Bao báp là một chi của 8 loài cây thân gỗ có kích thước từ vừa đến lớn, trước đây được coi là thuộc họ Gạo (Bombacaceae), hiện nay được coi là thuộc phân họ Gạo (Bombacoideae), có nguồn gốc từ châu Phi (Madagascar với 6 loài, thảo nguyên nhiệt đới Đông Phi 1 loài và Australia 1 loài). Các loài cây này có chiều cao 5-25 mét (ngoại lệ tới 30 mét), đường kính gốc cây 7-11 mét (hay chu vi gốc cây là 22-35 mét, ngoại lệ có cây lên tới 50 m). Chúng được chú ý vì có khả năng lưu trữ nước bên trong thân cây to phình ra, với dung tích lưu trữ tới 120.000 lít nước để đảm bảo tồn tại trong các điều kiện khô cằn cao cụ thể trong từng khu vực. Tất cả chúng đều có thể có mặt trong các khu vực khô hạn theo mùa. Là các loại cây sớm rụng lá, chúng rụng lá trong mùa khô. Một số cây được coi là đã sống hàng ngàn năm, tuy nhiên do gỗ của chúng có các vòng tăng trưởng hàng năm không rõ ràng lại rỗng bên trong nên trước đây không thể kiểm chứng được điều này. Ngày nay nhờ phương pháp carbon phóng xạ, người ta có thể xác định rằng phần lớn trong số này chỉ được vài trăm tuổi, và cây già nhất thì được 2.000 tuổi.
Lá của chúng được dùng một loại rau ăn trong khu vực phân bổ tại châu Phi đại lục, bao gồm Malawi, Zimbabwe và Sahel. Nó được dùng dưới cả hai dạng là rau tươi và bột khô. Tại Nigeria,người dân địa phương gọi lá của nó là kuka và dùng nó để nấu món xúp kuka. Cùi thịt khô của quả, sau khi tách khỏi các hạt và sợi, được ăn ngay hoặc trộn lẫn với cháo yến mạch hay sữa. Hạt được dùng chủ yếu như chất làm đặc cho các món xúp, nhưng cũng có thể được lên men thành gia vị hay nướng để ăn trực tiếp hoặc giã nhỏ để chiết dầu thực vật. Thân cây còn là nguồn cung cấp sợi, thuốc nhuộm và dùng làm củi.
Bao báp Australia (tiếng Anh: boab) được thổ dân dùng làm nguồn cung cấp nước và thực phẩm còn lá được dùng làm thuốc. Họ cũng tô vẽ và chạm khắc phần bên ngoài của quả và đeo chúng như là đồ trang sức. Một cây bao báp lớn, rỗng thân ở miền nam Derby, tây Australia đã được sử dụng trong thập niên 1890 như là nơi giam giữ các tù nhân là thổ dân trên đường đưa họ tới Derby để tử hình. Cây bao báp này hiện vẫn còn và hiện nay nó là nơi thu hút khách du lịch.
(theo Wikipedia)
Loài cây kiêu ngạo ở Madagascar
Vì tính kiêu ngạo của mình, loài cây bao báp bị “trời đày” trong suốt bao năm qua, phải sống trong cảnh đầu cắm xuống đất rễ lộn ngược lên trời hứng gió mưa.
Bao báp có chiều cao lên tới 30 m, nhiều cây thân khá to, 20 ôm không hết. Ảnh: Thecrowdedplanet.
Ngày nay, loài cây to lớn này được coi như hình ảnh đại diện của Madagascar, tượng trưng cho sự vươn lên không ngừng của mảnh đất châu Phi khô cằn, khắc nghiệt. Mọi người đến đây thường rất thích thú và hăng hái tạo dáng chụp ảnh bên những hàng cây nổi tiếng, có hình dạng to lớn và kỳ lạ này.
Chính vì kết cấu độc đáo của mình mà hàng cây bao báp cũng bao phủ xung quanh nó nhiều huyền thoại, do người dân địa phương thêu dệt nên. Truyền thuyết này không chỉ tạo ấn tượng mạnh mẽ trong cộng đồng người dân, mà con lan truyền khắp châu Phi. Họ tin rằng khi Chúa tạo ra những hàng cây bao báp, chúng không chịu đứng yên như các loài cây khác mà lại tiếp tục chạy đi. Do đó, để quản lý loài cây này, Chúa trời quyết định lộn ngược chúng xuống, ngọn cắm xuống đất, rễ lộn lên trời.
Baobab Amoureux – hai thân cây quấn chặt vào nhau và cùng phát triển. Ảnh: Thecrowdedplanet.
Truyền thuyết khác lại kể rằng, trước đây bao báp được tạo ra với hình dáng vô cùng xinh đẹp, có hoa và lá xanh tươi. Do quá tự hào về vẻ đẹp của mình, chúng đi khoe khoang với rất nhiều loài cây khác. Để kiềm chế điều này, Chúa quyết định lộn ngược chúng xuống nhằm che giấu đi phần nào vẻ đẹp của cây.
Một trong những nơi nổi tiếng nhất, hay được du khách ghé thăm tại Madagascar là Đại lộ bao báp (Avenue of Baobabs), gần Morondava. Tại đây, bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều cây bao báp to lớn mọc hai bên đường.
Không xa đại lộ là nơi sinh sống của hai cây kỳ lạ – Baobab Amoureux. Đây là hai cây bao báp to lớn, mọc quấn lấy nhau như một đôi tình nhân thắm thiết. Các đôi yêu nhau thường đến đây để tình tự hoặc những phụ nữ mong muốn có con tới cầu nguyện.
Tuy nhiên, vài năm trước đây Madagascar phát hiện ra một sự thật “tày trời”: hai cây bao báp này đều là giống đực. Những người dân có tư tưởng phản đối chuyện đồng tính luyến ái đã đòi chặt bỏ Baobab Amoureux vì cho rằng chúng không sạch sẽ. May mắn thay, điều này vẫn chưa được chính phủ thông qua.
Bao báp được coi như biểu tượng của người dân châu Phi nói chung, sẵn sàng vượt lên mọi khắc nghiệt của thời tiết để sinh trưởng. Ảnh: Thecrowdedplanet.
Bao báp tuy là loài cây đẹp, nhưng không dễ dàng mọc ở mọi nơi. Một trong những vùng được chúng ưu ái chọn làm “đại bản doanh” chính là Madagascar. 6 trên tổng 8 giống bao báp chỉ mọc được ở đảo quốc này. Ngoài ra, du khách có thể trông thấy hai giống bao báp khác nữa tại các quốc gia châu Phi.
Mỗi năm, bao báp chỉ nở hoa và cho ra trái trong vài tuần. Trái cây của bao báp là món ăn ưa thích của người dân bản địa, vì chúng cung cấp nhiều vitamin. Lá cây dùng để nấu súp, thân cây là nguồn cung cấp sợi, thuốc nhuộm và làm củi. Những thân cây mục rỗng sẽ được người dân sửa sang thành ngôi nhà thiên nhiên độc đáo. Ngoài ra, cũng chính sự độc đáo của loài cây này đã thu hút du lịch đến cho Madagascar, góp phần cải thiện đời sống đói nghèo của người dân địa phương.
Ngày nay, loại cây có ích cho đời sống của người dân bản địa này đang gặp phải mối đe dọa tuyệt chủng. Càng ngày càng có nhiều cây bị chết bởi rễ của chúng không thích ứng được với sự ngập nước, hoặc do con người chặt phá. Người dân thường chặt bớt các cây bao báp để lấy chỗ chăn nuôi gia súc, làm nông nghiệp.
Trước tình hình này, chính phủ Madagascar đưa ra các biện pháp để cứu những hàng cây bao báp. Một trong số đó là kế hoạch tái trồng lại các rừng cây khổng lồ đi kèm những biện pháp bảo tồn.
Theo Vnexpress
No comments:
Post a Comment