2006, Bossons và đồng nghiệp nhờ một vài người ngồi nghe cuộc hội thoại sau: Brad và Melissa cùng nhau viết ra những điểm mình thích và không thích ở nhau.

Sau đó, Brad được các chuyên gia tâm lý thông báo rằng: có một người A đồng ý với những điều Brad thích ở Melissa; đồng thời có một người B đồng tình với những điểm Brad ghét ở Melissa.

Phía ngược lại, Melissa cũng được thông báo rằng, có một người A thích Brad với cùng những lí do giống như cô, và một người B ghét Brad chính vì những lí do cô liệt kê.

Và không bất ngờ lắm, cả Brad và Melissa đều có hứng thú làm bạn với người B hơn. Trong khi A và B đều là những nhân vật được tưởng tượng ra nhằm mục đích thử lòng hai người.

Chuyên gia Jennifer Bosson, qua một vài thí nghiệm tương tự đã ngày càng củng cố kết luận của mình. Không cần biết bạn thuộc giới tính nào, chủng tộc nào, ghét chung một thứ là cách nhanh nhất kéo hai người lạ mặt lại với nhau; thậm chí còn thân nhau nhanh hơn cả hai người có chung sở thích.

Chúng ta có thể giải thích điều này như thế nào? “Khi một lạ người nói xấu người khác, chúng ta thường bi thu hút bởi suy nghĩ: “Trời ơi, mình có đồng minh này!”. Đặc biệt khi người lạ đó tâm sự về những điều ta chưa hề hay biết, não bộ chúng ta sẽ bị kích thích vô cùng và cảm giác như mình học được điều gì đó hay ho và thú vị lắm.

“Cùng ghét một thứ gì đó khiến con người xích lại gần nhau hơn, bởi chúng ta cảm thấy đối phương công nhận quan điểm đúng đắn của mình. Ồ, đây chính là tri kỉ!”.


Vẫn còn một lí do khác giải thích kĩ càng hơn việc tại sao con người lại thích đến với nhau nhờ chia sẻ những quan điểm tiêu cực. Các chuyên gia nói rằng: suốt cả triệu năm qua, sự tiến hóa của loài người có lẽ đã ngầm lập trình một hệ thống kết nối con người qua những thứ mà chúng ta căm ghét.

“Về mặt tâm lý, chúng ta dễ bị hấp dẫn bởi một người có chung kẻ thù với mình”, trích lời giáo sư Frank McAndrew của trường đại học Knox College, bang Illinois, Mỹ. “Họ xuất hiện trong đời ta để công nhận những gì ta nói, ta nghĩ, ta làm, khiến ta nghĩ mình không phải người hẹp hòi hay cực đoan”.

Giáo sư McAndrew nghiên cứu sâu về tâm lí học xã hội và phát triển. “Mọi nghiên cứu của tôi đều dựa trên giả định rằng con người tồn tại với bộ não của người tiền sử, sinh hoạt trong những nhóm nhỏ và giao thiệp với nhau qua những tương tác trực tiếp”, ông nói. Trong thế giới đó, mọi người lạ đều có thể đến từ một nhóm đối thủ khác và nhiều khả năng sẽ làm hại người thân của bạn. Nhưng nếu người lạ đó bày tỏ sự căm ghét với một bộ lạc khác mà bạn cũng ghét, từ đây lập tức sẽ nảy sinh ra một sự hợp tác và tin tưởng.

“Kẻ thù của kẻ thù là bạn”, nghiên cứu sâu về sự hợp tác này quả thật như gãi vào chỗ ngứa nguyên thủy của loài người. Được giao lưu kết bạn, được hòa nhập vào hội nhóm là nhu cầu cơ bản của chúng ta. Nhưng việc bạn được kết nạp vào đồng nghĩa với việc ai đó phải bị loại ra. Đó là lí do con người ta nói xấu nhau, và thích nghe người khác nói xấu những người khác nữa.

Ngay cả trong những mô hình xã hội nguyên thủy như bộ lạc, loài người vẫn thích kết bạn với nhau trên nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù là bạn” hơn là chia sẻ những sở thích tốt đẹp. Giáo sư McAndrews nói: cấu trúc xã hội loài người là có phân cấp và đương nhiên, sẽ thay đổi liên tục. Người ở bậc thang thấp hơn luôn muốn trèo cao, và họ phải kéo người phía trên xuống. Từ đó mới sinh ra nói xấu. “Chúng ta luôn thích những thông tin tiêu cực bởi chúng cực kì hấp dẫn với những cái đầu đang hăm hở tính toán làm sao để hất cẳng một ai đó”, giáo sư McAndrews nói.

“Cố tìm ra những điểm tốt của kẻ đang cạnh tranh với bạn là một hành động dở hơi, nhưng bới ra lỗi của họ thì lại cực kì hữu ích cho công cuộc lật đổ”.

(Điều này có thể giải thích những nụ cười xấu xa của bạn khi đồng nghiệp bị sa thải hoặc đứa bạn bị cắm sừng. Khi cuộc đời người khác trở nên tồi tệ, tự bạn cảm thấy (hình như là) đời mình còn tốt chán, và đang tốt đẹp lên).

“Kẻ thù của kẻ thù là bạn” rõ ràng là một xu hướng tiêu cực; bởi bạn có chắc rằng một người đến với bạn chỉ vì ghét người khác, sẽ không bao giờ quay mũi tên về phía bạn?

Internet ra đời khiến chúng ta ta thù ghét nhau nhiều hơn. “Chính mạng xã hội đã khơi dậy khao khát nguyên thủy của loài người - nói xấu sau lưng, cũng như nhu cầu khẳng định bản thân bằng cách giao thiệp với các “tri kỉ” có cùng chí hướng”, giáo sư Mc Andrews nói. Nói xấu online có thể mang nhiều người lạ đến gần nhau hơn, trở thành bạn bè, cảm thấy được kết nối, sẻ chia, tuy nhiên, nó cũng nhấn chìm chúng ta trong những quan điểm tiêu cực, sơ sài, nghèo nàn về người khác.

Chuyên gia Jennifer Bosson cũng đồng ý rằng: “Kẻ thù của kẻ thù là bạn - tư tưởng này có thể củng cố tính bầy đàn, bè phái trong quan hệ xã hội”. Bà cho rằng rất nhiều nền tảng mạng xã hội hiện nay kiếm lợi từ hoạt động “mai mối” cho những người ghét nhau thành lập cộng đồng và chia sẻ những suy nghĩ tiêu cực như: “Hội anti Idol ABC”, “nhóm bài trừ ca sĩ XYZ”, "Hội bóc phốt các beauty bloggers". Việc con người được kết bạn và kết nối là tốt, nhưng nối vòng tay lớn chỉ để bắt nạt một người khác thì chưa bao giờ đáng khuyến khích cả.


Khi mọi chuyện nóng dần lên và một nhóm người coi kẻ thù của mình không còn là con người nữa, “kết cục tất yếu chính là chiến tranh”.

Dựa theo bài viết được đăng tải trên Medium
TYPN, THEO HELINO

GIÀ...


Thursday, June 27, 2019

KHI BẠN NHÌN THẤY AI CŨNG KHÔNG THUẬN MẮT, NHẤT ĐỊNH CẦN XEM LẠI CHÍNH MÌNH

Cuộc sống có quá nhiều điều khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, đến nỗi nhìn đâu cũng cảm thấy chướng mắt. Đây không nhất định là do yếu tố bên ngoài, mà chính là từ nội tâm mình.

Sự lương thiện của con nhỏ tựa như ánh sáng, có khả năng xua tan hết những suy nghĩ đen tối của con người. (Ảnh: Pinterest)

Con người mệt mỏi vì nội tâm quá phức tạp

Lúc đang trong cuộc rượu, mọi người nâng ly chúc mừng lẫn nhau, thông thường cứ sau khi mời một bàn rượu xong là lại trao đổi danh thiếp với nhau, để rồi sau đó không nhớ nổi danh thiếp nào là của ai nữa. Nhớ lại lúc xã giao với người khác, anh anh em em, nịnh nọt chế nhạo lẫn nhau, muốn thân thiện cũng không được, luôn có một cảm giác lộn xộn không sao tả được.

Còn nhớ nhiều năm về trước, tôi đi theo một ông anh đến Hong Kong tham gia một bữa tiệc thương nghiệp, mọi người trao đổi danh thiếp với nhau. Lúc nhìn thấy tên của tôi, có người rất chân thành nói một câu: “Luật sư Trần, ngưỡng mộ đã lâu!”. Tiếp theo nói một tràng khen ngợi tôi.

Tôi giật mình, nghĩ thầm tôi chỉ là một luật sư mới ra nghề chưa tới nửa năm, lúc ấy còn chưa từng thông qua môi giới, hơn nữa còn là luật sư Đài Loan, làm thế nào mà người ta lại có thể “ngưỡng mộ đã lâu”? Có lẽ người ta chỉ xuất phát từ khách khí mà nịnh nọt vài câu, cũng có thể là do nhìn thấy ông anh của tôi chăng? Nhưng tôi cảm thấy không vui chút nào, tôi tin rằng nhiều người cũng có “cảm giác buồn nôn” khi được người khác khen ngợi quá đáng như vậy.

Trên thương trường, khi tranh đoạt quyền lực và lợi ích càng lớn, sẽ càng khiến chúng ta lâm vào những tình huống khó xử, phân tranh cao thấp, rơi vào vòng xoáy đấu đá, thậm chí khi chúng ta bị người mà mình tin tưởng phản bội, lại càng dễ làm chúng ta mất đi niềm tin vào người khác, cũng khiến chúng ta trở nên phòng bị.

Tôi đã từng vì điều này mà tâm lực quá mệt mỏi, vẫn có những thắc mắc quanh quẩn trong tâm, con người với nhau sao cứ phải trải qua những thứ phức tạp, khổ sở đến thế? Về sau, tôi nhờ hai đứa con gái yêu của mình, bị ảnh hưởng bởi sự chân thành, tha thiết của chúng, cuối cùng tôi đã tìm ra đáp án.

Mỗi khi những màn xã giao của tôi kết thúc, tôi lại mang theo cái cảm giác giả tạo và buồn nôn về nhà. Nhưng bất kể thể xác và tinh thần mệt mỏi như thế nào, chỉ cần hai cô con gái yêu vừa cười vừa chạy tới ôm lấy tôi, thì trong nháy mắt cảm giác buồn chán và mệt mỏi của tôi đều biến mất, điều này khó có thể nói lên lời, giống như được thanh lọc vậy.

Tôi nhận ra, trước sự ngây thơ, lương thiện của con nhỏ, chúng ta cũng sẽ trở nên ngây thơ, lương thiện, tâm phức tạp của chúng ta sẽ trở nên yếu ớt, không cần che giấu nụ cười chân thực trên khuôn mặt, cảm xúc tiêu cực của chúng ta không còn tồn tại nữa, bị quét sạch hoàn toàn rồi. Sự lương thiện của con nhỏ tựa như ánh sáng, có khả năng xua tan hết những suy nghĩ đen tối của con người.

Người không có kẻ thù mới là người mạnh mẽ nhất

Rất nhiều người nói: “Con người chỉ có một cái đầu, nhưng lại vô cùng phức tạp, biến hóa vô cùng”.Nhưng mà tôi cho rằng, người có thể rất phức tạp, cũng có thể trở nên rất đơn giản, hết thảy đều được quyết định tại tâm của chúng ta.

Khi chúng ta dùng “tâm phức tạp” đi đối đãi với hết thảy sự việc, đi phỏng đoán người khác, nhân tâm đương nhiên sẽ phức tạp. Nếu như chúng ta có thể giữ được “tâm đơn giản”, hết thảy mọi thứ bên ngoài sẽ tự chuyển hóa, còn người dùng tâm phức tạp đối đãi với những sự tình xảy đến, thì cũng phức tạp không thoát ra được.

Người có thể rất phức tạp, cũng có thể trở nên rất đơn giản, hết thảy đều được quyết định tại tâm của chúng ta. (Ảnh: Pinterest)

Bất kể là ai, đã từng đối diện với một đứa bé đáng yêu, cái tâm phức tạp cũng không thể nào ngăn cản được đứa bé hồn nhiên tươi cười, cái này gọi là sức mạnh của “đơn giản”.

Có người mà mọi người cho là “người xấu”, có lẽ cũng không có xấu như là chúng ta tưởng tượng, nếu như bọn họ thực sự hư hỏng như vậy, thì dù bọn họ có đối diện với bất kỳ ai đi chăng nữa cũng sẽ đều bị coi là xấu, nhưng mà, điều này không đúng. Ít nhất thì người nhà của họ cũng không nhất định là sẽ thấy xấu như chúng ta.

Suy nghĩ sâu hơn, vì sao trước mặt chúng ta họ lại biểu hiện “cái mặt xấu” kia ra? Hoặc là, vì sao trong cuộc sống của chúng ta, lại tràn đầy những người mà chúng ta nhận định là “kẻ xấu” như vậy?

Chúng ta nhận định một người là tốt thì cũng không nhất định là tốt như vậy, chúng ta nhận định một người là xấu thì cũng không nhất định là hư hỏng như vậy.

Đối với người khác không nên kết luận quá nhanh về cái xấu của người ta, thực tế thì không nên để người khác tác động đến suy nghĩ của chúng ta, làm ảnh hưởng đến cách nhìn của chúng ta đối với một người.

Một người khi đối diện với những người khác nhau, tất nhiên sẽ biểu hiện ra những kiểu khác nhau. Giống như, trước mặt chúng ta họ biểu hiện là tốt hoặc xấu, tùy thuộc vào cách nghĩ của họ về chúng ta.

Nếu như họ nhận định chúng ta là người tốt hoặc là có suy nghĩ tốt về họ, họ sẽ biểu hiện ra mặt tốt, nếu như họ nhận định chúng ta là người xấu hoặc là có suy nghĩ xấu về họ, họ sẽ biểu hiện mặt xấu kia ra.

Bởi vậy, ngay lúc bên cạnh toàn những người xấu như chúng ta nhận định, vậy cũng không cần vội vã trách tội người khác, có lẽ chúng ta trước tiên phải xem lại chính mình, phải chăng đối với người khác có quan điểm gì tiêu cực? Chỉ cần chúng ta giữ khư khư cách nghĩ xấu về người khác, dù là rất nhỏ, người ta nhất định rồi cũng nhận ra được.


Suy nghĩ một chút, nếu như hôm nay có người giữ mối thâm thù với chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy sao? Chúng ta sẽ biểu hiện ra sắc mặt như thế nào?

Một người trong tâm không có kẻ thù, đó mới là người mạnh mẽ nhất. Mà người không có kẻ thù, không phải là vì người đó chiến thắng tất cả mọi người khác, mà đó chính là sự thiện lương!

Tựa như những đứa bé đáng yêu, ngây thơ, chúng không có tiền tài, quyền lực, địa vị để đi chinh phục tất cả mọi người, nhưng chúng lại có sức mạnh vô cùng to lớn của lương thiện, giúp cảm hóa người khác. Hai chữ “vô địch” đúng là hoàn hảo nhất dành cho sự thiện lương này.

Chân Chân (Theo NTDTV)

THỊT CHUỘT CỦA VIỆT NAM: "THƠM NGON NHƯ PHÔ MAI QUE"

Nữ nhà báo Mỹ lần đầu thưởng thức món thịt chuột trong chuyến đi tới Việt Nam, và cho rằng đó là thử thách ấn tượng.

Cuối năm 2018, Christine Dell'Amore, nữ phóng viên của trang National Geographic (Mỹ), có chuyến thăm tới Việt Nam.

Tại đây, cô có dịp thưởng thức món thịt chuột đồng chế biến theo phương pháp của người địa phương ở Châu Đốc. Với Christine, đây là thử thách ấn tượng và trải nghiệm thú vị.

Những người nông dân Việt Nam bẫy chuột trên đồng

Theo lời chia sẻ của Christine, tại một số khu vực trên thế giới, trong đó bao gồm cả vùng nông nghiệp ở Việt Nam, thịt chuột được coi là nguồn cung cấp protein dồi dào. Điều này trái ngược với quan điểm những con chuột sống dưới cống ngầm dơ bẩn chuyên ăn rác thải của người nước ngoài.

Món thịt chuột được bày bán ở các khu chợ

Tại Việt Nam, bạn có thể thấy món thịt chuột đặc sản xuất hiện tại những quán ăn ở cả miền Bắc hay miền Nam, bởi vậy, Christine tỏ ra khá yên tâm khi lần đầu ăn thử món thịt chuột chiên. Cô ngạc nhiên khi thấy hương vị của chúng rất ngon, giống như phô mai que mozzarella.

Chuẩn bị hun khói món thịt

Trên thực tế, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thịt của loài động vật gặm nhấm này lại có giá cao hơn thịt gà - Grant Singleton, nhà khoa học nghiên cứu quản lý loài gặm nhấm - cho biết. Khu vực này hàng năm lại chế biến khoảng 3600 tấn thịt chuột, trị giá 2 triệu USD. Con số này khiến nhiều người kinh ngạc.

Cũng theo phóng viên Christine, dù có hàng chục loài chuột khác nhau, nhưng người Việt Nam chỉ ăn chuột đồng. Đó là những con chuột có kích thước nhỏ, chỉ ăn lúa để sống. Chúng sống ở đồng ruộng, khá sạch sẽ, ít ký sinh trùng.


Với món thịt chuột, người ta có nhiều cách chế biến, nhưng đều phải nấu chín để tránh các bệnh truyền nhiễm. Sau khi sơ chế chuột, thịt được rửa sạch, sau đó hun khói hoặc chiên rán, nướng, hấp… tùy theo sở thích. Nếu như món chiên, thịt có màu da vàng ruộm bắt mắt, thì món hấp, luộc sẽ có mùi vị đậm đà.

Hoàng Hà
Theo Nationalgeographic
Link tham khảo:


Wednesday, June 26, 2019

ON CHILDREN (CON CÁI)



On Children
Kahlil Gibran  (1883-1931)

And a woman who held a babe against her bosom said, "Speak to us of Children."
And he said:
Your children are not your children.
They are the sons and daughters of Life's longing for itself.
They come through you but not from you,
And though they are with you, yet they belong not to you.
You may give them your love but not your thoughts.
For they have their own thoughts.
You may house their bodies but not their souls,
For their souls dwell in the house of tomorrow, which you cannot visit, not even in your dreams.
You may strive to be like them, but seek not to make them like you.
For life goes not backward nor tarries with yesterday.
You are the bows from which your children as living arrows are sent forth.
The archer sees the mark upon the path of the infinite, and He bends you with His might that His arrows may go swift and far.
Let your bending in the archer's hand be for gladness;
For even as he loves the arrow that flies, so He loves also the bow that is stable.

From The Prophet (Knopf, 1923)



Con cái 
(Bản dịch: Phạm Bích Thủy)

Một người đàn bà ôm hài nhi trước ngực thưa:
Xin người dạy chúng tôi về CON CÁI
Người nói:
Con cái các ngươi chẳng phải là con cái các ngươi
Chúng là con trai, con gái Đời tự khao khát bản thân
Chúng đến qua các ngươi nhưng chẳng từ các ngươi
Và dẫu ở cùng các ngươi, cũng chẳng thuộc về các ngươi
Các ngươi có thể cho chúng tình yêu nhưng không thể cho chúng tư tưởng mình
Vì chúng có tư tưởng riêng
Các ngươi có thể nuôi thân xác chúng trong nhà nhưng linh hồn chúng thì không
Vì hồn chúng ở nhà của ngày mai, nơi các ngươi không thể thăm viếng dù trong mơ
Các ngươi có thể gắng sức trở nên giống chúng, nhưng chớ tìm cách làm chúng giống mình
Vì đời sống không đi lui, cũng chẳng lần lữa với ngày qua
Các ngươi là những cây cung từ đấy con cái các ngươi tựa những mũi tên sống được bắn đi
Người bắn cung thấy đích trên đường vô cùng
Ngài uốn các ngươi bằng sức mạnh để những mũi tên Ngài được bắn đi mau và xa
Hãy hoan hỉ uốn mình trong tay người bắn cung
Vì dẫu yêu mũi tên bay đi, Ngài cũng yêu cây cung vững

Nguồn: Mật khải (The Prophet), Phạm Bích Thuỷ dịch, NXB Hiện đại, 1975



Sơ lược tiểu sử tác giả:

Kahlil Gibran (1883-1931) sinh tại Bsharre, Li Băng năm 1883. Sáng tác của ông là một kết hợp tuyệt vời giữa nhạc và thơ, ca tụng những vẻ đẹp hữu hình cũng như vô hình. Mỗi câu nói là một lời thiêng. Mỗi đoạn văn là một thánh thư. Mỗi câu chuyện là một dụ ngô trình bày những chân lý cao siêu.

Không những là một nhà thơ, Kahlil Gibran còn là một triết gia, một vị tiên tri, một nghệ sĩ. Thế giới Tây Phương xưng tụng ông la “Dante của thế kỷ XX”. Thế giới Đông Phương tôn vinh ông là “Bậc thầy khả ái”. Ông là một trong những tác giả hiện nay (chú ý: sách này được xuất bản ở thập niên 80) được đọc và sùng bái nhất bởi cả hai nền văn hoá Đông cũng như Tây.

Ông mất năm 1931 tại New York. Những tác phẩm chính của ông là: Nhà tiên tri (The prophet), Tiếng thầy (The voice of the master), Đôi cánh gãy (The broken wings), Tự truyện (A selfportrat), Lời thiêng (The spiritual sayings). Tất cả tác phẩm của ông đều sáng tác bằng tiếng Anh.

Nguồn: Cõi thơ, Kahlil Gibran, NXB Đà Nẵng, 1998

CUỘC THI ĐẾM TIỀN

Bốn người tham dự một cuộc thi đếm tiền, kết quả cuối cùng khiến khán giả im bặt

Có 4 người tham dự một cuộc thi đếm tiền với thể lệ rằng ai đếm được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, nhưng đòi hỏi số tiền đếm được phải chính xác. Và kết quả cuối thật không ai ngờ đến.

Cuộc thi đếm tiền Impossible Challenge. Ảnh: CCTV

Trò chơi dành cho khán giả

Trên truyền hình có một chương trình giải trí, nội dung là thi đếm tiền. Ngoài chương trình này, còn có một số chương trình giải trí khác, mỗi chương trình đều có vài khán giả được tham gia. Người thắng cuộc cuối cùng sẽ nhận được 1000 USD tiền thưởng.

Tuy nhiên, chương trình giải trí có nội dung đếm tiền, quy tắc chơi khá khác biệt.

Theo đó, người dẫn chương trình sẽ cầm một tệp tiền lớn, trong tệp tiền này có các tờ tiền mệnh giá khác nhau, được xào đảo không theo một quy tắc nào.

Trong thời gian 3 phút theo quy định, bốn khán giả được chọn ngẫu nhiên tại trường quay sẽ thi đếm tiền, ai đếm được nhiều nhất, chính xác nhất sẽ giành được luôn số tiền mặt họ vừa đếm.

Người dẫn chương trình vừa thông báo xong các quy định, trường quay ngay lập tức trở nên huyên náo. Trong vòng 3 phút, có thể không đếm được vài chục nghìn USD nhưng đếm được vài nghìn USD là điều có thể.

Hơn nữa chỉ trong vòng 3 phút ngắn ngủi, có thể giành được vài nghìn tiền thưởng, đây chẳng phải là việc có thể khiến người ta cảm thấy phấn khích đó sao?

Cuộc chơi bắt đầu. Bốn khán giả bắt đầu ra sức đếm tiền. Tất nhiên, trong vòng ba phút này, người dẫn chương trình không thể để những người chơi yên tâm đếm tiền.

Nhiệm vụ của anh ta là cầm micro, lần lượt đi “quấy rối”, làm đứt mạch tư duy của người chơi bằng những câu hỏi cần phải suy nghĩ.

Không chỉ vậy, phải trả lời đúng câu hỏi của người dẫn chương trình, người chơi mới được chơi tiếp.

Sau vài lượt hỏi, đáp như vậy, thời gian 3 phút cũng đã hết. Trong tay bốn người chơi là bốn tệp tiền dày mỏng khác nhau.


Kết thúc bất ngờ

Người dẫn chương trình lấy giấy bút ra, yêu cầu người chơi viết lại số tiền mà họ vừa đếm vào đó.

Người thứ nhất: 3472 USD. Người hứ hai: 5836 USD. Người thứ ba: 4889 USD. Người thứ tư chỉ ghi ra giấy vỏn vẹn 500 USD.

Đã có sự khác biệt không hề nhỏ giữa những con số mà người chơi ghi ra.

Sau khi người dẫn chương trình đọc to những con số cho tất cả khán giả cùng nghe, trên khán đài, những tràng cười rộ lên khi nghe đến số tiền mà người thứ tư viết trên giấy. Họ không hiểu tại sao anh ta lại đếm được ít như vậy.

Khi đó, người dẫn chương trình cũng bắt đầu tiến hành kiểm tra lại độ chính xác của các con số được viết ra.

Và dưới sự ngạc nhiên tột độ của khán giả, anh ta đọc to số tiền thực tế mà những người chơi đã đếm được lần lượt là: 3372 USD, 5831 USD, 4879 USD và 500 USD.

Hay nói cách khác, ba người đầu tiên đã sai và sai lệch thật sự không đáng kể, không là 100 USD thì chỉ là 5 hoặc 10 USD.

Chỉ có người thứ tư là đạt đến độ chính xác cần thiết để đạt giải.

Nhìn thấy kết quả đó, các khán giả trên khán đài bất giác im lặng, sau đó là một tràng pháo tay nổ lên, vang giòn cả trường quay.

Khi đó, người dẫn chương trình mới cầm micro, tiết lộ với tất cả mọi người mọi người một bí mật: Từ khi chương trình này ra đời, chưa có một ai chiến thắng với số tiền vượt qua 1000 USD.

Khán giả như được ngộ ra điều gì đó. Và người dẫn chương trình nói tiếp: “Có những lúc, việc chúng ta buông bỏ một cách thông minh thực ra là một sách lược trong quá trình con người kinh doanh, vận hành chính cuộc đời mình.

Đây cũng là một dạng trí tuệ cao siêu trong đời người. Chỉ có điều, phải cần đến dũng khí và trí tuệ mới làm được”.


Tuệ Tâm (s/t)