Cà cuống được dùng làm nước chấm và nhiều món ăn mang đặc trưng miền Bắc
Từ thời xa xưa, cà cuống được xếp vào loại sơn hào hải vị, được chọn là phẩm vật dâng lên vua nhà Hán. Trong tùy bút “Thương nhớ mười hai”, nhà văn Vũ Bằng đã giới thiệu cái tên cà cuống: “Tục truyền rằng Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà cuống.
Thấy thơm một cách lạ kỳ, ông bèn gửi dâng vua Hán một mớ và gọi nó là “quế đố” nghĩa là con sâu cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận rằng nó giống mùi quế thật, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi người một con.
Bất ngờ trong đám có một ông lắm chuyện lại tâu rằng: đó không phải là con sâu sống trong cây quế, mà chỉ là một con sâu sống dưới nước “thủy đồ”.
Vua mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã”, nghĩa: đó là lời nói láo của Đà. Từ đó cà cuống thành ra đà cuống. Nó còn một tên nữa là “long sắt”, nghĩa là con rận rồng”.
Thoáng nhìn có hơi ngại miệng vì cà cuống giống với con… gián khi có mình dài 7- 8cm, màu nâu xám, có nhiều vạch đen, đầu nhỏ với 2 mắt tròn và to, miệng là một ngòi nhọn hút thức ăn.
Ở dưới ngực, gần phía lưng cà cuống có 2 ống nhỏ gọi là bọng. Mỗi bọng màu trắng chứa một chất thơm, đó là tinh dầu cà cuống. Nhưng chỉ con đực mới có tuyến này phát triển.
Tinh dầu cà cuống trong vắt, có mùi thơm ngào ngạt nhưng dễ bị bay hơi vì thế rất khó trong việc bảo quản và giữ mùi hương lâu. Chỉ cần nhỏ một đến hai giọt tinh dầu vào chén nước mắm thôi cũng đủ làm cho hương vị món ăn thêm đậm đà, quyến rũ khó cưỡng.
Thường thì người ta bắt cà cuống về, làm sạch, nướng sơ trên than hồng rồi cho nguyên con vào trong chai nước mắm để ăn dần. Khi dùng chỉ việc pha vài giọt nước mắm ngâm cà cuống với nước mắm nguyên chất. Chỉ một chút thôi nhưng cũng đủ làm cho chén nước mắm dậy hương vị, lôi cuốn khẩu vị người ăn.
Tinh dầu còn được dùng trong các món ăn đặc trưng Hà Nội như bún thang, bún chả, chả cá, bánh cuốn và cả phở.
Trong “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”, Thạch Lam nói về một gánh phở bán trong nhà thương mà ông cho là “rất ngon mà không có ai nghĩ đến và biết đến”: “Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”.
Cà cuống không chỉ quý ở tinh dầu, có 2 loại: cà cuống cay lấy tinh dầu và cà cuống thịt. Mà theo Vũ Bằng, cà cuống thịt có vẻ “lâm ly khác hẳn”: “nhận nhận, bùi bùi, beo béo mà lại thanh thanh, một người tục có thể ăn cả trăm con không biết ngán”.
Không riêng gì Việt Nam, ở nhiều nước khác như: Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Singapore… cà cuống cũng là món ăn được ưa chuộng vì hương vị đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao.
Người Trung Quốc ưa món cà cuống luộc hay xào. Khu chợ đêm ẩm thực ở Thái Lan, Lào và Campuchia, dễ thấy các quầy, sạp hàng bán nhiều thứ côn trùng được rang hay chiên giòn, trong đó cũng có cà cuống.
Vũ Bằng dí dỏm ví mùi cà cuống và mùi sầu riêng: “Ở Bắc có một món mà lúc đầu nhiều người cũng không chịu được, cũng như một số người Bắc lúc đầu không chịu được sầu riêng nhưng sau quen giọng rồi thì nghiện như nghiện cần sa vậy: đó là cà cuống”.
Bất cứ món gì cũng phải cho mấy giọt cà cuống vào nước chấm mới làm được ý ông thần khẩu. Trong trăm ngàn món sơn hào hải vị, đôi khi chỉ cần ngửi thấy một mùi hương đặc biệt như cà cuống, cũng đủ để nhớ, đủ lưu luyến cả đời.
Phương Thư / Báo Vĩnh Long
No comments:
Post a Comment