Saturday, July 28, 2018

HỌC SINH BÂY GIỜ HỌC VÌ AI?

“Người xưa học vì mình, người nay học vì người”, học sinh bây giờ học vì ai?

Đi học là để cho cha mẹ tự hào, cho người khác ganh tị, cho công danh lợi lộc sau này, ấy là cái dở nhất của người thời nay.

“Học thì ấm cái thân mày chứ ấm cái thân ai”, đó là câu mà các bậc cha mẹ thời nay hay than phiền khi con mình biếng học. Tuy nhiên nói là nói vậy, chứ người ta đâu có chịu để con “học vì mình”. Rất nhiều em nhỏ ngày nay đi học là vì để cho bố mẹ tự hào, là vì danh dự của trường lớp, là vì… nếu không học thì chẳng biết làm chi!?

Áp lực, mệt mỏi, chán học, ngủ gật là những hình ảnh hường thấy tại các giảng đường (Ảnh minh họa: Theo hn-ams.edu.vn)

Trong thiên “Khuyến học”, sách “Tuân Tử” có viết: “Cổ chi học giả vi kỷ, kim chi học giả vi nhân”, có nghĩa là người xưa học vì mình, người nay học vì người. “Học vì mình” là có ý rằng học để bồi dưỡng đức hạnh của bản thân. Còn “học vì người” có nghĩa là cái động cơ tới từ bên ngoài, học là để cho người khác.

Tất nhiên, cổ nhân còn có cái chí lớn, muốn tu dưỡng đạo đức bản thân, nhưng học để có cái nghề cái nghiệp sau này thì cũng không phải thứ gì sai lắm, ít ra là cũng có ý thức tự lập. Nhưng học sinh ngày nay thậm chí cũng chẳng thèm quan tâm đến cái cần câu cơm nữa. Thầy hiệu trưởng một trường đại học đã rất hoang mang tiết lộ: “Sinh viên của tôi, học hết năm thứ nhất, hay hết năm thứ 2 rồi bỏ học thi lại trường khác chiếm tới 40%!”. Một cư dân mạng đã phải thốt lên rằng: Quả là lãng phí! 12 năm trời chúng ta suy nghĩ tới việc đậu đại học, mà quên suy nghĩ xem mình nên đậu đại học gì!?

Căn bệnh thành tích, khoe khoang, sĩ diện hão đã trở nên thâm căn cố đế trong lòng các bậc phụ huynh, các nhà giáo, và các em học sinh từ lúc nào không hay. Điều nguy hiểm là ở chỗ nó đã trở thành “tự nhiên”, không thể nhận ra được mất rồi. Có một cô giáo tiết lộ rằng, bản thân vì không muốn đánh mất đạo đức nghề nghiệp, đã từng kiên quyết yêu cầu phụ huynh ngay từ đầu năm học đừng tìm cách xin điểm cho con. Nhưng đến cuối năm, họ vẫn tìm đủ mọi cách, thậm chí là dùng hiệu trưởng để gây sức ép giúp con mình có được cái bảng điểm đẹp. Lẽ “tự nhiên”, họ cho mình là đúng.

Các con đang phải sống cho giấc mơ của người lớn (Ảnh minh họa: Theo BioTechPool.com)

Hẳn là có người sẽ bênh vực rằng, lo lắng cho con thì có gì là xấu nào? Đó là cái chuyện thiên kinh địa nghĩa vậy. Nhưng rốt cuộc đó là lo cho đứa nhỏ hay lo cho mặt mũi của bản thân? Là lo con không nên người hay lo con không có “một cái vỏ bọc tốt”? Là lo cho thế hệ tương lai của đất nước hay là muốn đào tạo ra những con người rỗng tuếch lệch lạc? Lo lắng cho con tại sao cứ nghiễm nhiên phải là tốt cơ chứ? Đúng là tốt xấu chẳng rạch ròi!

Khổng Tử bàn rằng, “Cái Đạo của Đại học là ở chỗ Đức sáng”, cũng có nghĩa, cái việc học cũng là cái việc tu dưỡng đạo đức. Quá trình học tập của người xưa chính là thông qua những tấm gương trong quá khứ mà không ngừng hoàn thiện phẩm tính của bản thân mình. Cái học của thời nay thì khác hẳn, chính là chú trọng vào học kỹ năng, kỹ thuật, chứ không phải là học làm người. Còn cái gọi là “Giáo dục công dân” thì cũng không phải là một môn học đạo đức, cái gọi là “Văn học” lại là nơi so bì trí nhớ giỏi, cái gọi là “Lịch sử” lại không dùng để ôn cổ minh kim, thậm chí có cư dân mạng còn ví von sách giáo khoa như là… “pháp lệnh”.

Hình ảnh học sinh còng lưng “cõng sách” đến trường là sản phẩm đáng buồn của một nền giáo dục bỏ qua đạo đức và chạy theo kỹ thuật (Ảnh minh họa: Theo baomoi.com)

Người xưa học tập điều gì, thì tiếp nhận, ghi nhớ vào trong lòng, sau đó những cái học được đều thể hiện ra từng cử chỉ hành động; ăn nói thận trọng, hành động không lỗ mãng, một lời một việc đều có thể trở thành tấm gương cho người khác noi theo. Người nay học tập thì cũng tiếp nhận, ghi nhớ vào trong lòng, nhưng là để sau này có cái cần câu cơm, hay để người khác được hài lòng, chứ ít ai nghĩ đến việc trở thành “người quân tử” cả.

Quang Minh