Wednesday, March 30, 2022

NÓI CHUYỆN XUẤT TỪ THIÊN TÍNH, IM LẶNG XUẤT TỪ TRÍ TUỆ

Trong xã hội hiện đại náo nhiệt ngày nay, chúng ta có quá nhiều lúc phát ra tiếng ồn ào mà quên mất sức mạnh của “im lặng”. Nói quá nhiều mà mất đi sự trầm tĩnh.


Chúng ta thường nghe nói nhiều đến câu: “Im lặng là vàng!” Nhưng nguồn gốc của câu nói này như thế nào thì không nhiều người biết rõ.

(Hình minh họa: Qua senior-solutions.com)

Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử viết: “Ngôn quả vưu, hành quả hối, lộc tại kì trung hĩ “, ý nói rằng, nói năng ít sai trái, làm những việc ít phải hối hận thì bổng lộc tự nhiên nằm trong đó rồi. “Trầm mặc thị kim” (im lặng là vàng) kỳ thực xuất phát từ lời nói của Khổng Tử.

Trong xã hội hiện đại náo nhiệt ngày nay, chúng ta có quá nhiều lúc phát ra tiếng ồn ào mà quên mất sức mạnh của “im lặng”. Nói quá nhiều mà mất đi sự trầm tĩnh.

Cổ nhân có câu, khi một người “thao thao bất tuyệt” thì suy nghĩ của người ấy đã bị chính cái miệng nhiều lời mưu sát một nửa rồi. Bảo trì sự im lặng, trầm tĩnh rất nhiều khi là sách lược, là cách xử sự thông minh nhất trong đối nhân xử thế và giải quyết sự việc.

Nói chuyện xuất từ thiên tính, im lặng xuất từ trí tuệ

Trầm tĩnh, im lặng không có nghĩa là không nói bất cứ điều gì cả mà là chỉ nên nói những lời hữu dụng và lời nên nói. Lời nói không có nội dung thì sẽ chỉ là thanh âm không có tư tưởng, suy nghĩ phát ra mà thôi. Khi chúng ta nói chuyện “thao thao bất tuyệt” mà người nghe không nói lời nào, chỉ gật đầu cho qua thì chính là lúc chúng ta cần dừng lại.

Im lặng rất nhiều khi có sức mạnh vô cùng lớn, sức mạnh ấy giống như có thể tụ hợp được hết thảy màu sắc của ánh sáng vậy. Từ xưa đến nay, rất ít người bởi vì trầm tĩnh mà phải hối hận nhưng lại có rất nhiều người bởi vì nói nhiều mà hối hận không bù đắp nổi. Đó là bởi vì “lời ác” chưa nói ra thì sẽ chưa gây hại, chưa có tính sát thương. Trầm tĩnh, trầm lặng vĩnh viễn không bán đứng mà thậm chí còn bảo hộ sự an toàn cho người có tố chất này.

Trong cuộc sống, những người chân thành thì thường ít nói, những người “mưu sâu kế hiểm” cũng ít nói. Nhưng thà rằng vì ít lời mà bị người khác chê trách còn hơn bị chê trách vì nhiều lời. Trượt chân còn có thể đứng dậy đi tiếp, lời nói lỡ thì khó vãn hồi. Nói lời không phù hợp, không nên thì không bằng im lặng, im lặng là thượng sách.

Tiểu nhân nói hỗn tạp mà trống rỗng, người quân tử nói ngắn gọn mà chân thật

(Hình minh họa: Qua read01)

Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú là vị Hoàng đế sáng lập nhà Đông Hán. Ông từng có lần nếm mùi thất bại. Trong một lần tuần tra vào ban đêm, ông muốn đến xem một chút trạng thái của binh lính sau cuộc bại trận như thế nào. Ông thấy trong một chiếc lều có một vài người đang khóc sướt mướt, thê thảm.

Lại đến chiếc lều bên cạnh, đi đến trước màn trướng, ông nhìn vào bên trong thì thấy một tướng quân trẻ tuổi đang cầm mảnh vải lau chùi vũ khí và mũ giáp sắt của mình. Điều khiến Lưu Tú ngạc nhiên hơn là vẻ mặt của tướng quân này không hề đau thương, cũng không uể oải chán nản, càng không bực tức phẫn nộ. Nhưng người này cũng không vui vẻ gì mà chỉ trầm mặc, không nói gì. Anh ta không ngừng lau chùi binh khí đang cầm trong tay, giống như đang chuẩn bị tư thế lập tức có thể đứng dậy chiến đấu tiếp.

Lưu Tú bất giác thấy kinh động, thầm nghĩ người này nhất định về sau nhất định sẽ làm được việc lớn. Vị tướng quân trẻ tuổi ấy chính là đại tướng quân Ngô Hán nhà Đông Hán sau này.

Trí giả nghĩ trước nói sau, kẻ vô minh nói trước nghĩ sau

(Hình minh họa: Qua animaliamiciviterbo.it)

Đối với một sự việc, người mà có thể hiểu rõ nhất, biết nhiều nhất thông thường không phải người nói “thao thao bất tuyệt” mà là người không dễ để lộ tiếng nói và nét mặt. Bậc trí giả xưa nay thường không muốn để lộ tài năng của mình, họ hiểu nhiều mà nói ít. Họ suy nghĩ kỹ lưỡng rồi mới nói. Đó cũng là đức tính khiêm cung, không phô trương bản thân mình.

Rất nhiều lúc, trầm lặng là cảnh giới cao nhất của nói chuyện. Người diễn thuyết không đủ chiều sâu thường sẽ bù đắp bằng chiều dài. Người bình thường luôn mải nói ra điều mình biết, nhưng người trí tuệ lại luôn mải lắng nghe người khác nói. Bởi vậy, người có trí tuệ cao nhất cũng chính là người biết lắng nghe nhiều nhất, nói nhiều không bằng biết nhiều. Cổ nhân có câu, việc chưa tới không nên nói nhiều, việc tới rồi không cần động thanh sắc, việc đã xong không cần khoa trương tài năng.

Bảo trì sự trầm tĩnh, trầm mặc là sách lược của người thông minh. Một người sẽ dễ dàng bị nhiều lời nói của người khác làm tổn thương hơn là bị sự im lặng của một người làm tổn thương. Người xưa luôn dạy rằng, trí tuệ từ nghe mà có được, hối hận từ lời nói mà sinh ra. Cho nên, cũng có câu: “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng phi chân nhân” . Người chân chính có trí tuệ lấy phòng thủ để tấn công, lấy lặng lẽ để lên tiếng.

An Hòa (dịch và t/h)

No comments: