Tuesday, July 31, 2018

THUỐC TRONG RAU


Kinh nghiệm dân gian ta vẫn thường nói: Đói ăn rau, đau uống thuốc. Nhưng thực ra, rau không chỉ là món ăn nhiều chất dinh dưỡng mà còn là những liều thuốc trị bệnh quý giá. Chẳng thế mà danh y Hải Thượng Lãn Ông của ta đã có nhận xét: 

Nên dùng các thứ thức ăn
Thay vào thuốc bổ có phần lợi hơn.

Và thánh tổ y học phương tây Hippocrates có đưa ra một đề nghị hết sức thuyết phục là Hãy để rau là vị thuốc. Mà những loại rau củ có vị đắng chứng tỏ các nhận xét này là rất đúng.

Trái Mướp Đắng (khổ qua) màu xanh có bề ngoài gồ ghề ngộ nghĩnh đã được ghi trên sáu con tem biểu tượng cho sáu loại cây thuốc thiên nhiên có dược tính trị bệnh cao mà Liên Hiệp Quốc phát hành vào năm 1980. Mướp đắng chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng căn bản như nước, đạm, carbohydrat, béo, sinh tố và một số khoáng chất với tỷ lệ khác nhau. Mướp đắng có thể dùng để ăn sống, nấu canh, xào với thịt bò, muối dưa, phơi khô làm trà pha nước uống... Canh thịt heo bằm nhỏ nhồi vào mướp đắng là món ăn đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam. Mướp đắng hấp với tôm tươi, thịt nạc, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô, mắm muối tiêu, xảo với thịt... tạo ra vị hơi đắng hòa với hương thơm mùi tôm thịt là món ăn giải nhiệt, bổ dưỡng... Món xà lách mướp đắng cũng rất hấp dẫn, ăn vào mát cơ thể… Mướp đắng được coi như có khả năng làm hạ đường huyết, hạ huyết áp, chữa ho, giảm đau nhức, sát trùng ngoài da, trừ rôm sẩy ở trẻ em. Trong mướp đắng cũng có một hóa chất có khả năng ngăn ngừa sự thụ thai ở loài chuột. Trên thị trường hiện nay có bán trà khổ qua, được giới thiệu là có thể giúp ngủ ngon, đại tiện dễ dàng, mát gan, bổ mật, giải nhiệt, giải độc trong cơ thể và khi dùng thường xuyên sẽ ngừa được các biến chứng của bệnh tiểu đường, sỏi thận, mật....




Actiso Đà Lạt là loại thảo mộc nổi danh ở nước ta. Nổi danh vì khí hậu luôn luôn mát lạnh nơi cao nguyên nhiều nắng khiến cho actiso có năng suất cao. Actiso có nhiều chất dinh dưỡng như các sinh tố C, B, folacin, chất xơ và một vài khoáng chất như sắt, kali. Về phương diện ẩm thực, actiso thường được luộc, hấp cách thủy để ăn hoặc ninh với thịt gà, thịt lợn. Actiso có thể được dùng tươi, để đông lạnh hoặc đóng hộp. Nhiều nghiên cứu cho biết Actiso có tác dụng bảo vệ gan, làm hạ cholesterol trong máu và đường huyết, kích thích sản xuất mật, giảm đau khớp xương, thông tiểu tiện. Tại vài quốc gia, dung dịch chế biến từ actisô được dùng làm thuốc chích chữa các bệnh về gan. Trà Actiso là thức uống được rất nhiều người ưa dùng. Theo nhiều nhà chuyên môn, actiso không gây tác hại cho cơ thể.



Diếp cá hoặc rau Giấp là món ăn ưa thích của bà con miền Nam. Cách đây mấy chục năm, dân cư miền sông Hồng, núi Ngự vào giao lưu với Cửu Long Giang là rất lắc đầu nhăn mặt vì vị tanh tanh lợm dọng khi ăn phải cọng rau này. Vậy mà bây giờ, Nam Trung Bắc một nhà, nhiều người cũng đều ưa thích diếp cá. Nhưng cái tanh tanh, béo béo của diếp cá lại rất hiệp nhất với cái tanh của những miếng cá còn tươi. Phải chăng đây là duyên tiền định với tên diếp cá. Trung Quốc gọi diếp cá là Ngư Tinh Thảo và tiếng Anh gọi là Fish Mint. Ở nước ta, diếp cá mọc hoang khắp vùng đất ẩm thấp và cũng được trồng làm rau ăn hoặc làm thuốc trị bệnh. Diếp cá có thể ăn sống hoặc dùng làm gia vị chung với các rau khác trong bữa ăn. Có người hầu như ghiền với diếp cá, thiếu nó như thiếu người tình hơi bị cho là chanh chua nhưng dễ thương. Lá diếp cá ăn vào rất mát, có thể làm trĩ hậu môn sẹp xuống. Ngoài ra, diếp cá cũng được y học dân gian tại nhiều quốc gia dùng làm lợi tiểu tiện, hạ cao huyết áp, giảm ho, tiêu diệt vi khuẩn. Nghiên cứu tại viện y dược Toyama, Nhật Bản, cho hay diếp cá có chất chống oxy hóa rất mạnh quercetin có thể ngăn chặn nhiều loại ung thư và tăng cường tính miễn dịch…T rong Lĩnh Nam Bản Thảo, danh y Hải Thượng Lãn Ông tóm tắt:


Ngư Tinh Tảo gọi cây rau Giấp
Ấm cay, hơi độc, mùi hôi tanh
Ung thũng, thoát giang với đầu chốc
Đau răng, lỵ ngược chữa mau lành.



Rau má. Khát khô cả họng trong nắng tháng Bảy của Sài Gòn mà gặp một xe bán Nước Rau Má xanh mát thì cơn khát không những hết đi mà tâm hồn cón thấy sảng khoái. Thực vậy, nghiên cứu tại Ấn Độ cho hay nước triết rau má không những tăng khả năng trí tuệ của trẻ em có thương số thông minh (IQ) thấp mà còn làm người cao tuổi giảm bớt những quên này quên kia, giúp thị lực bớt nhạt nhòa. Nhiều nghiên cứu khác còn gợi ý rằng rau má trị được cả bệnh vẩy nến, vết phỏng, vết thương, viêm khí quản, chống nhiễm trùng, chống độc, giải nhiệt, lợi tiểu. Từ những năm 1960, Giáo sư Bửu Hội đã nghiên cứu tác dụng trị bệnh phong với rau má. Ngày nay, nhiều khoa học gia cho là chất Asiatioside của rau má có tác dụng tương đương với dược phẩm trị phong chính là Dapsone. Rau má có tính lạnh cho nên người tỳ vị hàn, hay đi tiêu chảy, cần cẩn thận khi dùng.



Rau Đắng đã đi vào văn hóa âm nhạc trong những bài viết nhiều tình người, tình quê hương của nhạc sĩ Bắc Sơn từ rừng cao su Dầu Tiếng.

Nhạc phẩm Còn thương rau đắng mọc sau hè với tiếng hát Hương Lan, Như Quỳnh đã làm bao nhiêu khách ly hương khi nghe mà mắt nhòe ướt lệ.


Ai cách xa cội nguồn
Ngồi một mình nhớ lũy tre xanh
Dạo quanh khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh…

Vì nhớ tới những lũy tre xanh nơi có người chị đầu bạc tóc ân cần nhổ tóc sâu cho chú em từ xa về thăm quê. Có những bà mẹ hiền luôn luôn chăm sóc miếng ăn, thức uống cho chồng cho con.

Rau đắng nấu canh với các loại cá, nhúng lẩu hoặc chấm mắm kho là những món ăn tuyệt hảo của bà con miệt đồng. Rau đắng còn có thể nấu với thịt heo bầm nhuyễn, với tép, với tôm… Mới ăn rau có vị khá đắng, chỉ kém có khổ qua, nhưng ăn quen lại thấy ngòn ngọt, nhớ hoài. Rau đắng cũng được dùng trong y học. Theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi, rau đắng được dùng làm thuốc lợi tiểu, bổ thận, giúp ăn ngon và giảm đau khi đắp lên nơi tê thấp, rắn cắn.

Kết luận: Nhà dinh dưỡng uy tín Hoa Kỳ Jean Carpenter phát biểu rằng “Trong thực phẩm có dược phẩm. Thay đổi dinh dưỡng có thể ngăn ngừa và giảm sự trầm trọng của bệnh tật.”


Đây là lời khuyên khá hữu ích mà chúng ta cũng nên theo. 

Bs. Nguyễn Ý Đức

LOBO- CHÀNG NGHỆ SĨ TÊN “CHÓ SÓI” VÀ TÌNH CA

Mấy hôm trước xem chương trình "Gương mặt thân quen" thấy Hùng Thuận hóa thân làm Lobo hát bài "How can I tell her" một bài hát rất lâu mới nghe lại. Nói thật bài hát thì nghe rất là nhiều lần nhưng tên ca sĩ thì bây giờ mới biết nhưng vẫn có còn hơn không cũng như trong những game show trên truyền hình có câu hỏi về tên của tác giả bài hát thì rất nhiều người không biết, còn đa số thì lại biết tên ca sĩ. Tôi đã tìm được bài viết về chàng ca sĩ Lobo này đăng trong mạng "Đọt Chuối Non":


LOBO- CHÀNG NGHỆ SĨ TÊN “CHÓ SÓI” VÀ TÌNH CA

Dự định để dành sẽ giới thiệu chàng ca sĩ có cái tên Chó Sói nghe rất “ hoang dã “ vào ngày sinh cuối tháng 7, nhưng vì vừa nghe lại bài How Can I Tell Her khi tối, nên mình đã đổi ý định.

Hôm nay mời các bạn thưởng thức những tình ca được cho là bất tử, những bản soft-rock, dòng nhạc country của thập niên 70, được sáng tác và trình bày bởi Lobo.


Lobo, nghệ danh có nghĩa là Chó Sói theo tiếng Tây Ban Nha, gắn liền với một hình ảnh một chú chó Boo dễ thương trong một ca khúc đã đưa anh lên danh sách ca sĩ hàng đầu được mến mộ với ca khúc đầu tiên được xếp hạng nhất trên Billboard : Me and You and a Dog Named Boo.

Lobo là tên gọi của ca sĩ/nhạc sĩ người Mỹ Roland Kent Lavoie, sinh ngày 31/ 7/ 1943 vang bóng của thập niên 70 liên tiếp xếp trong top hit của Bill Board như
“I’d Love You to Want Me” and “Don’t Expect Me To Be Your Friend.”
Các ca khúc của Lobo vươn đến đỉnh cao thu hút rất nhiều người hâm mộ nhờ nhờ âm điệu ngọt ngào, phối âm độc đáo, và ca từ đẹp đầy cảm xúc và đi vào lòng người thật trữ tình. Chính vì thế Lobo đã lừng danh thế giới khắp các châu lục ngoài châu Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi , Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á.

Kent LaVoie sinh ngày 31/7/1943 tại Tallahassee, Florida. Anh là một trong bảy người con của gia đình, lớn lên ở thành phố Winter Haven, bang Florida. Mẹ của Lobo là một ca sĩ trong ban nhạc lớn, nhưng anh chưa từng gặp cha đẻ của mình. Về sau, Lobo phát hiện ra cha từng là nhạc công guitar của một ban nhạc lớn. Có thể nói đam mê âm nhạc của Lobo khởi nguồn từ cả cha lẫn mẹ.
Một chiếc guitar là niềm mơ ước, là mục tiêu đầu đời của Kent LaVoie, khi anh được một cậu bé sống lang thang trên phố, dạy những nốt nhạc đầu tiên bằng cây guitar cũ kỹ.

Lavoie bắt đầu sự nghiệp âm nhạc vào năm 1961 với ban nhạc có tên “The Rumors, được cho là ban nhạc rock and roll đầu tiên ở Winter Haven. Năm 1964, trong khi đang theo học Đại học South Florida, Lavoie gia nhập ban The Sugar Beats. Anh gặp nhà sản xuất Phil Gernhard. Nhà sản xuất nhiều ca khúc thành công này ghi âm bản hit đầu tiên của LaVoie mang tên “What Am I Doing Here”

Toàn bộ các hit sau đó của Lobo đều do Gernhard trực tiếp thực hiện cùng với ban nhạc The Sugar Beats.

Trong những năm 1960, Lavoie biểu diễn với nhiều ban nhạc khác.Thời gian ở nhóm nhạc “The Uglies” năm 1966, Lobo phát hành hai single “It’s Gonna Be So Hard” và “Is This Guy Not Supposed To Cry”. Cả hai ca khúc đều do Brooke Chamberlain sáng tác.


Năm 1968, Lavoie gia nhập ban nhạc “Me And The Other Guys”. Đó cũng là lúc anh gặp Billy Aerts. Billy sớm trở thành thành viên trong ban nhạc lưu diễn của Lobo năm 1971-72. Suốt trong hai thập niên 80, 90, anh trở thành một phần quan trọng của âm nhạc Lobo.

LaVoie và Phil Gernhard cùng thu âm nhạc khúc “Happy Days In New York City” năm 1969, cùng với ca khúc “My Friend Is Here”. Đây là solo thu âm đầu tiên của Kent, anh ký hợp đồng với hãng đĩa Laurie và single được phát hành.

Một ngày nọ đầu thập niên 70, Lavoie đang viết ca khúc và cần chất liệu cho “anh và em”. Anh nhìn thấy một chú ”chó ” nòi Đức tên “Boo” bên ngoài cửa kính, và ca khúc “Me And You And A Dog Named Boo” ra đời ” do hãng Big Tree phát hành tháng 4/1971. Đĩa đơn này lọt vào top 5 ca khúc hay nhất và trở thành hit đầu tiên của Lobo, đĩa vàng đầu tiên của Big Tree. Album “Giới Thiệu Lobo” ra mắt vào tháng 5 và tháng 6 là đĩa đơn thứ hai “She Didn’t Do Magic”. Tháng 9, “California Kid And Reemo” phát hành, vào thời gian này Big Tree Records hợp nhất với Bell Records. Đến năm 1971, chàng ca sĩ đã lấy nghệ danh là Lobo.

“Me And You And A Dog Named Boo” nhanh chóng đem vinh quang tầm quốc tế cho Lobo với số bán gần 20 triệu đĩa. Đầu những năm 70, Lobo liên tiếp có nhiều ca khúc lọt vào top ten như “I’d Iove You To Want Me” ( thứ 2 trên Billboard 1972, thứ 1 ở Đức và thứ 5 ở Anh. “Don’t Expect Me To Be Your Friend“, “Don’t Tell Me Goodnight“, “How Can I Tell Her “ năm 1973 (top 40)

Single thứ hai mà Lobo thực hiện cho Warner/Curb là vào năm 1978 mang tên “You Are All I Ever Need” (tháng 4). Đây cũng là đĩa đơn cuối cùng do Gernhard sản xuất.

Thập niên 1980 mở ra một kỷ nguyên mới với Lobo bao gồm cả những hit hàng đầu anh trực tiếp sản xuất cho các nghệ sĩ nhạc đồng quê Joe Stampley và Christy Lane.


Năm 1981, cùng với Johnny Morris, Lobo thành lập hãng đĩa Lobo Records tại Nashville. Single đầu tiên của anh cho hãng “I Don’t Want To Want You” xuất bản tháng 11 và chiếm thứ hạng cao trong bảng xếp hạng country. Nhưng vì thiếu một nhà phân phối chuyên nghiệp, đĩa đơn không thể vượt quá phạm vi top 30.

Năm 1985, Lobo rút khỏi Lobo Records và hãng này đổi tên là Evergreen Records. Anh phát hành hai đĩa đơn cho Evergreen gồm: “Am I Going Crazy” tháng 3 và “Paint The Town Blue” tháng 6, hát chung với Robin Lee..

Khi tiếng tăm của Lobo bắt đầu lan rộng tại châu Á, WEA đã giới thiệu album “Best Of Lobo” ở dạng CD tại châu lục này vào năm 1987 và “The Best Of Lobo II”, năm 1988.

Năm 1989, album đầu tiên của Lobo sau 10 năm “Am I Going Crazy” do hãng UFO/WEA sản xuất ra mắt tại Đài Loan. Năm 1994, Lobo ký hợp đồng thực hiện nhiều album với PonyCanyon Records tại Singapore. Thu âm phát hành đầu tiên của anh là “Asian Moon”. Năm 1995, album thứ hai Lobo hoàn tất cho PonyCanyon là “Classic Hits” ra đời.

Suốt trong khoảng 1996-97, Lobo liên tiếp phát hành single, album cho các hãng Rhino, PonyCanyon (Asia) và Curb. Tại châu Á, anh ký hợp đồng mới với Springroll Entertainment. You Must Remember This ra mắt vào 1997


Ngày 21/8/1999 CD “Greatest Hits” của Lobo ra đời ở Nhật Bản. Tháng 1/2000, anh ký hợp đồng với một công ty thu âm Đức và bước vào phòng thu, thực hiện album mới. Anh cùng sáng tác chung với Billy Aerts cho ra đời 2 bản nhạc Giáng sinh. Top hits giai đoạn này là “Let It Be Me”, “‘How can I Tell Her” ll Stop The Rain” and “Different Drum

Rất được ưa chuộng ở Châu Á, nên năm 2006 Lobo đi lưu diễn ở Đông Nam Á.
Năm 2008, Out of Time được Lobo phát hành gồm những ca khúc xưa bất tử và những bản mới. Bản nhạc Me and You and a Dog Named Boo được xem là có giá trị văn hóa ở Mỹ, được chọn để chơi trước mỗi trận bóng của Hereford United Football Club kể từ sau khi đội này thắng Newcastle United F.C.trong giải tranh cúp 1971-1972 FA

Chàng nghệ sĩ tài hoa giờ đã 66 tuổi nhưng tên tuổi, các ca khúc soft rock trong kho tàng âm nhạc bất tử của Lobo cho đến hiện tại còn nguyên vẹn sức hấp dẫn bao người yêu nhạc soft rock

Theo: Đọt Chuối Non


RẬN NƯỚC VÀ CHUỒN CHUỒN ỚT

Trong cuộc sống, đối với những người trải qua rồi thì thấy nhiều điều quá hiển nhiên nhưng đối với những người chưa từng trải thì lại thấy nó rất vô lý và khó tin!




RẬN NƯỚC HÓA CHUỒN CHUỒN

Ở một vũng nước kia có một đám rận nước. Ngày ngày, chúng thích cùng nhau trèo lên các ngọn cỏ lau để ngắm ánh mặt trời.

Nhưng thỉnh thoảng lại có một vật gì đó to lớn bay xà xuống đám cỏ, làm chúng sợ hãi và vội vàng nhảy bổ xuống bên dưới để trốn. Khi vật lạ bỏ đi thì chúng lại trèo lên và láo nháo hỏi nhau: “Cái gì vậy? Cái gì vậy?”, nhưng không ai có câu trả lời.

Trong bọn chúng, có một chú rận nước nảy ra một ý nghĩ rằng, nếu chú có thể bay như vật lạ kia thì thật là lý thú. Chú sẽ được khám phá cuộc sống trên bầu trời xanh, bên ngoài cái vũng nước nhỏ bé này.

Một ngày, chú tìm được đường lên đến ngọn cỏ lau và đã bám ở đó thật lâu. Cơ thể chú ta tự nhiên biến đổi, trở nên vô cùng rực rỡ. Một đôi cánh trong vắt như pha lê nhú lên từ phía sau lưng.


Chú rận nước giờ đây đã hóa thân thành một chú chuồn chuồn ớt xinh đẹp. Chú ta vỗ cánh bay lên không trung, trong lòng vui sướng. Chú lượn khắp bầu trời ngập tràn ánh nắng. Bất chợt, nhớ đến những người bạn cũ, chú bay trở lại để tìm và kể cho họ nghe về chuyến đi ký diệu của mình.

Chuồn chuồn ớt liền xà xuống vũng nước trước kia, nhưng dù cố gắng cách mấy chú cũng không thể đến gần các bạn mình được. Chú không còn là một chú rận nước như trước để có thể chui xuống nước hay vào các khe hở rất hẹp giữa đám cỏ; còn những chú rận nước kia thì vẫn sợ hãi lẩn tránh mỗi khi nhìn thấy “vật lạ”

Chú chuồn chuồn ớt cảm thấy buồn rầu và tự nhủ với chính mình: “Biết làm sao được, mình đã cố hết sức để giúp đỡ bạn bè, nhưng khi mình đã trở nên rực rỡ và tự do như thế này họ lại sợ hãi và lẩn trốn. Có lẽ chỉ khi chính họ tự mơ ước và phấn đầu tự leo lên được ngọn cỏ lau thì họ mới nhận ra cuộc sống mới này tuyệt diệu như thế nào thôi.”


Câu chuyện này có nhiều dị bản khác nhau, và có thể mỗi dị bản lại có một ý nghĩa khác nhau.

Ý nghĩa 1:

Không ai có thể nói cho chúng ta biết trong tương lai chúng ta sẽ đặt chân đến đâu và sẽ là con người như thế nào. Cũng không có lời khuyên hay sự hướng dẫn nào có giá trị bằng chính sự trải nghiệm của bản thân chúng ta. Liệu chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn, điều đó tùy thuộc vào nghị lực và sự phấn đấu của bản thân. Hãy tự khám phá để tìm cho mình một khoảng trời tự do và cao rộng như chú chuồn chuồn ớt hạnh phúc trong câu chuyện trên.


Ý nghĩa 2:

Những người có suy nghĩ khác, hoặc vượt tầm người khác, có kinh nghiệm hơn những người khác thì thường không được chấp nhận, hoặc bị hiểu sai, hiểu lầm… Và vì lẽ đó, nếu bạn trong trường hơp đó thì hãy để cuộc sống dạy họ.

(Sưu tầm trên mạng)

Monday, July 30, 2018

TỪ CẦU CÚNG GIẾT MỔ TỚI NGOẠI CẢM

Thờ cúng là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, không chỉ gồm phần cúng lễ mà còn thể hiện sự tưởng nhớ cội nguồn và là dịp gặp gỡ cộng đồng người thân, gia đình, bè bạn.


Nhưng hiện nay, với người Việt Nam, dường như tục lệ này đã mất đi nhiều ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.

Biểu hiện rất rõ trong việc trong chuyện thờ cúng tràn lan, bất chấp nguyên tắc. Họ như đi trong đám sương mù của tâm linh, cái gì cũng sợ hãi và cái gì cũng có thể thờ được.


Trên khắp các nẻo đường Việt Nam, chúng ta không khó để bắt gặp những ngôi miếu nhỏ, hoặc những bát nhang đặt trước một gốc cây, một hòn đá, một cột điện, một ổ mối, tổ kiến… mà người ta kháo nhau rằng nó có dáng dấp một con rồng, hay từa tựa hình người.

Bát nhang nào cũng luôn luôn trong tình trạng khói hương nghi ngút.
Hiện tượng trên phản ánh một sự thật, người Việt Nam đang nhận thức lệch lạc trong việc thờ cúng, thiếu một chỗ dựa tâm linh lành mạnh.

Giết mổ và ngoại cảm

Người cầ̉u cúng 'thọ lộc' ngay trên vỉa hè

Ở Việt Nam hiện nay phổ biến quan niệm: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành.”
Hàng năm, từng đoàn người đi lễ Chùa Hương, Bà Chúa Kho, Bái Đính… xì xụp khấn vái xin nhà cao cửa rộng, thăng quan tiến chức, tiền tài danh vọng.


Rồi lễ vật dâng lên nào lợn quay, gà luộc, xôi oản, thậm chí cả rượu.

Hương khói mù mịt, vàng mã chất đống ngồn ngộn như núi. Xong lễ thì ngồi la liệt thụ lộc ngay cạnh vệ đường. Tất cả hầu như quên điều tối thiểu là phải chay tịnh khi lên chùa lễ Phật.

Mọi người, ngày rằm mùng một lên chùa khấn vái, tưởng rằng chỉ như vậy đã là Phật tử.

Trong khi một đoạn kinh ngắn có thể cũng không thuộc, Giáo lý nhà Phật cũng không hiểu, hàng ngày cũng chẳng tâm niệm những điều răn của Phật.
Ngay cả những lễ hội được coi là văn hóa cũng thể hiện tính man rợ vì sự méo mó trong nhận thức tâm linh.


Có thể kể đến như lễ hội chọi trâu, chém lợn. Không biết thần thánh nào sẽ ban phúc trong việc chặt con lợn đang kêu thảm thiết ra làm hai với nhát dao bén ngọt.

Trong khi dòng máu tuôn trào chưa kịp nguội, hàng trăm con người đổ xô vào thấm máu lên những đồng tiền và hỉ hả vì sẽ gặp may mắn cả năm.

Hay những con trâu bị ngả ra ngay khi vừa kết thúc cuộc đấu.

Giá thịt trâu bị đội lên tới hàng triệu đồng. Để rồi sau đó lại chén chú chén anh bằng chính thịt những con trâu, lợn vừa bị giết.


Kết thúc cuộc nhậu có thể là một màn ẩu đả vì quá chén.

Rồi hiện tượng các nhà ngoại cảm, tìm mộ liệt sĩ mọc lên như nấm.

Lúc thì được ngợi ca quá mức, khi thì lại bị hạ bệ, thật giả lẫn lộn. Các vụ lùm xùm liên quan đến sư gần đây cũng cho thấy hậu quả của việc khủng hoảng tâm linh.

Phải chăng những lệch lạc trong nhận thức tâm linh ấy, đã dần dần tha hóa tính hướng thiện của con người, bất chấp những bài giảng đạo đức cao siêu, mơ hồ trong trường học?

Dẫn đến những việc quái đản xảy ra thường xuyên hiện nay, như một người bị rơi bọc tiền tung tóe trên đường phố đông đúc, thay vì nhặt giúp, thì tất cả cùng tranh nhau vơ lấy như của trời cho.


Thịt quay treo ở quán phục vụ khách lên Chùa Hương

Một xe hàng gặp nạn bị đổ, hàng lăn ra đường, thì những nông dân hàng ngày (được cho là) chất phác vụt biến thành những kẻ tham lam, thi nhau hôi của và lấy làm may mắn hả hê.

Một lễ hội hoa kết thúc bằng cảnh tan hoang vì tranh cướp.

Một buổi phát đồ miễn phí trở thành một màn giành giật... Họ thấy như thế là đúng, là bình thường?

Đời sống tâm linh lành mạnh sẽ hướng con người tới điều Thiện. Nhưng hiện nay, không thể kể hết những trái khoáy trong nhận thức tâm linh của người Việt Nam.

Có thể cảm nhận, người Việt Nam giờ đây quá tham lam, ích kỷ và chỉ cần có cơ hội thì tính xấu đó bộc lộ ngay bản chất.


Những quan niệm thờ cúng lệch lạc đã dẫn đến lòng tham và đó chính là mầm mống của cái Ác.

Hải Lam
Nguồn: BBC Tiếng Việt

CHÙA CẦU - NGÔI CHÙA KHÔNG CÓ...PHẬT

“Ai đi phố Hội, Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai..."

Chùa Cầu – tên gọi chung cho tổ hợp kiến trúc gồm ngôi chùa nhỏ gắn kết vào sườn phía Bắc cây cầu cổ trong khu đô thị cổ Hội An (nay là thành phố Hội An), thuộc tỉnh Quảng Nam.

Cùng với Cầu Ngói Phát Diệm (Ninh Bình), Cầu Ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên-Huế), Chùa Cầu Hội An là một trong 3 cây cầu lợp ngói ở Việt Nam, được nhiều du khách biết đến.

Cây cầu dài 18m với 7 gian bằng gỗ, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Hoài (một nhánh sông Thu Bồn) nối giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú của thành phố Hội An. Cầu có dáng uốn cong mềm mại, nhiều họa tiết đẹp. Cầu và chùa đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu. Mặt chùa quay về phía bờ sông, mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu.


Chùa Cầu là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVII. Cây cầu còn có các tên khác là cầu Nhật Bản hay cầu Lai Viễn do chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An năm 1719 đặt tên, với hàm ý sẵn lòng đón đợi bạn phương xa đến.

Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù (mamazu) – một loại thuỷ quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản. Cứ mỗi lần con Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất… Chùa Cầu được coi như một thanh kiếm chằn ngang lưng con Cù, “trấn yểm” loài thuỷ quái, giữ cho cuộc sống yên bình.


Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người.

Với người dân phố Hội, Chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 6 lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy của nó. Chùa Cầu được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1990.


Nơi đây mãi là điểm đến không thể thiếu trong tour du lịch Đà Nẵng – Hội An. Khách du lịch đến Hội An mà chưa ghé thăm Chùa Cầu thì coi như chưa đến. Đến rồi thì lưu luyến nhớ thương:


“Ai đi phố Hội, Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai 
Để sầu cho khách vãng lai 
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu…”


Hội An – phố Hội là một thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam có nhiều phố cổ được xây từ thế kỷ XVI và tồn tại gần như nguyên vẹn đến nay. Bên dòng sông Hoài thơ mộng, đô thị cổ Hội An đã một thời (thế kỷ XVII-XVIII) là nơi chứng kiến nhiều cuộc giao thoa văn hóa lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, một trung tâm giao thương có thể sánh với Kinh Kỳ (Hà Nội) và Phố Hiến (Hưng Yên).


Phố cổ Hội An được công nhận là di sản thế giới UNESCO năm 1999, là một trong những điểm du lịch nổi tiếng không chỉ với du khách trong nước. Nơi đây có Chùa Cầu – một công trình kiến trúc độc đáo với những truyền thuyết khó quên…

Theo Dân Việt

CHIẾC ĐẦU CÁ VÀ SỰ THÔNG MINH CỦA NGƯỜI DO THÁI

Có một câu chuyện lưu truyền trong cộng đồng người Do Thái thế này.

Có một người Do Thái và một kẻ ngoại đạo cùng đi trên một chuyến tàu. Khi kẻ ngoại đạo bỗng nhiên hỏi người Do Thái: “Sao mà người Do Thái các anh thông minh thế? Bí quyết là gì vậy?”

Người Do Thái trả lời ngay: “Đó là vì chúng tôi ăn đầu cá”.


“Thật vậy hả?”, kẻ ngoại đạo kinh ngạc thốt lên. “Thế tôi có thể tìm đầu cá ở đâu được?”

“Ồ, thật tình cờ là bữa trưa nay tôi lại mang cá đi”. Người Do Thái lấy một con cái từ trong túi ra và đặt nó lên bàn.

“Ông có muốn bán cho tôi nguyên cái đầu thôi không?”, kẻ ngoại đạo hỏi.

Dĩ nhiên rồi, chỉ cần đưa tôi 20 rúp thôi”.

Kẻ ngoại đạo trả tiền và bắt đầu ăn cái đầu cá. Vài phút sau, khi kẻ ngoại đạo đã xơi xong cái đầu cá và đang liếm ngón tay, anh ta quay qua người Do Thái và nói: Thế quái nào mà tôi phải trả những 20 rúp cho cái đầu trong khi cả con cá mới có 15 rúp?

Người Do Thái mỉm cười và trả lời: “Đấy, anh thấy chưa, đầu cá bắt đầu có tác dụng rồi đấy”.


Rõ ràng kẻ ngoại đạo không trở nên thông minh nhờ ăn một cái đầu cá. Anh ta “trở nên thông minh” bởi vì anh ta tin vào thực tế rằng một cái đầu cá có thể thực sự có ích cho anh ta.

Nhìn chung, nếu bạn tin rằng một điều gì đó sẽ giúp ích cho mình thì thực tế sẽ là như vậy. Nếu bạn tin rằng mình sẽ không thành công hoặc không có cơ hội đạt được một mục tiêu nào đó, bạn sẽ không thể đạt được.

(Sưu tầm trên mạng)

Sunday, July 29, 2018

CÂU CHUYỆN “CHIẾC CẶP LỒNG”

Nhiều năm qua tôi xem chương trình tiếng Việt trên Youtube qua cái chromecast, phần nhiều là các game show hay những chương trình thi ca "bolero",..Có một lần xem chương trình "Người Hùng Tí Hon" trong đó có một màn dự thi toàn đội và có lồng một ca khúc thiếu nhi mà lần đầu tôi mới nghe được. Điệu nhạc lời ca thật nhẹ nhàng, đơn giản như một cái gì rất bình thường trong cuộc sống nhưng làm tôi cảm động và dường như mọi người xem trong chương trình đều cảm động, trong đó tôi nhớ nhất câu "một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to..." và cái tên của bản nhạc thì tôi lại không nhớ.




Hôm nay lang thang trên mạng đọc được một bài post ngắn, cũng rất đơn giản kề lại câu chuyện rất đơn giản của mình mà không hiểu sao tôi lại cảm động và nhớ đến bài hát thiếu nhi đó. Có lẽ hạnh phúc là cái gì đơn giản nhất, cũng như bài hát, đoạn văn chỉ cần nó nói lên cái tâm tư thật sự của mình chứ không cần cầu kỳ hoa mỹ, nó vẫn làm cho người ta cảm động như thường.

Tôi post lại bài viết này và cả bản nhạc thiếu nhi cho các bạn vừa nghe, vừa đọc nhé: (LKH)


CÂU CHUYỆN “CHIẾC CẶP LỒNG”

Không ít lần bạn bè đến chơi nhà chúng tôi đều khá ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc cặp lồng lại được “ưu ái” dành cho vị trí trên kệ trưng bày chung với những món đồ xinh đẹp khác như: Bộ sưu tập búp bê của Nga, Bình hoa thủy tinh… Và hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn nghe về câu chuyện nhỏ của vợ chồng chúng tôi như một sự chia sẻ nhỏ về bí quyết để duy trì hạnh phúc.


Thật ra ban đầu, tôi “trưng bày” 2 chiếc cặp lồng đó để nhắc mình khỏi quên một “nhiệm vụ cao cả”: Chuẩn bị bữa cơm trưa cho ông xã và tôi. Dù bây giờ chúng tôi không sử dụng hai chiếc cặp lồng đó nữa nhưng chúng như vật kỷ niệm nhắc nhở và minh chứng cho tình yêu chúng tôi lẫn châm ngôn sống: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”.

“Biển đông” của chúng tôi chính là một ngôi nhà cấp 4 tại TP.HCM. Đó là mục tiêu chúng tôi cùng khát khao thực hiện. Đều là dân tỉnh lên thành phố học đại học rồi ở lại làm việc, trong tình yêu sâu sắc của tôi và chồng còn có sự đồng cảm về những nỗi vất vả tại chốn thị thành. Ra trường, vì quá yêu nên anh xin cưới tôi khi cả hai đều chưa tìm được việc làm. Hai bên gia đình cho cưới nhưng luôn tặc lưỡi, nhìn chúng tôi với ánh mắt lo âu: “Rồi chúng nó ở đâu, con cái thế nào đây?”.

Bản thân chúng tôi cũng rất lo nhưng luôn tin rằng: “Hai người cùng làm thì vẫn tốt hơn một người”. Sau đám cưới nhỏ gọn, siêu tiết kiệm với một ít vốn do hai bên cha mẹ cho, chúng tôi cùng bắt đầu xây dựng cuộc sống mới với nhiều cảm xúc mâu thuẫn nhau: hạnh phúc, vui sướng, lo lắng… Anh tặng cho tôi bức tranh một ngôi nhà rất đẹp và bảo: “Một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ có tổ ấm thực sự như thế này.”


Tôi được nhận vào làm nhân viên chứng từ cho một công ty XNK ở quận 4 còn anh dù tốt nghiệp loại ưu ngành cơ khí nhưng 4 tháng sau khi ra trường vẫn chưa tìm được việc. Mức lương mới ra trường của tôi lúc ấy chỉ đủ để trang trải chi tiêu cho tôi và anh ở mức cơ bản. Bức hình về ngôi nhà được anh dán lên tường như một mục tiêu chúng tôi cần vươn tới.

Để thuận tiện, chúng tôi dọn đến một căn phòng trọ gần công ty của tôi. Mỗi ngày, anh đều để cho tôi ngủ thêm một chút và thức dậy sớm nấu cơm cho tôi mang theo ăn trưa. Tuy anh là dân “Cơ khí” nhưng nấu ăn khá ngon. Hồi ấy, mỗi bữa trưa, tôi đều xách cặp lồng đến căn tin cơ quan ăn trong sự “ghen tị” của đồng nghiệp vì “được chồng cưng”. Dù món ăn chỉ có rau luộc, trứng luộc, canh mây hay con cá kho nhưng tôi ăn ngon lành.


Rồi anh xin được việc ở một nhà máy tận Thủ Đức. Để chúc mừng anh, tôi tặng anh món quà mà mãi sau này, anh đùa bảo: “Chưa thấy ai tặng quà độc đáo như em”. Số là tôi đã đi khắp nơi để kiếm mua cho bằng được một chiếc cặp lồng y hệt như cái tôi đang đùng. Phải đi rất nhiều cửa hàng tôi mới tìm thấy. Từ đó, thương công việc anh nặng nhọc lại đi làm xa, tôi từ bỏ thói quen ngủ dậy trễ của mình để dậy chuẩn bị cơm trưa cho cả hai. Nhưng anh cũng dậy sớm, nấu ăn cùng tôi như cách chúng tôi vẫn thường chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Mỗi ngày, 2 chiếc cặp lồng nằm bên nhau, rồi theo chúng tôi rẽ về hai hướng đến công ty. Đến tối chúng tôi lại đặt 2 chiếc cặp lồng lên chiếc bàn con con trong căn phòng trọ chật hẹp ngước nhìn lên bức hình ngôi nhà, mơ về một tổ ấm không xa.

Cứ như thế 5 năm qua đi, hai chiếc cặp lồng vẫn bên nhau chứng kiến những nỗi nhọc nhằn và sự cố gắng của chúng tôi. Anh được đề bạt lên trưởng phòng rồi có thêm phần hoa hồng hợp đồng khi giới thiệu công ty cho một người bạn ở nước ngoài hợp tác. Bước vào tuổi 28, chúng tôi đã tậu được căn nhà cấp 4 nhỏ nhưng xinh xắn và ấm áp. Anh và tôi hiện đang chuẩn bị kế hoạch chào đón thành viên mới trong gia đình. Nhìn lại chặn đường đã qua, tôi thầm cảm ơn anh và đôi cặp lồng đã cho tôi niềm hạnh phúc trong cảnh nghèo khó. Tôi luôn tin rằng chỉ cần có tình yêu thương thực sự, chia sẻ cảm thông cùng nhau, những đôi lứa yêu nhau sẽ có thể vượt qua được bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống.

Đức Hà
MARRY


ƯỚC KHÁCH


Ước khách - Triệu Sư Tú


Hoàng mai thời tiết gia gia vũ, 
Thanh thảo trì đường xứ xứ oa. 
Hữu ước bất lai quá dạ bán, 
Nhàn xao kỳ tử lạc đăng hoa.



約客 - 趙師秀

黃梅時節家家雨,
青草池塘處處蛙.
有約不來過夜半, 
閒敲棋子落燈花.


Khách hẹn (Người dịch: Nguyễn Bính)

Ao hồ tiếng ếch gần xa, 
Mai vàng tiết lạnh nhà nhà mưa rơi.
Nửa đêm cái hẹn qua rồi, 
Quân cờ gõ nhảm làm rơi hoa đèn.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Triệu Sư Tú 趙師秀 (1156-1219) tự Tử Trúc 紫竹, hiệu Thiên Lạc 天樂, người Vĩnh Gia (nay thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), thi nhân đời Nam Tống.

Nguồn: Thi Viện

CUỘC ĐỜI NÀY, BIẾT BAO NGƯỜI ĐÃ THUA Ở MỘT CHỮ: ĐỢI

Có một đoạn clip audio mà tôi nghe được thật thấm thía, dường như khi nghe xong bạn có thề thấy một phần của bạn trong đó, nó có thề đang nói về bạn đấy:

"Nghe xong lòng bổng ngậm ngùi
Dường như còn bóng hình mình chưa phai"

Tiếc là đoạn clip đọc bằng tiếng Quảng nên có thể có một số bạn không hiểu, tôi lên mạng lục một hồi thì thấy có một bài post có ý như vậy nên share cho mọi người nè: (LKH)



等 (ĐẲNG) - ĐỢI

Thời gian tựa như dòng nước trôi không ngừng nghỉ, nếu chúng ta không trân quý từng phút giây trong cuộc sống, thì nó sẽ vụt qua rất nhanh, dù có tiền nhiều đến mấy cũng chẳng thể mua lại được.

Tại một ngôi chùa cổ ở Nhật Bản, có một cậu bé mới 9 tuổi tên là Thân Loan (sau này là người sáng lập Chân Tông tịnh độ), quyết định xuất gia đi tìm thiền sư để xuống tóc, khi gặp được thiền sư đã hỏi ông rằng: “Con còn nhỏ thế này tại sao đã muốn xuất gia?”.

Lúc đó Thân Loan trả lời: “Năm nay mặc dù cháu mới 9 tuổi nhưng bố cháu đã qua đời, cháu không biết vì sao con người phải chết, vì sao cháu và bố cháu phải rời xa nhau. Vì thế để hiểu được đạo lý này, cháu nhất định phải xuất gia”.

Vị thiền sư nói: “Được! Ta hiểu rồi. Ta đồng ý nhận con làm đồ đệ, nhưng hôm nay muộn rồi, chờ đến sáng sớm mai ta sẽ xuống tóc cho con!”.

Thân Loan nghe xong liền nói: “Thưa sư phụ, mặc dù sư phụ nói là chờ đến sáng sớm mai sẽ cắt tóc cho con, nhưng con còn nhỏ, con không dám chắc quyết tâm đi tu của con có còn giữ được đến sáng mai không. Mà sư phụ thì đã nhiều tuổi thế này rồi, sư phụ có dám chắc sáng mai tỉnh dậy sư phụ vẫn khỏe mạnh không?”.

Vị thiền sư nghe xong liền nói:“Tốt, tốt! Con nói rất hay! Những gì con nói đều đúng, ta sẽ xuống tóc cho con ngay bây giờ”.

Vạn vật của thế giới luôn nằm trong sự biến đổi không ngừng nghỉ, con người cũng vậy, không ai biết được tương lai sẽ ra sao? Ngày mai cũng không chắc chuyện gì sẽ đến, có những biến cố bất ngờ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn cũng có thể khiến ta mất đi ngày mai vĩnh viễn. Vì vậy ngày hôm nay, khi ta muốn làm một điều gì đó hãy bắt tay làm, đừng chờ đợi.


Xưa nay, có biết bao nhiêu người thua bởi một chữ “đợi”: Đợi đến một ngày nào đó, đợi tương lai, đợi đến khi hết bận, đợi lần sau, đợi khi có thời gian, đợi khi có điều kiện, đợi khi có đủ tiền, đợi cho đến khi không còn duyên phận, đợi đến khi thời thanh xuân trôi qua, đợi đến khi không còn cơ hội, đợi đến khi không còn lựa chọn. Chẳng ai biết trước được tương lai sẽ ra sao, có nhiều việc đợi sẽ thành mãi mãi… đừng để bản thân có quá nhiều nuối tiếc.

Đặc biệt có rất nhiều các bậc cha mẹ, ngày qua ngày vẫn đang chờ đợi trong mỏi mòn…

Chờ con biết đi rồi mới an tâm

Chờ con đi học mới an tâm

Chờ con thi đậu đại học mới an tâm

Chờ con tìm được công việc mới an tâm

Chờ con tìm được người bạn đời mới an tâm

Chờ con kết hôn mới an tâm

Chờ con sinh em bé mới an tâm

Chờ cháu biết đi mới an tâm

Chờ cháu đi học mới an tâm

Chờ cháu thi đậu đại học mới an tâm…

Đáng tiếc, cuối cùng bọn họ đều chưa kịp hưởng thụ cuộc sống, đã vội rời khỏi thế gian này.


Nhân sinh 5 điều không thể chờ đợi…

Nghèo khó không thể đợi, bởi vì thời gian lâu rồi, bạn sẽ chết vì đói.

Khỏe mạnh không thể đợi, bởi vì thân thể một khi suy kiệt rồi, hết thảy mọi thứ đều vô nghĩa.

Giáo dục không thể đợi, bởi vì cây non mà xiêu vẹo, thì khi trưởng thành rất khó để uốn nắn.

Hiếu kính không thể đợi, bởi vì cha mẹ mất rồi, muốn hiếu kính cũng chẳng còn cơ hội.

Thanh xuân không thể đợi, bởi thời gian trôi qua, có nhiều tiền nữa cũng không mua lại được.

Cuộc sống luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà bạn khó có thể lường trước. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, chỉ thoáng chốc thôi là sinh mệnh đã trở về với đất. Cuộc sống này ngắn ngủi là vậy! Cho nên, cần tận dụng thời gian, làm những việc có ý nghĩa mới là quan trọng nhất. Quý trọng duyên phận, quý trọng thời gian, chính là quý trọng tính mạng của chính mình.

(Sưu tầm trên mạng)


等 (ĐẲNG) - ĐỢI

Nghe xong lòng bổng ngậm ngùi
Dường như còn bóng hình mình chưa phai


"BIẾT HỔ THẸN" LÀ MỘT LOẠI MỸ ĐỨC

‘Biết hổ thẹn’ là một loại mỹ đức, là ‘người dẫn đường’ của lương tri

Khổng Tử giảng: “Tri sỉ cận hồ dũng” (知恥近乎勇), người biết xấu hổ thì cũng được xem là người gan dạ, dũng cảm. Một người biết hổ thẹn thì gặp của cải tài vật mới không tham, lâm vào khó khăn mà không bị khuất phục. Cho nên, vô luận là tu dưỡng cá nhân hay là khí tiết của dân tộc thì “sỉ” đều là “người dẫn đường” của lương tri.

(Hình minh họa: Kknews.cc)

Một người biết giữ mình, biết làm xằng làm bậy là xấu hổ thì đó là người có “sỉ”. Mạnh Tử cũng giảng: “Nhân bất khả vô sỉ”, ý nói rằng làm người là không thể không có “sỉ”, không thể không biết hổ thẹn. Ông cũng giảng rằng, một người mà không biết hổ thẹn thì không thể được tính là người. Ông cho rằng, người biết xấu hổ thì mới có đạo đức tốt đẹp, không bị hấp dẫn bởi danh và lợi mà làm việc trái lương tâm.

Người có tâm hổ thẹn sẽ dám chịu trách nhiệm

Phạm Thuần Nhân và Tư Mã Quang đều là hai vị đại thần của triều đình nhà Tống. Nhưng về cách xử lý việc chính sự thì họ lại thường có ý kiến trái ngược nhau, không đồng nhất với nhau. Thông thường cứ gặp chuyện chính sự cần bàn bạc là hai người sẽ biện luận với nhau mãi không thôi.

Về sau này, Tư Mã Quang bởi vì đắc tội với Hoàng đế mà bị trị tội. Đồng thời bị trị tội cùng với ông, còn có một số người khác nữa.

Có một người tên là Hàn Duy nguyên ban đầu rất đồng tình với ý kiến của Tư Mã Quang nhưng về sau bởi vì không cùng ý kiến và còn tỏ ra xa lánh ông nữa nên đã may mắn thoát khỏi lần trị tội này.

Xét về căn bản thì ý kiến của Phạm Thuần Nhân lần này cũng giống với ý kiến của Tư Mã Quang, cho nên cũng bị trị tội. Có người thấy vậy, liền khuyên Phạm Thuần Nhân học theo cách của Hàn Duy, nên đến gặp Hoàng thượng để giãi bày nỗi lòng của mình, mong được thoát tội.

Phạm Thuần Nhân nghe xong liền nói: “Ta và Tư Mã Quang chỉ là ở việc xử lý chính sự thì có bất đồng, chứ có gì là tranh, là đấu đâu? Chỉ là phương pháp xử lý không giống nhau chứ không hề có tư thù ân oán cá nhân, sao có thể lấy đó làm lý do để trốn tránh trách nhiệm được. Người khác làm như thế nào thì ta không quản, nhưng ta có nguyên tắc xử thế của chính bản thân mình. Việc mà một người khó làm nhất chính là coi trọng lương tâm của mình. Phải thẳng thắn vô tư thì sống mới được. Ta nếu làm một việc trái với lương tâm của mình thì quả thực là sống không bằng chết. Con người có tâm hổ thẹn mà sống, bằng không thì cũng giống như chết vậy!”

Phạm Thuần Nhân từng nói với mọi người rằng, trong cả đời ông, bài học sâu sắc nhất mà ông khắc sâu trong tâm chính là hai từ “trung thứ” (trung thành và tha thứ).

Ông thường khuyên bảo con cháu rằng: “Con người ta tuy rằng ngu xuẩn đến mức cực điểm, nhưng đối với thói hư tật xấu của người khác thì lại có thể kể ra rất rõ ràng nhưng đối với việc của mình thì lại không rõ. Người thông minh lấy tâm trách người để tự trách mình, lấy tâm tha thứ mình để tha thứ người thì không phải lo bản thân không đạt được địa vị của bậc thánh hiền.”

Cách sống của Phạm Thuần Nhân chính là sống làm sao để không hổ thẹn với lương tâm của mình và gia huấn mà Phạm gia để lại cho con cháu đời sau cũng là như thế.

Người biết hổ thẹn không làm việc trái chức trách, trái lương tâm

(Hình minh họa: Qua qqtxb.com)

Thời Chiến Quốc, Tề Trang Công tên thật là Khương Quang bị quan đại phu nước Tề là Thôi Trữ giết chết. Thôi Trữ lệnh cho quan chép sử lúc đó là Thái Sử Bá viết vào sách sử rằng Tề Trang Công chết do bị sốt rét để che giấu sự thật. Thái Sử Bá không chịu, kiên quyết viết rằng “Thôi Trữ giết vua Quang”.

Thôi Trữ nổi giận, giết chết Thái Sử Bá. Thái Sử Bá có ba người em trai là Trọng, Thúc, Quý. Trọng lại cũng viết vào sách sử câu chữ đúng như vậy. Do đó, Thôi Trữ lại giết chết Trọng. Đến lượt Thúc vẫn viết đúng sự thật như lời của hai người anh trai, sau đó ông cũng bị Thôi Trữ giết chết. Còn lại Quý cũng cầm lấy thẻ tre viết lại y nguyên câu của ba người anh.

Thôi Trữ cầm thẻ tre lên hỏi Quý: “Ba người anh của nhà ngươi đều vì câu này mà bị giết chết, lẽ nào ngươi không biết quý tiếc mạng sống của mình hay sao? Nếu như ngươi viết lại câu này theo đúng ý ta, ta sẽ tha chết cho ngươi.”

Quý ung dung đáp lại rằng: “Viết đúng sự thật là chức trách của quan chép sử. Nếu vì muốn sống mà làm chuyện sai trái, vậy thần thà chết còn hơn!

Năm xưa Triệu Xuyên (em của Triệu Thuẫn) giết chết Tấn Linh Công, quan sử thời đó là Đổng Hồ cho rằng Triệu Thuẫn là quan chính khanh mà lại không trừng phạt Triệu Xuyên, do đó ông đã viết vào sách sử rằng: “Triệu Thuẫn giết vua”. Triệu Thuẫn không trách mắng quan sử, bởi ông biết rằng đó là chức trách của quan sử.

Cho dù hôm nay thần không viết ra câu này, thì trong thiên hạ nhất định cũng sẽ có người viết lại sự thật này, dẫu không viết như vậy thì thể diện của bệ hạ cũng không thể giữ được nữa, vả lại chỉ khiến những người biết rõ sự thật kia cười nhạo bệ hạ thêm mà thôi. Do đó, thần thà chết vẫn phải viết như vậy, kính mong bệ hạ suy nghĩ kỹ!”


Thôi Trữ đành phải trả lại thẻ tre cho ông và không giết ông nữa.

Quý cầm thẻ tre ra ngoài, lúc sắp đến sử quán thì vừa hay gặp Nam Sử thị. Quý hỏi ông tại sao phải đến đây, ông nói: “Tôi nghe nói rằng anh em nhà ông vì kiên quyết viết đúng sự thật mà đều bị giết chết cả, lo rằng không có người viết lại việc này đúng sự thật nữa nên tôi vội vã cầm thẻ tre đến đây.”

Quý đưa thẻ tre đang cầm trong tay cho ông xem, lúc này ông mới yên tâm ra về.

Câu chuyện này khiến mọi người vô cùng cảm kích. Thời xưa, các vị quan chép sử đời này nối tiếp đời kia không chỉ truyền cho nhau chức trách, nhiệm vụ, mà còn truyền cho nhau tinh thần khẳng khái, vì sự thật lịch sử mà không tiếc hy sinh cả tính mạng bản thân. Đây cũng chính là tinh thần bất khuất, nghĩa khí chính trực của người xưa.

An Hòa

Saturday, July 28, 2018

HỌC SINH BÂY GIỜ HỌC VÌ AI?

“Người xưa học vì mình, người nay học vì người”, học sinh bây giờ học vì ai?

Đi học là để cho cha mẹ tự hào, cho người khác ganh tị, cho công danh lợi lộc sau này, ấy là cái dở nhất của người thời nay.

“Học thì ấm cái thân mày chứ ấm cái thân ai”, đó là câu mà các bậc cha mẹ thời nay hay than phiền khi con mình biếng học. Tuy nhiên nói là nói vậy, chứ người ta đâu có chịu để con “học vì mình”. Rất nhiều em nhỏ ngày nay đi học là vì để cho bố mẹ tự hào, là vì danh dự của trường lớp, là vì… nếu không học thì chẳng biết làm chi!?

Áp lực, mệt mỏi, chán học, ngủ gật là những hình ảnh hường thấy tại các giảng đường (Ảnh minh họa: Theo hn-ams.edu.vn)

Trong thiên “Khuyến học”, sách “Tuân Tử” có viết: “Cổ chi học giả vi kỷ, kim chi học giả vi nhân”, có nghĩa là người xưa học vì mình, người nay học vì người. “Học vì mình” là có ý rằng học để bồi dưỡng đức hạnh của bản thân. Còn “học vì người” có nghĩa là cái động cơ tới từ bên ngoài, học là để cho người khác.

Tất nhiên, cổ nhân còn có cái chí lớn, muốn tu dưỡng đạo đức bản thân, nhưng học để có cái nghề cái nghiệp sau này thì cũng không phải thứ gì sai lắm, ít ra là cũng có ý thức tự lập. Nhưng học sinh ngày nay thậm chí cũng chẳng thèm quan tâm đến cái cần câu cơm nữa. Thầy hiệu trưởng một trường đại học đã rất hoang mang tiết lộ: “Sinh viên của tôi, học hết năm thứ nhất, hay hết năm thứ 2 rồi bỏ học thi lại trường khác chiếm tới 40%!”. Một cư dân mạng đã phải thốt lên rằng: Quả là lãng phí! 12 năm trời chúng ta suy nghĩ tới việc đậu đại học, mà quên suy nghĩ xem mình nên đậu đại học gì!?

Căn bệnh thành tích, khoe khoang, sĩ diện hão đã trở nên thâm căn cố đế trong lòng các bậc phụ huynh, các nhà giáo, và các em học sinh từ lúc nào không hay. Điều nguy hiểm là ở chỗ nó đã trở thành “tự nhiên”, không thể nhận ra được mất rồi. Có một cô giáo tiết lộ rằng, bản thân vì không muốn đánh mất đạo đức nghề nghiệp, đã từng kiên quyết yêu cầu phụ huynh ngay từ đầu năm học đừng tìm cách xin điểm cho con. Nhưng đến cuối năm, họ vẫn tìm đủ mọi cách, thậm chí là dùng hiệu trưởng để gây sức ép giúp con mình có được cái bảng điểm đẹp. Lẽ “tự nhiên”, họ cho mình là đúng.

Các con đang phải sống cho giấc mơ của người lớn (Ảnh minh họa: Theo BioTechPool.com)

Hẳn là có người sẽ bênh vực rằng, lo lắng cho con thì có gì là xấu nào? Đó là cái chuyện thiên kinh địa nghĩa vậy. Nhưng rốt cuộc đó là lo cho đứa nhỏ hay lo cho mặt mũi của bản thân? Là lo con không nên người hay lo con không có “một cái vỏ bọc tốt”? Là lo cho thế hệ tương lai của đất nước hay là muốn đào tạo ra những con người rỗng tuếch lệch lạc? Lo lắng cho con tại sao cứ nghiễm nhiên phải là tốt cơ chứ? Đúng là tốt xấu chẳng rạch ròi!

Khổng Tử bàn rằng, “Cái Đạo của Đại học là ở chỗ Đức sáng”, cũng có nghĩa, cái việc học cũng là cái việc tu dưỡng đạo đức. Quá trình học tập của người xưa chính là thông qua những tấm gương trong quá khứ mà không ngừng hoàn thiện phẩm tính của bản thân mình. Cái học của thời nay thì khác hẳn, chính là chú trọng vào học kỹ năng, kỹ thuật, chứ không phải là học làm người. Còn cái gọi là “Giáo dục công dân” thì cũng không phải là một môn học đạo đức, cái gọi là “Văn học” lại là nơi so bì trí nhớ giỏi, cái gọi là “Lịch sử” lại không dùng để ôn cổ minh kim, thậm chí có cư dân mạng còn ví von sách giáo khoa như là… “pháp lệnh”.

Hình ảnh học sinh còng lưng “cõng sách” đến trường là sản phẩm đáng buồn của một nền giáo dục bỏ qua đạo đức và chạy theo kỹ thuật (Ảnh minh họa: Theo baomoi.com)

Người xưa học tập điều gì, thì tiếp nhận, ghi nhớ vào trong lòng, sau đó những cái học được đều thể hiện ra từng cử chỉ hành động; ăn nói thận trọng, hành động không lỗ mãng, một lời một việc đều có thể trở thành tấm gương cho người khác noi theo. Người nay học tập thì cũng tiếp nhận, ghi nhớ vào trong lòng, nhưng là để sau này có cái cần câu cơm, hay để người khác được hài lòng, chứ ít ai nghĩ đến việc trở thành “người quân tử” cả.

Quang Minh

BẤT KHẢ TƯ NGHỊ LÀ THẾ NÀO ?


Trong Phật giáo có một thuật ngữ là Bất khả tư nghì (nghị) 不可思議. Hễ nói tới điều gì không thể hiểu được thì người ta bèn nói đó là điều bất khả tư nghì. Thật ra dù cho điều gì sâu kín khó hiểu cũng không hẳn phải là bất khả tư nghì. Thí dụ nói nhất thiết duy tâm tạo (一切唯心造) tuy khó hiểu nhưng không phải là bất khả tư nghị.

Bất khả tư nghị không có gì bí ẩn, sâu kín, hay khó hiểu cả. Nó đơn giản chỉ là không phải sản phẩm của bộ não. Tất cả những gì con người nhận thức và diễn tả, như vũ trụ vạn vật, Thượng Đế, Phật, Chúa, tư tưởng, tình cảm…đều là sản phẩm của bộ não và đều là vọng tưởng, nghĩa là lấy tưởng tượng của bộ não hoặc tưởng tượng của cái tôi phóng hiện vào không gian 3 chiều và kéo dài trong thời gian thành thời không (space-time) 4 chiều.


Cho nên toàn bộ thế gian của con người đều là sản phẩm của bộ não.

Một nhà triết học của Đức thế kỷ 18 là Immanuel Kant cho rằng : Người ta không nhận thức được vật tự thể (Ding an sich), mà chỉ nhận thức được sự trình hiện (Erscheinung) của nó. Sự trình hiện này được hình thành bởi con người trong vai một chủ thể, bởi giác tính thuần túy (reiner Verstand). Từ đó Kant lập ra thuyết Bất khả tri. Bất khả tri cũng chính là Bất khả tư nghị, muốn nói là con người không thể nhận thức được chân lý, bởi vì cái mà bộ não nhận thức được chỉ là trình hiện, là ảo hóa không phải chân lý.

Vậy cái gì không phải là sản phẩm của bộ não ?


Nó là cái chưa qua sự biến đổi của bộ não, là bản lai diện mục trước khi cha mẹ chưa sinh ra ta. Có nhiều thuyết và nhiều danh từ để gọi nó. Phật giáo gọi là Phật hay Tánh Giác hoặc Tánh Không. Nó vô sinh, vô thủy vô chung, vô hình, vô thể. Nó đã sẵn có trước khi không gian và thời gian và vật chất được tạo ra, nó không phải là tưởng tượng của bộ não. Vậy trước Big Bang nó cũng đã có sẵn rồi.

Vì nó không qua bộ não nên bộ não không thể nhận biết được nó, do đó nói là bất khả tư nghị hay bất khả tri. Mà hễ khi nó qua bộ não thì sẽ biến thành trình hiện và không còn là vật tự thể hay nguyên thể nữa. Vì nó không phải là sản phẩm của bộ não nên nó là tuyệt đối, là bất nhị, không có sự đối đãi của chủ thể và đối tượng. Nó không có cặp phạm trù mâu thuẫn, nghĩa là không thiện không ác, không đúng không sai, không hiện hữu cũng không phải không tồn tại.


Tất cả cấu trúc vật chất như nguyên tử, phân tử, thiên thể, sinh vật…đều là trình hiện, không phải là bản lai diện mục. Tất cả những thứ khác như không gian, thời gian, tư tưởng, tình cảm, văn hóa cũng đều là trình hiện, không phải là chân lý.

Khoa học ngày nay hình dung bản lai diện mục bất khả tư nghị đó là Trường thống nhất, một thứ có dạng sóng gọi là miền tần số (frequency domain), vô hình, vô thể, vô thủy vô chung, không phải là vật chất mà chỉ là thông tin. Thông tin đó nằm trong mặt phẳng hai chiều, không có bề dày, không có thể tích. Do đó nó có thể nằm trong một hố đen mà không bị tiêu mất, ở chỗ gọi là chân trời hiện tượng (event horizon). Ví dụ một chiếc ví da được ném vào một hố đen. Ví da biến mất nhưng bản lai diện mục của cái ví da là thông tin thì không bị mất mà nằm ở chân trời hiện tượng của hố đen và từ thông tin đó có thể khôi phục lại hoàn toàn cái ví da nguyên thủy.

Chân trời hiện tượng của hố đen


Video sau đây minh họa cho ý tưởng này :

Vũ Trụ Toàn Ảnh- Khi Một Vật Rơi Vào Hố Đen Sẽ Ra Sao ?


Tóm lại Phật hay Tánh Giác hay Chánh biến tri, các tôn giáo khác gọi Thượng Đế hoặc Chúa Trời, hoặc cái người đời thường gọi là Chân lý, là bất khả tư nghị bởi vì nó không phải là sản phẩm tưởng tượng của bộ não. Cái mà chúng ta có thể nghĩ bàn chỉ là Vũ Trụ Toàn Ảnh, chỉ là một thực tại ảo.

Truyền Bình
Nguồn: Duy Lực Thiền