Khi vua chúa thích ăn cau trầu
Ăn cau trầu không chỉ là một cái thú của người dân nơi thôn dã, thú ấy còn len lỏi vào tận nơi cung cấm. Vua quan triều Nguyễn, các ông hoàng bà chúa, các phi tần, thái giám trong hoàng cung Huế… đều ăn cau trầu. Bằng chứng là trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, sưu tập bình vôi thâu thập từ trong các cung điện trong Đại Nội có gần trăm chiếc, với đủ dáng kiểu, kích thước và chất liệu.
Phần lớn các bà hoàng thái hậu, hoàng quý phi của các vua triều Nguyễn đều có gốc gác từ miền Nam, vì thế, hàng năm triều đình thường bắt các địa phương trong Nam cung tiến các loại thổ sản của miền Nam về triều đình Huế để các hậu phi dùng như: mật ong, cá mắm, các loại trái cây và cau trầu. Cho dù, xứ Huế có làng Nam Phổ là làng trồng cau nổi tiếng đất kinh kỳ, có Chợ Dinh là nơi bán lá trầu trứ danh, đã đi vào câu hát ru mà người Huế nào cũng thuộc:
“Ru em em thét cho muồi.
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu.
Mua cau Nam Phổ, mua trầu Chợ Dinh”.
Trên Cửu đỉnh, bộ “địa chí” bằng đồng và là bảo vật vô giá của nước Nam được vua Minh Mạng cho đúc trong hai năm 1835 – 1837, cũng có chạm khắc hình trầu cau. Cây cau, chữ Hán viết là tân lang (檳 榔), được khắc trên Anh đỉnh; còn lá trầu, chữ Hán viết là phù lưu (芙 留), được khắc trên Dụ đỉnh. Đây thực sự là một “vinh dự” của trầu cau, bởi lẽ trên toàn bộ Cửu đỉnh chỉ có 54 loài thảo mộc được lựa chọn để chạm khắc nhằm “lưu danh muôn đời”. Người xưa có câu “Tân lang phù lưu khả dĩ vong ưu” (Cau trầu có thể làm vợi ưu phiền). Phải chăng vì điều này mà trầu cau được lựa chọn hay vì thói mê ăn trầu của vua chúa triều Nguyễn?
Vì mê ăn cau trầu, cho nên các vua triều Nguyễn đã dày công sắm sửa cho mình những bộ đồ ăn trầu trứ danh, nay vẫn còn lưu dấu nơi bảo tàng của Huế đô. Đó là những chiếc bình vôi bằng sành sứ được ký kiểu tận bên Anh hay bên Trung Quốc; là những chiếc hộp trầu bằng pháp lam rực rỡ màu sắc; là những bộ đồ ăn trầu bằng bạc được chạm trổ tỉ mỉ, công phu và cả những chiếc đãy đựng trầu thuốc bằng lụa với những đường thêu tinh tế… Những vật dụng ấy đã cho thấy, với vua chúa triều Nguyễn, thì “nghề ăn (cau trầu) cũng lắm công phu”.
Từ những chiếc bình vôi, hộp trầu ký kiểu
Không thỏa mãn với những chiếc bình vôi “nội hóa”, chủ yếu làm bằng đất nung và gốm tráng men, vua Minh Mạng đã cho đặt làm những chiếc bình vôi tại xưởng Copeland & Garrett thuộc Công ty Spode ở Liverpool (Anh), cùng với những món đồ sứ khác, mà sau này khi mang về nước, vua Minh Mạng thường cho vẽ thêm hoa văn và đề thêm dòng lạc khoản: “Minh Mạng… niên tăng họa” (Vẽ thêm họa tiết vào năm Minh Mạng thứ…). Theo lời bà Pam Wooliscroft, hiện là quản thủ Bảo tàng Công ty Spode, thì xưởng Copeland & Garrett chưa bao giờ chế tạo một vật gì có hình dáng tương tự như thế. Điều này chứng minh rằng những chiếc bình vôi do vua Minh Mạng đặt làm này là những món hàng ký kiểu và sau khi làm xong thì chúng đã được mang khỏi Copeland & Garrett nên Bảo tàng Công ty Spode không còn lưu giữ bình vôi nào.
Bình vôi, đồ sứ ký kiểu tại lò Copeland & Garrett (Anh Quốc), đời Minh Mạng.
Tuy nhiên, những chiếc bình vôi do lò này làm theo đặt hàng của triều Nguyễn hiện còn lưu lại tại Huế và tại một số sưu tập tư nhân ở trong và ngoài Việt Nam. Dưới đáy của những cổ vật này đều có hiệu đề ghi chữ New Blanche ở giữa, cùng dòng chữ Copeland & Garrett viết theo hình tròn và hình vương miện ở bên trên. New Blanche là một loại sành xốp do xưởng Copeland & Garrett sản xuất vào khoảng năm 1838 trở đi và kiểu ghi hiệu đề như trên được xưởng này sử dụng trong những năm 1838 – 1847. Kiểu dáng của các bình vôi này tương tự những bình vôi dùng tại Việt Nam dưới triều Nguyễn: thân hình cầu, trên đỉnh đắp nổi hình tròn dẹp, có núm nhỏ, qua hình cung, ở hai đầu quai có đắp nổi hình ngọn lửa. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện đang lưu giữ một chiếc bình vôi thuộc nhóm này. Đó là chiếc bình vôi trang trí đồ án hoa điểu bằng men nhiều màu. Mặt trước vẽ một con chim trĩ và bông hoa, mặt kia vẽ một con chim công. Ngoài ra, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và nhà sưu tập Trần Đình Sơn ở Sài Gòn cũng đang lưu giữ hai chiếc bình vôi tương tự, đều do xưởng Copeland & Garrett sản xuất theo đơn đặt hàng của vua Minh Mạng.
Theo nhà nghiên cứu Philippe Truong (Pháp), thì căn cứ vào kiểu thức hoa văn và hiệu đề trên những bình vôi này, cho thấy đó là sản phẩm do xưởng Copeland & Garrett sản xuất vào giữa các năm 1839 và 1847. Trong thời gian ấy chỉ có một sứ bộ duy nhất sang Luân Đôn để ký kiểu đồ sứ. Đó là sứ bộ do Tôn Thất Thuyền và Trần Việt Xương làm chánh sứ và phó sứ, sang Anh và Pháp vào năm 1839 để đàm phán một số vấn đề về ngoại giao. Chuyến đi này không đạt kết quả như mong muốn. Và những chiếc bình vôi này sau khi làm xong phải đi lòng vòng từ Anh sang Ấn Độ và đến năm 1844 mới được Toàn quyền Ấn Độ chuyển về Huế cho vua Thiệu Trị.
Ngoài những chiếc món đồ sứ ký kiểu ở Anh, các vua nhà Nguyễn, từ triều Gia Long đến triều Khải Định còn ký kiểu đồ sứ ở Cảnh Đức Trấn và Quảng Đông (Trung Quốc), trong số đó có rất nhiều bình vôi, hộp đựng trầu, ống nhổ… để đưa về Huế phục vụ cho thú ăn cau trầu của vua chúa nhà Nguyễn.
Ống nhổ, đồ sứ ký kiểu tại Trung Hoa, đời Tự Đức.
Ngoài ra, trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và trong nhiều sưu tập tư nhân còn lưu giữ những chiếc hộp đựng cau trầu làm bằng pháp lam, được chế tác rất tinh xảo. Đây là những món pháp lam ký kiểu, tuy mang hiệu đề Minh Mạng niên tạo (明 命 年 造) hay Thiệu Trị niên tạo (紹 治 年 造) nhưng được triều đình Huế đặt làm tại các lò pháp lam danh tiếng ở Quảng Đông.
Hộp đựng cau trầu, pháp lam ký kiểu, đời Thiệu Trị.
Một trong những minh chứng cho sự dụng công vì thú ăn cau trầu của vua chúa triều Nguyễn là bộ đồ ăn cau trầu bằng bạc, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Bộ “đồ nghề” này gồm 6 món: cối và chìa xoáy cau trầu, bình vôi, hộp đựng vôi (dùng khi đi xa), hộp đựng cau trầu (đã têm), hộp đựng thuốc sợi (để ăn ghém với cau trầu) và ống nhổ (bã và nước trầu). Ngoài trừ chiếc cối xoáy trầu có lớp bọc bên ngoài bằng ngà voi và chiếc chìa xoáy trầu có chuôi làm bằng đá quý, tất cả các món còn lại đều làm bằng bạc nguyên chất. Đây không chỉ là những vật dụng thông thường mà còn là những tác phẩm mỹ thuật giá trị, với tạo dáng tinh tế, thanh lịch; hoa văn trang trí tinh xảo, cầu kỳ.
Ống nhổ bằng bạc, đời Khải Định.
Sổ sách lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho biết niên đại của bộ đồ ăn cau trầu này là vào đời Khải Định (1916 – 1925), là lúc thú ăn cau trầu vẫn còn phổ biến. Với kích thước nhỏ gọn, vật nhỏ nhất là chiếc cối xoáy cau trầu (cao: 2,5 cm, đường kính: 2,5cm, trọng lượng: 100g), vật lớn nhất là bình vôi (cao: 15cm; đường kính: 14 cm; trọng lượng: 350g), bộ đồ trầu này rất tiện dụng khi thù tiếp khách khứa trong cung, cũng như rất thuận lợi để mang theo người khi đi xa. Lúc đó, chiếc bình vôi sẽ để ở nhà, nhường chỗ cho chiếc hộp đựng vôi hình trụ be bé, xinh xinh. Vì là bằng bạc, lại được tạo tác công phu, nên bộ đồ ăn cau trầu này còn là một vật trang trí quý phái trong cung điện, mỗi khi chủ nhân chưa dùng đến. Có thể nói với bộ đồ vật dụng này, thú ăn cau trầu đã được vua chúa nhà Nguyễn “cung đình hóa” một cách tinh tế, ý vị.
Ngày nay, tục ăn cau trầu của người Việt đang dần mai một do sự biến đổi trong đời sống và sinh hoạt của người Việt đương đại. E rằng, sẽ có ngày giới trẻ Việt Nam, khi nhìn thấy chiếc bình vôi và những vật dụng để ăn cau trầu ở trong viện bảo tàng, sẽ hỏi: “Cái này để làm gì? Tôi chưa bao giờ thấy cái gì tương tự như thế” như lời bà Pam Wooliscroft, quản thủ Bảo tàng Công ty Spod ở Anh. Lúc ấy, hẳn người thuyết minh trong viện bảo tàng sẽ ngậm ngùi nói rằng: Đó và những hiện vật lưu giữ một tập tục văn hóa, thú vui ẩm thực và phương thức giao tiếp của dân tộc Việt Nam, tuy bắt nguồn từ dân gian nhưng đã được các vua chúa nhà Nguyễn làm cho sang trọng, quý phái: thú ăn cau trầu.
Trần Đức Anh Sơn