Nguyên tố đất hiếm còn được gọi là “vitamin của hóa học”, khi mà một lượng nhỏ thứ “chất bổ” này sẽ tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ trong đồ điện tử. Trung Quốc đang là nước dẫn đầu ngành sản xuất đất hiếm với 80% sản lượng toàn cầu.
Nhiều năm nay, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ ngày một leo thang. Nhưng phải đến tháng Năm năm 2019 này, ta mới thấy đỉnh điểm của nó: Huawei, ngôi sao sáng của ngành công nghệ Trung Quốc, bị Mỹ cấm cửa, hệ lụy là một loạt các hãng cung cấp phần cứng và phần mềm đình đám “nghỉ chơi” với Huawei.
Một trong những biện pháp Trung Quốc có thể dùng để đáp trả là dừng xuất khẩu đất hiếm - thứ nguyên tố thiết yếu cho ngành sản xuất thiết bị điện tử. Trung Quốc là nguồn cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới hiện nay, và Mỹ sử dụng đất hiếm để làm smartphone, xe điện, pin và nhiều hơn nữa. Người Trung Hoa ủng hộ kế hoạch này, họ gọi đất hiếm là “con át chủ bài trong tay Bắc Kinh”.
Nguyên tố đất hiếm còn được gọi là “vitamin của hóa học”, khi mà một lượng nhỏ thứ “chất bổ” này sẽ tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ trong đồ điện tử: nam châm mạnh hơn, màn hình thiết bị điện tử sáng hơn, dung lượng pin cao hơn đều nhờ có đất hiếm. Nếu Trung Quốc dừng cung cấp đất hiếm, toàn bộ ngành công nghiệp điện tử sẽ đi lùi lại mất vào thập kỷ. Không ai muốn từ bỏ smartphone để quay về sử dụng cục gạch đen trắng ngày xưa cả.
Thế nhưng các chuyên gia trong ngành lại không lo lắng cho tình cảm nguy khốn. Họ cho rằng việc áp thêm luật lệ mới lên đất hiếm sẽ phản tác dụng, để rồi Mỹ và các nước khác dần thích nghi với việc khan hiếm đất hiếm.
“Nếu Trung Quốc dừng ngay lập tức việc cung cấp đất hiếm, ta sẽ đối mặt với những vấn đề ngắn hạn trước”, Tom Worstall, một thương gia đất hiếm nói với The Verge. “Vấn đề đó không khó giải quyết”.
Lý do để Trung Quốc không thể dùng đất hiếm để đe dọa ngành công nghiệp điện tử rất nhiều, trải dài như Vạn Lý Trường Thành, qua các yếu tố như địa lý, hóa học và lịch sử. Nhưng yếu tố quan trọng nhất lại là yếu tố dễ giải thích nhất: đất hiếm không hiếm, chỉ là cái tên vậy thôi.
Ban khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) mô tả đất hiếm là “nhiều ở mức trung bình”. Chúng không nhiều như silicon hay sắt, nhưng vẫn có số lượng tương đương chì hay đồng. Trung Quốc sở hữu một lượng lớn đất hiếm, nhưng Brazil, Canada, Úc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản cũng đều có đất hiếm.
Khó khăn trong việc tinh chế đất hiếm (và cũng là lý do chúng được đặt cái tên “hiếm”) nằm ở việc đất hiếm không đóng thành quặng, mà lẫn cùng nhiều tạp chất khác. Tính chất hóa học của đất hiếm ngang ngửa với một thanh niên hòa đồng, ai cũng có thể bắt cặp; việc trích xuất đất hiếm từ quặng thì lại giống việc thuyết phục anh bạn say rượu dừng uống để về nhà, một quá trình dông dài và gây ức chế.
Theo lời Eugene Gholz, chuyên gia đất hiếm và giáo sư đang công tác tại Đại học Notre Dame: “Một khi bạn lấy đất hiếm ra khỏi đất, mới thấy khó khăn nằm ở khâu xử lý hóa học chứ không phải công đoạn khai thác”.
Không giống những lời lẽ ngọt nhạt dùng để khuyên nhủ một người bạn say xỉn, xử lý đất hiếm cần acid mạnh và một lượng phóng xạ có thể gây ung thư. Đây là một trong những lý do nhiều nước để việc sản xuất đất hiếm cho Trung Quốc, quốc gia có lượng lao động tay chân dồi dào và những mỏ đất hiếm không biết quan tâm tới môi trường.
Trung Quốc cũng mới vươn lên vị trí thứ nhất trong danh sách các nước sản xuất đất hiếm. Giữa thập niên 68 và 80, lượng lớn đất hiếm của thế giới tới từ mỏ Mountain Pass tại Mỹ. Nhà máy đóng cửa năm 1998 do gặp vấn đề với lượng nước thải độc hại.
Từ thập niên 90 trở đi, người Hoa mới thống lĩnh nguồn hàng đất hiếm, nhưng họ cũng trả cái giá môi trường đắt đỏ. Năm 2010, chính phủ Trung Quốc ước tính lượng rác thải độc hại mà ngành đất hiếm thải ra một năm phải tới 20 triệu tấn. Số liệu từ nhiều nguồn cho hay Trung Quốc chiếm 95% tổng sản lượng đất hiếm thế giới, nhưng USGS cho rằng số liệu đã cũ, con số hiện tại đâu đó gần 80%.
Con số 80% vẫn lớn, và câu hỏi vẫn còn giá trị của mình: chuyện gì xảy ra nếu như Trung Quốc dừng xuất khẩu đất hiếm? May mắn thay, ta có lịch sử cho ta biết chuyện gì đã xảy ra trong lần trước, khi Trung Quốc dừng chuyển đất hiếm sang Nhật. Luật cấm có hiệu lực, nhưng hiệu ứng nó tạo ra không nhiều.
Các đối tượng buôn lậu đất hiếm có thêm thị trường làm ăn, các nhà sản xuất của Nhật Bản tìm ra được cách sử dụng ít đất hiếm hơn, sản lượng đồ điện tử ở các nước khác tăng để bù cho Nhật Bản. “Thế giới này linh hoạt lắm”, Eugene Gholz nói, “người ta không từ bỏ, họ thích nghi với hoàn cảnh mới”.
Gholz viết bản báo cáo từ năm 2010, nhưng anh vẫn cho rằng sự thể cũng không khác gì trong năm 2019 này.
Mỏ đất hiếm.
Nếu Trung Quốc dừng việc xuất khẩu đất hiếm, những nhà cung cấp nguyên vật liệu hiện tại vẫn sẽ có đủ đất hiếm để đưa về những cơ sở cần gấp, cách chữa cháy ngắn hạn có thể đủ để cầm cự cho qua cơn bão chiến tranh thương mại. Dù đồ điện tử hay dầu thô (quá trình tinh chế dầu cũng cần đất hiếm) có thể tăng giá, Gholz vẫn nói rằng bạn vẫn có thể mua những smartphone mới nhất mà không ảnh hưởng gì.
Và đây cũng mới chỉ là dự đoán, Trung Quốc vẫn chưa có động thái chính thức. Thừa cơ hội này, nhiều cơ sở đã tích trữ lượng lớn đất hiếm để có thể ngay lập tức đối phó với nguy cơ tiềm tàng. Đây đó, những cơ sở tinh chế đất hiếm mới xuất hiện.
Khi lệnh cấm diễn ra, một trong những điểm để ngành công nghệ bấu víu sẽ là mỏ Mountain Pass, đã trở lại hoạt động hồi tháng Giêng năm nay. “Cách tiết kiệm nhất và nhanh nhất để đối phó là đổ thêm nhiều đất hiếm nữa vào thị trường, chúng ta đâu có phải đi lên từ con số không?”, Gholz nói.
Worstall cũng đồng tình, “việc sản xuất đất hiếm đơn giản một cách đáng ngạc nhiên”.
Có một điều làm phiền lòng cả hai người, đó là quá trình tinh chế đất hiếm sẽ có cái giá đắt nhường nào. Đặc biệt khi quy chuẩn an toàn của Mỹ cao hơn hẳn Trung Quốc, việc thành lập một cơ sở sản xuất đất hiếm sẽ gặp nhiều trở ngại.
Không phải là liệu ngành công nghệ có thích nghi được trong tương lai không (vì kiểu gì cũng sẽ thích nghi được thôi), mà phải hỏi: Liệu họ có đứng vững được trong thời điểm hiện tại?
THEO TRÍ THỨC TRẺ