Monday, March 14, 2022

TRẦN NHÂN TÔNG: NHỮNG GIAI THOẠI VỀ NHÂN DUYÊN TO LỚN NƠI CỬA PHẬT

"Tất cả pháp chẳng sanh,
Tất cả pháp chẳng diệt,
Nếu hay hiểu như thế,
Chư Phật thường hiện tiền.
Nào có đến đi gì?"

Những giai thoại về nhân duyên to lớn nơi cửa Phật (Ảnh: NTDVN tổng hợp)

Khởi đầu từ triều vua Đinh Lê, nước ta đã thành một nhà nước quân chủ độc đáo Nho Phật cùng trị quốc, đem đến một nền chính trị tuyệt vời xuyên suốt hai triều Lý Trần. Trần Nhân Tông, một vị hoàng đế Thiền sư đắc đạo là tinh hoa sáng chói nhất của nền chính trị ấy, cuộc đời ông là một truyền kỳ và là một tấm gương sáng cho tất cả những nhà lãnh đạo có tâm và có tầm.

Sinh ra trong một thế kỷ đầy biến động với sự trỗi dậy của nhà Nguyên Mông và sự suy tàn của nhà Tống, vận mệnh Đại Việt trước nguy cơ như chỉ mành treo chuông. Ấy vậy mà vị Thái tử nhà Trần hiền lành nho nhã kia, người mà từ nhỏ chỉ nhất mực đòi đi tu lại có thể bình thản lãnh đạo quốc gia đập tan 2 cuộc xâm lược khổng lồ từ phương Bắc, đưa đất nước bình an vượt qua giông bão và thịnh trị trở lại. Đến cuối đời lại vứt bỏ ngai vàng, toàn tâm toàn ý tu hành để cứu đời độ nhân và lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Người mà có thể vừa là vua, vừa là thi nhân, thiền sư đắc Đạo, chỉ có thể là Phật Hoàng Nhân Tông mà thôi.

Duyên lành đặt định, Kim Phật giáng sinh

Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm (陳昑), sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ niên hiệu Thiệu Long năm thứ nhất (tức 7 tháng 12 năm 1258). Ông là con trai đầu lòng của Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu Trần Thị Thiều. Thời nhà Trần kế tục truyền thống sùng Phật tôn Nho của nhà Lý và nâng cao hơn một bậc khi tất cả các vua đầu đời Trần đều tu hành tinh tấn. Nhân duyên và phúc lành to lớn trải nhiều đời đã đem đến cho nước Nam một vị thánh nhân đắc đạo khai mở cả một thiền phái lớn, đó là Phật Hoàng Trần Nhân Tông và phái Trúc Lâm Yên Tử.

Trải hai đời vua ông và cha đều là bậc chân tu, đến đời hoàng đế thứ ba Trần Nhân Tông sự tu hành của các vua Trần đã thật sự đạt đến cảnh giới rất cao vì Trần Nhân Tông đã khai sáng nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nổi danh. Vua lên ngôi ngày 12 tháng 02 năm Mậu Dần (1278), đổi niên hiệu Thiệu Bảo. Từ bé trước khi sinh ra, ông đã mang trên mình những ấn ký của một bậc tu hành định trước đời này phải làm nên sự nghiệp to lớn.

“Trước kia Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh từng mùng thấy thần nhân trao cho hai thanh kiếm, bảo: Thượng đế có sắc, cho ngươi tự chọn lấy! Thái Hậu bất chợt bật cười, bổng được cây kiếm ngắn, do đó có thai. Gặp tháng dưỡng thai, bà chẳng chọn lựa món gì kỵ thai, nhà bếp dâng lên món chi bà cứ ăn mà thai vẫn không sao, bà biết là có sức thần trợ giúp. Đến khi Ngài sinh ra, sắc như vàng ròng, Thánh Tông đặt tên là Kim Phật. Bên vai phải của Ngài có nốt ruồi đen như hạt đậu to, những người xem biết, nói: Ngày sau ắt hay gánh vác việc lớn.” (Thánh đăng ngữ lục)

Trần Nhân Tông vẽ trong Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ. Ảnh: wikipedia

Nhất tâm hướng Phật, phú quý tựa mây trôi

Do Thiên mệnh đặt định Ngài sẽ là người chân tu có quả vị nên dù sống trong cung vàng điện ngọc và là Thái tử kế thừa ngôi báu, tâm của Ngài vẫn chỉ một mực hướng về tu hành.

Cố từ chối ngôi Thái tử, gắng nhường cho em.

“Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng Thái Tử, Ngài cố từ chối mấy lần, xin cho em mình thay thế đều không được vua cha chấp nhận. Thánh Tông cưới trưởng nữ của Quốc mẫu Nguyên Từ cho Ngài, tức Thái hậu Khâm Từ. Tuy sống trong cảnh vui hòa hạnh phúc mà tâm Ngài vẫn hướng về đường tu.”

Bỏ cung điện trốn vào núi đi tu nhưng không thành

“Một hôm, vào giữa đêm Ngài vượt thành trốn đi, định vào núi Yên Tử. Đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, trong người quá mỏi nhọc, vua bèn vào nằm nghỉ trong Tháp. Vị tăng trong chùa thấy dáng mạo Ngài khác thường, ông làm cơm thết đãi. Hôm ấy, Thái Hậu đem trình bày hết cho Thánh Tông nghe, vua liền sai quần thần đi tìm khắp nơi, bất đắc dĩ Ngài phải trở về.”

Thần Phật triển hiện, nhắc người mau tu hành:

“Tới khi lên ngôi, dù ở trong cảnh vinh hoa tột bực, nhưng Ngài vẫn tự giữ mình thanh tịnh. Có lần Ngài ngủ trưa trong chùa Tư Phúc ở đại nội, chợt mùng thấy từ nơi rốn mọc lên hoa sen vàng, lớn như bánh xe, trên hoa có đức Phật vàng, một người đứng bên cạnh chỉ Ngài, nói: Biết đức Phật này chăng? Đức Phật Biến Chiếu đấy! Ngay đó, Ngài liền giật mình tỉnh dậy, đem điềm mùng trình lên vua cha. Thánh Tông rất mừng cho là việc khác thường.

Do đó, Ngài thường ăn chay lạt, thân thể ốm gầy, Thánh Tông thấy lạ bèn hỏi.

Ngài thưa thật nguyên do với vua cha. Thánh Tông khóc, bảo: Ta nay già rồi, trông cậy một mình con, nếu con làm như thế thì sự nghiệp của Tổ tông sẽ ra sao? Ngài nghe vua cha nói vậy cũng rơi nước mắt.”
(Thánh đăng ngữ lục)


Lời bàn:

Đáng quý thay đức Nhân Tông vì đã chuyển sinh vào nước Việt ta mà vẫn tu thành Đạo. Dù cho bận rộn việc nước nhà, lại còn 2 lần chống đánh ngoại xâm, nhưng người đều hoàn tất và vững bước đi trên con đường chân tu đã ước định từ tiền kiếp. Xưa có câu nói “Thân người khó được, bây giờ không tu thì đến khi nào tu?”. Vì khi chuyển sinh xuống trần, người ta dễ bị mê mờ mà quên đi bản lai diện mục của mình. Những bậc chăn dân nghìn đời sau còn không nhìn vào đây thì trông vào gương nào để tự soi mình nữa?

Minh Bảo / Theo: ntdvn

No comments: