Friday, March 25, 2022

SANH ĐỊA - THỤC ĐỊA

Miền Nam Việt Nam thuộc khí hậu nhiệt đới và nóng bức quanh năm nên người dân hay có những món nước mát nấu uống để thanh nhiệt giải độc trong đó món mà tụi nhỏ thích nhất là mía lau nấu rể tranh, sương sáo..có rất nhiều loại khác nữa. Hồi đó có một món mà má tôi lâu lâu mới nấu như một món canh để ăn là hầm sanh địa với giò heo, sườn heo hoặc đuôi heo.

Canh sanh địa nấu sườn heo.

Lúc đầu nghe má tôi nói là mua sanh địa ở tiệm thuốc bắc rồi nhìn tô canh đen thui mà thấy sợ nhưng khi uống vào thì là lạ, chan cơm ăn, ăn mấy cục sườn thấy cũng được chứ không đắng như thuốc bắc rồi sau này thành quen. Má tôi nói uống canh sanh địa cho mát và giải độc còn thục địa thì có tính nóng vì nó là loại bổ máu. Tôi chỉ biết có vậy và cứ nghĩ là 2 loại thuốc khác nhau.

Qua Úc khoảng hơn 20 năm trước cũng có uống vài lần vì có một ông chú mở nhà hàng ở Springvale, ổng hay hầm những món thuốc bắc như ngầu bín, hầm sanh địa mà mỗi lần tôi tới là ổng hay múc một tô ra cho tôi uống. Bây giớ thì chú ấy đã sang tiệm về hưu rồi nên không còn được uống nữa.

Hôm nay tình cờ lên mạng mới tìm được tài liệu nói về loại này nên share cho các bạn nhé. (LKH)


SINH ĐỊA - THỤC ĐỊA

Tên tiếng Việt: Sinh địa (生地), Địa hoàng (地黄), Thục địa (熟地)

Tên khoa học: Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch. ex Steud.

Tên đồng nghĩa: Digitalis glutinosa Gaertn.

Họ: Scrophulariaceae (Hoa mõm chó)

Công dụng: Rễ củ làm thuốc bổ chống suy nhược cơ thể, còn có tác dụng lọc máu, lợi tiểu, chữa ho ra máu, băng huyết, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, động thai, thương hàn và bổ huyết, làm sáng mắt.


A. Mô tả cây
 
  • Sinh địa là một cây thuộc thảo, cao độ 10 – 30cm. Toàn cây có lông mềm và lông bài tiết màu tro trắng. Thân rễ mẫm thành củ, lúc đầu mọc thẳng, sau mọc ngang, đường kính từ 0,4 đến 2-3cm.

  • Lá mọc vòng ở gốc, ít khi thấy ở thân, phiến lá hình trứng ngược, dài 3-15cm, rộng 1,5-6cm, đầu lá hơi tròn, phía cuống hẹp lại, mép lá có răng cưa mấp mô không đều, phiến lá có nhiều gân nổi ở mặt dưới chia lá thành những múi nhỏ.

  • Mùa hạ nở hoa màu tím đỏ mọc thành chùm ở đầu cành. Đài và tràng đều hình chuông, tràng hơi cong, dài 3-4cm, mặt ngoài tím sẫm, mặt trong hơi vàng với những đốm tím,3 nhị với 2 nhị lớn Ở Việt Nam ta chưa thấy có quả. Tại Trung Quốc mùa hoa là tháng 4-5, mùa quả tháng 5-6.

Sanh địa

B. Phân bố, thu hái và chế biến

  • Từ năm 1958, chúng ta đã di thực thành công cây sinh địa. Hiện nay đang phát triển ở khắp các địa phương. Qua kinh nghiệm trồng mấy năm gần đây, tỉnh nào cũng có thể trồng sinh địa, miễn là nhiệt độ không dưới +3° trong nhiều ngày.

  • Đối với các tỉnh miền núi cao hay nơi lạnh nhiều, mỗi năm chỉ có thể trồng được một vụ: Vào cuối xuân (tháng 3, tháng 4 dương lịch) thì trồng và thu hoạch vào tháng 8-9. Nếu trồng vào mùa thu, cây không phát triển được vào mùa lạnh.

  • Đối với các tỉnh miền trung du và đồng bằng mỗi năm có thể trồng hai vụ: Một vụ trồng vào tháng 1-2, thu hoạch vào tháng 7-8, một vụ trồng vào tháng 7-8 và thu hoạch vào tháng 2-3.

  • Trồng bằng thân, mỗi mẩu dài 1-2cm. cắt xong đem trồng ngay hoặc ủ ở vườn ươm đến khi nảy mầm mới đem trồng, mỗi hố cách nhau 10-15cm. Đất trồng cần loại đất tơi, xốp như đất phù sa, đất trồng màu. Phân bón tốt nhất là tro bếp, phân kali. Khi cây có hoa, cần ngắt hoa đi để củ được to và tốt. Sau khi trồng 6 tháng rưỡi có thể thu hoạch. Đào lấy rễ, loại bỏ thân, lá, rễ con, rửa sạch, dùng tươi là sinh địa hoặc sấy khô là can địa hoàng.

Thục địa

Chế biến thành thục địa:

Lấy sinh địa đã rửa sạch, cho vào thùng. Cứ 90kg sinh địa thêm 10 lít rượu. Đun đến sôi, tiếp tục đun nhỏ lửa từ 6 giờ đến 8 giờ cho đến cạn. Trong khi đun, cứ khoảng 1 giờ lại múc nước ở đáy nồi tưới lên cho các củ thấm đều. Sau lấy ra phơi 3 ngày, rồi lại đem nấu lần thứ 2 với nước gừng. Sau đó lại vớt sinh địa ra phơi rồi lại nấu làm như vậy 5 đến 7 lần đến khi dược liệu có màu đen nhánh.

C. Thành phần hoá học
 
Trong sinh địa, các nhà nghiên cứu đã lấy ra được các chất manit C6H8(OH)6, rehmanin là một glucozit, glucoza và một ít caroten.

– Từ dịch chiết bằng mentanol xác định được phân đoạn cồn 5-10% có chất catalpol, một iridoit glucozit có độ chảy 207-209oC, αD229 -1220, hàm lượng 0,11% trong củ tươi.

– Từ dịch chiết nước đã xác định được những thành phần sau đây: 15 axit amin và D- glucozamin (trong phân đoạn kiềm), axit photphoric (trong phân đoạn axit), phần chính còn lại (trong phân đoạn trung tính) là các cacbohydrat: D-glucoza, D-galactoza, D-fructoza, sucroza, raffinosa, mannotrioza, stachioza, vesbascoza, và D-mannitol

– Trong sinh địa tía thì thành phần chủ yếu trong phân đoạn trung tính vẫn là stachyoza, còn trong phân đoạn kiềm là acginin với 4,2%, trong phân đoạn axit là axit γ-aminobutyric với 3%.


D. Tác dụng dược lý
 
  • Tác dụng hạ đường huyết.

  • Tác dụng lợi tiểu.

  • Tác dụng cầm máu.

E. Công dụng

  • Theo kinh nghiệm cổ, sinh địa và thục địa đều là thần dược (thuốc quý rất tốt) để chữa bệnh về huyết, nhưng sinh địa thì mát huyết, người nào huyết nhiệt nên dùng, thục địa ôn và bổ thận, người nào huyết suy thì nên dùng. Hoặc có tài liệu nói: “Năng lực của sinh địa là bổ chân âm, lương nhiệt huyết, là vị thuốc bổ dương, cường tráng”.

  • Còn thục địa bổ tinh tuỷ, nuôi can thận, sáng tai mắt, đen râu tóc là thuốc tu dưỡng, cuờng tráng, những người lao thần khổ trí lo nghĩ hại huyết, túng dục hao tinh nên dùng thục địa.

  • Những người tỳ vị hư hàn không nên dùng.

  • Theo tài liệu cổ, sinh địa có vị ngọt, đắng, tính hàn, vào 4 kinh tâm, can, thận và tiểu trường. Sinh địa có tác dụng thanh nhiệt, mát máu (khô có tác dụng tư âm, dưỡng huyết), dùng chữa thương hàn ổn bênh, yết hầu sưng đau, huyết nhiệt tân dịch khô kiệt, thổ huyết, băng huyết, kinh nguyệt không đều, động thai.

  • Thục địa vị ngọt, tính hơi ôn, vào 3 kinh tâm, can và thận. Có tác dụng nuôi thận, dưỡng âm bổ thận, làm đen râu tóc, chữa huyết hư, kinh nguyệt không đều, tiêu khát, âm hư ho, suyễn.

Nguồn: Tra cứu dược liệu

No comments: