Thursday, July 1, 2021

CỬA ĐẠO LUÔN RỘNG MỞ, QUAN TRỌNG LÀ Ở "NGỘ"

Từ xưa đến nay, có rất nhiều người giảng về hàm dưỡng, tu dưỡng tâm tính. Nhưng khi thật sự đối mặt với vấn đề, thì tâm thái cao thấp của một người đều có thể nhìn thấy rõ. Quan trọng là là ở “ngộ”, chỉ cần dựa vào “ngộ” có thể nhìn thấy được cảnh giới của một người là cao hay thấp.

Cảnh giới của một người cao hay thấp quan trọng ở “ngộ”. (Ảnh qua Facebook)

1. Dụng tâm để ngộ

Xưa kia có hai ngọn núi, một ngọn quay mặt về hướng Bắc và ngọn còn lại thì hướng về phía Nam, đồng thời trên mỗi ngọn núi đều có một ngôi chùa. Để phân biệt mỗi khi nhắc đến, người thời đó thường gọi là chùa Bắc và chùa Nam.

Mỗi buổi sáng, hai ngôi chùa đều có một tiểu hòa thượng xuống chợ dưới núi để mua rau. Hai tiểu hòa thượng này tuổi trẻ khí thịnh, các tâm của người thường vỗn chưa qua tôi luyện, nên vẫn chưa thể vứt bỏ được nhiều. Họ đều không phục đối phương, mỗi lần khi gặp nhau ở chợ, họ thường bí mật hoặc đôi khi công khai thử tài, thách đố lẫn nhau.

Một hôm, tiểu hòa thượng ở chùa Nam hỏi: “Cậu đi đâu thế?”

Tiểu hòa thượng ở chùa Bắc đáp: “Chân tớ đi đến đâu, tớ sẽ đi đến đó”.

Tiểu hòa thượng ở chùa Nam nghe xong, không biết phải đối đáp thế nào, đành ấm ức trong lòng, nhanh chóng mua rau mà quay về chùa bẩm với sư phụ


Chú tiểu ấy trẻ người non dạ đã đành, vị trụ trì của chùa Nam lại cũng hồ đồ như thế, tâm tật đố không buông bỏ. Sau khi nghe đệ tử mình nói lại câu chuyện ấm ức khi không đối đáp được với chú tiểu chùa Bắc, thay vì khuyên bảo chú bé tu tâm tính, không nên gây chuyện thị phi thì ông lại mách rằng: “Lần sau gặp đối phương, vẫn hãy dùng câu đó để hỏi, nếu cậu ta còn trả lời như thế, con hãy nói: Nếu cậu không có chân, vậy cậu sẽ đi đâu? Như thế con sẽ có thể thắng được”.

Sáng hôm sau như thường lệ, hai tiểu hòa thượng ở chùa Nam và chùa Bắc lại gặp nhau ở chợ rau.

Tiểu hòa thượng ở chùa Nam lại hỏi: “Cậu đi đâu thế?”

Lần này chú tiểu hòa thượng ở chùa Bắc trả lời: “Gió đi đến đâu, tớ liền đến đó”.

Câu trả lời bất ngờ này khiến tiểu hòa thượng ở chùa Nam lại không thể đáp trả, cậu tiếp tục ngây người ra đó, ấm ức không nói nên lời. Sau khi trở về chùa, Sư phụ thấy tiểu hòa thượng mặt đầy ủ rũ, liền hỏi: “Lẽ nào phương pháp ta dạy con không có tác dụng sao?”

Tiểu hòa thượng liền thuật lại những gì đã xảy ra, Sư phụ nghe xong liền cười lớn xoa đầu chú tiểu và bảo: “Vậy con có thể hỏi ngược lại đối phương rằng: Nếu không có gió, cậu sẽ đi đâu?”

Sáng hôm sau, với khí thế ôm chắc phần thắng và muốn làm cho đối phương phải “nín lặng” trước những gì mình sắp nói ra, tiểu hòa thượng ở chùa Nam nhanh nhảu chạy đến hỏi chú tiểu hòa thượng ở chùa Bắc rằng: “Cậu đi đâu thế?”

Lần này, câu trả lời cậu ấy nhận được từ đối phương rất thực tế, chú tiểu hòa thượng chùa Bắc hồn nhiên đáp: “Tớ đi chợ.”

Tiểu hòa thượng ở chùa Nam lại một lần nữa không có gì để nói, bởi vì không thể nào mở miệng hỏi tiếp rằng: “Nếu không có chợ, cậu sẽ đi đâu?”, câu nói này rất vô lý!


Vị sư phụ sau khi biết tình huống này, ông liền thở dài:

“Nhìn hoàng hôn ngộ ra đời vô thường,
Nhìn mây trắng ngộ ra nó thong dong,
Nhìn núi non ngộ ra sự xảo diệu,
Nhìn sông biển ngộ ra nó mênh mông . .

Sự học hỏi quý ở chỗ dụng tâm mà ngộ, không thể dựa vào người khác mà ngộ được. Thứ của người khác vĩnh viễn là của người khác, chỉ có thứ tự bản thân mình ngộ ra mới là của mình”.


2. Rễ và ngọn

Xưa kia có một thanh niên luôn thích khoe khoang bản thân trước mặt người khác. Một ngày nọ, sư phụ dẫn anh ta đến một cái cây và hỏi: “Con nói xem ngọn cây này có đẹp không?”

“Dạ đương nhiên, ngọn cây nở đầy hoa tươi mới đẹp làm sao!” Người đệ tử nhanh miệng đáp.

Ngay lúc đó một cơn gió thổi qua, ngọn cây phát ra âm thanh “loạt xoạt”.

Vị sư phụ hỏi tiếp: “Con có nghe thấy gì không?”

“Dạ đương nhiên nghe thấy rồi, tiếng của ngọn cây mới trong trẻo và vui tai làm sao!”, anh thanh niên nhanh nhảu đáp.

“Nhưng con có biết ngọn cây trong tiếng Hán gọi là gì không? Nó gọi là Mạt!”

Sư phụ nói xong liền chỉ vào gốc cây và bảo: “Con có nhìn thấy rễ cây không? Con có nghe thấy rễ của cây phát ra tiếng động không?”

Người thanh niên nhíu mày đáp: “Dạ thưa, rễ cây chôn xuống đất, làm sao nhìn thấy được? Hơn nữa rễ cây tĩnh lặng, làm sao nghe được tiếng của nó thưa sư phụ?”


“Nhưng con có biết rễ cây trong tiếng Hán gọi là gì không? Nó gọi là Bổn!”, Sư phụ giải thích.

“Nghĩa là, mặc dù ngọn cây đầy hoa có thể lao lao, gây sự chú ý đến những người xung quanh, nhưng nó rất mỏng manh, chỉ cần một cơn gió mạnh thì có thể sẽ gãy ngay và không còn giá trị gì sau đó nữa. Còn gốc cây, mặc dù trầm lặng, thậm chí bị chôn vùi dưới đất, nhưng đó là căn bản của sự sống, không có nó thì cũng sẽ không có cây, không có lá, cành và tất nhiên những đóa hoa trên ngọn cây cũng không có cơ hội mà lao xao, khoe sắc trước gió,… con hiểu ý của ta chứ?”

Anh thanh niên cúi mặt, khẽ gật đầu lĩnh hội nội hàm lời dạy của sư phụ. Từ đó về sau, anh trở nên trầm tĩnh hơn, ăn nói cũng rất biết chừng mực, đặc biệt là không bao giờ khoe khoang trước mặt người khác nữa.

Việt Anh

No comments: