Monday, September 17, 2018

KHÓI THUỐC NĂM XƯA

Truyền thuyết của người da đỏ Huron ở Bắc Mỹ ngày xưa kể rằng: Khi mặt đất này trống trải hoang vu và mọi người đều đói khát thì Thần linh đã gởi một phụ nữ bay xuống trần gian để cứu loài người. Khi bà ấy lượn quanh quả đất, nơi nào tay phải của bà chạm đất, nơi ấy mọc lên khoai tây, nơi tay trái bà ấy chạm đất, thì bắp mọc lên. Khi cả trái đất xanh tươi, sum sê và màu mỡ, bà ngồi xuống nghỉ ngơi, và nơi bà ấy ngồi mọc lên cây thuốc lá. 

 
Theo các nhà khảo cổ thì thuốc lá có từ 6,000 năm trước CN ở Châu Mỹ. Chúng có cùng họ với cây khoai tây, cây ớt, cây cà...Vào đầu thế kỷ 1 trước CN thì thổ dân châu Mỹ đã biết dùng thuốc lá như là thuốc men chửa trị cầm máu vết thương, làm thuốc giảm đau...Hút khói thuốc lá trong các lễ hội tế thần, nhờ khói thuốc giao cảm với đất trời và bày tỏ tình thân hiếu hòa với các bộ lạc. Một chậu đất nung trước thế kỷ 11 của người Maya cổ xưa đã có chạm hình một điếu thuốc lá vấn bằng sợi dây. Khi Kha Luân Bố dong buồm lạc đến Châu Mỹ mà ngỡ rằng đã đến Ấn độ năm 1492, thì những người thổ dân đã mời những điếu thuốc lá khô với người da trắng đầu tiên. Robert Pane người tháp tùng Kha Luân Bố đã ghi chép lại những dòng đầu tiên về cây thuốc lá và người bản xứ.
 
Quảng cáo thuốc lá Kool – nguồn pinterestcom

Nhanh chóng sau đó, thuốc lá theo những người thủy thủ trở về Châu Âu, thuốc lá được quý như vàng, là món hàng "thời thượng" ngày càng phổ biến. Đến năm 1607, khi những người Anh tiên phương đến nước Mỹ, lập nên thuộc địa đầu tiên Jametown ở Virginia, thì thuốc lá là cây trồng đầu tiên mà hạt giống nhập lậu từ Tây Ban Nha, đã giúp những người di dân mới đến vùng đất hoang hóa này có được thu nhập và tồn tại sau này. Chính những dải đất ven sông pha cát màu mở đã nhanh chóng phủ đầy màu xanh cây thuốc lá. Và công lao ấy nhờ John Rolfe, người chồng sau này của nàng công nương thổ dân da đỏ Pocahontas. Cũng nhờ cây thuốc lá chịu đựng được khí hậu và thổ nhưỡng mà vụ mùa đầu tiên đã cứu sống những người định cư. Thuốc lá gieo trồng trên mảnh đất này lại có vị ôn hòa, dịu nhẹ, làm người dân Châu Âu ưa chuộng. Thuốc lá được vận chuyển về Châu Âu và 20 người nô lệ da đen ở Châu Phi đầu tiên được chở tới bán ở Virginia. Đến năm 1619 thì một chuyến tàu chở các người vợ của các người đàn ông đã đến định cư trước đó, giá cước vận chuyển cho mỗi cô vợ được tính bằng 120 lbs thuốc lá. Năm sau nữa thì Anh quốc nhập đến 20 tấn thuốc lá từ Virginia. Lá thuốc lá được xem là "vàng nâu" dùng làm tiền tệ trao đổi hàng hóa, đóng thuế, trả nợ và ngay cả giấy phép hôn nhân. Nhu cầu của thuốc lá càng cao từ Châu Âu đã kích thích nguồn buôn nô lệ da đen chở đến Châu Mỹ. Trồng trọt cây thuốc lá đã dẫn đến gia tăng giá cả đất đai và luật lệ ở các thuộc địa mới. Cùng với kỹ nghệ trồng bông vải sau này, thì chính cây thuốc lá là cội nguồn cho những nỗi khổ triền miên của người nô lệ da đen, dẫn đến hệ lụy các cuộc chiến tranh của người Châu Âu với dân bản xứ da đỏ, của lịch sử nước Mỹ với cuộc nội chiến Bắc Nam kinh hoàng sau này. Cây thuốc lá cũng là nguồn tài trợ giúp những cư dân thuộc địa đầu tiên làm cuộc cách mạng chống lại mẫu quốc Anh để hình thành nên nước Mỹ ngày nay. George Washington vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ cũng là người có nông trại thuốc lá rộng lớn ở Mount Vernon. Thuốc lá trở thành nguồn lợi thu thuế chính 1/3 cho ngân sách nước Mỹ.

Ống nhổ tại văn phòng báo chí Thượng Viện – nguồn Senate Historical Office

Vào thế kỷ 17 thì những người thổ dân và thuộc địa chỉ dùng ống vố, đôi khi hút trong cùi bắp khô hoặc cuốn lại bằng lá như xì-gà. Họ ngậm, nhai lá thuốc như người Việt nhai trầu. Ngậm lá thuốc thì phải nhổ bã và nước bọt, dơ ghê lắm. Một ghi chép của sử gia ngày đó kể lại rằng: 

Những người lính của 2 miền tìm cảm giác an ủi trong những viên lá thuốc vấn và tiếp tục ngậm trong miệng về theo sau cuộc chiến. Trên cánh đồng họ cày bừa và tha hồ nhổ bọt mà không sợ làm phiền ai. Ở trong nhà và nơi hành chánh công cộng họ được nhổ vào những chậu bằng đồng để sẳn góc phòng. Ở nhà thờ những băng ghế cũng có những ống nhổ nhỏ. Khi tổng thống Andrew Johnson kế vị Abraham Lincoln vào Nhà Trắng, trong buổi lễ hòa giải và miễn tội cho gần 20 ngàn sĩ quan Confederate binh lính miền Nam thì sàn nhà các khánh phòng của Nhà Trắng ngập đầy vết bọt nhổ từ thuốc lá ngậm...

Phải đợi đến khi James Bonsack chế ra máy vấn thuốc lá năm 1881 thì kỷ nguyên thuốc điếu, bỏ trong hộp giấy mới bùng nổ và phát triển. Đó là thời kỳ hoàng kim cho các doanh nghiệp sừng sỏ như Philip Morris đã mua lại các hãng nhỏ ở Richmond, Virginia và bắt đầu tạo ra thương hiệu riêng cho mình sau này như Marlboro, Virginia Slims, Benson & Hedges, Merit, Parliament...Công ty R. J. Reynolds thành lập 1875 ở Virginia đã làm ra các nhãn hiệu phổ biến như Lucky Strike, Newport, Camel, Doral, Kent và Pall Mall...Khi thế chiến I và II nổ ra, thuốc lá được cung cấp cho các người lính miễn phí, trong khi ở hậu phương, những người phụ nữ vào làm hãng xưởng, thì điếu thuốc lá đầu tiên khuây khỏa nỗi nhớ mong khi chồng con xa nhà. Chiến tranh làm thúc đẩy kỹ nghệ sản xuất thuốc lá đến 300 tỉ đô vào năm 1944. 75% số thuốc lá sản xuất được dùng trong quân đội. 

Ống nhổ ở Alabama State Capitol, Montgomery
 
Kể từ đó các quảng cáo thuốc lá theo các tờ báo, các bảng billboards, các màn hình nhỏ ảnh hưởng sâu rộng đến khắp nơi. Không riêng gì các chính khách hút thuốc vì căng thẳng việc nước, mà các giai nhân tài tử màn ảnh cũng hút. Một Audrey Hepburn cổ điển hay Angelina Jolie đẹp kiêu sa cũng cần điếu thuốc, một Clint Eastwood cao-bồi lầm lì đến một Leonardo DiCaprio trẻ trung cũng phì phèo khói thuốc. Thuốc lá trở nên một ngôn ngữ trợ giúp cho điện ảnh thể hiện nội tâm nhân vật. Hình ảnh một phụ nữ xinh đẹp gợi cảm dáng hình thon thon luôn nằm trên các bao bì và quảng cáo thuốc lá. 
 
Tác hại to lớn của thuốc lá là điều hiển nhiên và sớm bị ngăn ngừa khi năm 1965 Quốc hội đã áp dụng Dự luật quảng cáo thuốc lá, buộc các sản phẩm phải có dòng chữ "Thuốc lá có hại cho sức khỏe". Hạn chế các quảng cáo khắp nơi. Thế nhưng các nhà sản xuất thuốc lá đã khôn khéo đánh lừa người tiêu thụ bằng các sản phẩm mới được xem là "low tar" chứa ít nhựa nicotin. Gọi là Mild, Light, Ultra Light nhưng thực sự thì không phải thế. Người dùng càng ngày càng nghiện và càng hút nhiều. Dần dà các quảng cáo thuốc lá bị cấm khắp nơi, trên TV, báo chí truyền thông. Cấm hút thuốc ở nơi công sở, nhà hàng, quán ăn và nơi công cộng. Cấm hút thuốc ở máy bay, xe, tàu...Người hút thuốc lá càng ngày được xem như kẻ outlaw, bị công chúng né tránh. Điều hạn chế thuốc lá hiệu quả nhất chính là thuế đánh thật cao lên thuốc lá. Một bao thuốc lá mua lẻ ở New York hiện nay với giá 14 đô hay 21 đô ở Melbourne, Úc Châu hẳn làm chùn tay người nghiện. Các công ty thuốc lá đành tìm thị trường ở các nước Châu Phi, Châu Á.
 

Nhắc đến Châu Á lại nhớ những điếu thuốc rê, thuốc lá vấn như con sâu kèn. Hồi ấy về quê hỏi đường xá. Các cụ già miệng ngậm điếu thuốc cứ vung tay bảo: đi hết chừng điếu thuốc là tới...Điếu thuốc hút được làm đơn vị đo lường thời gian. Khoảng thời gian nghèo đói ảm đạm. Lại nhớ điếu thuốc lá Cẩm Lệ. Ngày ấy mẹ hay nhờ đi mua gói thuốc lá nâu sậm nhỏ như cái bánh nậm, quấn trong miếng lá chuối tươi, kèm theo 1 dung giấy quyến. Ở Ngã giữa phố Phan Bội Châu, nhìn những người thợ mua lá thuốc về từ Cẩm Lệ (Hòa Vang), sau khi ủ họ trải lên sàn nhà, tước thân cây và gân lá nấu keo thành cao đặt sánh rồi rãy lên lá thuốc, lá được quấn lại thành từng bánh nhỏ to bằng ngón chân cái, cuộn thành bánh thuốc dài, sau đó bỏ vào máy xắt nhỏ ra từng sợi thuốc mỏng. Mẹ quấn những điếu sâu kèn, ngồi bên bếp lò than, mùa đông rét mướt nhớ chồng lao cải trên núi xa. Tôi thì rít lấy những điếu thuốc mang mộng ảo khói sương của thuở biết yêu người. Cha trở về quê nhà mang theo ống điếu thuốc Lào. Cả nhà mịt mù khói thuốc. Thuốc lá làm cho mùa đông bớt giá buốt, cho bụng bớt đói, đầu óc bớt lo âu về tương lai vô định. Những quầy bán thuốc lá nhỏ mọc lên khắp phố, bán lẻ từng điếu thuốc. Đằng sau quầy là những cô gái có khi bán cả thân xác về đêm. Bên cạnh là những quầy bơm hộp quẹt gaz của những người thất nghiệp, trắng tay sau cuộc bể dâu. Cuộc đời tự dưng có những cái nghề chưa nơi nào trên thế giới có được.
 

Thế rồi rồi ai cũng bỏ thuốc. Chàng cao-bồi trên màn bạc chỉ ngậm cọng cỏ, gã gangster gồ ghề chỉ ngậm cây tăm xỉa răng, nàng con gái thất tình chỉ ngậm ngọn tóc, nhà thơ chỉ ngậm cây bút chì khi suy tưởng. Những vần thơ không còn nỗi "nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây". Khúc hát Smoke Gets In Your Eyes: When your heart's on fire. You must realize. Smoke Gets In Your Eyes. Khi trái tim cháy ngọn lửa tình, biết là khói thuốc cay trong mắt. Thì sẽ được hát mà chẳng có khói thuốc nào trên môi, trên mắt. Chẳng có khói thuốc nào cho những cuộc tình của thế kỷ này. Dù khi nước mắt rơi người ta vẫn đổ thừa cho khói thuốc. Cũng như khi hoài niệm về những điếu thuốc lá, từ thuở lập quốc của nước Mỹ đến ngày thơ ấu ở quê nhà. Mắt cứ cay và lòng cứ ngây ngây.

Sean Bảo

No comments: