Thursday, March 10, 2022

LEO NÚI

Cho 2 đệ tử leo lên vách đá dựng đứng, sư thầy chọn được người kế nhiệm sau khi chứng kiến 1 người quay đầu

Điều bất ngờ là, người chọn quay đầu chính là người chiến thắng.

Khi đối mặt với một tình huống khó khăn, chúng ta không nên cứ lao về phía trước một cách mù quáng, bởi nếu không tìm được phương hướng giải quyết thỏa đáng thì tất cả những điều chúng ta làm chỉ là vô ích.

Nhưng khi đối mặt với những ham muốn, khát vọng, ta thường khó có thể nhìn thấu sự việc, bởi vì đôi mắt của chúng ta luôn chỉ chăm chăm vào những gì chúng ta mong muốn, vậy nên thật khó để có thể cúi xuống và nhìn một cách thông suốt.

Tổ chức leo núi để chọn người

Trong Thiền tông có một câu chuyện như sau:

Có một vị cao tăng trụ trì một ngôi chùa lớn, vì tuổi tác đã cao nên đang suy tính tìm người kế vị. Một ngày nọ, ông gọi hai người đệ tử mà ông tâm đắc nhất đến trước mặt, một người tên Tuệ Minh và người kia tên Trần Nguyên. Vị cao tăng nói với họ: "Ai trong số hai người có thể tự dựa vào sức mình trèo lên trên từ vách đá phía sau chùa, người đó sẽ là người kế vị của ta."

Tuệ Minh và Trần Nguyên cùng nhau đi đến dưới vách đá, đó thực sự là một vách đá cao, dựng đứng khiến người khiếp sợ.

Tuệ Minh vô cùng tự tin về thân thể cường tráng của mình, vị hòa thượng này bắt đầu leo lên nhưng leo được một lúc thì bị trượt xuống. Tuệ Minh vẫn kiên trì, đứng dậy và bắt đầu lại từ đầu.


Tuy lần này đã rất thận trọng nhưng kết quả vẫn như cũ. Sau một lúc nghỉ ngơi, Tuệ Minh lại bắt đầu leo, mặc dù mũi và mặt vị hòa thượng đã sưng cả lên vì ngã nhưng người này nhất quyết không bỏ cuộc ...

Điều đáng tiếc là Tuệ Minh liên tục leo lên và rồi lại bị ngã, lần cuối cùng vị hòa thượng cố gắng hết sức leo lên lưng chừng núi, nhưng vì kiệt sức mà lại không có chỗ nghỉ ngơi nên đã ngã vào một tảng đá lớn rồi ngất xỉu ngay tại chỗ. Vị cao tăng đã phải cho vài nhà sư dùng dây thừng giải cứu trở về.

Sau đó đến lượt Trần Nguyên, lúc đầu cũng giống như Tuệ Minh, dù đã cố gắng hết sức để leo lên đỉnh của vách đá, nhưng cứ leo là ngã. Trần Nguyên nắm chặt dây thừng và đứng trên một tảng đá, định thử lại lần nữa, nhưng khi vị hòa thượng này vô tình liếc nhìn xuống bên dưới, ngay lập tức ông ta liền thu sợi dây thừng vốn dùng để leo lên vách đá lại, sau đó kéo thẳng vạt áo, vỗ nhẹ bụi đất trên người và quay đầu bước xuống núi.

Các nhà sư đang xem thấy rất khó hiểu, chẳng lẽ Trần Nguyên lại bỏ cuộc dễ dàng như vậy sao? Mọi người đều bàn luận về điều này. Chỉ có vị cao tăng nọ lẳng lặng theo dõi hướng đi của Trần Nguyên.

Trần Nguyên đi đến chân núi, men theo một con suối nhỏ mà đi, xuyên qua rừng cây, băng qua thung lũng ... Cuối cùng, ông cũng đến được đỉnh của vách đá mà không tốn nhiều công sức.

Khi Trần Nguyên đứng trước mặt nhà sư một lần nữa, mọi người đều nghĩ rằng nhà sư sẽ mắng ông ta là kẻ tham sống sợ chết, nhút nhát và nhu nhược, thậm chí còn đuổi ông ta ra khỏi chùa. Nhưng thật bất ngờ, vị cao tăng mỉm cười và tuyên bố rằng Trần Nguyên đã được chọn làm trụ trì mới.


Các nhà sư nhìn nhau mơ hồ, không hiểu tại sao.

Trần Nguyên giải thích cho các hòa thượng: "Dựa vào sức người thì không thể trèo lên vách đá phía sau chùa. Nhưng chỉ cần nhìn xuống sườn núi thì có thể thấy là có một con đường lên núi. Sư phụ thường nói với chúng ta rằng người thông minh thì dựa theo hoàn cảnh mà thay đổi, người khôn ngoan dựa theo trực giác mà đi, đó là dạy chúng ta biết tùy cơ ứng biến. "

Vị hòa thượng hài lòng gật đầu nói: "Nếu bị danh lợi cám dỗ thì trước mắt chỉ có vách núi dốc đứng. "Trời không dựng ngục, là trong lòng người ta tự xây ngục." Những người bị giam hãm trong cái danh lợi thì chỉ vùng vẫy trong vô vọng, kết quả là, nhẹ thì đau buồn khổ sở, nặng thì tổn hại đến thân thể, nghiêm trọng thậm chí còn tan xương nát thịt."

Sau đó, vị cao tăng trao y bát và tích trượng cho Trần Nguyên, đồng thời dặn dò: "Ta cho các con leo lên vách đá là để kiểm tra tâm ý của hai con. Nếu con không bị danh lợi cám dỗ, tâm không tạp niệm, làm việc thuận theo ý trời thì chính là người ta chọn."

Lời bình

Trên thế gian này, có những người cuồng dại bị ám ảnh bởi mục tiêu và dục vọng của bản thân, nhưng giống như Tuệ Minh trong truyện, họ không thể đến được nơi mà trong thâm tâm họ mong muốn, họ chỉ ngã xuống, mặt mũi sưng vù và cuối cùng chẳng đạt được điều gì.


Khi đứng trước cái mình muốn, cái mà ta thiếu chính là sự ung dung và bình tĩnh nhìn xuống. Nhìn xuống không có nghĩa là chúng ta không vững vàng và chấp nhận bỏ cuộc, mà nhìn xuống là để quan sát và từ đó có thể giúp bản thân chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn và nhiều con đường để giải quyết vấn đề hơn.

Theo: Pháp Luật & Bạn Đọc

No comments: