“Khôn nhà dại chợ”
Như bao câu thành ngữ khác, “Khôn nhà dại chợ” ngắn gọn, dễ nhớ nhưng cũng không kém phần hàm súc ý tứ. Hiểu một cách đơn giản thì “Khôn nhà dại chợ” nghĩa là ở nhà thì khôn ngoan còn ra chợ thì dại khờ. Mặt khác, chúng ta có thể phân tích câu thành ngữ này theo một nghĩa sâu xa và bao quát hơn để xem thế nào.
Câu thành ngữ trên được phân ra thành hai vế đối lập là “khôn nhà” và “dại chợ”. “Nhà” ở đây ý nói phạm vi hẹp như các mối quan hệ trong gia đình, người thân, làng xóm láng giềng,…Còn “chợ” tức là phạm vi rộng hơn, môi trường bên ngoài và có thể là các mối quan hệ xa lạ khác. Đối với nhà thì “khôn”, tức là thông minh, biết tính toán và ứng xử với các tình huống. Còn ra đến chợ thì “dại”, khờ khạo, thiếu nhạy bén và dễ bị ức hiếp. Tóm lại, ở nhà thì khôn ngoan nhưng ra bên ngoài lại khờ khạo và dễ bị bắt nạt.
Cùng một câu nhưng đa nghĩa
Ngôn ngữ Việt Nam vốn đa dạng về sắc thái ý nghĩa, đó là cái hay, là nét đặc sắc nhưng cũng là cái khó khi ta muốn tiếp cận một vấn đề. Nó buộc ta phải suy nghĩ tường tận, phải đặt ngôn ngữ trong hoàn cảnh cụ thể. Câu thành ngữ trên là một lời khen hay một lời chê về cách xử thế của con người? Chúng ta nên hiểu thế nào cho đúng?
Câu tục ngữ trên còn được hiểu theo một nghĩa nữa. “Khôn nhà dại chợ” nghĩa là đối với người trong nhà thì lại dùng cái cách cư xử khôn lỏi, ranh mãnh để đối xử còn với người ngoài thì lại chịu thua thiệt. Người nhà thì giành giật lợi ích cho bằng được, làm mọi chuyện ra lẽ còn người ngoài thì lại nhún nhường và bỏ qua cho xong. Như thế là khôn hay là dại? Và “Khôn nhà dại chợ” hay phê phán hay chỉ đơn thuần là lời nhắc nhở của ông cha ta?
Ở đời, ai dại ai khôn?
Tôi nhớ một câu nói của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“ Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại ấy hiền lành dại hóa khôn”
Và đến tận ngày nay, câu nói này vẫn mang lại chúng ta một bài học nhân sinh ý nghĩa. Nếu dùng cái khôn của mình để làm những việc trái với luân thường đạo lý, lừa thầy phản bạn, toan tính hại người thì thành ra dại lắm. Bởi những kẻ đi lên bằng con đường như thế có bao giờ được bền lâu, mà còn bị người đời phỉ nhổ. Hơn hết, họ sẽ sớm gánh cái nghiệp mà mình đã tạo ra. Còn dại mà hiền lành, sống tử tế, không hại người, lương thiện được ai nấy cũng yêu quý. Chúng ta dại một chút mà đem lại niềm vui và giá trị cho người đời thì có dại cũng thành khôn.
“Khôn nhà dại chợ”
Cứ nghe đến cái quan niệm khôn-dại của người xưa mà chúng ta ngẫm cái sự đời. Ở đời, mình nhìn làm sao để biết ai dại, ai khôn? Có nhiều người lúc nào cũng thể hiện mình khôn nhưng bên trong chỉ là những cái thùng trống rỗng, huênh hoang kêu to. Lại có người trông khờ dại nhưng chưa biết được mới thực là người khôn. Bởi vậy, đừng có ra vẻ thể hiện. Thế cuộc chưa ngã ngũ thì biết ai mới thật sự là người khôn.
Áp dụng thời hiện đại
Cuộc sống hiện đại khiến con người ta phải mang nhiều bộ mặt để sẵn sàng đối phó với những bất ngờ. Nhiều người nhìn tưởng khôn mà thật ra rất dại, biết bao người khôn thật mà lại giả ngây ngô khiến chúng ta phải suy ngẫm. Nhiều anh chồng ở nhà bắt nạt vợ con, thị uy với bố mẹ, coi thường người thân nhưng gặp sếp thì khúm núm, gọi dạ bảo vâng. Hay ra đường gặp người khác bắt nạt đã run rẩy xin tha; ai bày gì nghe nấy, mất hết lập trường,…Những người như thế là một dạng “Khôn nhà dại chợ” đáng phê phán.
Nói đi cũng phải nói lại, có những người “Khôn nhà dại chợ” rất đỗi đáng khen. Ví như lúc cái khôn được biểu hiện theo đúng bản chất của nó. Biết dùng những hiểu biết của mình đối đãi tốt với gia đình, tử tế với người thân, khéo léo với xóm giềng. Nhiều lúc ra ngoài tỏ ra ngờ nghệch một chút cũng chỉ là mong có thể bảo vệ bản thân trước những ganh ghét và đố kỵ mà thôi. Dù là một cách sống giả tạo không đáng để khuyến khích nhưng biết làm sao khi xã hội bây giờ cái giả dối lại lên ngôi?
Vợ chồng cảnh “khôn nhà dại chợ”
Khôn hay dại cũng được. Miễn là chúng ta biết sống theo đạo lý, sống đúng như những truyền thống tốt đẹp mà người xưa đã răn dạy. Sống không chỉ vì bản thân mình mà còn vì những người mình thật sự quan tâm. Ở đời, sống không hại đến ai cũng là một loại khôn ngoan rồi.
Đoạn kết
Suy cho cùng, ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống nên hãy sống cho thật ý nghĩa. Ai dại hay ai khôn khó mà phân định và cũng chẳng cần chúng ta phải đắn đo nhiều. Quan trọng nhất là bản thân mình sống đúng với lương tâm và đạo nghĩa. Sống có ích và tạo ra giá trị cho cả bản thân lẫn những người xung quanh. Như thế thì dẫu có “dại” cũng chẳng ai chê trách. “Khôn” làm gì mà để bao kẻ lánh, người xa? Chung quy, sống có ý nghĩa là được.
Sống khôn hay sống dại là do bản thân mình lựa chọn. Mình không muốn thì không ai có thể ép được. Vì vậy. chúng ta đừng đổi lỗi cho hoàn cảnh hay số phận. Nếu chúng ta không chiến đấu hết mình thì làm sao xứng đáng nhận được một cuộc đời tươi sáng chứ? Vậy ra, cần nhất là tin vào bản thân mình. Quyết tâm làm được thì chắc chắn sẽ làm được.
Chúc các bạn thành công và nhiều may mắn!
Phạm Kim Thoa
No comments:
Post a Comment