Chào các bạn,
Rất nhiều người thích chứng tỏ mình có kiến thức bằng cách mở miệng ra là trích ông này ông nọ, sách này sách nọ, lý thuyết này chủ nghĩa nọ… Nói chung là trong một bàn cà phê của sinh viên hoặc các “học giả”, các bạn sẽ thấy các vị ngồi nói chuyện kiểu này thường trực – một người trích ai đó, người kia bèn trích ai đó nữa, người nọ bèn thêm vào một chủ nghĩa… Nếu đó không để khoe chữ và vỗ vai nhau “chúng ta cùng là trí thức cả”, thì mình không biết mục đích các cuộc nói chuyện đó để làm gì?
Thi thoảng cần phải trích câu nào đó để diễn giải gì đó thì được. Nhưng trích người khác thường xuyên thì đó là hành động của người chẳng có tư duy riêng và kiến thức thật của mình.
Kiến thức thật chỉ đến với trải nghiệm thực tế. Bạn phải yêu rồi thì mới biết yêu là gì. Bạn phải làm bố rồi mới biết làm bố là gì. Bạn phải thực hành vô chấp rồi thì mới biết vô chấp là gì. Bạn phải thực hành yêu người vô điều kiện rồi thì mới biết yêu người vô điều kiện là gì. Bạn phải thực hành khiêm tốn rồi thì mới biết khiêm tốn là gì. Bạn phải thực hành Bát Nhã Tâm Kinh rồi thì mới biết Tâm Kinh là gì. Bạn phải thực hành nối kết với Jesus rồi bạn mới biết nối kết với Jesus là gì…
Không có kiến thức nào trên đời đến với chữ nghĩa cả. Kiến thức đến với sống, trực nghiệm, trải nghiệm… Kiến thức thật sự là trực giác, ngoài chữ nghĩa.
Và kiến thức thật thì thường là bạn chẳng có gì để nói. Ngồi cùng bàn với người không biết thì không thể nói được, vì có nói thì chẳng ai hiểu gì. Ví dụ: mình đã và đang trải nghiệm cách sống “Sắc bất dị không không bất dị sắc, sắc tức thị không không tức thị sắc”, như là người đã rành đi trên dây, nói gì để cho người không biết có thể hiểu? Nếu các bạn khác tò mò muốn hiểu, ta có thể cố gắng giải thích một chút. Nhưng nếu có bạn muốn tranh luận thì ta không thể tranh luận với người không hiểu.
Còn ngồi cùng bàn với những người đều hiểu cả rồi, thì còn gì để nói?
Cho nên chữ nghĩa, tranh luận, hay diễn giải thường là vô bổ.
Chính vì vậy mà tinh yếu của Thiền tông là:
Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật
不立文字
教外别传
直指人心
见性成佛
Giáo ngoại biệt truyền là truyền đặc biệt bên ngoài các giáo lý (vì không tạo chữ nghĩa thì có chữ nghĩa đâu mà có giáo lý này, kinh sách kia).
Trực chỉ nhân tâm là chỉ thẳng vào tâm thật. Đây là ý nói ngồi Thiền, quán tâm thật của mình.
Kiến tánh thành Phật tức là thấy được bản tánh thật của tâm mình thì mình thành Phật.
Hoặc “Yêu Thiên chúa với tất cả trái tim mình, tất cả khối óc mình, tất cả linh hồn mình, và tất cả sức mạnh mình. Và yêu mọi người như yêu chính mình” không phải là chữ nghĩa để lý giải, mà là mệnh lệnh thực hành.
Hãy nhìn người vũ công tuyệt vời kia đang biểu diễn. Có gì để lý giải, để gọi là kiến thức? Chỉ có thực hành đã nhiều năm, biểu diễn khá đến đâu, và mỗi chuyển động nhỏ của vũ công với một giỏ đầy kiến thức là những kinh nghiệm chẳng thể giải thích được cho ai và truyền cho ai được.
Kiến thức chỉ có thể gặt hái nhưng không thể truyền. Cùng lắm thì ta chỉ có thể nói cách gieo trồng và gặt hái. Và người nghe phải gieo trồng và gặt hát để tạo ra kiến thức cho chính mình.
Chúc các bạn luôn gieo trồng và gặt hái kiến thức thật.
Trần Đình Hoành
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment