Nhớ một lần về Việt Nam, ghé Saigon, đi chợ Bến Thành với anh bạn gốc Huế, anh dẫn tôi vào khu ăn uống của chợ , đi lòng vòng anh hỏi tôi muốn ăn gì ? Tôi thấy hơi ngài ngại không biết có dám ăn không vì sợ đau bụng. Tôi nói tùy anh, gì cũng được, Anh nói đi ăn đồ Huế nha. Ok, chúng tôi ngồi vào một sạp bán đồ ăn Huế (không nhớ tên gì) anh kêu đủ thứ: bánh bèo Huế, Chả Huế, Nem Huế, bún, tôi quay qua mấy quán bên cạnh nói với anh lỡ ăn ở đây rổi thì kêu luôn mấy món bên cạnh mà thử luôn. Rồi tui tôi kêu thêm mấy dĩa sò huyết, ôc bưu, ốc len sào dừa,...thấy còn nhiều món lạ nữa như bún suông, bún ốc... nhưng thôi đủ rồi tôi không muốn về VN mà bị Tào Tháo rượt.
Mấy tuần trước coi DVD của Vân Sơn thấy anh ấy giới thiệu món bún suông trong chợ Bến Thành có lẽ anh nói cái quán bàn bún suông mà tôi có nhìn qua một lần mà bây giờ không nhớ nỗi. Hôm nay, ở không về nhà, không có gì làm và đang chờ ăn cơm tối, tôi lang thang trên mạng thử tìm xem "bún suông" là gì ? Tình cờ có một bài quảng cáo về sạp bún suông lâu đời nhất ở Saigon.
Trước tiên mình phải tìm xuất xứ của bún suông trước:
Bún suông còn được gọi là bún đuông. Món ăn có xuất xứ từ Trà Vinh. Sở dĩ món ăn này có tên gọi như vậy là xuất phát từ chả tôm vừa tươi ngon và mềm mịn được tạo hình như những con đuông. Sự hấp dẫn của món này chính là nước lèo mang đậm chất Trà Vinh. Nước lèo không trong mà có màu nâu đậm, bởi được thêm một ít me và tương hạt vừa tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương rất hấp dẫn. Món này hiện đang được ưa chuộng ở các tỉnh miền Nam, đặc biệt là Thành phố Sài Gòn. Là 1 trong 10 món ngon được Tổ chức kỷ lục Việt Nam đề cử đạt giá trị ẩm thực Châu Á lần thứ 2 năm 2013.(theo Wikipedia).
Bây giờ thì vào câu chuyện nhé:
ĂN BÚN SUÔNG 70 NĂM TRONG CHỢ BẾN THÀNH
Quán bún suông với tên gọi thân thương "Cô Mai" trong chợ Bến Thành đã tồn tại qua ba thế hệ. Đây cũng là địa chỉ được đông đảo khách sành ăn lui tới bởi hương vị gần như là duy nhất ở Sài Gòn.
Chị Vân, cháu ngoại của bà Mai - người bán bún suông đầu tiên ở chợ Bến Thành cho biết bà mình đã bán món bún này từ năm 17 tuổi, bởi công thức do một người ở Vĩnh Long truyền lại. Không hiểu có duyên gì không mà má chị Vân và cả chị cũng nối gót bà ngoại bán món bún này từ năm 17 tuổi.
Tuy có nguồn gốc từ Vĩnh Long nhưng bún suông ở đây với người Sài Gòn thì ngon hơn quê gốc. Đó là bởi cách nấu đã được Sài Gòn hóa, chẳng hạn như nước lèo đã bớt mặn mà thêm vào độ ngọt khá nhiều, cũng như con tôm to hơn và có tương ăn kèm.
Cô Lý, một khách hàng ruột của quán đã ăn món suông qua ba đời ở đây cho biết: "Thời bà Mai còn bán món bún suông quán đã rất đông khách rồi". Theo cô Lý, nhìn chung hương vị bún suông không có gì thay đổi suốt nhiều năm nay. Cô còn quả quyết rằng, ở Sài Gòn thì chưa có quán bún suông nào đọ với bún suông chợ Bến Thành này được.
Nước lèo bún suông được nấu từ xương heo và nước dừa xiêm là ngon nhất, nếu phải hạ giá thành thì phải dùng nước dừa khô. Còn con suông độc đáo chính là tôm quết nhuyễn với một ít cá thác lác để tạo độ dai, còn màu đỏ là do quét gạch tôm rồi để khô. Nhiều người cho rằng "suông" là cách gọi chệch của đuông vì món chả tôm này tạo hình giống như con đuông dừa.
Tô bún suông ở chợ Bến Thành chỉ gồm có hai con suông và một con tôm. Trông đơn giản như vậy nhưng khi ăn thấy mới thấy đặc biệt bởi con suông còn được chấm với một loại tương tuyệt ngon, đó là chưa kể các loại rau phong phú ăn kèm.
Nói thêm một chút về chợ Bến Thành: theo nhiều tài liệu thì nguyên thủy, chợ Bến Thành đã có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.
Vào những năm cuối thể kỷ thứ 19, khu chợ được xây dựng bên bờ phía nam một con kênh, được gọi là Kinh Lớn. Phía trước chợ, dọc bờ kênh là một con đường được người Pháp đặt tên là đường Charner, hay một tên gọi khác là đường Quảng Đông (Rue de Canton), bởi đa số người Hoa làm nghề buôn bán ở đây đều là người Quảng Đông.
Phía đối diện bờ kênh là đường Rigault de Genouilly. Do vị trí nằm giao điểm của khu đô thị và hợp lưu của hai tuyến đường thủy là kênh Lớn và rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi), ghe thuyền có thể cập bến và đổ người lên chợ bất cứ ở phía bên này hay bên kia. Còn người bên đất liền muốn qua chợ thì có thể đi qua những chiếc cầu gỗ xinh xắn, do đó chợ Bến Thành luôn luôn nhộn nhịp.
Vào năm 1887, người Pháp cho lấp con kênh và sát nhập hai con đường lại làm một thành đại lộ Charner. Dân bản xứ gọi nôm là đường Kinh Lấp (nay là Đại lộ Nguyễn Huệ). Khu chợ càng trở nên đông đúc với các cửa hiệu phần nhiều là của người Hoa, người Ấn Độ và người Pháp.
Tuy nhiên, khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ. Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt, vì mái tôn nhẹ, nên chưa bị phá. Đồng thời, người Pháp cũng lựa chọn một địa điểm để xây cất một khu chợ mới lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển. Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là Bến xe Sài Gòn), tức là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay.
Bún suông tuy không phổ biến ở Sài Gòn nhưng lại vô cùng độc đáo. Có lẽ vì vậy mà hơn 70 năm qua quán chỉ phục vụ duy nhất món bún này, như một nét riêng trong vô vàn điều thú vị mà chợ Bến Thành đã và đang mang đến cho nhiều thế hệ thực khách.
Giang Vũ