Monday, April 22, 2019

CHỢ BÌNH TÂY, HỢP LÝ VÀ ĐẠO LÝ

Thằng nhóc 15 tuổi, đứng trước cổng chợ Bình Tây vừa mới tu bổ, ngắm nghía một lát rồi chụp hình cái tháp đồng hồ nguy nga. Nó hỏi bố: “Cái chợ này lớn hơn chợ Bến Thành, nên gọi là Chợ Lớn, đúng không?”. Tôi gật gù, đúng và không đúng! Thằng nhỏ hỏi y chang câu hỏi của tôi khi mẹ tôi lần đầu đưa con đi lấy hàng ở chợ, xa lắc xa lơ 50 năm trước.


Nhóc ơi, chợ Bình Tây là chợ lớn nhất Sài Gòn và Nam Kỳ nhưng chỉ là một phần của Chợ Lớn - nơi có đủ phố xá, bến cảng, chợ búa, nhà máy, đền chùa to nhỏ của người Hoa, dựng lên từ thế kỷ XVIII. Thưởng ngoạn đầy đủ Chợ Bình Tây không thể không tìm hiểu gốc tích và khung cảnh ra đời của nó.

Chợ Lớn Cổ, Chợ Lớn Cũ và Chợ Lớn Mới

Thật ra, có Chợ Lớn Cũ và Chợ Lớn Mới, hai cái tên này đã “lặn” mất từ lâu. Vào những năm 1970, xe lam và xe buýt ở Sài Gòn ghi rõ chuyến nào vào Chợ Lớn Cũ, chuyến nào ghé Chợ Lớn Mới. Thuở bé, tôi nghe mẹ giải thích Chợ Lớn Cũ là khu bùng binh Ngã Bảy trước nhà Bưu điện quận Năm nối từ bờ kênh Tàu Hũ đến đại lộ Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm, nguyên là con kênh lớn bị lấp). Xe dừng ở nhà Bưu điện, dạo quanh, nhởn nhơ, ta có thể đi lạc giữa những nhà phố cũ kỹ, con phố nhỏ hẹp. Ở đó, có đủ cửa tiệm bán giấy trang trí, đồ “học sanh”, văn phòng phẩm, giày dép, thuốc bắc, kim chỉ, thực phẩm khô…

Du khách nước ngoài thích thú thưởng ngoạn khung cảnh chợ Bình Tây (chụp ngày 12.3.2019)

Từ đấy đi thêm ba bốn trạm xe lam, xe buýt dọc đường đôi, một bên là Khổng Tử (Hải Thượng Lãn Ông), một bên là Trang Tử, sẽ đến một khu giao lộ bát ngát, đường dọc đường ngang thênh thang. Khu này có một bến xe to đùng và một ngôi chợ nhà lồng khổng lồ. Người ta gọi đây là Chợ Lớn Mới! Trong khi Chợ Lớn Cũ thuộc địa giới quận Năm thì Chợ Lớn Mới là đất quận Sáu, đi tiếp ra khu vực Cây Gõ - Minh Phụng - Phú Lâm, băng thẳng đến kênh Lò Gốm. Ở cả hai phố chợ Chợ Lớn Cũ và Chợ Lớn Mới, mẹ tôi cất hàng bánh kẹo, tôm khô, đường tán và đường cát cùng trăm thứ lặt vặt, đủ cho một tiệm “chạp phô” (tạp hóa) xóm nhỏ. Điều lạ lùng với tôi lúc ấy là chủ bán hàng đều “bán thiếu”, cho người mua “ghi sổ”, không phải đặt cọc. Bán được hàng cũ thì trả tiền và lấy hàng mới, buôn bán dựa trên chữ tín là vậy!

Lớn lên, đọc sách Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển và nhiều sách báo khác, tôi mới hay, Chợ Lớn Cũ có tiền thân là Chợ Lớn Cổ. Đó chính là các xóm thủ công và phố chợ có một cạnh trải dài dọc theo kênh Tàu Hũ, ước chừng từ đầu đường An Bình (dấu tích tên làng Bình An) lên đến bùng binh Bưu điện Quận Năm. Cạnh còn lại là khu vực Chợ Rẫy - Thuận Kiều kéo xuống dọc đường Nguyễn Trãi (tên cổ là đường Cây Mai) ra đến đường Nguyễn Tri Phương hiện giờ (thời Pháp tên là Lacaze, dân ta đọc trại là La Cai).

Trung tâm của Chợ Lớn Cổ là đình Minh Hương Gia Thạnh, dấu tích của làng Minh Hương, nơi một ít người Hoa di thần và di dân nhà Minh được chúa Nguyễn cưu mang, định cư vào nửa cuối thế kỷ XVII. Sang nửa cuối thế kỷ XVIII, do nhiều biến động binh đao, từ lúc quân Tây Sơn đánh vào Gia Định, đông đảo người Hoa đã lập nên các khu phố chợ Dĩ An, Mỹ Tho và Cù Lao Phố (Biên Hòa), gần Sài Gòn, đổ về làng Minh Hương, mở mang cơ nghiệp mới. Người Hoa gọi tên nơi đây là Đề Ngạn (tiếng Quảng Đông, phố xá có tường bao quanh bảo vệ), còn người Việt gọi nôm na là Chợ Lớn, bởi đơn giản trong Gia Định Thành lúc ấy, đã có hơn 10 ngôi chợ, nhưng chỉ có khu người Hoa là khu chợ buôn bán lớn nhất. Bản đồ Taberd năm 1838, ghi rõ có hai địa danh cách biệt nhau cùng thuộc Gia Định Thành là Chợ Lớn và Sài Gòn.

Sau khi Pháp chiếm Sài Gòn, năm 1865, họ cắt Chợ Lớn khỏi Gia Định, biến nơi đây là một thành phố riêng. May mắn, họ vẫn giữ cái tên thuần Việt là Chợ Lớn chứ không đặt tên Tàu hay tên Tây. Phố phường Chợ Lớn Cổ được quy hoạch lại, sửa sang tươm tất. Nhiều kênh rạch lần lượt được lấp thành đường. Ngôi chợ xưa ở giao lộ các con kênh được xây cất mới, là một chợ nhà lồng theo kiểu Pháp, có tháp chuông đồng hồ rất hiện đại, nằm ở vị trí nhà Bưu điện quận Năm hiện giờ. Người Pháp gọi đây là Marché Centrale - chợ trung tâm của Chợ Lớn. Xem lại những tấm bưu ảnh và phim tài liệu đầu thế kỷ XX, ta thấy chợ này và hai dãy nhà phố chung quanh (phố Mạc Cửu và phố Marché, nay là Trịnh Hoài Đức) rất tấp nập, náo nhiệt. Người Hoa của Chợ Lớn thời kỳ mới có thêm số đông là người mới nhập cư từ các tỉnh Nam Trung Quốc, trong làn sóng người Hoa tỏa ra khắp Đông Nam Á.

Người dân khấn vái trước tượng bán thân Quách Đàm (chụp ngày 12.3.2019)

Không xa ngôi chợ là trạm mở đầu tuyến xe trạm Chợ Lớn - Sài Gòn (1881) nằm gần nhà hàng Đồng Khánh hiện giờ. Trong lúc đó, trên đường Cây Mai, Pháp cho xây tòa thị chính Chợ Lớn rất lớn (1889). Khu nhà thị chính vào những năm 1960, chuyển thành đất xây dựng trường Y và bệnh viện thực hành. Dấu tích tòa thị chính Chợ Lớn bây giờ chỉ còn lại ở cái tên chợ “Xã Tây”, vẫn còn hoạt động, đối diện mặt sau trường Y. Số dân thành phố Chợ Lớn theo thống kê năm 1903 là 133.864 người, trong đó người Hoa là 53.835, người Việt là 79.259, còn lại một ít là người Pháp, Campuchia, Ấn Độ, Malay, Tagals (Philippines), Nhật, mỗi sắc dân trên dưới 100 người. Trong khi ấy, dân số thành phố Sài Gòn chỉ bằng phân nửa.

Sáng kiến của một nhà buôn

Vào những năm 1920, phố xá Chợ Lớn Cũ trên bờ (chỉ hơn 2.000 ha) trở nên chật hẹp, trong khi khu vực hai bờ kênh Tàu Hũ ngày càng phồn thịnh với sự ra đời của hàng loạt nhà máy xay xát lúa, kho hàng và xưởng làm hàng thủ công. Nhu cầu mở rộng Chợ Lớn về phía Tây tiếp giáp đồng ruộng Long An, tất yếu phải đến. Có lẽ Quách Đàm, một nhà buôn Trung Hoa gốc Quảng Đông giàu có, đồng thời là nghị viên và phó thị trưởng của thành phố Chợ Lớn - một trong những người tiên phong nhận thấy nhu cầu, và cũng là cơ hội kinh doanh, nên đã tìm cách thúc đẩy.

Tương truyền, Quách Đàm, xuất thân từ một người Hoa nhập cư, khởi nghiệp bằng gánh “ve chai”. Nhờ chịu khó năng nhặt chặt bị, đồng thời sáng trí trong buôn bán, ông lần hồi thành công trong kinh doanh phế liệu, tích góp vốn và kinh nghiệm, chuyển nhanh qua mua bán nông sản. Sau đấy, ông lập nhà máy xay xát gạo và kinh doanh vận chuyển hàng hóa đường sông. Theo học giả Tim Doling, chính ông nhiều năm trước đã mua một khu đất lầy lội, khoảng 9.000m2, ven kênh Hàng Bàng thuộc làng Bình Tây để làm xưởng sửa chữa tàu thuyền. Và rồi, năm 1923, Quách Đàm đề xuất hiến mặt bằng xưởng này để xây chợ trung tâm mới, thay cho ngôi chợ nhà lồng ở phố Marché. Mặt khác, Công ty Thông Hiệp của ông cũng xin cất hai dãy phố lớn vừa là nhà ở, vừa là tiệm buôn bán và nhà kho hai bên hông chợ mới. Cách làm này giống như “chú Hỏa” - Hui Bon Hoa, một nhà buôn Hoa kiều khác - đã làm ở khu vực chợ Bến Thành năm 1914. Tuy nhiên, “chú Hỏa” không bỏ tiền xây chợ, còn “chú Đàm” thì không những hiến đất làm chợ mà còn góp tiền dựng chợ!

Trong khu vực tượng Quách Đàm nên đặt thêm bảng kỷ niệm, ghi lại lịch sử chợ Bình Tây

Ngôi chợ mới được khởi công tháng 2.1926 và hoàn thành tháng 9.1928. Song, Quách Đàm đã không chứng kiến được ngày hoàn tất tác phẩm của mình. Ông mất vào tháng 5.1927, ở tuổi 65. Lại khốn thay, chợ xây xong thì cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 bùng nổ, kinh tế Đông Dương cũng gánh chịu tác động dây chuyền. Những năm đầu, ngôi chợ khổng lồ trống vắng, ít người thuê. Một hai năm sau, khi kinh tế phục hồi, ngôi chợ và hai dãy phố bên hông, như cô công chúa tạm ngủ trong rừng được đánh thức, trở nên đông đúc. Sự phát đạt của ngôi chợ đã kéo theo sự ra đời của khu vực Chợ Lớn nối dài, được gọi là Chợ Lớn Mới, đúng như ý muốn của Quách Đàm cũng như giới kinh doanh, cư dân và chính quyền.

Ngôi chợ đẹp và nhà buôn hào phóng

Theo cụ Vương Hồng Sển, đám ma ông Quách Đàm to chưa từng có, ai đi đưa cũng được tặng tiền và quà hậu hỉ. Ngay như lúc còn sống, khi phong lưu, ông cũng hào phóng dùng huê lợi của mình đóng góp cho xã hội. Học giả Tim Doling cho biết, Quách Đàm thường xuyên tài trợ cho nhà thương, trường học, thợ thuyền. Năm 1923, khi Nhật xảy ra động đất, ông đã cho chở 4.000 tấn gạo tặng ngay cho nước này. Vào tháng 3.1930, trên sân trong chợ Bình Tây, gia đình Quách Đàm đã khánh thành bức tượng đồng tưởng nhớ ông. Bức tượng đặt trên bệ cao, diễn tả doanh nhân Hoa, một tay cầm bằng khoán đất hiến tặng xây chợ, một tay cầm danh sách các công trình xã hội được ông tài trợ.

Tiếc thay, bức tượng Quách Đàm (đến nay đã 90 năm) sau năm 1975 đã bị dời đi, hiện còn trưng bày tại sân trong Bảo tàng Mỹ Thuật (nhà chú Hỏa), bên cạnh bức tượng Petrus Ký nổi tiếng (cũng bị dời từ công viên góc Alexandre de Rhodes - Phạm Ngọc Thạch). Trong khi đó, hiện tại, một bức tượng bán thân của Quách Đàm mới làm những năm gần đây được đặt dưới chân bệ tượng cũ. Bạn hàng ở chợ và khách thập phương vẫn đến thắp nhang, khấn vái cảm ơn người đã góp công đức xây chợ.

Tượng Quách Đàm bằng đồng do họa sĩ Pháp làm, đặt tại sân trong Chợ Bình Tây năm 1930. Hiện tượng đặt ở sân sau Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM (97 Phó Đức Chính, quận 1). Trên bàn tay phải tượng là tập giấy, một mặt ghi tên Ville de Cho Lon (Thành phố Chợ Lớn) , mặt kia ghi các chữ tiếng Pháp có nghĩa là “Trường học”, “Chợ”, “Công nhân”, “Trợ giúp” là những lĩnh vực làm từ thiện của Quách Đàm (ảnh chụp ngày 19.3.2019)


Giá như vừa rồi, cùng lúc với việc tu bổ chợ, tượng Quách Đàm xưa được dời về chốn cũ thì hợp tình, hợp cảnh biết mấy. Mong rằng, một ngày không xa, cả bức tượng Quách Đàm (cũng như tượng Petrus Ký) đều được “châu về Hiệp phố” bởi đây đều là người có đóng góp không nhỏ cho xã hội. Có làm như vậy, mới thuận đạo lý người Việt và cũng hợp lý cho khung cảnh thiết kế nguyên mẫu của kiến trúc chợ. Thêm nữa, ngay cổng chính chợ Bình Tây hay ở bên tượng đài Quách Đàm nên đặt bảng kỷ niệm, ghi lại lịch sử chợ cho bạn hàng và du khách học hỏi.

Ngẫm nghĩ, câu chuyện Quách Đàm và chợ Bình Tây không chỉ là câu chuyện khởi nghiệp thành công từ một người nghèo mà còn là câu chuyện điển hình về trách nhiệm xã hội của doanh nhân. Không hiếm người xưa, kinh doanh giỏi, sống tử tế, làm công đức cho đời. Nếu người nay chỉ biết làm giàu bằng gian dối, cướp bóc, bằng bòn rút đất đai và quyền lợi công cộng, liệu có được chỗ đứng trong lòng người cùng thời và các thế hệ sau?

Bài và ảnh: Phúc Tiến
Theo: Người Đô Thị Online


No comments: