Quan điểm cho là ung thư chẳng khác bản án tử hình theo kiểu trời kêu ai nấy dạ đã từ lâu không còn đứng vững. Một phần là nhờ kiến thức về sinh tố đã thay đổi rất nhiều trong hai thập niên gần đây. Dẫn chứng điển hình là sinh tố E. Chất này lúc đầu được đặt tên là tocopherol, nghĩa là nữ hộ sinh, do hiệu năng tăng cường khả năng sinh sản của súc vật thí nghiệm. Từ đó sinh tố E được ứng dụng cho người hiếm muộn. Sau đó, người ta ghi nhận vai trò quan trọng của sinh tố này đối với da niêm thông qua tác dụng kép, vừa che chở mặt da trước tia tử ngoại, vừa thúc đẩy phản ứng tổng hợp sợi đàn hồi dưới da giúp da ít có nếp nhăn. Tác dụng này càng rõ nét khi có sinh tố A đi kèm. Chính vì thế mà cặp bài trùng E + A là thành phần thường gặp trong nhiều loại mỹ phẩm.
Không chỉ ngoài da. Để ngăn chận hiện tượng xơ vữa mạch máu khó có hoạt chất sinh học nào qua mặt được sinh tố E nhờ khả năng giữ máu loãng và bảo vệ mặt trong của mạch máu của chất này. Bằng chứng là kết quả thống kê sau hơn 3 năm theo dõi trên toàn nước Anh cho thấy nhồi máu cơ tim là điều xa lạ với người không thiếu sinh tố E. Các nhà nghiên cứu ở Harvard ắt hẳn cũng có cơ sở vững chắc khi cổ động cho biện pháp phòng ngừa bệnh lý mạch vành với sinh tố E.
Nhưng nếu chỉ dùng sinh tố E như thế thì quả thật đáng tiếc. Công năng nổi bật của sinh tố này là tác dụng phòng ngừa ung thư dựa trên cơ chế trung hòa độc chất oxy-hóa trong cơ thể. Tế bào rõ ràng ít khi bị phân hóa ngẫu biến để trở thành ác tính khi có sự hiện diện của sinh tố E. Cụ thể hơn, thầy thuốc ở Phần Lan quả quyết là tỷ lệ nhiễm ung thư phổi, trực tràng và tiền liệt tuyến rất thấp trên nam giới có thói quen dùng sinh tố E mỗi ngày. Kết quả một công trình khảo sát kéo dài hơn 10 năm ở Thụy Điển cho thấy tỷ lệ nhiễm ung thư ruột trên đối tượng có cuộc sống căng thẳng vì nghề nghiệp cao gấp 5 lần nếu đối chiếu với người thư thả. Nhưng khi so sánh số người tuy cũng điên đầu vì cuộc sống nhưng biết ứng dụng sinh tố E thì tỷ lệ nhiễm bệnh chỉ còn gấp đôi lô đối chứng. Hơn thế nữa, sinh tố E tăng cường tác dụng của xạ trị cũng như hóa trị đồng thời giới hạn phản ứng phụ của liệu pháp như thiếu máu, đau nhức… Số người sống sót nhờ đó cao hơn, thời gian tái nhiễm kéo dài hơn, tỷ lệ di căn thấp hơn, khi so sánh với lô đối chứng không được điều trị phối hợp với sinh tố E.
Trên thực tế hầu như không có bệnh chứng chuyên biệt do thiếu sinh tố E. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã từ lâu ghi nhận mối liên hệ mật thiết giữa đối tượng có lượng sinh tố E trong máu quá thấp và nhiều căn bệnh thời đại như dị ứng, thấp khớp, mắt cườm, loãng xương… Nhiều nhà điều trị vì thế đã cổ động cho biện pháp theo dõi một số dấu hiệu bệnh lý như rối loạn thị lực, co thắt bắp thịt, mỏi tứ chi, đãng trí… nhằm phát hiện kịp thời tình trạng thiếu hụt sinh tố E.
Với thói quen ăn uống của người mình quả thật rất đáng tiếc nếu đến độ thiếu sinh tố E khi chất này có nhiều trong các loại dầu đậu nành, dầu hoa hướng dương, trong đậu phọng, đậu xanh, mè, hột điều, khoai lang ta… cũng như trong nhiều loại rau cải, chẳng hạn rau dền, củ su hào. Thông thường không cần dùng thuốc có sinh tố E ngoại trừ trường hợp của thai phụ, người cho con bú, cũng như nạn nhân của stress. Riêng bệnh nhân ung thư nên được tiếp tế với hàm lượng sinh tố E cao gấp 5 lần bình thường.
Không khó tìm sinh tố E. Vấn đề gói gọn trong cách sử dụng thực phẩm có sinh tố E trong chế độ dinh dưỡng thường ngày? Không cần nhiều nhưng đều đặn mỗi ngày. Dễ nhớ như thế mà nhiều người vẫn quên! Cũng chính vì thế mà vẫn còn quá nhiều người phải khổ vì ung thư!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.
No comments:
Post a Comment