"Bát nguyệt thập bát triều
Tráng quan thiên hạ vô"
八月十八潮壯觀天下無
(cơn thủy triều ngày 18 tháng Tám, hùng vĩ không đâu bằng).
Mười mấy thế kỷ trước, thi hào Tô Đông Pha (thời Tống) đã làm những câu thơ ấy để ngợi ca thủy triều trên sông Tiền Đường, con sông lớn nhất của tỉnh Triết Giang, dài 605 km, bắt nguồn từ tỉnh An Huy, chảy qua huyện Tiền Đường và đổ vào vịnh Hàng Châu, Trung Quốc.
Được bao quanh bởi những trung tâm kinh tế thương mại lớn và phát triển vô cùng năng động như Thượng Hải, Ninh Ba, hiện tượng thủy triều dâng tràn lạ lùng và cực kỳ dũng mãnh của sông Tiền Đường đã nổi tiếng toàn thế giới và thu hút được rất đông du khách về mảnh đất này. Bởi lẽ, trên thế giới nhiều nơi có loại triều cường này, chẳng hạn ở cửa sông Amazon (Brazil, Nam Mỹ) hay cửa sông Hằng (Ấn Độ), nhưng không đâu mạnh được như tại sông Tiền Đường.
Được bao quanh bởi những trung tâm kinh tế thương mại lớn và phát triển vô cùng năng động như Thượng Hải, Ninh Ba, hiện tượng thủy triều dâng tràn lạ lùng và cực kỳ dũng mãnh của sông Tiền Đường đã nổi tiếng toàn thế giới và thu hút được rất đông du khách về mảnh đất này. Bởi lẽ, trên thế giới nhiều nơi có loại triều cường này, chẳng hạn ở cửa sông Amazon (Brazil, Nam Mỹ) hay cửa sông Hằng (Ấn Độ), nhưng không đâu mạnh được như tại sông Tiền Đường.
Thủy triều sông Tiền Đường hùng vĩ khác thường do hình thể địa lý và điều kiện thủy văn đặc biệt ở cửa sông gây nên. Lực ly tâm xuất hiện khi trái đất quay, cộng với hình dạng nút thắt cổ chai của vịnh Hàng Châu - càng gần biển càng rộng, chỗ rộng nhất tới 100 km và hẹp nhất chỉ vỏn vẹn 3 km -, khiến thủy triều dễ tràn lên nhưng lại rất khó rút. Hàng tháng, có hai lần vào đầu và giữa tháng, trong vòng dăm ngày, thủy triều lên mạnh ở sông và đặc biệt, vào hai tháng Bảy và Tám Âm lịch hàng năm, sông Tiền Đường lại chảy xiết cuồn cuộn như thác đổ trong mùa lũ.
Không ở đâu trên thế giới, họa chăng chỉ ở sông Amazone mới có cảnh thủy triều dâng cao và bay vút lên như ở sông Tiền Đường. Hằng năm, hàng triệu người Hoa và du khách đã tụ tập về đây để chiêm ngưỡng hiện tượng ngoạn mục độc nhất vô nhị này vào ngày 18-8 Âm lịch: theo dân gian, ngày này là sinh nhật của Long Vương, vị thần gây ra hiện tượng thủy triều, nên đâu đâu cũng tổ chức cúng bái cầu xin sự bình an. Triều cường khi ấy có thể tạo nên những cột nước cao hàng chục mét, được sách vở mô tả là có tiếng ồn giống như sấm sét hay như có hàng nghìn con ngựa đang tung vó.
Được biết, truyền thống tổ chức những lễ hội chiêm ngưỡng cảnh thủy triều lên bên sông Tiền Đường đã có từ hơn 20 thế kỷ trước, và rất phổ biến từ đời Đường.
Tuy nhiên, người Việt Nam đa phần có lẽ không biết đến Tiền Đường vì triều cường hùng vĩ ở đó. Tiền Đường, lẽ ra, cùng lắm chỉ là một trong vô vàn con sông lớn của Trung Hoa, như Dương Tử, Hoàng Hà, Hắc Long Giang..., nếu vài trăm năm trước, nó không được thi hào Nguyễn Du đưa vào kiệt tác "Truyện Kiều" như một con sông của sự ám ảnh, của ký ức.
Cái tên Tiền Đường chỉ xuất hiện trong "Truyện Kiều" vỏn vẹn 6 lần, trong báo mộng của Đạm Tiên, trong sự cứu vớt Kiều của Tam Hợp đạo cô và Giác Duyên, trong lời kể của người Hàng Châu... Nàng Kiều nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của viên quan Hồ Tôn Hiến khuyên Từ Hải ra hàng, Từ Hải bị giết, Kiều bị Hồ Tôn Hiến làm nhục rồi ép gả cho một tên thổ quan. Trên sông Tiền Đường, Kiều nhớ lời báo mộng thuở nào của Đạm Tiên: "Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau", bèn gieo mình xuống sông Tiền Đường tự tử: "Triều đâu nổi tiếng đùng đùng/ Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường/ ... / Trông vời con nước mênh mông/ Đem mình gieo xuống giữa dòng Trường Giang".
Như thế, trong "Truyện Kiều", Tiền Đường là con sông định mệnh của người con gái hồng nhan bạc phận. Từng đi sứ Trung Hoa, qua rất nhiều con sông nổi tiếng, sông nước cũng là hình ảnh thường xuyên hiện diện trong thi ca của Nguyễn Du, nhưng phải chăng, thi hào đã chọn dòng Tiền Đường cuộn sống và giận giữ mỗi lần thủy triều lên để cảm thay cho phận bạc của nàng Kiều, cuồng nộ thay cho nỗi đau nhân thế?
Phải chăng, cũng vì thế, mà cho dù chưa một lần đặt chân đến Tiền Đường, trong tâm thức của rất nhiều người Việt, dòng sông định mệnh và ám ảnh này không hề xa lạ, không hề là một con sông của ngoại quốc, mà đã trở thành con sông của lòng mình? Bởi lẽ, Tiền Đường đã mang và ấp ủ trong lòng thân xác của Kiều, một người con gái Việt, cho dù mang gốc Hoa.
Du khách tham dự các đoàn tour qua tỉnh Hàng Châu, Trung Quốc, có thể ngắm Tiền Đường ở khoảng cách gần nhất, từ ngọn tháp Lục Hòa 13 tầng, cao hơn 60 mét, đã có hơn một ngàn năm tuổi ở bờ phía Bắc của con sông. Lục Hòa, theo tư tưởng thâm trầm của Phật Giáo, là sáu phép cư xử cho hòa hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến hành động, tượng trưng bởi 6 hướng là Thiên, Địa, Bắc, Nam, Đông và Tây; đồng thời, Lục Hòa cũng là tên cậu bé được tạc tượng bên cạnh tòa Lục Hòa Tháp: tương truyền cậu đã buộc Long Vương phải ngưng dậy sóng - gây thiệt hại cho nhà cửa, mùa màng và tính mệnh con người - trên sông Tiền Đường.
Ở sân trước của ngọn tháp, qua những tán lá cổ thụ lòa xòa, du khách có thể chiêm ngưỡng cây cầu bắc qua sông Tiền Đường dài gần 1 cây số rưỡi, là cây cầu đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và xây dựng trong vòng hơn 3 năm, và cũng là cây cầu 2 tầng đầu tiên của quốc gia này. Giữa thập niên 30 thế kỷ trước, bất chấp lời "can gián" của các chuyên gia ngoại quốc là không thể xây một chiếc cầu qua con sông có thủy triều mạnh mẽ như thế, ở vị trí ấy, một kỹ sư Trung Quốc đã mạnh dạn thiết kế cầu và đã thành công, phải chăng cũng theo phép Lục Hòa của Trung Hoa truyền thống.
Nhìn con sông Tiền Đường lững lờ và hiền hòa trôi dưới cây cầu vào những ngày giữa Thu, mấy ai nghĩ rằng, nó có thể thịnh nộ và cuồng phong thế nào khi triều cường xuất hiện? "Tiền Đường thả một bè lau cứu người", với thi hào Nguyễn Du, chỉ một bè lau thanh mảnh và nhỏ nhoi cũng đủ cứu một mạng người trong cơn cường triều - phải chăng, đây cũng là một nhân sinh thâm trầm, đã hòa nhập vào dòng sông Tiền Đường lung linh huyền bí, để nó trở thành một phần của tâm thức Việt?
Trần Lê / Theo: nhipcauthe gioi