Thursday, April 25, 2019

BÁNH QUY ANZAC

Sáng nay thức dậy uống cà phê nghe radio ở nhà vì được nghỉ lễ, đài SBS tiếng Quảng Đông do bà xã mình mở nên nghe ké dù hiểu tiếng Quảng cũng có giới hạn. Bây giờ là một chương trình hội thoại về một đề tài là có thề thay đổi hay biến chế món bánh quy Anzac hay không vì có một nhà hàng biến chế lại và gọi đó là bánh quy Anzac, tất cả ý kiến đều không, có người phát biểu đầy cảm động. Cái bánh quy Anzac đã là một cái bánh truyền thống, không phải vì nó ngon mà vì nó mang tính lịch sử và tình tự dân tộc, tình yêu của những người mẹ, người vợ, người dì, cô, chị gởi đến người thân nơi chiến trường, nó cần phải giữ gìn nguyên bản để các thế hệ con cháu về sau biết cái bánh Anzac đó như thế nào cùng với sự hy sinh của ông cha mình cho hòa bình thế giới.


Mình ở Úc mấy chục năm, năm nào cũng nghỉ lễ Anzac, hiểu được ý nghĩa của ngày lễ nhưng không biết nhiều đến cái bánh quy Anzac nên lên mạng tìm hiểu và share lại cho các bạn nhé: 
(Before anyone can sell a product using the word 'Anzac', they must apply for a permit from Veterans' Affair.) (LKH)

Đi tìm nguồn gốc của món bánh quy Anzac

Hầu hết các công thức nấu ăn đều có câu chuyện đi cùng, nhưng nguồn gốc của món bánh quy Anzac thì mãi vẫn là một bí ẩn.

Trong 18 tháng qua, nhà nghiên cứu lịch sử ẩm thực Allison Reynolds đã đọc qua không biết bao nhiêu sách nấu ăn cũ để tìm hiểu về nguồn gốc món ăn vặt nổi tiếng của Úc này.

“Bạn nên nhớ rằng bánh quy Anzac không được được gọi như vậy trước năm 1915, vì đó là tên gọi tắt xuất hiện sau khi sự kiện Gallipoli,” cô Reynolds nói.

Phiên bản đầu tiên của loại bánh quy yến mạch này được biết xuất hiện khoảng năm 1823, và trong một thế kỷ sau đấy nó có nhiều tên gọi như ‘bánh quy bất ngờ’ hay ‘bánh quy giòn’.

“Sau đó khoảng trước Thế chiến Thứ nhất, bạn bắt đầu thấy tên gọi này được đổi sang ‘bánh quy chữ thập đỏ’ và ‘bánh quy binh sĩ’.”

“Những chiếc bánh này được dùng để bán gây quỹ và họ đặt cho chúng cái tên liên quan đến chiến tranh để giúp bán chúng dễ hơn.”

Những chiếc bánh quy này nhanh chóng trở thành loại thực phẩm phổ biến để gửi cho binh sĩ Úc chiến đấu ở nước ngoài vì lí do nguyên liệu dễ kiếm, cách làm dễ dàng và không có trứng trong đó cùng nghĩa bánh sẽ giữ được lâu.

Cô Reynolds là truy tìm được bản in của công thức bánh quy Anzac đầu tiên trong một ấn phẩm của Úc năm 1917 với tên gọi ‘War Chest Cookery Book’

Tuy nhiên, dù sử dụng tên gọi nổi tiếng của loại bánh quy này, công thức đó lại không đúng với phiên bản mà chúng ta biết đến hiện nay.


“Nguyên liệu rất khác, nó có trứng trong công thức, và cách làm cũng khác biệt và bánh quy được kẹp thành cặp, có mứt và kem ở giữa,” cô Reynolds nói.

“Vì thế chúng tôi không thể nói rằng đó là công thức bánh quy Anzac đầu tiên dù họ gọi nó là bánh quy Anzac.”

Thay vào đó, một quyển sổ nhỏ của một bà nội trợ tại Nam Úc đã giúp xác định thời điểm ra đời của một công thức bánh quy Anzac đích thực hơn.

“Quyển sổ được bắt đầu sử dụng để ghi lại các công thức nấu ăn vào năm 1910, nhưng sau đó khi những năm chiến tranh diễn ra, từ năm 1915 phía sau sổ được dùng để ghi lại lượng bơ và trứng bán ra,” cô Reynolds giải thích.

“Thông tin về việc bán hàng ở phía sau trùng hợp với các công thức ở trước và điều thú vị nhất là công thức bánh quy Anzac là công thức cuối cùng trong đó.”

“Thông tin chấm dứt vào năm 1920 nên chúng tôi nghĩ rằng công thức được viết ra năm 1919.”

Tuy nhiên vẫn thiếu một nguyên liệu trong công thức này, đó là dừa và chỉ trong một cuốn sách của Adelaide năm 1924 mới tìm được công thức giống nhất với phiên bản hiện nay.

“Tại thời điểm này,công thức đầu tiên với dừa được chúng tôi phát hiện trong sách nấu ăn Anchor Ann năm 1924, là công thức gần nhất với công thức chúng ta biết đến ngày hôm nay.”

Công thức bánh quy Anzac trước năm 1920

"Rất đáng để thử - công thức có ít đường và bột hơn, không có dừa khô bào nhưng lượng yến mạch được tăng gấp đôi”, cô Reynolds nói. Đây là công thức được tìm được trong sách nấu ăn của gia đình Carole Moore từ trước năm 1920.

Nguyên liệu

200g yến mạch

125g bột mỳ đa dụng

105g đường cát mịn

125g bơ lạt

1 thìa canh mật golden syrup

1 thìa cà phê bicarbonate soda

1 thìa canh nước sôi


Cách làm:

Mở lò nóng ở 150 độ C và chuẩn bị hai khay nướng phủ giấy nến.

Cho yến mạch, bột, đường vào một tô lớn, trộn đều.

Làm tan chảy bơ trong một chiếc nồi to, lửa trung. Nhúng một chiếc thìa canh vào nước nóng sau đó dùng nó để đong syrup cho vào nồi bơ. Quấy đến khi syrup tan và hỗn hơn gần sôi thì tắt bếp để sang một bên. (Chú ý không để hỗn hợp này nguội.)

Trộn bicarbobate soda với nước sôi theo tỉ lệ ở trên đến khi hòa tan thì thêm vào hỗn hợp bơ và syrup.

Khuấy đến khi chúng nổi bọt thì ngay lập tức đổ nguyên liệu khô vào, trộn đều.

Lấy một thìa cà phê múc hỗn hợp lên tay và vê tròn. Đặt chúng cách nhau 5cm trên khay nướng.

Bánh quy sẽ cần ấn dẹp một chút bằng đế của một chiếc cốc hoặc dùng nĩa nhúng vào ít bột (giúp chúng không bị dính) và ấn nhẹ xuống .

Đặt khay vào lò nướng đã đúng nhiệt độ và nướng 15-18 phút đến khi chúng vàng đều. Chú ý bánh sẽ mềm khi vừa nướng chín.

Để bánh quy trên khay khoảng 5 phút đến khi chúng nguội bớt rồi chuyển qua giá phơi bánh. Khi bánh nguội hẳn có thể cất bánh trong lọ đậy nắp kín.

(Sưu tầm trên mạng)
Link tham khảo thêm:
https://www.dailymail.co.uk/news/article-6953927/Hipster-restaurant-serves-DECONSTRUCTED-Anzac-biscuits.html

https://www.news.com.au/lifestyle/food/eat/crackdown-on-cooks-cafes-and-bakeries-which-tamper-with-the-anzac-biscuit-recipe/news-story/581cc50c23622a6ee44823c94662bec4

https://www.news.com.au/lifestyle/food/eat/peak-sydney-wankery-outrage-at-restaurants-deconstructed-anzac-biscuit/news-story/9a0805b3bd284166f8cf2cc3a75389d7



No comments: