Monday, April 15, 2019

VÌ SAO NÓI CÁI "NGHĨA" CỦA LƯU BỊ XƯA NAY KHÓ AI BÌ ĐƯỢC?

Người ta thường nói “Hoạn nạn mới biết lòng người”, thời Tam Quốc chiến loạn rối ren đã thể hiện được nội hàm của chữ “Nghĩa”. Chữ “Nghĩa” trong thời Tam Quốc, chủ yếu là ở Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, đặc biệt là lòng nhân nghĩa của Lưu Bị.

Cái “nghĩa” của Lưu Bị hiếm có trên thế gian. (Ảnh: Sohu)

Trong cuộc hỗn chiến xưng hùng xưng bá, Lưu Bị cần phải nhanh chóng gây dựng vị thế, Đào Khiêm nhiều lần nhường lại Từ Châu, nhưng Lưu Bị kiên quyết không nhận. Sau đó Đào Khiêm bệnh tình nguy kịch, trước khi qua đời đã lấy ngón tay chỉ vào tim rồi chết – ý nói tâm nguyện ông là xin Lưu Bị tiếp nhận bài ấn Từ Châu.

Sau khi an táng Đào Khiêm, quân sỹ Từ Châu cũng xin Lưu Bị tiếp nhận bài ấn, Lưu Bị vẫn chối từ. Hôm sau, bách tính Từ Châu khóc lóc quỳ lạy xin Lưu Bị cai quản Từ Châu, Lưu Bị mới tiếp nhận. Từ đó có thể thấy, “nghĩa” của Lưu Bị quả thật người bình thường không thể nào làm được.

Sau trận chiến Tân Dã, đại quân Tào Tháo có ở khắp nơi, chia quân làm tám nhánh bao vây tấn công Phàn Thành – nơi Lưu Bị đóng quân, Lưu Bị rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Tào Tháo khuyên hàng không thành, lập tức tấn công ngay trong ngày, Lưu Bị hỏi kế sách, Khổng Minh nói: “Có thể mau bỏ Phàn Thành đến Tương Dương tạm nghỉ ngơi”.

Lưu Bị nói: “Bách tính đi theo đã lâu, sao có thể nhẫn tâm mà bỏ được?”. Khổng Minh nói: “Có thể sai người thông báo cho bách tính rằng: Người nào đồng ý đi theo thì cùng đi, người không muốn thì ở lại”.

Sau khi thông báo, bách tính hai huyện Tân Dã, Phàn Thành đều đồng thanh hô lớn: “Chúng tôi dù chết cũng nguyện theo Lưu Sứ quân!”. Ngay hôm đó, mọi người ra đi trong nước mắt, dìu già dắt trẻ, dẫn theo nam nữ, ùn ùn vượt sông, hai bờ tiếng khóc lóc không dứt.

Lưu Bị đứng trên thuyền nhìn, gào khóc mà rằng: “Vì một mình ta mà bách tính phải chịu đại nạn này, ta còn sống làm gì!”. Nói rồi bèn muốn nhảy xuống sông mà chết, được mọi người xung quanh ra sức can ngăn. Thuyền đến bờ nam, ngoảnh đầu nhìn lại bách tính, vẫn có người chưa qua sông, đang trông sang bờ nam mà khóc. Lưu Bị vội vàng lệnh cho Quan Vân Trường cho thuyền đưa họ sang sông, cho đến khi tất cả mọi người đều qua sông, Lưu Bị mới lên ngựa.

Tạo hình nhân vật Lưu Bị và Gia Cát Lượng trên phim ảnh. (Ảnh qua DanViet)

Có câu rằng: “Đại nạn ập đến thân ai người nấy lo”, giữa lúc sinh tử tồn vong ai có thể một lòng lo lắng bảo vệ bách tính như Lưu Huyền Đức? Hành quân đem theo cả gia đình là việc đại kỵ của nhà binh, trong lòng Lưu Bị chỉ có bách tính, đại nghĩa này cổ kim hiếm có.

Đến ngoài cổng thành Tương Dương, cháu của Lưu Bị là Lưu Tông từ chối mở cổng thành, đồng thời dùng cung tên bắn loạn xuống. Lúc đó trong thành có một người tên là Ngụy Diên vung đao chém chết tướng sỹ giữ cổng thành, rồi mở cổng và hét to: “Lưu Hoàng thúc mau dẫn quân vào thành cùng giết tên giặc bán nước”.

Trương Phi nhảy lên ngựa chuẩn bị vào thì bị Lưu Bị ngăn lại nói: “Chớ kinh động đến bách tính!”. Lúc này quân giữ thành đang tự hỗn chiến, Lưu Bị nói: “Ta vốn muốn bảo vệ dân, vậy mà lại làm hại dân rồi! Ta không muốn vào Tương Dương!”. Thế là dẫn bách tính đi về hướng Giang Lăng.

Binh gia tấn công thành, chiếm đất có nội ứng bất ngờ là việc vô cùng may mắn. Trong tình hình phía sau lưng là đại quân Tào Tháo ùn ùn kéo đến truy sát, Lưu Bị đang cuống cuồng chạy tháo thân, mà vẫn vì dân không dám chiếm thành Tương Dương để dung thân, có thể thấy lòng nhân nghĩa của ông như thế nào.

Lưu Bị không chiếm Tương Dương, Tào Tháo tiến quân vào Tương Dương không phải tốn một binh một tốt nào. Mười mấy vạn quân dân đồng hành cùng Lưu Bị, xe lớn nhỏ vài nghìn cỗ, gồng gánh cõng gùi nhiều không đếm xuể. Với tình hình đó thì mỗi ngày chỉ có thể đi được mười mấy dặm, mà quân Tào Tháo đuổi theo thần tốc.

Các tướng của Lưu Bị đều nói: “Chi bằng tạm thời bỏ bách tính lại, đi trước là hơn”. Lưu Bị khóc và nói: “Người gây dựng đại sự phải lấy con người làm gốc. Hôm nay mọi người đi theo ta, sao lại có thể bỏ được?”. Do đó Lưu Bị không đồng ý.

Người đời sau có thơ khen rằng: 

“Lâm nạn lòng nhân lo bách tính; 
Lên thuyền rơi lệ cảm ba quân. 
Bến nước sông Tương còn thương xót; 
Phụ lão như xưa nhớ Sứ quân”.

Cái nghĩa của Lưu Bị còn thể hiện ở lòng tin sắt đá, không hề mảy may nghi ngờ với những huynh đệ kết nghĩa. (Ảnh: Pinterest)

Do quân dân di chuyển chậm chạp, Lưu Bị bị đại quân Tào Tháo truy sát, vợ con gia đình đều bị rơi vào tay quân địch. Phu nhân Lưu Bị – My phu nhân, vì bảo vệ con trai A Đầu nên đã lao mình xuống giếng cạn mà chết. Trương Phi, Triệu Tử Long tử chiến Đương Dương, thật trung nghĩa biết bao!

Cái nghĩa của Lưu Bị còn thể hiện ở lòng tin sắt đá, không hề mảy may nghi ngờ với những huynh đệ kết nghĩa. Sau khi Lưu, Quan, Trương bị đại quân Tào Tháo đánh tan tác, trong chiến loạn Lưu Bị chỉ còn lại đơn thân một mình chạy thoát đến Thanh Châu, được Viên Thiệu bảo hộ. Quan Vũ bảo vệ phu nhân Lưu Bị đã rơi vào tay quân Tào.

Sau này Tào Tháo và Viên Thiệu nổ ra chiến tranh, Lưu Bị ở trong quân Viên Thiệu lần đầu nhìn thấy Quan Vũ ở trong doanh trại Tào Tháo, ý nghĩ đầu tiên đó là: “Tạ ơn trời đất, thì ra ngũ đệ quả nhiên là ở chỗ Tào Tháo”. Ông không mảy may hoài nghi Quan Vũ thay lòng đổi dạ, việc này thì người bình thường không thể nào làm nổi, người thường ai mà chẳng có lòng hoài nghi?

Cái “nghĩa” của Lưu Bị còn ở chỗ năm lần bảy lượt đến lều cỏ mời Gia Cát Lượng. Hai lần đến lều cỏ, Lưu Bị đều không gặp được Gia Cát Lượng, chịu sự đả kích giày vò của đủ thể loại tâm lý và hoàn cảnh, nhưng Lưu Bị không hề oán hận, khổ cực nhẫn nại chờ đợi đến mùa xuân năm sau, lựa chọn ngày tốt, trai giới ba ngày, tắm gội xông hương, áo quần chỉnh tề rồi lần thứ ba đến lều cỏ, lòng chân thành kính trọng người hiền của Lưu Bị có thể sánh với Chu Văn Vương mời Khương Tử Nha.

Thử hỏi, từ cổ chí kim có mấy người có được lòng nhân nghĩa như Lưu Bị.

Tuệ Tâm (Theo Secretchina)

No comments: