Trong văn hoá truyền thống Trung Quốc, hầu tinh 猴精 là một đề tài trọng yếu của tiểu thuyết truyền kì. Trong dân gian, hầu tinh cũng là một trong những thần linh được mọi người tín ngưỡng sùng bái. Tại khu vực Phúc Kiến 福建 đến nay vẫn còn tồn tại tín ngưỡng sùng bái “Đại Thánh Phật Tổ” 大圣佛祖. Theo ghi chép, sớm nhất vào triều Tống, tại khu vực Triều Châu 朝州đã xuất hiện “Đại Thánh miếu” 大圣庙. Sự xuất hiện tín ngưỡng sùng bái này so với “Tề Thiên Đại Thánh” trong Tây du kí chí ít là sớm hơn 2 triều đại. Đến nay, một số nơi tại vùng duyên hải Phúc Kiến, bia khắc “Tề Thiên Đại Thánh”, miếu thờ vẫn có thể thấy ở khắp nơi.
Có quan điểm cho rằng, xưng vị “Đại Thánh” 大圣 là sản vật dung hợp quan điểm của Nho, Đạo, Phật. Trong học thuyết Nho gia, một số nhân vật trải qua tu hành, phẩm hạnh cao thượng, có thể nói là mẫu mực về đạo đức đều được xưng là “Thánh nhân” 圣人; trong học thuyết của Đạo giáo, còn có cách nói “tu luyện viên” 修炼猿 (vượn tu luyện); trong Phật giáo có thuyết “thính kinh viên” 听经猿 (vượn nghe kinh) nói đến viên hầu tinh thọ giáo nghĩa cảm hoá, tu luyện thành hình, cuối cùng tấn thăng tiên nhân. Vì vậy mà những tinh quái xuất thân hầu tinh như Tôn Ngộ Không, trải qua Phật gia điểm hoá, Đạo gia tu hành, đã diễn hoá thành “Đại Thánh” không gì là không thể. Còn danh hiệu “Tề Thiên” 齐天, là mĩ xưng vị thần mà mọi người sùng bái.
Tôn Ngộ Không bảo hộ Đường Tăng trên đường đi thỉnh kinh, tâm trung bất nhị đối với sư phụ, trảm yêu trừ ma, là vị đại anh hùng trong mắt mọi người. Thỉnh kinh trở về, Tôn Ngộ Không được phong là “Đấu Chiến Thắng Phật” 斗战胜佛, có thể phối cùng vũ khí “Đại Thánh”, đương nhiên không phải là bình thường. Theo tiểu thuyết, cây “như ý kim cô bổng” mà Tôn Ngộ Không sử dụng nặng đến 13.500 cân, ngắn dài 2 trượng, theo truyền thuyết là cây “định hải thần châm” 定海神针 mà khi Đại Vũ 大禹 trị thuỷ đã dùng. Để có được nó, Tôn Ngộ Không đã đại náo đông hải long cung, dựa vào nó, Tôn Ngộ Không đã đến cõi u minh sửa sổ sinh tử, bảo hộ Đường Tăng đi đến Lôi Âm tự 雷音寺 ở tây thiên thỉnh được chân kinh. Có thể nói, trong cả bộ tiểu thuyết, trừ Tôn Ngộ Không ra, công lao lớn nhất có thể nói chính là cây kim cô bổng.
Dịch giả: Huỳnh Chương Hưng
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013