Cánh diều tuổi thơ
Những con diều no gió bay lên cao, thỉnh thoảng vờn lượn chao đảo, rồi lại ưỡn ngực, vỗ đuôi dài phấp phới, 2 cánh lất phất như chim, sợi dây cước ni long cuộn trong lon sữa bò Ông Thọ ngày càng nới dần, dây căng chùng một đường cung, nơi đầu dây xa tít là con diều bằng giấy dán nan tre, hiên ngang vững vàng trên bầu trời, cuối cuộn dây là cánh tay tuổi thơ mỏi nhừ và trái tim rộn ràng niềm vui.
Tuổi thơ mau quên. Sau mùa xuân Mậu Thân tang tóc, mùa hè tôi và bạn nhỏ thường mặc quần xà lỏn, mình trần cháy nắng làm diều đơn giản hình con cá đuối, háo hức theo con đường phượng bay lên Thượng Thành. Trước sân trường trung học Hàm Nghi, trước đây là Quốc Tử Giám, có 2 bãi sân đá banh thật rộng. Chẳng đợi gió lên, đứa cầm dây, đứa cầm diều ngoái đầu mà chạy, tay vung cao giật dây cho diều lên. Diều chao đảo qua phải, qua trái rồi… đâm đầu xuống đất. Lại cầm dây chạy vấp té, trầy gối sưng chân. Vậy mà cuối cùng diều lên cao tung bay trong gió. Lòng nhẹ nhàng bay theo. Khi không có bạn, tôi thường leo lên tường thành, lên kỳ đài, nơi còn nhiều dấu tích bom đạn loang lở trên tường xưa gạch cũ, lượm những vỏ đạn đồng còn nằm rải rác. Ðứng ở đó, sau lưng là Ðại Nội, dấu tích cung điện vàng son nay hoang phế. Trước mặt là dòng sông huyền thoại thơm hương. Và bao giờ cũng có gió. Gió đón chờ những cánh diều tuổi thơ. Gió đón diều như đón tuổi thơ, nguôi ngoai đi cái Tết oan khiên, bay cao vào bầu trời mơ ước…
Tuổi thơ ngày ấy không như bây giờ. Chỉ vui với những trò chơi đơn giản, những đồ chơi tự làm. Ðá dế, đá banh nhựa, tạt lon, bắn súng gỗ, trốn tìm, nhảy ô làng… và thả diều. Thời gian ngày ấy dài lắm, không TV, phim ảnh; gắn bó với thiên nhiên cả ngày, như đôi chân không hề mang dép, dang nắng ngoài sân nhiều hơn trong nhà. Ấy vậy mà hồi đó không hề buồn chán. Chỉ có cánh diều trên cao, không có tiếng sáo trúc, chỉ có thả quấn một mảnh giấy ghi lời ước vào dây cước, mảnh giấy dần theo đến diều cao. Rồi ngồi nhìn diều, nhìn mây bay cả buổi chiều. Hồn nghĩ mông lung, những ước mơ không rõ nét. Nắng gần tắt, nhớ giờ cơm mới cuốn dây về nhà.
Năm đầu qua Mỹ, thấy chợ Wal-Mart bán diều rẻ rề, làm bằng nhựa, đủ hình dáng. Cũng mua về đem ra sân sau nhà thả cùng con. Bầu trời xanh nơi này cũng xanh như trời ngày xưa. Bọn chúng chơi một bữa nói chán. Bảo thì giờ đâu mà ngồi nhìn diều bay. (Chúng nó cũng không có kiên nhẫn như ngồi câu cá.) Chúng nó muốn có niềm vui tới thật nhanh, những niềm vui có sẵn. Những niềm vui Digital. Chúng quay vào nhà nằm dài trên sofa coi TV hay cầm iPhone, iPad…
Tôi đứng trong chiều và nhìn cánh diều. Trí óc lan man. Kẻ nào kiểm soát được bầu trời là kẻ chiến thắng. Air supremacy làm con người mơ ước để dựng nên linh vật như rồng. Rồng bay trên mây, bay khắp trời xanh, phun lửa, phun nước làm tiêu tan thành quách lâu đài, hủy diệt kẻ thù. Ước mơ bay bổng như diều cũng là ước mơ quyền lực của rồng. Rồng là hình ảnh của vương quyền.
Balloon phòng không bảo vệ tà chiến ở bờ biển Normandy
Nghe truyền thuyết bảo rằng người Trung Hoa xưa “phát min” ra diều. Khởi đầu từ một hôm trời nổi gió, cuốn người vợ của anh chồng đang đội cái nón có quai cột ngang cổ lên trời cao. Lại nhớ sự tích cây đa và chú cuội. Cây đa cũng là hình ảnh con diều lớn bị gió đưa lên trời, lên tuốt mặt trăng. Nói đùa là vậy, nhưng có nhiều điển tích, câu chuyện về diều được dùng trong quân sự và khoa học.
Bạn hẳn còn nhớ con diều của Benjamin Franklin năm 1752 để tiến hành các thí nghiệm điện, phát minh ra cột thu lôi. Cánh diều là khởi nguồn nghiên cúu và phát minh ra chiếc máy bay đầu tiên của anh em Wright. Cái thời từ 1860 đến 1910 trước Thế Chiến là “thời vàng son của diều” để khởi đầu lịch sử hàng không. Trong cuộc nội chiến ở Mỹ, diều được dùng để rải truyền đơn dụ quân Confederate đầu hàng. Trong trận vây hãm Vicksburg tháng 6, 1863, hải quân Union đã đề xuất vật liệu để làm diều thả vào Vicksburg vào buổi đêm hay sáng sớm. Một làng ở Virginia dùng diều đưa thư qua bên kia sông đến Maryland. Thế chiến I, khinh khí cầu là một loại diều mang theo cái giỏ, có lính quan sát tìm kiếm từ trên cao các chiếc tàu ngầm U-Boat đầy đe dọa của Ðức.
Trong Thế chiến 2, để chống máy bay Ðức thả bom ở độ thấp, cũng như cuộc đổ quân ở Normandy đã chứng kiến hàng ngàn diều bong bóng to, gọi là “bóng phòng không” (barrage balloon). Năm 1943 Sĩ quan Paul Garber của Hải quân Mỹ dùng diều nhào lượn để cho pháo thủ phòng không tập bắn máy bay. Một thiết bị cấp cứu gọi là Gibson Girl cho hải quân khi rơi xuống biển, liên lạc để được cứu bằng một chiếc diều nhỏ được thả lên trời, mang tín hiệu radio. Trước khi điện thoại liên lạc ra đời.
Sau trận động đất kinh hoàng ở San Francisco năm 1906 làm hơn 3 ngàn người chết, 28 ngàn tòa nhà thiêu hủy, 250 ngàn người vô gia cư. George Lawrence trở thành nổi tiếng với bức không ảnh panorama chụp toàn cảnh San Francisco tan hoang sau động đất, với máy ảnh treo trên những cánh diều.
Những chiếc drone là những con diều không dây. Drone được lập trình làm nên những show biểu diễn tuyệt vời bằng ánh sáng, bằng hình ảnh trong các buổi khai mạc Thế Vận Hội, trong các Super Bowl, show ca nhạc. Drone giúp sửa chữa điện lực tại các nơi thiên tai, Drone như cánh chim chao lượn từ trên cao, đi khắp vực sâu ghềnh thác, thám hiểm những miền đất dữ, những cánh rừng xa, những hầm mỏ, những miền đất nhiễm phóng xạ hóa chất, bay vào các tâm bão cuồng phong, bay vào các cánh rừng đang cháy, các núi lửa đang phun, tìm kiếm vào cứu nạn nơi thảm họa và nguy hiểm cho con người. Những thước phim tường thuật các cuộc biểu tình, Amazon với PrimeAir giao hàng nhanh chóng hơn bằng drone. Drone dự định sẽ dùng trong xây dựng các cao ốc lộng gió chọc trời… Drone là vũ khí tối ưu diệt kẻ địch từ mây xanh…
Nơi đây hàng năm vẫn có hội thả diều như quê cũ. Những con diều đẹp vô cùng. Hội hè đông vui nô nức. Người lớn trẻ con háo hức. Nhưng qua ngày hội, trời hè lại vắng lặng. Chỉ nghe vi vu những cánh drone. Lòng chợt nhớ những cánh diều, hồn ngẩn ngơ như diều đứt dây, chao đảo rồi cuốn bay, theo phương trời nao biền biệt.
Sean Bảo