Một số giải pháp yêu cầu bạn giảm ăn béo và một số lại bảo bạn phải tăng cường chất béo. Một số giải pháp yêu cầu bạn ăn nhiều quả việt quất, trong khi một số lại yêu cầu bạn ăn một vốc hạt óc chó, hoặc bạn cần cho chanh, quế, nghệ vào tất cả món ăn.
Một số bảo bạn phải kiêng trứng, khoai tây và sữa có chất béo, trong khi một số khác lại bảo chúng cần thiết cho bạn.
Thế nhưng tất cả những điều này lại không mang lại hiệu quả gì, nhà dinh dưỡng học Rosemary Staton nói tại Hội nghị Những Sáng kiến Thay đổi Thế giới của BBC Future, được tổ chức tại Sydney trong tháng 11/2016.
"Cơn sốt thức ăn giảm cân chỉ cho thấy chúng ta vẫn đang tìm kiếm một giải pháp thần kỳ cho tất cả mọi vấn đề," bà nói.
"Nghĩ tới những thứ thức ăn đó rồi phớt lờ những khía cạnh khác của những vấn đề sức khoẻ liên quan đến chế độ ăn uống, có lẽ là bí ẩn lớn nhất."
Vấn đề lớn ở đây là sự tập trung của chúng ta vào từng chất dinh dưỡng cụ thể. Staton cho rằng điều này khiến chúng ta xao lãng thực phẩm tươi và hướng tới thực phẩm đã qua xử lý.
Việc chúng ta chỉ muốn một loại vitanmin hoặc chất khoáng cụ thể nào đó cũng tạo điều kiện cho các nhà sản xuất đưa những chất đó vào thức ăn và quảng cáo chúng như những thực phẩm dinh dưỡng.
"Sau khi có được vầng hào quang sức khoẻ, những sản phẩm này được đưa ra thị trường, và rồi bạn nhìn thấy những món ngũ cốc ăn sáng chứa rất nhiều chất tạo ngọt," Staton nói.
"Tôi cảm thấy lo ngại khi người ta tìm thấy một chất bổ dưỡng nào đó và rồi đưa nó vào món ngũ cốc ăn sáng Coco Pop." Statn chỉ ra rằng bà vẫn chưa thấy một người Úc nào thiếu những chất dinh dưỡng chứa trong món ngũ cốc này.
Có một thành phần mà Stanton muốn tránh: Đường. Bà cho thuế đường là điều mà các chính phủ cần áp đặt. Thế nhưng ngành công nghiệp thực phẩm đã chiến đấu quyết liệt chống lại điều này. "Mỗi khi ngành công nghiệp thực phẩm đã qua xử lý chống đối lại một điều gì đó thì tôi cho rằng thứ mà họ chống chính là thứ tốt cho bạn."
Nói chung, Staton cho rằng những lời khuyên về chế độ ăn kiêng từ lâu nay vẫn phát huy tác dụng: Ăn rất nhiều trái cây và rau tươi, ăn ngũ cốc, ăn ít protein, ăn nhiều cá và hải sản. Vì lý do này, chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải thường được xem là giải pháp thần kỳ dựa trên các món ăn thực vật và cá.
Người chủ trì cuộc thảo luận tại Hội nghị Những Ý tưởng Thay đổi Thế giới của BBC Future tại Sydney, Michael Mosley, cho rằng ăn kiêng vài ngày trong tuần có thể giúp ích cho sức khoẻ.
Mỳ rong biển
Mặc dù không đồng tình với những 'siêu thực phẩm' mà chúng ta thường nghe người ta quảng cáo, nhưng Stanton ủng hộ nỗ lực tìm kiếm những thực phẩm mới, bền vững cho môi trường để đưa vào bữa ăn.
Nhà nghiên cứu môi trường sinh thái biển Pia Winberg từ Venus Shell Systems cho rằng rong biển có thể trở thành một loại thực phẩm quan trọng trong tương lai.
Winberg bắt đầu quan tâm tới rong biển sau khi tham gia dự án dùng rong biển để dọn dẹp rác thải dinh dưỡng dọc bờ biển.
Tuy nhiên, ngay sau khi bà và những người khác bắt đầu nhận ra tầm quan trọng về mặt dinh dưỡng của rong biển, họ bắt đầu chuyển sự tập trung sang thực phẩm.
Loại rong biển Winberg và các đồng nghiệp sử dụng không chỉ nhiều protein mà còn bao gồm acid béo omega-3, chất xơ, chống oxy hoá và nhiều loại vitamin cũng như chất khoáng khác. Điều này khiến nó có thể thay thế cá và các loại hải sản khác.
Vấn đề là làm sao để đưa rong biển vào bữa ăn của một cá nhân đã quá quen với những thực phẩm chứa trong hộp nhựa.
"Chúng ta cần giúp những người bình thường dễ ăn hơn, thay vì thay đổi thói quen của họ," Winberg nói.
Để làm được điều này, chúng ta cần tạo ra một loại thực phẩm làm từ những thành phần quan trọng nhất của rong biển và đưa vào những thực phẩm hiện hữu, như mỳ sợi.
Việc sử dụng rong biển làm thực phẩm cũng có thể giúp ích cho môi trường vì nó giúp bảo tồn tài nguyên biển. "Việc tạo ra nền công nghiệp rong biển sẽ giúp giữ cho bờ biển sạch đẹp," Winberg nói.
Bianca Nogrady
BBC Future
Link tiếng Anh: