“Bên lòng sa mạc quạnh hiu
Hồn ta chiếc bóng từ nhiều kiếp xa”
(Lâm Ngọc Duy)
Bùi Giáng cùng gã nằm trên thảm lá trong khuôn viên một ngôi chùa ở Sài Gòn. Ảnh của Lâm Ngọc Duy
Năm 1981, gã cắt dây thả cho con bò duy nhất mình có được tự do, bỏ bốn sào rưỡi đất canh tác lơghim, đốt luôn căn nhà gỗ trên đồi Cam Ly, dắt vợ cùng đứa con gái năm tuổi trôi thẳng về Hòn ngọc Viễn Đông. Gã lang thang chụp hình dạo, còn vợ bán khoai lang luộc, tối cùng nhau ngủ trên vỉa hè Sài Gòn hoa lệ.
Sài Gòn hào hiệp và Sài Gòn tàn bạo, chìa tay và xua đuổi, từ đồng nghiệp chụp hình đến đồng nghiệp bán khoai. Từ chợ Bình Tây đến chợ Bến Thành, khách lữ hành trên đường Đồng Khởi xa hoa, đến khách ở bến cảng, xóm lều, di tích, chùa chiền… Nồi khoai nấu nhờ hè phố khói tỏa nhớ về phố núi lãng đãng đất rộng người thưa. Gã ngơ ngác khi có người gọi vào cho tắm nhờ, và càng ngơ ngác khi những đồng bạc cuộn trong quần áo gối trên đầu khi ngủ bị những kẻ cố cùng khác cuỗm lấy khi say giấc. “Những tưởng đầu đường thương xó chợ/ Ai ngờ xó chợ chẳng thương nhau”. Mười năm chìm nổi tao loạn, người đàn bà bán khoai của phố núi hóa điên giữa Sài Gòn. Người điên vẫn có thể sinh ra đứa trẻ thứ hai. Gã muốn tự vẫn. Nhìn hai đứa trẻ, gã đã không tự tử và người điên cũng có khoảnh khắc nhận ra là hai sinh linh kia không thể thiếu mẹ.
Một lần đang đi mưu sinh, chợt thấy có người đàn ông rách rưới đang nhảy múa ở hồ Con Rùa, bao quanh là người đứng xem. Gã xé đám đông bước vào: “Có phải ngài là Bùi Giáng?”. Người đang là trò vui của đám đông dừng lại: “Sao ngươi biết ta!?”. “Tôi linh cảm thấy!”. Ở trên xứ lạnh, những lúc buồn bã gã từng lôi những thi phẩm Ngàn thu rớt hột, Mười hai con mắt, Rong rêu, Trường học đờn bà, Mùa màng tháng Ba, và cả những dịch phẩm Hoàng tử bé, Khung cửa hẹp, Cõi người ta, Nhà sư vướng lụy, Ngộ nhận, Mùi hương xuân sắc, các khảo cứu Martin Heidegger… của Bùi Giáng ra đọc. Người đó cầm tay kéo gã ra khỏi đám đông, dắt đi, bỏ lại đám đông ngỡ ngàng. Họ đưa nhau vào quán cà phê “ăn thề” tri kỷ. Bùi Giáng xé miếng giấy làm câu thơ tặng gã: “Đáp lời bờ cỏ ra hoa”. Từ đó họ thành bạn, một tình bạn vô tiền khoáng hậu, của một vang danh trí tuệ và một kẻ vô danh vô phận.
Gã nhiều lần tìm đến nơi Bùi tiên sinh ở để thăm, nhưng họ Bùi đi về như gió mây. Bùi Giáng đến thăm cái chòi lá của gã nơi một xóm ngoại ô, do một người xa lạ cho cất nhờ trên đám sình bỏ hoang. Bùi ngủ qua đêm trong căn chòi, rạng sáng dậy tham thiền thật lâu, rồi vác túi ra đi khi trời chưa hừng đông. Và họ tiếp tục có những lần gặp nhau trên phố. Bữa nọ, từ khu vực bến Bình Tây gã quyết có mặt nơi Bùi ở vào thời điểm hơn bốn giờ sáng, với túm trà và chiếc bình con bằng bụm bàn tay. Nhưng Bùi đã đi khỏi. Gã dắt chiếc xe đạp lang thang trên đường Lê Quang Định. May thay, Bùi đang ngồi trong quán một ngã ba gần nhà. Và gã chở Bùi đi chơi. Bùi đọc thơ cho gã nghe dọc đường. Họ đưa nhau vào một ngôi chùa, nằm ngửa trên cỏ nhìn kiếp nghèo qua kẽ lá. Bùi lại nhẩn nha triết học, đọc thơ, và họ cùng ngủ trưa ở sân chùa.
Sau lần gặp đấy, bi kịch áo cơm đẩy gã đột ngột xa cách Bùi mất hút mà không lời giã biệt, bởi chống chọi không nổi với thế nhân ở xứ tuyệt đỉnh của đấu tranh sinh tồn, sau mười một năm xó chợ lề đường. Bùi vi vu sống trên mây, gã thì lưng lửng giữa mây và đời.
*
Gã quay về xứ sở sương mù. Lại mở ảnh viện, cái photo bé con ở Ngã năm Đại học. Bao thứ ở xứ này đã thay đổi, nói chi nghề ảnh. Gã lui xuống một thị trấn để được xa cách tỉnh lỵ, ba chục cây số, Tùng Nghĩa. Rồi gã bị “đồng nghiệp” cạnh tranh, thế gian lừa gạt nơi đặt hiệu ảnh đến đất đai. Không sao, đời ta vẫn còn một tài sản lớn là tình bạn với con người đặc biệt. Đặc biệt đến độ, trên tấm ảnh thờ Bùi, gã kẹp vào mảnh giấy nhỏ có ghi mấy chữ: “Bồ Tát nghệ sĩ”. Mười một năm lăn lội với Sài Gòn, tài sản duy nhất gã mang về núi là thế, còn hũ tro của người vợ thì “tị nạn” một chùa nơi ấy. Những tấm ảnh gã chụp Bùi Giáng treo quanh nhà không biết để nhớ về Sài Gòn hay nhớ về Bùi Giáng. Gã định bụng khi nào có được một căn nhà tươm tất, sẽ quay về Sài Gòn đón Bùi Giáng lên nghỉ dưỡng. Chưa kịp thực hiện, Bùi đã hóa thiên cổ.
Đời lạ lắm, khi Bùi tại thế với hình ảnh tả tơi như cái bang thì gần xa né tránh, gọi bằng “thằng”. Nhưng khi ông mất, thành thi sĩ huyền thoại, nhiều người kéo vào xưng mình từng là bạn thân, chiến hữu, gọi bằng “anh”, bằng “thầy”.
Về đến núi cũng chưa hết kẻ buông tha. Người ta lấm la lấm lét những tấm ảnh vô giá đó. Vài tay Sài Gòn tìm lên nơi ở của gã ở miền huyện, dụ dỗ gã đưa những file ảnh đó xem chơi rồi cuỗm luôn. Họ mang về Sài Gòn sử dụng đủ trò để kiếm ăn, kể cả đưa triển lãm với tư cách họ là người chụp hay sưu tầm được. Lại có kẻ dẻo miệng ngon ngọt bảo gã viết giấy tay giao cho mình quyền sở hữu những bức ảnh kia. Gã vô tư viết, ký, và trao thật. Đời lạ lắm, khi Bùi tại thế với hình ảnh tả tơi như cái bang thì gần xa né tránh, gọi bằng “thằng”. Nhưng khi ông mất, thành thi sĩ huyền thoại, nhiều người kéo vào xưng mình từng là bạn thân, chiến hữu, gọi bằng “anh”, bằng “thầy”. Gã chả sống trong phù hoa cũng không là trí thức. Gã học chưa qua tiểu học. Gã chỉ biết đó là người bạn khốn cùng.
Gã làm giỗ cho Bùi theo kiểu của mình, hàng năm tổ chức thanh và gọn, chẳng mời ai; nhưng vật phẩm luôn có là “món thơ”, lôi thơ Bùi ra đọc khi cúng, từ dạo đó.
*
Gã lý tưởng nghề chụp hình, chỉ chụp người đẹp và người nghèo. Ảnh viện Ngọc Duy trên đường Minh Mạng ở phố núi là địa chỉ tâm đắc của các nữ sinh trung học, sinh viên Viện Đại học Đà Lạt. Từ bổn quán Quảng Ngãi đến Đà Lạt, nhờ chiếc máy ảnh mà gã trốn lính thoát nhiều phen. Nhưng một lần gã về Sài Gòn mua vật phẩm ảnh, chuyến xe đêm đó bị cảnh sát cùng quân cảnh buộc dừng lại để kiểm tra, vì hôm trước trên Đà Lạt có nhóm người nào đó đột nhập trường Chiến tranh Chính trị hạ sát sáu vị mục sư cùng lúc. Sự vụ rúng động đến đầu não Sài Gòn. Kiểm tra từng người, đến lượt gã thì người ta phát hiện trong giỏ xách có tấm bản đồ vẽ chằng chịt đường đi ở Sài Gòn mà một người Đà Lạt vẽ cho. Chỉ có thể là giao liên với Việt Cộng mới mang sơ đồ vẽ tay thế này - cơ quan công lực nghĩ thế. Sự thực là để đến đường Tự Do, nơi bán vật tư ngành ảnh, phải vẽ chi li như thế thì một người chưa từng biết Sài Gòn mới đi được. Khai thật thế nào người ta cũng không tin.
Bùi Giáng trước căn nhà như cái chòi. Ảnh: Lâm Ngọc Duy
Vào tù, thấy mình quá oan ức, gã đọc đi đọc lại những vần thơ nằm lòng của thi nhân nào đó trong tập Lửa thiêng. Có lần người quản ngục áp tai nghe thảnh thót: “Hỡi Thượng đế tôi cúi đầu trả lại/ Linh hồn tôi đã một kiếp đi hoang/ Nhận tôi đi dù địa ngục thiên đường”. Linh cảm rằng gã vô tội, người quản ngục tìm cách thuyết phục cơ quan hữu trách. Gã được tha, nhưng tội trốn quân dịch thì không thể bỏ qua. Gã được đưa ngay ra quân trường Vạn Kiếp ở Vũng Tàu. Sau ba tháng, vào một đêm người ta đưa gã cùng những tân binh khác lên chiến trường Đắk Tô. Đột ngột có lệnh đâu đó, phải đưa số tân binh này về quân trường Lam Sơn ở Khánh Hòa để huấn luyện kỹ hơn, bởi Đắk Tô mới vừa diễn ra cuộc đánh nhau dữ dội và mất quá nhiều lính trẻ. Xe chở đi đường bộ, theo đường 7 (quốc lộ 25 nay), xuống khỏi cao nguyên đến Phú Yên thì đã khuya, người ta cho đám tân binh phần đông là trốn quân dịch này nghỉ qua đêm trong một khu dã chiến.
Khuya đó, gã chớp cơ hội đào thoát. Về tới nhà bà dì ở trung tâm thành phố Nha Trang, nhìn căn nhà mặt tiền gã nghĩ trong lòng: “Mình phải mở một ảnh viện ở đây!”. Hôm sau, nhà thầu nổi tiếng của Đà Lạt Võ Đình Dung xuống núi tắm biển, gõ cửa chỗ quen biết là nhà bà dì ấy: “Mai nhà có ai đi Đà Lạt không, cho quá giang nè?”. Bà dì mừng như trúng độc đắc.
*
Đà Lạt ít mùi chiến tranh, cũng là đất dung túng tự nhiên bao kẻ mơ mộng, thất chí, lẫn trốn lính. Gã thuê một căn nhà bỏ hoang ở đường Hoàng Diệu để ẩn trú. Rồi gã cưới vợ, một nữ sinh gốc Quảng Ngãi từng đến chụp ở ảnh viện của gã. Cưới xong, đưa nàng về Nha Trang, lại gõ cửa bà dì: “Cháu muốn thuê mặt trước nhà dì để mở một cái photo! Giá cả theo thị trường, không để thiệt dì!”. Cái ảnh viện ấy đổi tên từ Ngọc Duy sang Ngọc Trâm, dựng lên lấp lánh. Ảnh viện nơi phố biển đang dập dìu khách, bỗng người dì đòi ngăn đôi mặt tiền để lấy một phần cho con kinh doanh. Cảm thấy bị tổn thương, ngày hôm sau gã tháo bảng hiệu, chở lên phố núi. Gã xin lại vào cái ảnh viện mà gần mười năm trước từ xứ Quảng lưu lạc lên học nghề chụp và tráng rọi ảnh, Lợi Ký. Tay nghề điêu luyện của gã khiến ông Lợi Ký giao cho gã chụp chính.
Hai năm sau, chiến tranh lên đến đỉnh điểm, chủ ảnh viện kéo gia đình chạy về phía Phan Rang, giao đứt ảnh viện cho gã. Quân cách mạng làm chủ được Đà Lạt, và những người lâu ngày từ trong núi ra tranh thủ chụp hình lưu niệm. Hàng ngày gã chụp mỏi tay, kiếm bộn tiền. Vượt biên không thành, con chủ ảnh viện quay lại Đà Lạt hất gã ra khỏi ảnh viện. Gã lại cù bơ cù bất. Chợt có một tay tư sản gốc miền Tây muốn bán đứt căn nhà để lấy tiền ra đi. Gã chạy vạy, mua được căn nhà kia. Lần đầu tiên trong đời gã có nhà. Gã dựng lại biển hiệu ảnh viện Ngọc Duy. Ít tháng sau, những người quân quản ghé ảnh viện bảo gã là tư sản. Gã phải giã biệt căn nhà, mang chiếc máy ảnh lê bước như kẻ mộng du, vợ con lẽo đẽo theo sau.
Hai năm sau, chiến tranh lên đến đỉnh điểm, chủ ảnh viện kéo gia đình chạy về phía Phan Rang, giao đứt ảnh viện cho gã. Quân cách mạng làm chủ được Đà Lạt, và những người lâu ngày từ trong núi ra tranh thủ chụp hình lưu niệm. Hàng ngày gã chụp mỏi tay, kiếm bộn tiền. Vượt biên không thành, con chủ ảnh viện quay lại Đà Lạt hất gã ra khỏi ảnh viện. Gã lại cù bơ cù bất. Chợt có một tay tư sản gốc miền Tây muốn bán đứt căn nhà để lấy tiền ra đi. Gã chạy vạy, mua được căn nhà kia. Lần đầu tiên trong đời gã có nhà. Gã dựng lại biển hiệu ảnh viện Ngọc Duy. Ít tháng sau, những người quân quản ghé ảnh viện bảo gã là tư sản. Gã phải giã biệt căn nhà, mang chiếc máy ảnh lê bước như kẻ mộng du, vợ con lẽo đẽo theo sau.
Lâm Ngọc Duy trong căn nhà treo dán đầy thơ trên vách gỗ. Ảnh: Nguyễn Hàng Tình
Cụt đường, gã nhảy lên đồi hoang Cam Ly, sát những cánh rừng hỗn giao giữa lá rộng và lá kim âm u, khai hoang. Gã chặt cây, cất lên cái chòi, và làm vườn, nuôi bò. Ăn rau, măng, cháo, củ, ốc suối, và loay hoay với tài sản duy nhất là con bò ấy.
*
Gã nhìn lại, chợt thấy mình được người đời tôn trọng, chính nhờ vào những tấm hình chụp Bùi Giáng. Không có nó thì gã cũng như bao nhiêu thợ hình, ảnh viện trên cả nước này thôi, chả ai để ý. Nhiều năm qua, ở Lâm Đồng người ta hay đến mời gã vô hội văn nghệ địa phương, chả biết với tư cách gì, nghệ sĩ nhiếp ảnh hay một người lơ mơ thi phú, hay một người yêu cái đẹp. Dĩ nhiên, như Bùi, ông có thuộc hội nào đâu, gã từ chối.
Gã không có danh xưng nào cả trong giới văn chương, nghệ sĩ, nhưng tâm hồn duy mỹ, đa cảm chất ngất và mênh mông. Gã muốn quăng quách cái tên Lâm Ngọc Duy của mình, để được vô danh tuyệt đối. Bị Bùi Giáng nhập vào, gã làm thơ về đời mình: “Bên lòng sa mạc quạnh hiu/ Hồn ta chiếc bóng từ nhiều kiếp xa”.
Trong mảnh vườn bé ở nhà mình, gã xây một cái bệ xi măng để những kỳ có trăng ra nằm ngửa mặt lên trời mà ngắm. “Em về mấy thế kỷ sau/ Nhìn trăng thấy có nguyên màu ấy không” - cứ như Bùi đang theo gặng hỏi gã từ độ quê hương thôi khói lửa...
Gã không có danh xưng nào cả trong giới văn chương, nghệ sĩ, nhưng tâm hồn duy mỹ, đa cảm chất ngất và mênh mông. Gã muốn quăng quách cái tên Lâm Ngọc Duy của mình, để được vô danh tuyệt đối. Bị Bùi Giáng nhập vào, gã làm thơ về đời mình: “Bên lòng sa mạc quạnh hiu/ Hồn ta chiếc bóng từ nhiều kiếp xa”.
Trong mảnh vườn bé ở nhà mình, gã xây một cái bệ xi măng để những kỳ có trăng ra nằm ngửa mặt lên trời mà ngắm. “Em về mấy thế kỷ sau/ Nhìn trăng thấy có nguyên màu ấy không” - cứ như Bùi đang theo gặng hỏi gã từ độ quê hương thôi khói lửa...
Nguyễn Hàng Tình
Theo: Người Đô Thị Online
No comments:
Post a Comment