Sunday, April 28, 2019

CHỢ BÌNH TÂY XƯA LÀ CHỢ LỚN MỚI

Chợ Bình Tây hay còn gọi là Chợ Lớn Mới là ngôi chợ lớn nhất ở khu Chợ Lớn và là ngôi chợ duy nhất có khoảng sân trời và vườn hoa giữa chợ.

Những kiosk mái ngói bên ngoài Chợ Lớn Mới nay đã không còn. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Trong những năm 1776, vùng đất Sài Gòn là nơi định cư của người Hoa ở Cù Lao Phố sau khi chạy lánh nạn do chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. So với Cù Lao Phố, Sài Gòn có nhiều lợi thế hơn hẳn do có giao thông thuỷ, bộ rất thuận lợi. Theo phong tục tập quán, người Hoa thường lập chợ khi đến nơi định cư mới nhằm có chỗ để trao đổi hàng hoá. So với chợ Tân Kiểng của người Việt thì chợ Sài Gòn (khu vực Bưu điện Chợ Lớn ngày nay) có lớn hơn nên được người dân nơi đây gọi là Chợ Lớn.

Chợ Lớn ngày càng phát triển sung túc, nhiều người dân từ nơi khác tập trung đến làm ăn mua bán. Chợ trở nên chật hẹp không thể phát triển thêm. Chính quyền tỉnh Chợ Lớn thời đó cũng dự định xây dựng chợ mới nhưng chưa tìm được đất. Hay tin, ông Quách Đàm bỏ tiền ra mua mảnh đất sình lầy rộng trên 25.000m2 ở thôn Bình Tây và cho san lấp bằng phẳng, xây dựng chợ mới bằng xi măng cốt thép tặng lại chính quyền. Riêng ông chỉ xin xây dựng mấy dãy phố lầu xung quanh chợ và dựng tượng ông chính giữa chợ sau khi ông qua đời.

Chợ Lớn cũ nay là Bưu điện quận 5 năm 1920 đã trở nên chật chội khiến chính quyền tìm đất cất chợ mới. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Ông Quách Đàm, thương hiệu Thông Hiệp (1863 – 1927, theo ghi khắc tại bệ đá thờ ông trong hoa viên của chợ), người làng Triều An, Long Khanh, Triều Châu, Trung Quốc, rời quê hương với hai bàn tay trắng. Thuở ban đầu ông đi thu mua ve chai, lông vịt và các loại nguyên liệu phế thải để kiếm sống qua ngày. Khi đã có một số vốn, ông bước vào nghề mua bán lúa gạo. Ông đã tạo nên Thông Hiệp, một cơ sở kinh doanh danh tiếng ở khu vực Chợ Lớn ngày ấy. Nhờ đức tính cần cù chịu khó, lại giỏi tính toán, bán buôn, Quách Đàm dần trở thành người giàu có.

Khi được chính quyền tỉnh Chợ Lớn đồng ý, ông tổ chức xây chợ mới theo lối kiến trúc Trung Quốc và áp dụng kỹ thuật xây dựng hiện đại của Pháp thời bấy giờ. Chợ được xây cất bằng xi măng cốt thép theo kỹ thuật phương Tây, nhưng lại mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc. Tháp giữa vươn cao có 4 mặt đồng hồ, có “lưỡng long chầu châu”, 4 góc có 4 chòi nhỏ, toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng. Riêng mái ở các góc có nét uốn lượn theo kiểu chùa chiền phương Đông. Chính giữa chợ có khoảng sân trời rộng rãi, thoáng mát. Riêng tượng ông Quách Đàm bằng đồng được thuê đúc tận bên Pháp.

Nói về bức tượng ông Quách Đàm, nó được dựng lên sau khi ông mất vào năm 1930, trên bệ cao, dưới chân tượng có kỳ lân chầu và rồng phun nước. Đây là bức tượng toàn thân của một người đàn ông trung niên với tư thế đứng hơi rướn người về phía trước, tay trái ôm những cuộn giấy (có lẽ là những sắc phong), tay phải cầm cuộn giấy đã mở hé một phần, trang phục theo kiểu truyền thống người Hoa được chạm khắc tỉ mỉ đến từng chi tiết: những nếp gấp ở tay áo, gấu áo thật mềm mại, sinh động – đẹp nhất là những hoa văn li ti phủ khắp mặt áo và cả những tấm huy chương Long bội tinh, Bắc đẩu bội tinh chạm khắc trên ngực áo. Nghe đâu ông Đàm được chính phủ Pháp tặng Bắc đẩu bội tinh vì đã mua đứt một nhà máy đường của Pháp đang làm ăn thua lỗ.

Bức tượng ông Quách Đàm hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. (Ảnh: Wikipedia)

Chợ mới sau khi xây xong rất khang trang, sạch sẽ, trên khuôn viên đất khá rộng nên được người dân gọi là Chợ Lớn Mới. Ngay sau khi được đưa vào hoạt động, với lợi thế về giao thông thuỷ bộ cũng như tay nghề kinh doanh của bà con tiểu thương người Việt và người Hoa, Chợ Lớn Mới nhanh chóng trở thành khu kinh doanh sầm uất, giữ tính chất đầu mối bán buôn khắp Nam kỳ lục tỉnh, trong nước và các nước láng giềng.

Chợ Lớn Mới của những năm 1960 nhìn từ trên không. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Sau 1975, chính quyền tiếp nhận, đổi tên chợ là chợ Bình Tây, tượng ông Quách Đàm bị hạ xuống, trôi nổi mãi mới được đưa về bày trong sân Nhà triển lãm số 6 Phó Đức Chính Quận 1, sau dời về trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Còn trong hoa viên giữa chợ Bình Tây, chỉ còn một cái lư cắm nhang và một cái hộp nhựa, bên trong đựng một tấm ảnh vàng ố, cong veo của ông Quách Đàm. Mãi sau trước yêu cầu của các tiểu thương, tấm ảnh mới được thay thế bằng một pho tượng bán thân (kích thước khoảng 100cm x 80cm)

Gia đình ông Quách Đàm cùng quan chức Pháp. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Năm 1992, Quận 6 tổ chức sửa chữa nâng cấp nhà lồng chợ thêm một tầng lầu. Năm 2006 tiếp tục đầu tư cải tạo sửa chữa khu vực Trần Bình – Lê Tấn Kế. Chợ Bình Tây giữ vững vị thế là một trong những ngôi chợ lớn của thành phố với 2.358 quầy sạp. Khu vực nhà lồng chợ có 1446 sạp, trong đó tầng trệt là 698 sạp, tầng lầu có 748 sạp. Khu vực ngoài nhà lồng có 912 sạp, trong đó Trần Bình có 408 sạp, Lê Tấn Kế có 328 sạp, Phan Văn Khoẻ là 176 sạp. Các ngành hàng được bố trí, sắp xếp hợp lý, tập trung theo từng khu vực kinh doanh nhằm phát huy thế mạnh của từng ngành hàng. Bà con người Hoa vẫn tập trung về chợ làm ăn mua bán mà đa số là người Hoa sinh sống tại các quận 5, quận 6 và quận 11. Tiểu thương người Hoa chiếm tỷ lệ 25% số lượng hộ kinh doanh tại chợ Bình Tây. Cuối năm 2016, chợ Bình Tây lại bắt đầu đóng cửa để sửa chữa nâng cấp và hiện tại (10/2018) đã gần hoàn thành.

Với lối kiến trúc cổ xưa của Trung Quốc và bề dày lịch sử lâu năm, chợ Bình Tây còn mở ra một hướng phát triển mới đó là điểm du lịch tham quan mua sắm nhiều tiềm năng cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Dựa theo bài viết “Lịch sử hình thành chợ Bình Tây”
Tác giả: Huỳnh Văn Yên & Bùi Thụy Đào Nguyên
Theo: trithucvn