Sunday, July 17, 2016

MỘT THOÁNG TÂY TẠNG GIỮA LÒNG HÀ NỘI

Hồi nào đến giờ các ngôi chùa và đạo Phật ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của 2 phái Nam và Bắc tông, nếu ở miền Nam nhất là Tây Nam bộ, có nhiều chùa theo phái Nam tông của người Miên, còn tôi hồi đó lúc còn ở quê nhà chưa nghe qua chùa theo Mật tông có lẽ ở miền Nam không có hay tại mình chưa đủ hiểu biết ?


Hôm nay đọc được một bài trên Giác Ngộ online mới biết ở Việt Nam có một ngôi chùa mang nhiều kiến trúc Tây Tạng, mời các bạn cùng đọc:

  
Một thoáng Tây Tạng giữa lòng Hà Nội
Ở Hà Nội, có một ngôi cổ tự mang những đường nét kiến trúc độc đáo, gợi liên tưởng xa xăm về một xứ sở huyền bí trên dãy Himalaya...


Chùa Vạn Niên nằm ở bờ Tây của hồ Tây, thuộc địa phận ấp Quán La cũ, ngày nay là phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo sử sách ghi lại, chùa được xây dựng từ năm 1014, ít năm sau khi vua Lý dời đô về thành Thăng Long. Trong lịch sử tồn tại, nhiều nhà sư danh tiếng như Lâm Tuệ Sinh, Biện Tài, Thảo Đường từng trụ trì  ở chùa.

Từ năm 1992, dòng truyền thừa Drukpa của Phật giáo Kim Cương thừa Tây Tạng đã được cố Thượng Toạ Thích Viên Thành đưa vào chùa. Từ đó chùa Vạn Niên trở thành một trong số rất hiếm hoi những ngôi chùa ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng.


Dưới ảnh hưởng ấy, sau nhiều lần trùng tu, dựa trên cơ sở văn hoá truyền thống của người Việt, kiến trúc của chùa đã được kết hợp với những đường nét kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Tây Tạng để tạo nên một tổng thể kiến trúc với vẻ đẹp riêng, có một không hai ở Hà Nội.

Với kiến trúc độc đáo nằm giữa khung cảnh trời nước thanh bình, cây cối xanh tươi, chùa Vạn Niên đã trở thành điểm đến của nhiều du khách khi thưởng ngoạn hồ Tây của Thủ đô nghìn năm tuổi.



Chùa Vạn Niên nằm cạnh hồ Tây với cửa chính nằm trên đường Lạc Long Quân và cửa sau thông ra đường kè bờ hồ.


Bước vào trong chùa, có thể nhận ra những khối kiến trúc mang dáng vẻ vững chãi với các hoạ tiết trang trí là những biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng.


Những cửa sổ cao và hẹp cũng là một đặc điểm kiến trúc ở xứ sở nằm trên dãy Himalaya.


Dưới mái hiên là dải cờ phướn gồm 5 màu trắng, đỏ, lục, vàng, lam - những sắc màu của Phật giáo Tây Tạng, khác đôi chút với màu truyền thống của Phật giáo Việt Nam là trắng, đỏ, cam, vàng, lam.


Nét kiến trúc đặc biệt nhất của chùa Vạn Niên chính là một Chorten – bảo tháp của Phật giáo Tây Tạng. Trong đời sống tâm linh của người Tây Tạng, Chorten là biểu tượng cho cốt tuỷ của Đức Phật.


Những lời trì chú bằng Tạng ngữ được khắc trên thân của Chorten.


Những bức phù điêu tinh xảo được chạm khắc ở phần đế của Chorten, thể hiện các biểu tượng Phật giáo Tây Tạng như chuỳ kim cương, bánh xe pháp và các vị a-la-hán có nét mặt, tư thế rất sống động.


Hình tượng chuỳ kim cương xuất hiện ở mọi nơi trong chùa. Trong Kim Cương thừa tây Tạng, chuỳ kim cương (còn gọi là Kim cương chử) biểu hiện sự giác ngộ của đức Phật.



Bánh xe pháp (Pháp luân) tượng trưng cho giáo pháp của đức Phật là sự kết hợp của 8 chiếc chuỳ kim cương.


Chuỳ kim cương nằm ở vị trí trung tâm trong một tấm phù điêu trang trí trên tường gỗ của chùa.


Sân chùa tràn ngập màu xanh của xây cối với những mảnh vườn được bài trí khá cầu kỳ.


Khác với nhiều ngôi chùa khác ở Hà Nội, các Phật tử quen thuộc đến với chùa Vạn Niên không phải để cầu tiền tài, danh vọng mà thường cầu bình an, sức khoẻ và tránh tà.


Với kiến trúc độc đáo nằm giữa khung cảnh trời nước thanh bình, chùa Vạn Niên đã trở thành điểm đến của nhiều du khách khi thưởng ngoạn hồ Tây của Thủ đô nghìn năm tuổi. 


Theo Đất Việt