Cách năm dặm từ đường biên giáp với tiểu bang Nam Dakota, nằm về phía bắc xa xôi của bang Nebraska, Hoa Kỳ, con đường đất dài, bụi bặm cắt ngang qua đồng cỏ và đồng lúa mì vàng ươm chạy về thị trấn Monowi. Ở nơi đây, bạn chỉ cần trèo lên một cuộn cỏ khô là đã có thể nhìn thấy toàn cảnh.
Trong nhà thờ bỏ hoang, nơi những hàng ghế trống giờ đây để lốp máy kéo, đối diện là khung nhà han rỉ của một kho thóc cũ. Cỏ dại và cỏ lông mềm xoay vòng quanh di tích cũ kỹ của những ngôi nhà tự sụp dần.
Bên trong ngôi nhà màu trắng hơi thấp, sơn đang tróc từng mảng, bà Elsie Eiler 84 tuổi đang lật thịt heo rán và khui bia cho hai người khách bên dưới tấm biển hiệu: "Chào mừng đến với Quán rượu Monowi nổi tiếng thế giới. Bia lạnh nhất thị trấn!"
Khi chồng của Eiler, ông Rudy, qua đời năm 2004, ông không chỉ để lại một mình bà chăm lo quán rượu, mà còn để lại cả thị trấn cho bà. Ngày nay, theo Tổng điều tra Dân số Hoa Kỳ thì Monowi là nơi duy nhất ở Hoa Kỳ chỉ có một cư dân, và Eiler là thị trưởng, thư ký, thủ quỹ, thủ thư, kiêm người pha chế và là người duy nhất còn sống trong thị trấn tí hon này của Hoa Kỳ.
Thị trưởng thị trấn ma
Cuộc sống của bà Eiler khi làm cư dân duy nhất ở thị trấn ma thực sự là chuyện hiếm hoi lạ lùng.
Mỗi năm bà đều treo thông báo tại cơ sở kinh doanh duy nhất tại thị trấn Monowi (quán bar nhà bà) giới thiệu kỳ bầu cử thị trưởng, và sau đó tự bà bầu cho mình.
Bà được yêu cầu phải xây dựng kế hoạch đường xá cho thị trấn mỗi năm để đảm bảo nhận được quỹ từ bang, và sau đó tự đóng khoảng thuế 500 đô la Mỹ hàng năm để duy trì ba cột đèn trong thị trấn và hệ thống cấp nước.
"Khi tôi xin giấy phép bán rượu và thuốc lá tại bang hàng năm, họ cử người đến gặp thư ký của làng, cũng là tôi," bà giải thích. "Vì thế, tôi đón tiếp họ trong vai trò thư ký, ký nhận với họ trong vai trò kế toán và trực tiếp đón họ trong vai trò là chủ quán bar."
Bà cũng theo dõi danh sách cư dân sống gần đó, trong trường hợp có người muốn chuyển đến sống trong những ngôi nhà đang dần hư hỏng trong thị trấn và do đó làm tăng gấp đôi dân số thị trấn.
"Tôi sống hạnh phúc ở đây. Tôi lớn lên ở nơi này. Tôi quen với nơi này và tôi biết mình muốn gì. Để thay đổi sau quá nhiều năm không dễ chút nào," Eiler nói.
Thời hoàng kim của Monowi
Vào thập niên 1930, Monowi là điểm dừng chân sôi động trên tuyến đường sắt Elkhorn và là nơi sinh sống của 150 người, có cửa hàng tạp hóa, nhà hàng và thậm chí có cả một nhà tù.
Eiler lớn lên trong một trang trại cách thị trấn chừng một phần tư dặm và gặp ông Rudy tại trường học chỉ có một phòng thời tiểu học.
Hai người đi xe bus tới trường cấp hai gần đó cách nhà bảy dặm cho đến khi ông Rudy nhập ngũ vào Không lực Hoa Kỳ. Khi ông Rudy phục vụ quân ngũ ở Pháp, bà Eiler rời nhà đến thành phố Kansas tự đi phiêu lưu. "Tôi làm việc cho một hãng hàng không với ước mơ trở thành tiếp viên hàng không," bà nhớ lại. "Tôi không quan tâm lắm đến thành phố; Monowi luôn luôn là nhà."
Bà trở về và cưới ông Rudy khi 19 tuổi và chăm sóc hai con. Khi ông Rudy, từng làm việc cho kho chứa thóc và chuyển nguyên liệu cho trạm xăng, có ý định sửa sang lại quán rượu cũ của cha Eiler, bà nói, "tôi đồng ý," và cặp đôi mở cửa lại quán rượu vào năm 1971.
Cuộc tháo chạy
Tuy nhiên, tới lúc Quán rượu Monowi mở cửa trở lại, thị trấn Monowi bắt đầu đi vào thời suy tàn. Khi tình trạng canh tác dần khó khăn hơn và kinh tế ngoại ô sụp đổ khắp khu vực Đại bình nguyên ở Mỹ sau Thế Chiến thứ Hai, các cộng đồng ở vùng đất này dần biến mất.
Lễ tang cuối cùng tổ chức tại nhà thờ gỗ ở Monowi là tang của cha bà Eiler vào năm 1960. Sau đó bưu điện và ba cửa hàng tạp hóa đóng cửa từ năm 1967 đến 1970, tiếp theo là trường học đóng cửa năm 1974. Cả hai con của Eiler đều chuyển đi tìm việc làm vào giữa thập niên 1970 và đến năm 1980, dân số của thị trấn chỉ còn 18 người. Hai mươi năm sau, Monowi chỉ còn dân số là hai người duy nhất - ông Rudy và bà Eiler - cả hai đều làm việc tại quán rượu. Ngày nay, Monowi là một trong ba thị trấn ở Hạt Boyd, bang Nebraska chỉ có chưa tới 10 cư dân sinh sống.
Sinh hoạt cộng đồng
Eiler có thể chỉ sống một mình, nhưng bà không cô đơn. Mỗi sáng sớm vào lúc 9 giờ, bà đi bộ đến quán rượu từ ngôi nhà xe kéo cách đó vài bước chân để mở cửa quán (trừ thứ Hai, khi bà cho phép mình có một ngày nghỉ). Những "khách quen" của bà sống cách đó 20-30 dặm đều là người quen bà đã biết trong hầu hết thời gian sống ở đó, nhưng cũng có nhiều người lái xe 200 dặm từ Lincoln và Omaha để xem bà sống thế nào.
"Nơi đây giống một gia đình lớn," bà Eiler nói, khi bà ngồi với người bạn và chơi trò ô chữ đăng trên báo. "Có những khách hàng bốn, năm thế hệ tới đây. Thật dễ chịu khi những người mà tôi biết khi họ còn bé xíu giờ đây lại đem con cái họ đến gặp tôi."
Giống như nhiều nhà hàng và quán bar ở miền quê Hoa Kỳ, Quán rượu Monowi phục vụ như một phòng khách cộng đồng. Trong lúc bà Eiler làm món hamburger (giá 3,5 đô la Mỹ), món hot dog (1,25 đô la Mỹ) và món mề gà (4 đô la) trong bếp, thì các gia đình dán thông báo tốt nghiệp, thư mời lễ rửa tội, và thiệp mừng các kỳ nghỉ trên tấm bảng trắng của quán bar. Mọi người thường ở đây chừng một tiếng cho buổi chơi bài Euchre tối Chủ Nhật, và Eiler thường không đóng cửa quán mãi tới chín rưỡi tối, khi không khí dần lắng xuống.
"Tôi được nhiều người hỏi liệu có cô đơn không, và tôi nói, 'Thì lúc nào chả có ai đó đến và đi.' Tôi đang ghé thăm nơi này với bạn ngay lúc này đấy thôi!" Bà Eiler đáp.
Thư viện của ông Rudy
Thực ra còn có một ngôi nhà công cộng khác ở Monowi ngoài quán rượu, và nó chỉ cách nhà bà Eiler và quán rượu vài bước chân, đó là Thư viện của Rudy.
Khi không bận việc đồng áng hay phục vụ đồ uống ở quán, chồng bà Eiler là một người đọc nhiều. Trước khi qua đời năm 2004, ông Rudy trăng trối lại là ước muốn duy nhất là biến tủ sách cá nhân thành thư viện cộng đồng. Ông đặt làm một căn phòng rộng gần 30m2 và xếp 5.000 quyển sách và tạp chí lên, nhưng ông qua đời trước khi có thể hoàn thành dự án. Vài tháng sau đó, các con của Eiler nối đường điện thắp sáng cho phòng đọc, cháu của họ đóng kệ sách từ nền nhà đến trần và các cháu đã vẽ bảng hiệu bằng tay trên chiếc tủ lạnh cũ với dòng chữ " Thư viện của ông Rudy".
Ngày nay, chìa khóa thư viện được treo trong quán rượu, và bất cứ ai muốn xem qua mọi thứ từ tác phẩm của Goethe đến những quyển tạp chí National Geographic từ thời 1950 đều được chào đón ở hệ thống này.
Bất ngờ nổi tiếng
Theo Cục điều tra Hoa Kỳ, khi ông Rudy mất, Monowi vượt qua kỷ lục của thị trấn Gross, bang Nebraska (dân số: 2 người) để trở thành thị trấn duy nhất ở Hoa Kỳ có một cư dân. Từ đó, bà Eiler và thị trấn của bà trở thành chủ đề rất nhiều người quan tâm.
Ngày nay, 14 năm sau đó, Eiler giờ đã có bốn quyển sổ lưu niệm cho khách trong quán rượu đầy chữ ký từ du khách khắp thế giới đổ đến.
"Thành thật mà nói," bà nhún vai, "Tôi không để ý lắm theo cách này hay cách khác, nhưng việc này làm tôi cảm thấy dễ chịu vì tôi được thế giới chú ý đến một chút."
Đất hóa tâm hồn
Cùng với hai con, giờ đây Eiler đã có năm đứa cháu và hai đứa chắt. Đứa gần nhất sống cách bà 90 dặm ở Ponca, Nebraska, trong khi những con cháu khác của bà sống ở nhiều nơi như Arizona và Hà Lan.
"Tôi biết tôi luôn có thể chuyển về sống gần bên các con hoặc về ở với chúng bất cứ khi nào tôi muốn, nhưng sau đó tôi lại phải kết bạn lại từ đầu," bà Eiler nói. "Chừng nào tôi còn có thể ở đây, thì nơi này luôn là nơi tôi muốn sinh sống. Tôi đoán có lẽ ta khó thay đổi thói quen hơn khi già đi."
Giờ đóng cửa
Mười hai giờ sau khi quán rượu mở cửa, số người ở Monowi lại chỉ còn là một người. Bà Eiler đóng cửa quán, quay về ngôi nhà trên xe kéo và mở quyển sách nào đó của ông Rudy ra khi gió rít ngoài đồng cỏ. Khoảng 23 giờ, bà chuẩn bị đi ngủ, và bất kỳ bạn bè nào từ phương xa cũng có thể đến thăm nơi này vào ngày mai.
Will Francome, Megan Garner & Eliot Stein
BBC Travel
Link tiếng Anh: