Viết…
Rồi lại xóa…
Viết và xóa trở thành cặp song trùng bí ẩn, mâu thuẫn nhưng lại cần sự có mặt của nhau…. Viết ra rồi xóa đi và xóa đi để rồi viết lại…
Viết…
Rồi lại xóa…
… Nếu có ai chứng kiến thấy tôi hôm nay, chắc họ cho là điên. Cặm cụi ngồi gõ bàn phím cả tiếng đồng hồ rồi lại nhấn DELETE cái rẹt. Cả mấy trang giấy đi tong rồi lại cặm cụi gõ tiếp…
Viết…
Rồi lại xóa…
Có lẽ mình điên thật nhưng suy ngẫm kỹ mình cũng chả làm cái công việc gì ngược đời cả. Nếu viết ra mà không biết xóa đi và xóa rồi mà không dám viết tiếp thì mới là người thật sự điên.
Viết…
Rồi lại xóa…
Có người đã từng ví tâm hồn con trẻ như tờ giấy trắng. Thông qua giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội; thông qua quan hệ giao tiếp với mọi người mà từng nét được viết lên.
Viết…chính là hình thức thâu nhận tri thức và kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân trong xã hội.
Xóa…một hình thức của quên, của chắt lọc và xử lý thông tin thu nhận được…
… Tôi đang tưởng tượng nếu người ta chỉ có thu nhận kiến thức (viết) mà không biết quên hay xử lý, tái tạo, chọn lựa (xóa) thì chắc chắn xã hộisẽ chỉ tồn tại hai loại người: thần đồng (nhớ hết mọi thứ trong thiên hạ) và người điên (biết nhiều quá cũng điên vì chính cái biết)… Như vậy, viết mà không biết xóa mới thật là điên còn viết ra và xóa đi là chuyện hết sức bình thường.
Viết…
Rồi lại xóa…
Một quy trình tất yếu của nhận thức. Thâu nhận thông tin mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Tâm hồn con người không chỉ là tờ giấy trắng mà ai đó thích vẽ hay viết gì lên đó cũng được. Con người, bên cạnh việc tiếp nhận thông tin còn biết xử lý, chắt lọc, cải biến và sáng tạo ra những cái mới nữa (giống như chế biến thực phẩm tươi sống thành đồ chín thơm ngon). Đó mới là điều kiện cần và đủ cho quá trình trưởng thành đích thực.
Thế nhưng…
Thật đáng tiếc là khả năng xóa của chúng ta hiện nay tương đối yếu so với khả năng viết. Chúng ta vội vã đón nhận và tin tưởng vào những thông tin thu nhận được từ gia đình, xã hội, giáo dục, các phương tiện thông tin đại chúng, từ môi trường chung quanh… một cách mù quáng, thiếu sự kiểm định và đánh giá công bằng của lý tính chúng ta và thực tại đang diễn ra. Trước dư luậnxã hội, truyền thông đại chúng, áp lực kinh tế, quyền lực chính trị… chúng ta tự biến mình thành tờ giấy trắng để ai đó thích viết gì lên đó cũng được. Khả năng “dám” xóa của chúng ta ngày một cùn dần và đến một lúc nào đó, chúng ta trở thành công cụ của người khác, đi bằng đôi chân của người khác và suy nghĩ bằng cái đầu của người khác.
Đáng lo ngại thay!
Viết…
Rồi lại xóa…
Viết…chúng ta cần đôi mắt thật sáng, đôi tai thật thính để nhìn cho sâu, nghe cho kỹ tất cả những thông tin mà giác quan chúng ta thu nhận được.
Xóa…chúng ta cần đến cái đầu thật tỉnh táo để tư duy, chọn lựa và cải biến, sáng tạo; chúng ta cần đến bản lĩnh để xóa đi những gì giả tạo, hèn nhát, chúng ta cần đến cái miệng để nói, đôi tay để hành động vì một điều gì đó có lợi cho xã hội, tha nhân và chính mình.
Viết…
Rồi lại xóa…
Chúng ta cần cả hai vì cả hai chính là nhân tố tiên quyết, điều kiện cần và đủ cho một nhân cách trưởng thành, nếu không, chúng ta chỉ là sinh vật sống ký sinh trên đôi chân và cái đầu của người khác.
TRÍ KHÔNG
No comments:
Post a Comment