Cá cóc hay cá cóc sông, tiếng Thái: ปลาตะโกก (Danh pháp khoa học: Cyclocheilichthys enoplos là một loài cá trong họ Cá chép Cyprinidae. Đây là một trong số ít thủy sản đặc hữu thuộc lưu vực sông Mekong (như cá tra dầu, cá hô, cá vồ cờ, cá bông lau...). Ở Việt Nam thường ẩn nấp nơi vực sâu xoáy nước, trụ cầu hoặc bến phà hay gốc cây ngầm, dọc sông Tiền và sông Hậu, theo một số thợ câu chuyên nghiệp ở Vĩnh Long, Bến Tre. Đây là một loại cá đặc sản, quý hiếm ở sông Tiền
Cá có hình dáng tương tự cá chép với vảy trắng, vây đỏ, nặng 5 kg. Một số thời gian, Cá cóc có cá thể nặng trên 10 kg. Nay cỡ 7 – 8 kg/con đã hiếm, thường gặp tầm 2 – 3,5 kg/con. Thịt cá ngọt thơm, cá giấu nhiều xương hình chữ y trong thịt. Bộ phận quý giá nhất của cá cóc là bộ vảy, trên lưng cá có kỳ nhọn và bén như răng cưa. Vì vậy, khi dân chài đánh dính cá cóc, cá có thể quẫy mạnh làm rách lưới mà thoát thân. Cá cóc nghệ, thường diện có da ửng vàng lóng lánh, thịt nó cũng phơn phớt màu nghệ, ngọt thơm gấp đôi cá cóc trắng.
Vào mùa nắng, tỷ lệ cá trưởng thành nhiều hơn mùa mưa. Vào lúc con nước đứng lớn, từng đàn cá đổ xô về các vùng nước sâu, chảy xiết để tìm mồi, đặc biệt tại khu vực bến phà Mỹ Thuận cũ ở xã Hòa Hưng… Sau mùa lũ hàng năm, đàn cá cóc thường ngược dòng lên thượng nguồn sông Mê Công sinh sản, còn đàn cá con lại xuôi dòng về sông Tiền, sông Hậu để tìm thức ăn và trưởng thành. được chế biến thành nhiều món ăn đậm nét sông nước Nam bộ: cá cóc kho nước dừa, cá cóc nấu canh chua, cá cóc chưng tương… Vì khan hiếm nên hiện nay giá cá cóc tại chợ khá đắt. (Theo Wikipedia)
Về miền Tây ăn cá “cậu ông trời”
Lũ về, ruộng đồng, sông rạch miền Tây nhiều cá, tôm hơn. Song, có những loài cá quanh năm vẫn được xếp là đặc sản hàng “anh chị”. Đó là giống cá hô, cá ngát hay cá cóc - nghe tên đã thấy lạ.
Cá cóc ngày xưa có rất nhiều ở vùng ĐBSCL, nay là hàng hiếm. Cái tên của loài cá này cũng gợi tò mò thú vị: Bình dân, chân chất như tính cách người dân xứ đồng bằng.
Cá cóc cùng loài với chép, nhưng mình thon dài, thường sống ở vực sâu, nước xoáy, trụ cầu, bến phà thuộc sông Tiền, sông Hậu như đoạn Mỹ Thuận (Vĩnh Long), Cái Bè (Tiền Giang), Vàm Nao (An Giang), Bùng Binh - Bến Bạ (Cần Thơ - Hậu Giang), Cái Côn (Sóc Trăng)...
Tên cá cóc được “cắt nghĩa” khác nhau, nhưng không liên quan gì đến loài cóc. Có người nói là do đọc trại ra từ tên tiếng Khmer của loài cá có xuất xứ từ Biển Hồ này, nhưng hỏi tên gì thì chẳng mấy người biết. Cũng có người bảo là do tiếng kêu cóc cóc của nó mà người ta gọi vậy. Biết giải thích sao cho tường tận, cũng giống như tên của con cá linh mùa nước nổi, bồng bềnh theo câu hò sông nước: “Nước không chưn (chân) sau kêu nước đứng/Cá không thờ, sao gọi cá linh?”.
Từ đặc sản miền sông nước
Bắc nồi nước dừa xiêm lên bếp, khi nước sôi nhẹ mới được để cá vào cho vừa lấp xấp, thêm ít muối, nước nắm đồng cùng gia vị cho vừa miệng ăn. Để lửa liu riu như kiểu nói lối dạo đầu sáu câu vọng cổ. Khi có tiếng sôi ục ục thì trở bề cho cá thấm đều. Lúc cá chín, nhấc ra bếp, thêm ít tiêu cay tạo ra hương vị đặc trưng. Thịt cá ngọt, bùi mà không ngấy vì ít mỡ. Tương tự, đầu cá cóc nấu canh chua cơm mẻ, me chua hay trái giác – một loại dây leo bờ rào hay vườn tạp, vị chua đượm như quả sấu ở ngoài Bắc - rất ngon. Đầu hay phần đuôi cá cóc nấu chua với rau muống đồng, rau nhúc, bạc hà (dọc mùng), thêm vị ngò gai, ngò om khi nhắt xuống bếp là món canh “số một”.
Ở các nhà hàng, quán ăn, người ta “biến thể” nồi canh chua thành lẩu cá cóc, dùng kèm bông súng, so đũa hay bông điên điển mùa nước nổi. Nước chấm món này phải là muối cục đâm “ba sồn ba sựt” với ớt xanh thì ăn mới đúng điệu nghệ. Ngoài ra, cá cóc nướng muối ớt sả, vị thơm ngọt chân phương, dân dã cũng hấp dẫn không kém.
Giống như bắt cá hô, giới hạ bạc miền Tây cũng đã từng nổi danh các tay săn cá cóc “chuyện nghiệp”, tính cách phóng khoáng, tay nghề “cứng cựa”, hiểu biết từng khúc sông như thuỷ thần. Cuộc đời họ gắn với nghề qua các giai thoại ly kỳ như cha ông họ xưa đi phá sơn lâm, đâm hà bá, mở cõi đất phương Nam .
Đến bảo tồn loài cá “cậu ông trời”
Ngày nay, những “thợ săn” cá cóc mất dần, loài này cũng khan hiếm. Dòng Mêkông bị “trích máu” ở đầu nguồn làm thuỷ điện, con người “đối xử tệ” với thiên nhiên và tài nguyên trời phú. Nhiều người lo ngại “cậu ông trời” vùng sông nước có nguy cơ tuyệt chủng. Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn loài quý hiếm, nghe nói đã được ghi vào Sách đỏ này. Đàn cá cóc bố mẹ ở trung tâm đã được thuần dưỡng đạt trọng lượng hơn 10kg/con. Mặc dù cá cóc được các “bà mụ cá” - bằng kiến thức khoa học lẫn kinh nghiệm dân gian - cho sinh sản nhân tạo, nhưng việc nhân nuôi trong dân gặp nhiều khó khăn vì cá chậm lớn, không hiệu quả kinh tế, thịt không ngon bằng cá tự nhiên.
Cũng khó khăn như các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu-Phát triển ĐBSCL đang lưu giữ nguồn gene quý hiếm hơn 2.000 giống lúa của “vựa lúa” bằng kinh phí “tự có”; việc bảo tồn các loài thuỷ sản quý hiếm của vùng ĐBSCL hiện cũng chỉ là những nỗ lực đơn lẻ khi chưa được quan tâm đầu tư bài bản. Đừng để mấy mươi năm sau, người đồng bằng chỉ biết “con cá cậu ông trời” qua chuyện kể như ngày nay chúng ta nghe giai thoại bác Ba Phi hay đọc “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam xưa mà thôi.
Theo Hữu Hiệp
Lao động