Thursday, February 3, 2022

VỀ CÂU ĐỐI "THIÊN TĂNG TUẾ NGUYỆT NHÂN TĂNG THỌ..."

* Ông hàng xóm của tôi khoe vừa được bạn ở Đồng Nai gửi tặng cho câu đối Tết rất ý nghĩa: “Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ/ Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường”. Một ông khác xem qua câu đối cho rằng ở đây có một chữ viết bị nhầm, đó là chữ thiêm nhầm thành chữ tăng. Mặc dù hai chữ này có nghĩa tương tự nhau, nhưng theo ông này thì chữ thiêm mới “đắt” . Xin quý báo giải thích giùm. (Nguyễn Quang Thành, Hải Châu, Đà Nẵng)

Ông đồ xưa viết câu đối Tết. Nguồn: Internet

- Câu đối Hán Nôm ở trên nếu chuyển qua quốc ngữ sẽ là “Trời thêm năm tháng, người thêm thọ/ Xuân khắp càn khôn, phúc khắp nhà”. Đây là một câu đối Tết hay. Tuy nhiên, ở vế đầu, người thì cho là “Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ”, người lại cho rằng “Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm thọ”. Tăng (増) hay thiêm (添)? Giai thoại dân gian dưới đây sẽ trả lời câu hỏi này.

Cao Bá Quát là người giỏi tài văn thơ, từng tuyên bố thiên hạ có 4 bồ chữ thì riêng mình ông đã giữ hết 2 bồ! Lần đó ông về quê nhà ăn Tết, bà con quanh vùng nghe tiếng rủ nhau đến xin câu đối về trưng bày trong mấy ngày xuân. Bữa nọ có hai người cùng vào nhà ông gần như một lúc, chỉ trước sau một bước chân.

Người đến trước là một anh làm nghề đóng quan tài (hòm). Người đến sau là một chị mang bầu gần ngày sinh. Sau khi nắm “lý lịch” của từng người, họ Cao không phải suy nghĩ gì, phóng bút viết ngay câu đối cho anh thợ đóng quan tài: Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm thọ/ Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường (Trời thêm năm tháng, người thêm thọ/ Xuân khắp càn khôn, phúc khắp nhà).


Điều lý thú là Cao Bá Quát đã “chơi chữ” đến độ tinh xảo khi ông khéo dùng hai chữ cuối cùng của mỗi vế đối là “thọ” và “đường” để nói đến cái quan tài, bởi ngày đó cỗ quan tài còn được gọi là cỗ thọ đường. Anh chàng đóng quan tài nghe qua phục lăn tài văn hay chữ tốt của ông Cử nhân làng mình, trịnh trọng vái chào ra về.

Ðến lượt chị mang bầu. Ông nhìn chị hóm hỉnh cười, rồi viết ngay trên vuông giấy khác: Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm/ Xuân mãn càn khôn, phúc mãn (Trời thêm năm tháng, người thêm/ Xuân đầy vũ trụ, phúc đầy).

Chị mang bầu lộ vẻ không vui khi thấy câu đối của mình có khác gì câu của anh thợ đóng quan tài đâu, chỉ là bớt đi một chữ cuối mà thôi. Đọc được ý nghĩ của chị, họ Cao cắt nghĩa: vế thứ nhất nói việc chị sắp đẻ (người thêm) khi đất trời sang năm mới; vế thứ hai nói việc hiện chị đang có mang vì chữ “phúc” (福) (điều may lớn, điều mang lại những sự tốt lành lớn) trùng âm với chữ “phúc” (腹) là “bụng”, ở đây “phúc mãn” là “đầy bụng” tức là bụng có chửa.

Nghe vậy, chị bụng mang dạ chửa phục sát đất ông Cử làng mình, vái chào ra về với niềm tin mình sẽ sinh con trong mùa xuân này.

Nghe qua chuyện này, hẳn sẽ có người vặn vẹo rằng trong vế đối đó, nếu thay chữ thiêm bằng chữ tăng thì ý nghĩa vẫn không thay đổi.


Vẫn biết vậy, song theo chúng tôi, trong trường hợp này, mỗi chữ có một nghĩa thích ứng riêng.

Trong sách Ngô Thì Nhậm toàn tập - tập I (NXB Khoa học xã hội, 2003), có bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật Tân niên cung hạ nghiêm thân (Năm mới kính mừng cha) với 2 câu thực: Nhật nguyệt thực tăng tùng bách kỷ/ Sơn xuyên thiêm hộ thử miêu xuân (Tháng ngày thực làm tăng tuổi thọ bách tùng/ Sông núi giúp thêm xanh tươi lúa mạ). Ở đây, Ngô Thì Nhậm sử dụng cả tăng lẫn thiêm và mỗi chữ mang một nét nghĩa riêng, không thể hoán vị với nhau được.

Từ điển Hán Việt phổ thông giảng thiêm (添) ngoài nghĩa “thêm” còn có một nghĩa nữa là “đẻ con, sinh con”. Chính nghĩa thứ hai này đã làm cho thiêm khác hẳn so với tăng trong trường hợp đang xét, cho dù tăng là từ dễ hiểu nghĩa và được dùng phổ biến hơn. Trong giai thoại nói trên, hậu thế càng phục văn tài của Cao Bá Quát khi ông “đóng đinh” chữ thiêm (chứ không là tăng) vào vế đối “Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm”!

ĐNCT