Friday, March 11, 2022

"VƯỜN TAO NGỘ" LÀ GÌ? CÂU CHUYỆN VỀ "VƯỜN TAO NGỘ" NỔI TIẾNG TRONG CÁC BÀI HÁT NHẠC VÀNG

Những người yêu nhạc vàng, đặc biệt là yêu các ca khúc viết cho lính, không ai không biết đến ca khúc Vườn Tao Ngộ được nhạc sĩ Khánh Băng viết với bút danh Nhật Hà. Ca khúc này trước năm 1975 cũng được những người quân nhân và người yêu của lính rất yêu thích. 


Vườn Tao Ngộ thuộc Trung tâm huấn luyện Quang Trung, là nơi mà người yêu, người vợ và gia đình các tân binh đến thăm những người lính trẻ đang được huấn luyện, sau những ngày gian khổ nơi quân trường. 

Quân trường Quang Trung nằm trên một khu vực rộng lớn ở khu vực quận 12 ngày nay. Cùng với Trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ thì quân trường Quang Trung trải dài từ Xa lộ Đại Hàn đến ngã 4 An Sương qua đến ngã 4 Trung Chánh. 


Nhắc đến quân trường Quang Trung là nhắc về 3 tháng thao trường của những chàng tuổi trẻ đã vi nước mà xếp bút nghiên theo nghiệp đao binh. Trung tâm huấn luyện Quang Trung là quân trường cấp quốc gia, nơi chuyên đào tạo và huấn luyện đến 80% các tân binh để cung cấp cho các quân, binh chủng của miền Nam. 

Vườn tao ngộ có tên chính thức là Vườn Cộng Hòa, là khu tiếp tân của quân trường là nơi ghi lại những hình ảnh rộn ràng, cảm động nhất vào mỗi ngày chủ nhật. Nơi đây đã chứng kiến những nụ cười, những giọt nước mắt lưu luyến của người tình, của cha mẹ, anh em, vợ con của người lính. Có thể nói tình yêu trong thời chiến là mối tình thiết tha nhất, vì nó mang cả tâm tình của người hậu phương gửi trao cho người ra tiền tuyến. Người lính không chỉ là người thân, người yêu, họ là niềm hãnh diện của gia đình và các người tình thiếu nữ. Trong cái nắng đổ lửa của quân trường, bóng người tân binh bên những tà áo dịu dàng của các thiếu nữ chợt ngọt ngào như một lời ước hẹn. 


Vườn tao ngộ rộng khoảng 3-4 ha, có vài chục gian nhà và vườn hoa, và khi người thân đến thăm quá đông còn phải ngồi trải ra cả bãi cỏ mới đủ chỗ. Ở đây có gian nhà bán tạp hóa, giữa khu là rạp hát to với sân khấu rộng. Còn giữa sân trong cổng là sân khấu có hình giống như tháp eiffel lưng chừng để khán giả ngồi tứ phía xung quanh dự khán đều thấy rõ. Vào tối cuối tuần, sân khấu có tổ chức văn nghệ phục vụ cho thân nhân của tân binh. Vì thân nhân từ tứ phương miền trung, miền tây lặn lội đến thăm nên phải đến vào ngày hôm trước. Vì thế trong này có dựng những dãy nhà tiếp tân cho thân nhân từ xa tá túc qua đêm. 

Mỗi ngày chủ nhật, tại vườn tao ngộ này, lính trẻ và thân nhân tha hồ mở lòng tâm sự cho bõ nhớ thương những ngày xa cách… khung cảnh này nhộn nhịp hơn cả ngày hội chợ tết: 

Hôm nay ngày chủ nhật, vườn tao ngộ em đến thăm anh, 
Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi 
Mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên dần… 


Để đến được quân trường Quang Trung, thân nhân sẽ đi dọc theo con đường Quang Trung, rồi đường nối dài (nay là đường Tô Ký đi Hóc Môn). Từ những năm thập niên 1960, con đường này ít có cây to che bóng mát, lại rất vắng và thuộc vùng ngoại ô của đô thành nên “nắng đổ xa xôi”, nhưng bấy nhiêu thì đâu có làm chùng lòng được người con gái mang nhiều nỗi nhớ nhung. 

Những cách trở đó có đáng là bao nếu so với sau này, sau khi xong 3 tháng quân trường thì người lính mới phải ra đơn vị, đường trần chia 2 lối xa xôi cách trở hơn rất nhiều lần: 

Ta nhìn nhau bâng khuâng, 
đâu biết rằng chuyện đôi ta sẽ vui hay buồn? 
Ngày mai ra đơn vị đường trần hai lối mộng thôi từ đây biết ra sao? 

Nếu chúng mình ước hẹn, ngày tao ngộ xa quá anh ơi! 
Thời gian xin lắng đọng đợi chờ 
để đôi tim ướp mộng đem tình thương tô thắm đôi môi hồng. 


Những người thụ huấn ở quân trường Quang Trung thường rất trẻ, chưa bao giờ biết mùi của tử khí nơi chiến địa, chỉ vừa mới rời mái trường không lâu, nên cuộc đời vẫn còn pha chút sắc hồng, làm sao chịu nỗi những cô đơn hiu quạnh nơi quân trường khắc nghiệt, nắng dãi mưa dầm. 

Đây một phong thư xanh trao đến người 
để quên đi những đêm quân trường 
sầu cô đơn hiu quạnh, vùi đầu bên chén trà tìm đọc thư em. 


Khi đó, tình yêu dành cho người em gái nhỏ chỉ vừa xa cách đôi ngày sẽ trở thành niềm an ủi cho người lính. Nếu ngày mai phải dầm mình trên chiến địa hãi hùng, thì lời hứa đợi chờ của người yêu phương xa trở thành động lực để chinh nhân cố gắng, hy vọng và mơ một ngày về trong thái bình: 

Anh ơi! Dù non sông cách trở. 
Xin anh đừng quên bao kỷ niệm ngày nao hai đứa mình 
cùng nhau chung mái trường tuổi học sinh đẹp như gấm hoa. 

Anh đi ngày mai trên chiến địa. 
Nơi đây, tình yêu em vẫn đợi. 
Cầu xin non nước mình được yên vui thái bình, tìm trao ước hẹn hò. 

Trung tâm huấn luyện Quang Trung được người Pháp thành lập ngày 1 tháng 4 năm 1953, nằm tại vùng Quán Tre, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định, nên có tên ban đầu là Trung tâm Huấn luyện Quán Tre. Trên danh nghĩa là Quân trường của Quân đội Quốc gia nhưng vẫn do Quân đội Pháp điều hành huấn luyện và Chỉ huy trưởng. Đến năm 1954 mới chuyển cho Quân đội Quốc gia điều hành và huấn luyện. Ngày 1 tháng 6 năm 1955, Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Huấn luyện số 1. 


Ngày 1 tháng 6 năm 1957, để kỷ niệm vị Anh Hùng Dân tộc vua Quang Trung, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra quyết định cải danh Trung tâm thành Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Quang Trung. Sau đó con đường nối từ Ngã 5 Chuồng Chó đến trung tâm này cũng được đặt tên là Quang Trung. Cái tên này được giữ nguyên cho đến ngày nay. 

Khoảng cuối thập niên 1960, cứ vào mỗi chủ nhật hàng tuần, nhạc sĩ Khánh Băng đều vào quân trường Quan Trung để thăm một người em họ đang thụ huấn tại đây. Ông đã chứng kiến những buổi tao ngộ đầy cảm xúc của các đôi tình nhân nơi đây nên đã ghi lại thành bài hát Vườn Tao Ngộ. 

Click để nghe ca sĩ Giao Linh hát trước 1975 

Ca khúc Vườn Tao Ngộ được ca sĩ Giao Linh hát trước năm 1975, rất được công chúng yêu thích. Nhưng phiên bản hay nhất của bài này có lẽ là Tuấn Vũ và Sơn Tuyền với phần hòa âm của Asia: 

Click để nghe phiên bản Tuấn Vũ – Sơn Tuyền

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com