Trong văn minh Á Đông cổ xưa, con gái của Vua và Hoàng đế được gọi là “Công chúa" (tiếng Hán gọi là “công chủ" - “公主”). Trong các văn thư cổ hay tác phẩm phim ảnh hiện đại, tên gọi này cũng đều rất phổ biến. Vậy tại sao lại gọi là “công chúa"?, nguồn gốc của nó bắt đầu từ đâu?
Cuốn Xuân Thu Công Dương Truyện có ghi chép rằng: “Thiên tử gả con gái cho các chư hầu, tất phải do chư hầu cùng họ làm chủ. ‘Chủ’ mang nghĩa là ‘chủ hôn'. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, các nước chư hầu và các vị chư hầu đều được gọi là “công". Khi Chu Thiên tử gả con gái cho vị chư hầu, thì thiên tử sẽ không phải là người chủ hôn, mà là do các bậc trưởng bối cùng họ của nước chư hầu đến làm chủ hôn. Vì vậy con gái của thiên tử được gọi là “công chúa".
Vậy nên tên gọi “công chúa” được bắt đầu từ thời đại Xuân Thu Chiến Quốc. Về sau danh xưng “công chúa” cũng được liên tục sử dụng từ thời nhà Hán cho đến thời nhà Thanh. Trong dòng tộc Đế vương thời nhà Hán, con gái của Hoàng đế được gọi là “công chúa", còn chị gái của Hoàng đế gọi là “Trưởng công chúa", và dì của Hoàng đế được gọi là “Đại trưởng công chúa". Thêm vào chữ “Đại trưởng", thì chữ “trưởng” mang ngụ ý là tôn kính thành cẩn. Vào thời Đông Hán, để gọi tên con gái của Hoàng đế thì trước tên gọi tên của “huyện" sau đó gọi thêm “công chúa". Cho đến thời nhà Tấn, tên con gái của Hoàng đế cũng bắt đầu bằng tên của “quận" sau đó gọi đến “công chúa".
Thời nhà Đường, danh xưng công chúa vẫn được giữ nguyên, nhưng có quy định về phẩm cấp, đứng đầu là “Đại trưởng công chúa", rồi đến “Trưởng công chúa", “công chúa", tất cả đều được đối đãi như chính nhất phẩm. Đến thời nhà Thanh, Thái Tông Hoàng Thái Cực trong suốt những năm Sùng Đức thừa hưởng hệ thống Minh Trị, con gái của Hoàng đế đều được gọi là Công chúa, nhưng có phân theo cấp bậc. Con gái của Hoàng hậu được gọi là “Cố Luân công chúa", được đối xử cùng cấp bậc với các bậc thân vương quốc thích, còn con gái nuôi của Hoàng hậu hoặc con gái của Hoàng phi thì được gọi là “Hòa Thạc công chúa", được đối xử cùng cấp bậc với các vị quân vương.
Chân dung Bình Dương công chúa thời nhà Hán. (Ảnh: Epoch Times)
Trong lịch sử văn minh Á Đông có rất nhiều vị công chúa phẩm hạnh tài đức trứ danh, là hình tượng mẫu mực của người con gái truyền thống, lưu danh thiên cổ. Nước Đại Việt có công chúa Huyền Trân giúp Việt - Chiêm giữ hoà hiếu, mở mang lãnh thổ bờ cõi nước nhà, tạo nên một giai thoại được lưu truyền cho các thế hệ về sau. Không chỉ vì lý do chính trị, Huyền Trân công chúa còn được truyền tụng trong dân gian các khía cạnh về văn hóa, thơ ca, đàn nhạc cũng như nghệ thuật sân khấu. Điều này khiến nàng trở thành công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. Điện thờ công chúa hiện nằm tại Thừa Thiên Huế. Tương truyền bài "Nước non ngàn dặm" theo điệu Nam Bình, có người cho rằng chính nàng Huyền Trân đã soạn ra trong lúc trên đường sang đất Chiêm:
“Nước non ngàn dặm ra đi...
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Lý.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?”...
“Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười,
Vốn đà không mất lại thêm lời,
Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm,
Một gái Huyền Trân của mấy mươi!”...
Đại Việt có công chúa Huyền Trân, Đại Đường có công chúa Văn Thành. Văn Thành công chúa là con gái vua Đường Thái Tông, nàng được gả cho quân vương Tùng Tán Can Bố của vương triều Thổ Phồn để giữ hòa hiếu, nhân dân hai dân tộc Hán - Tạng tránh khỏi lầm than bởi chiến tranh, ổn định biên cương. Văn Thành công chúa xuất giá mang theo mấy trăm cuốn sách về văn hóa truyền thống, tượng Phật và kinh Phật, những tác phẩm nghệ thuật cùng những thành tựu y học thuộc văn hóa của người Hán mà truyền bá, hồng truyền Phật pháp trên đất Tây Tạng.
Văn Thành công chúa được mệnh danh là cây cầu nối giữa hai nền văn hóa Đường - Thổ Phồn. Ảnh: Công chúa Văn Thành trên đường tới Tây Tạng. (Nguồn: Baidu.com)
Văn Thành công chúa được mệnh danh là cây cầu nối giữa hai nền văn hóa Đường - Thổ Phồn. Trong 40 năm sống trên đất Tạng, nàng đã nỗ lực hết sức nâng cao các mặt kinh tế, văn hóa, cải thiện rất nhiều mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân Thổ Phồn, thúc đẩy xã hội Thổ Phồn phát triển, củng cố vùng biên thùy của Đại Đường. Dân chúng Tây Tạng coi công chúa như Thần tiên. Sau khi công chúa qua đời, dân chúng Tây Tạng đã lập miếu thờ tưởng niệm công chúa tại Thanh Hải Ngọc Thụ, thành phố Lạp Tát và nhiều nơi khác, các miếu thờ vẫn được duy trì đến ngày nay.
Trước khi con gái lên đường sang làm dâu xứ người, vua Đường Thái Tông đã viết bài Đàn tì bà để tiễn biệt. Bài thơ đong đầy nỗi nhớ nhung và sự bịn rịn luyến lưu của phụ thân dành cho công chúa:
“Bán nguyệt vô song ảnh, toàn hoa hữu tứ thì
Tồi tàng thiên lí thái, yểm ức kì trọng bi
Thúc tiết oanh hồng tụ, thanh âm mãn thúy duy
Sử đạn phong hưởng cấp, hoãn khúc xuyến thanh trì
Không dư quan lũng hận, nhân thử đại tương tư”.
Tạm dịch:
“Đường dài đằng đẵng người đâu thấy,
Mùa đến mùa đi hoa hắt hiu
Kìm nén nỗi lòng gảy khúc trầm mặc,
thanh âm tràn ngập vọng rèm xanh
Cấp thiết điệp khúc như gió giật,
mạn khúc tì bà nhẹ nhàng vang
Buồn thay người bước trên đường dài,
khúc nhạc hát lên tiếng tương tư"...
Trúc Lâm (NTDTV)
No comments:
Post a Comment