THIỂU DỤC TRI TÚC
少欲知足
少欲知足
Biết đủ là hạnh phúc - Hoàng Nguyên.
Trong kho tàng giáo lý nhà Phật, có những giáo lý mà chúng ta rất dễ ngộ nhận, ngay cả một người tu sĩ như tôi cũng đã từng “lận đận” với cách hiểu của mình. Những giáo lý mà chúng ta rất dễ ngộ nhận ấy nổi bật hơn hết là giáo lý về “thiểu dục tri túc”.
Không phải ngẫu nhiên mà tôi viết bài này, duyên cớ là có một người bạn hỏi tôi rằng: thưa thầy, khát vọng và nhu cầu là hai động lực để thúc đẩy sự phát triển xã hội, thế nhưng Phật giáo, với chủ trương “thiểu dục tri túc”, có “đàn áp” khát vọng của con người và làm chậm bước tiến của xã hội không? Câu hỏi thật lạnh lùng và thẳng thắn! Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng ta tìm hiểu quan niệm đúng đắn về pháp “thiểu dục tri túc” của nhà Phật.
“Thiểu dục tri túc”, theo nguyên nghĩa, là ít ham muốn-biết đủ. Pháp này thuộc về lĩnh vực đạo đức, giới hạnh. Nó là hệ quả của tri thức sâu xa bắt nguồn từ sự chứng ngộ của đức Phật. Tri thức ấy, về mặt nhận thức, là xác chứng nguyên lý duyên khởi hình thành nên vũ trụ vạn tượng; về mặt giới đức, là từ bỏ hai hình thái sống đam mê cuồng loạn trong dục vọng và khắc khổ huỷ hoại bản thân.
Do đó, thiểu dục tri túc trước hết không phải là một chủ trương mang tính khổ hạnh, ép xác, điều mà có người lầm tưởng. Nó đơn thuần là một sắc thái, một thái độ tâm lý sống. Nó hoàn toàn không phải là một giáo điều cứng nhắc trói buộc con người, vì nói biết đủ, chứ không nói bao nhiêu là đủ, cũng như nói ít ham muốn, chứ không nói chừng nào mới là ít ham muốn. Nó giúp ta quân bình lại sự sống, không quá đam mê, điên cuồng để thỏa mãn những bản năng dục vọng của mình, cũng không quá khắt khe có tính khổ hạnh.
Vì nếu để bản thân phóng túng đam mê trong mê cung của bản năng dục vọng thì đó là hệ quả của chủ nghĩa cực đoan đoạn diệt. Bằng ngược lại, tự giam hãm hành hạ đời mình trên chiều hướng muốn huỷ hoại thể xác là hệ quả của chủ nghĩa cực đoan thường tại. Hai sắc thái sống cực đoan này là hai biên độ cực đại khổ đau, tạo nên xã hội hoặc là chết chóc khổ lụy, nếu ép thân hành khổ; hoặc là thác loạn điên cuồng, nếu phóng túng, buông thả trong dục tình, tham vọng. Hai cực đoan này, lúc đi tầm đạo, đức Phật đã kinh qua, nhưng nó không đem lại ích lợi. Từ khi bỏ hai cực đoan này, Ngài mới giác ngộ và nhận ra được con đường “Trung đạo.” Do đó, trong suốt bốn mười chín năm giảng thuyết chân lý, đức Phật không hề dạy chúng ta đam mê cuồng loạn trong dục vọng, cũng như tự ép mình sống khắc khổ. Một lần, đức Phật hỏi một vị Tỳ-kheo từng chơi đàn trước khi xuất gia:
- Dây đàn mà chùng quá có đàn ra tiếng không?
- Thưa không.
- Nếu dây quá căng thì sao?
- Thưa, dây bị đứt.
- Nếu lên dây đàn vừa phải thì sao?
- Thưa, có thể đàn lên những nốt nhạc tuyệt vời!
Một lần khác, đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, hai cực đoan này người xuất gia không nên thực hành”. Đó là hai cực đoan nào?
- Chuyên tâm tham đắm dục lạc thấp hèn, không xứng đáng và không ích lợi.
- Chuyên tâm khổ hạnh, gây khổ đau, không xứng đáng và không ích lợi.
Thiểu dục tri túc là môt sắc thái tâm lý sống. Dạy thiểu dục tri túc, đức Phật không có ý định thắt chặt những nguyện vọng, những nhu cầu của con người. Sự thật, dạy thiểu dục tri túc, đức Phật chỉ nhắm đến khía cạnh tâm lý, thấy rằng về mặt tâm lý, thiểu dục tri túc có tác dụng chữa khỏi những ham muốn không biết đủ gây nên những câu thúc khổ não, giày vò bất an của con người, chứ thiểu dục tri túc không phải là pháp cổ vũ cho cái nghèo của con người, không phải bảo anh có một ngàn rồi là không được có thêm nữa. Chính vì không tiếp cận được khía cạnh này, nên có người khi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam đã kết luận rằng dân tộc Việt Nam có một loại hình “văn hóa nghèo”, mà cội nguồn xuất thân của nó là từ chủ trương “thiểu dục tri túc”, ngợi ca cái nghèo của nhà Phật.
Dân tộc Việt Nam cũng như Phật giáo luôn nêu cao, ca tán những người dù nằm trong hoàn cảnh bần cùng nghèo khó mà vẫn giữ được đạo lý, mực thước lề lối của xã hội, chứ không hề có chủ ý khuyến khích người ta bằng lòng với cái nghèo khó. Đức Phật luôn khích lệ và trân trọng những ước muốn, khát vọng chính đáng của con người. Tuy nhiên, việc thực hiện những ước muốn, khát vọng ấy không đánh mất đi tính hạnh phúc an lạc của mình, nghĩa là đừng để những ước muốn, khát vọng ấy nung nấu làm cho mình bị khổ não.
Thông thường, chúng ta hay vò đầu bóp trán, mất ăn bỏ ngủ vì những khát vọng chưa thực hiện được, chưa thỏa mãn được. Vì lẽ đó, một người, trong khi thực hiện ước vọng của mình, nếu biết vận dụng tâm lý thiểu dục tri túc sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn với những ước vọng của mình; do đó, người ấy thực hiện cái ước vọng của mình trong sự nỗ lực tối đa mà vẫn giữ được trạng thái thanh thản của tâm hồn, không bị ước muốn đó đốt cháy sự an lạc. Đây mới là điểm chủ ý của đức Phật khi Ngài dạy về pháp thiểu dục tri túc. Do đó, pháp thiểu dục tri túc có tính chất là một liệu pháp tâm lý hơn là một chủ trương có tính giáo điều, áp đặt.
Thiểu dục tri túc giúp con người bình đẳng trước hạnh phúc, vì hạnh phúc hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ tâm lý con người, chứ không phụ thuộc vào vật chất nhiều hay ít. Một trăm nghìn cũng có thể tạo nên xúc cảm hạnh phúc tuyệt vời đối với anh chàng nhà nghèo, nhưng một triệu đồng chưa chắc đã tạo nên xúc cảm hạnh phúc tuyệt vời đối với anh chàng nhà giàu. Do đó, một người giàu chưa hẳn là hạnh phúc hơn một người nghèo. Một người nghèo nếu biết vận dụng tâm lý thiểu dục tri túc thì hạnh phúc hơn là một người giàu không biết vận dụng tâm lý thiểu dục tri túc, vì người giàu này vẫn khổ với cái khổ không bao giờ biết đủ của họ.
Trong kinh Thuỷ Sám có câu: “người biết đủ tuy nằm dưới đất vẫn lấy làm an vui, người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Câu này đơn thuần đề cập đến khía cạnh tâm lý, xác chứng tầm quan trọng của thái độ tâm lý đối với đời sống, chứ không phải là lời tán dương, ngợi ca cái nghèo, khích lệ người ta thủ nghèo, điều mà có người cáo buộc nếu hạnh phúc và khổ đau chỉ là hai mặt của một đồng tiền thì thái độ tâm lý quyết định giữ mặt này hay mặt kia. Nếu với thái độ tâm lý thanh thản, biết thiểu dục tri túc, chúng ta sẽ tiếp xúc được với mặt hạnh phúc, xóa bỏ được mặc cảm thiếu thốn nghèo nàn; bằng ngược lại, chúng ta sẽ bị câu thúc nung nấu trong cái lò khổ ải bạo loạn của tham dục, của lòng không biết đủ.
Thiểu dục tri túc giúp con người đoạn trừ lòng tham, mưu sinh bất chính. Khi trong tâm bị câu thúc quá nhiều, quá mạnh bởi ham muốn, con người dễ bất chấp đạo lý, đang tâm thực hiện mọi mánh khóe thủ đoạn để đạt cho bằng được cái điều ham muốn ấy. Do đó, khi một người biết đủ, ít ham muốn thì ngay những nhu cầu, khát vọng chính đáng cũng không thể làm vẩn đục cái tâm trong sáng, lành mạnh, bình lặng của người ấy thì làm sao có sự tham lam hiện hữu trong cái tâm ấy được. Xã hội ngày này với đầy dẫy những mánh khóe, thủ đoạn, thói tham ô, tham nhũng, đầy dẫy những tên đầu trộm đuôi cướp thì pháp thiểu dục tri túc cảnh tỉnh họ dừng lại, giúp họ sống biết vui, biết hạnh phúc với những gì mình đang có, đang sở hữu, chạy đuổi theo lòng tham thì không bao giờ cùng tận. Vì vậy, tu tập pháp thiểu dục tri túc là điều căn bản để loại trừ lòng tham.
Hiểu thiểu dục tri túc, mỗi người phải biết lượng tài sức của mình để quyết định ước muốn của mình nhiều hay ít. Nếu sức lực của mình không đủ mà suốt ngày cứ loay hoay đeo đuổi những mơ tưởng điên rồ thì chắc chắn sẽ chuốc lấy những khổ não mà thôi.
Con người đến với đạo Phật là để được hạnh phúc hơn, an lạc hơn chứ không phải đến để giàu có hơn, địa vị cao hơn. Tuy điều kiện vật chất giúp ta sống có hạnh phúc hơn, điều đó không ai phủ nhận, nhưng chúng ta không thể đánh đổi, bất chấp tất cả để đạt được nó. Chúng ta vẫn luôn hướng đến một đời sống với vật chất đầy đủ hơn hoàn thiện hơn, nhưng hành trình chúng ta đi trong tâm thái thanh thản, an lạc, không bị câu thúc nung nấu bạo loạn bởi những tâm thái không biết đủ, quá nhiều ham muốn. Đó là những gì mà đức Phật muốn gửi gắm chúng ta qua lời dạy về pháp thiểu dục tri túc.
Hoàng Nguyên
No comments:
Post a Comment