Wednesday, July 11, 2018

GIEO ĐẮNG HÁI NGỌT ???

Chuyện này hoàn toàn trái ngược với thuyết “ở hiền gặp lành”, nhưng lại hoàn toàn có lý với nhúm rau đắng tảo tần. Ở đây thấp thoáng thuyết tương sinh tương khắc huyền diệu của vật thực Việt.


Khó - dễ tùy duyên
Mảnh mai và khó chiều chuộng chỉ có rau đắng đất. Gặp nắng hạn nó lụi tàn, còn lỡ hứng vài trận mưa dầm thì tàn tạ “dung nhan”. Khó dưỡng cỡ đó mà không ít dân Tây Nam bộ mê lạ lùng!
Bởi, trong nhóm rau cỏ đắng (sầu đâu, khổ qua rừng...) thì giống rau xa hè này chứa hậu ngọt lẫn mùi thơm đặc trưng thật sảng khoái, nhất là khi chúng “tương phùng” với nhiều loại cá đồng, cá sông...
Thử nghĩ, “cá tính” không hề dễ dãi (thích đâu thì mọc, bứng trồng nơi khác sẽ rũ lá chết tức tưởi) và biết thử thách (đắng rùng mình) thì giống rau kia cũng không phải hạng vừa. Có thể, do bao đời gắn bó với giồng rau thửa ruộng, từng một thời... hồn nhiên tắm mưa nên nó nhiễm đôi chút tính khí ngang tàng cũng như cởi mở huyên thuyên của dân Lục tỉnh?


Có lần anh Hai Trung Kiên, dân sành ăn có hạng ở tỉnh Bạc Liêu, kể rằng: “Nhờ một tô cháo rau đắng đất non mướt mà, một bà giá ở gần Ngã Bảy Phụng Hiệp “lượm” được chồng!”. Chuyện của vài chục năm về trước, nửa thực nửa hư mà nghe thật thấm thía. Thời đó, có bà vợ ngồi chễm chệ trên chiếc xuồng ba lá, quát tháo ông chồng đang còng lưng bặm môi ra sức chèo xuồng vượt con nước ngược. Thình lình, một luồng “sóng bà” nổi lên, ập tới hất văng ông chồng gầy guộc xuống sông. Bà vợ chèo xuồng “đi một nước”, bỏ mặc ông chồng bèo nhèo. Trời cao như có mắt, một góa phụ hiền lành chèo ghe phía sau chứng kiến hết. Bà đưa xuồng vớt ông chồng bạc phận kia, dẫn ông về nhà mình, lấy bộ pijama của chồng cũ cho ông thay tạm, dịu dàng pha bình trà quạu khách uống cho ấm người. Bà lật đật pha chén cơm nguội, đổ nước loãng vào nồi hầm nhanh thành cháo. Còn rủ ông ngồi xích lại bếp lửa cho ấm hơn. Và để ông mau lại sức, bà không tiếc cặp trứng gà so mới “rớt hột”, nhúm rau đắng đất... để dành dưới mé cầu ao.
Do muốn trả nghĩa ân nhân, ông này... chẳng chịu về nhà. Sớm hôm, ông nhiệt tình gồng gánh mọi việc nặng nhọc giúp quới nhơn: chẻ củi, xách nước, xay gạo... Cảm động, bà thỏ thẻ đề nghị ông thay thế... chồng cũ!


Chuyện giúp người nghe thêm phấn chấn. Và khỏi phải nói, nồi lẩu xiêm lo cá phèn tươi cỡ nửa bàn tay người lớn hôm đó kèm rổ rau đắng đất non mướt trong ngày mưa lất phất, do chính tay anh Hai nấu đãi bạn bầu ngọt thơm hết chỗ chê!
Bộ ba nên thuốc
Cũng có người vừa có tâm thiện vừa giàu máu Ba Phi, chế nên một giai thoại khác: kiếp trước, cọng rau đắng nhà quê kia là bà... chằn lửa hành hạ ông chồng lên bờ xuống ruộng. Mãn kiếp, ông chồng hiền ấm ức kiện vợ nhà với Diêm chúa. Cuối cùng, bên nguyên và bên bị lãnh án: chồng được đầu thai thành... cá lóc đồng, vợ là nhúm rau đắng phong trần. Mỗi lần cá lóc chuyển kiếp là cả họ nhà rau đắng cũng... lâm chung theo. Và người hầu trung thành, cũng là nhà hòa giải tài ba chính là nhúm ớt hiểm đỏ rực.


Nghe lạ không kém chuyện Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Nhưng ngẫm lại, bộ ba cá - rau - ớt kia, rất ăn rơ và có thể bù trừ cho nhau. Chính lượng tinh dầu ớt giúp khử tanh cá lần cuối khiến da thịt nó thêm hấp dẫn, lúc bốc khói. Cũng chính ớt giúp mùi vị của nước rau đắng thêm thăng hoa, để giới sành điệu thêm mê mẩn. Ví dụ, cần một - hai trái ớt hiểm nhỏ giã giập, cho vào nồi canh 1,5 - 1,8 lít nước, khi đáy nồi mới sủi tăm (gần sôi). Nêm nếm sơ. Nước sôi bùng thì cho cá đã làm sạch vào. Khi những khứa cá trắng mọng nổi lên, bớt lửa, nêm nếm lần cuối. Tắt lửa, giở nắp nồi, chờ nước nguội bớt, còn khoảng 80 - 85 độ C, mới nhẹ nhàng thả rau vào. Đảo sơ, tức thì một làn hương thanh toát lên, xoắn lấy cặp mũi những ai may mắn đứng gần! Lạ lùng hơn, mùi vị nước canh phiêu hốt đến không ngờ; chỉ nghe ngọt thơm thanh đậm, không hề gặp cay đắng... phũ phàng.


Chợt nghe đồng vọng, những cái nhăn mặt và tiếng nhai ớt hiểm giòn rau ráu của bao bước chân mạnh bạo mở cõi phương Nam. Thời đó, cá tôm, rùa rắn... lềnh khênh, nhưng nạn sốt rét rừng từ muỗi mòng... còn dữ tợn lắm. Chính lượng kháng sinh thực vật từ rau cỏ, chứa chủ vị đắng cay kia đã giúp họ tăng sức đề kháng, tiến trình trao đổi chất trong cơ thể thông suốt hơn và cơ chế giải độc qua da (toát mồ hôi) cũng hiệu quả hơn, theo y thực.
Riêng anh Quốc Việt, ở TP. Mỹ Tho chia sẻ thêm: cá lóc cụ nên giữ lại bộ lòng, làm sạch nhanh nhất là ngâm vào ít nước phèn chua. Và rau đắng phải còn nguyên rễ mới “hết sẩy”!
Tạ Tri

No comments: