Saturday, July 30, 2016

THẮNG CẢNH MỘT THỜI: VƯỜN THẦY CẦU


Đối với người Cần Thơ hoặc người miệt lục tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long tuổi trên dưới năm mươi có lẽ biết và nghe nói đến tên Vườn Thầy Cầu tại cần Thơ, vì đây là một thắng cảnh đặc biệt nằm ngay trong lòng thành phố Cần Thơ từ những năm 1930, mà khách vãng lai thường đến xem và dạo chơi thật lý thú.

Còn nhớ những năm mới vào trường Phan Thanh Giản Cần Thơ lớp Ðệ Thất, thứ bảy, chủ nhật chúng tôi thường rủ nhau vào Vườn Thầy Cầu dạo chơi, bởi nơi đây phong cảnh xinh tươi, thoáng mát. Những năm đó, cách đây trên bốn mươi năm, khu Vườn Thầy Cầu xem như ngoại ô Cần Thơ, bởi đường Trần Hưng Ðạo, Tự Ðức chưa mở. Ðường Phan Thanh Giản còn mang tên Lộ Mới chạy từ đường Hoà Bình xuống tới mé rạch Cái Khế. Con lộ cặp rạch Cái Khế đi vào Rạch Ngỗng cũng là con đường đá lởm chởm, vào khỏi Ðàn Tiên đến khúc quanh là có lối đi vào Vườn Thầy Cầu.


Ðây là khu vườn của ông Ðoàn Hữu Cầu, làm luật sư Toà án Cần Thơ. Vào khoảng năm 1930-1931, ông đã sửa sang trồng trọt cây kiểng đẹp như một công viên. Rải rác trong vườn có nhiều tàng cây che bóng mát, bên dưới có băng đá, băng cây cho người ngồi nghỉ chân, ngắm cảnh. Bên phải lối đi có ao trồng sen, thả cá, nước trong leo lẻo, chúng tôi tha hồ ngồi nhìn đủ loại cá lội dưới ao. Dưới ao sen không nhiều, nhưng có đủ dáng cỡ: những chiếc lá to tròn vươn cao khỏi mặt nước, lung linh soi bóng dưới đáy ao; những chiếc lá non nhô lên mặt nước như đầu cán viết bên cạnh các chiếc lá đang xoè ra trên mặt nước nhấp nhô. Mấy bông sen màu hồng đỏ, búp nở đều trông đẹp mắt. Các gương sen để lộ những chấm đầu hột li ti. Mặt nước cứ gợn sóng lăn tăn bởi bầy cá lòng tong lúc nào cũng nhô mõm trên mặt nước tìm mồi, hay mấy chú cá rô, cá lóc, cá mè lặn sâu bên dưới thỉnh thoảng trồi lên đớp mồi và hít thở không khí. Một chiếc cầu nhỏ bắc ngang ao, hai bên cầu có lan can bằng cây để khi đứng trên cầu không bị té xuống nước. Một gian nhà mát có thả dây leo quanh năm nở hoa rực rỡ càng tăng thêm cảnh đẹp, hữu tình.


Sâu phía trong là tư thất của Thầy cầu. Ðây là ngôi nhà xây trên nền đúc cao, cất theo kiểu nhà sàn, có nhiều bậc thềm dẫn lối lên trên ngôi nhà tròn để nghỉ chân rồi mới vào bên trong. Thuở đó chúng tôi còn quá trẻ nên không có dịp vào được bên trong ngôi nhà, do vậy không hiểu được lối bày biện, trang trí bên trong ngôi nhà như thế nào.


Rẽ trái lối đi, có một vuông đất dành để xây ngôi chùa mang tên GIÁC LINH TỰ. Ngôi chùa núp dưới bóng cây đa cành lá sum sê. Chúng tôi cũng thường tụ dưới gốc cây đa nầy những giờ trưa nắng sau khi đùa giỡn quanh vườn thoả thích. Cảnh đẹp của Vườn Thầy Cầu đã nổi tiếng, lời đồn lan xa, khách nhàn du thường vào dạo chơi, ngắm cảnh thật đông vui. Thuở chúng tôi hay lui tới vườn nầy, Thầy Cầu hãy còn sống. Chúng tôi thường xuyên gặp được ông lúc tưng tiu chăm sóc cây kiểng hay ném cám, quăng mồi cho cá ăn. Bởi còn quá trẻ nên chúng tôi rất sợ tới gần ông, chỉ đứng xa nhìn dáng ông làm việc có tính nhàn hạ, chăm chỉ và thoải mái thì thích thú và thèm thuồng ước ao sau nầy có được cảnh sống về chiều như ông. Mãi đến năm 1960, ngày 27 tháng 2 âm lịch, Thầy Ðoàn Hữu Cầu qua đời, thọ 73 tuổi... thì sau đó khu vườn kém mỹ quan do thiếu bàn tay chăm sóc của ông. Dù vậy, khách ở xa nghe đồn và thích cảnh thanh lịch cũng thường lui tới vãn cảnh đã được Thầy Cầu gầy dựng từ trước.


Do tình hình phát triển, thành phố Cần Thơ ngày càng nới rộng diện tích, lối vào Vườn Thầy Cầu được đoàn Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn Ph.D. 24 (xin lỗi, tôi chỉ nhớ danh hiệu mang máng, vì có bạn tôi, anh Ngô Minh Lạc làm cán bộ trong đoàn nầy) tráng xi măng sạch sẽ, cũng là lúc nhà cửa chen chúc nhau mọc lên như nấm, chẳng những dọc hai bên bờ rạch Cái Khế mà cả dọc theo đường xi măng dẫn vào Vườn Thầy Cầu nữa. Ðó là những năm cao điểm của chiến tranh, dân thôn quê từ bỏ ruộng đồng tản cư ra thành phố sinh sống và tránh đạn bom ngày đêm đe doạ mạng sống. Khi đó thì cảnh trí Vườn Thầy Cầu bắt đầu đổi khác cho đến ngày nay. Trải qua năm tháng vô tình bởi cuộc sống đã lôi cuốn trong dòng đời nghiệt ngã, tên tuổi Vườn Thầy Cầu chỉ còn được nhắc nhau như nói đến một địa danh quen thuộc, như cầu Tham Tướng, ngã ba Cầu Xéo mà người dân Cần Thơ chưa hề thấy được cây cầu nào đã bắc ngang chỗ ngã ba nầy từ khi có sự xuất hiện của Cần Thơ đến nay! Cảnh trí xinh đẹp của một nơi ngắm cảnh nghỉ mát trong lòng thành phố không còn nữa. Bây giờ Vườn Thầy Cầu thuộc đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp (cuối chợ Mít Nài).


Lối đi tráng xi măng xinh đẹp ngày trước đã có nhiều chỗ bị sụp lở. Nhà cửa san sát, có nhà xây gạch khang trang... Khó thể hình dung được, chính trên những nền nhà nầy, trước đây có cây kiểng xinh tươi, những băng ghế đá, băng ghế cây, những tàn cây cao che bóng mát còn in dấu chúng tôi quẩn quanh vui chơi những ngày nghỉ học. Khó thể hình dung được, chính trên khoảng diện tích đất đai nầy đã từng đổ biết bao công sức và mồ hôi của một người luật sư già tên tuổi một thời, để gầy dựng nên thắng cảnh cho người đời tới lui thưởng ngoạn, giải trí cho thư giãn tinh thần mà không thu khoản lệ phí nào.

Còn nhớ, có một buổi trưa chủ nhật vắng vẻ, chúng tôi dòm trước ngó sau không thấy ai, đã lén quăng sợi dây câu định câu cá dưới ao, dây câu có lưỡi móc mồi sẵn nhưng không có cần bằng trúc... thì bóng Thầy Cầu từ trong tư thất bước ra. Dáng ông bệ vệ như một quan toà, chưa kịp la rầy thì chúng tôi hoảng hồn ùa nhau bỏ chạy. Ông đưa tay ngoắc chúng tôi lại gần, buộc lòng chúng tôi phải riu ríu nghe theo. Ông bảo chúng tôi ngồi xuống ngay chỗ lúc nãy, ông bước lại gần cầm sợi dây câu kéo lên. Mặt chúng tôi đứa nào đứa nấy xanh như tàu lá chuối, còn ông thì chậm rãi ôn tồn - một giọng nói đã gây cho tôi một ấn tượng hết sức đẹp mà mãi đến bây giờ tôi vẫn không quên:

Các cháu đừng câu cá. Ðể nó lội mà ngắm cho vui. Các cháu có thể bắt cào cào, châu chấu ném xuống cho nó ăn thì hay hơn. Ðừng dại dột như vậy nữa, ông giận à nghe! Ông thương các cháu lắm. Ngày nghỉ học không có việc gì phụ giúp gia đình, cứ vào đây vui chơi nhưng đừng phá hư cây kiểng của ông trồng...


Câu nói đó đã hơn bốn mươi năm qua rồi tôi vẫn còn nhớ, cũng như hình ảnh Thầy Cầu mặc bộ bà ba trắng, đầu đội bê rê, ngồi bờ ao lúc chiều mát, ném mồi xuống ao rồi nhìn đàn cá tranh ăn, tung tăng chao lượn dưới làn nước trong... vẫn chưa xoá mờ trong tiềm thức tôi. Nhất là hình ảnh trông oai vệ, nghiêm khắc nhưng hết sức hoà nhã, thương yêu của lần căn dặn chúng tôi đừng nên câu cá dưới ao, làm sao trong đời tôi có thể quên được?

Bây giờ Vườn Thầy Cầu không còn như xưa. Ngồi nhắc lại đôi nét để chúng ta có thể hình dung được, đã một thời trong lòng thành phố Cần Thơ chúng ta có một khu vườn trở thành thắng cảnh thu hút đông đảo người đến tham quan, ngắm cảnh, bởi vì danh tiếng đồn vang khắp miền lục tỉnh một thời, và ngay trong dân gian ngẫu nhiên đã tạo nên một địa danh không thể xoá mờ, dù hiện tại đã không còn nữa.


Danh lam thắng cảnh bất cứ nơi nào, ở đâu cũng thu hút khách vãng lai bởi nó lạ lẫm, bởi nó gây sự hấp dẫn đến tính tò mò của con người. Ðiều đó chứng tỏ dân tộc Việt Nam rất yêu chuộng nét đẹp ngàn đời của quê hương, mến yêu đất nước. Từng tấc đất ngọn rau, từng vườn cây ao cá... nếu biết trân trọng chăm sóc, sửa sang cũng có thể trở nên một thắng cảnh cho người thưởng ngoạn sau những giờ làm việc mệt nhọc để tạo ra chén cơm manh áo trong cuộc sống vốn dĩ chạy đua theo thời gian.

Thành phố Cần Thơ trong hướng phát triển, nếu có nhiều công trình xây dựng mới như công viên Hoà Bình, hoặc phục chế, chỉnh trang lại một số di tích văn hoá như mộ cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, mộ cụ Cử nhân Phan Văn Trị, Xóm Bà Ðồ, chùa Nam Nhã, đình thần Bình Thủy, đình thần Tân An, công viên Ninh Kiều, Nhị Kiều... tạo nên cảnh trí xinh đẹp sẽ thu hút rất nhiều khách tham quan.


Vườn Thầy Cầu với địa thế như ngày nay khó mà phục chế lại. Dù sao, nơi đây cũng có một thời trở nên thắng cảnh mà ngày nay có nhiều người vẫn còn nhớ - nhất là những người xa quê hương như chúng ta. Bất cứ đường nét nào của quê hương đã ghi vào tâm trí chúng ta thì một giây phút nào đó nghĩ và nhớ lại, có lẽ nó như một đoạn băng ghi hình, tuần tự hiện lên trước mắt chúng ta. Nói đúng hơn, đó chính là quê hương trong trí nhớ của mỗi chúng ta.


Theo: Lê Cần Thơ ( Quê hương xa mãi ngút ngàn)



No comments: