Sunday, May 5, 2019

CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI GIÀU THƯỜNG KHÓ HƠN

Tương truyền, Quách Vũ – danh y nổi tiếng thời Đông Hán cho rằng, chữa bệnh cho người giàu gặp nhiều khó khăn hơn. Biển Thước là thầy thuốc nổi tiếng trong lịch sử cũng có cùng quan điểm như vậy.

Danh y Quách Vũ cho rằng “thật khó để chữa trị cho người giàu”.(Ảnh: Internet)

Dưới triều Đông Hán, Quách Vũ là một ngự y, thường được ca ngợi với tài nghệ siêu thường. Mặc dù là một ngự y, ông không bao giờ từ chối chữa bệnh cho người nghèo. Ông nhận thấy phương pháp điều trị của mình có hiệu quả hơn với người nghèo, điều khiến mọi người khó hiểu trong khi hiệu quả đối với tầng lớp thượng lưu không bao giờ được như vậy.

Hoàng đế nghĩ rằng có điều gì bất thường ở đây, vì vậy ông bảo những quý tộc ăn vận rách rưới khi tới gặp Quách Vũ. Thực vậy, bệnh của họ rất mau lành.

Hoàng đế rất khó chịu và cho gọi Quách Vũ vào cung vì chuyện này. Quách Vũ đáp: “Phép tắc cơ bản của trị bệnh là sự tập trung. Đối với tầng lớp thượng lưu có mấy khó khăn: Họ không tôn trọng lời khuyên của thầy thuốc, cuộc sống của họ khác với người dân bình thường, họ có thể chất yếu và rất kiêu ngạo dẫn đến thường hay ‘hạn chế’ thầy thuốc của mình.

Chẳng hạn, khi tiến hành châm cứu, người ta phải hoàn toàn tập trung vào công việc, kim châm bị lệch đồng nghĩa với thất bại. Chữa bệnh cho người giàu thường gây tâm lý lo lắng cho các thầy thuốc và do đó khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn”.

Sau khi nghe lời giải thích của ông, hoàng đế gật đầu tỏ vẻ đồng ý và ra lệnh cho những người trong cung thay đổi thái độ và những thói quen xấu của mình. Câu nói “thật khó để chữa trị cho người giàu”lan truyền từ đó.



Thật trùng hợp, Biển thước thời Chiến Quốc cũng có quan điểm tương tự. Biển Thước đã đi tới nhiều quốc gia khác nhau và dùng tài năng của mình để làm dịu bớt đau khổ cho người dân. Mặc dù Biển Thước là bậc kỳ tài, nhưng ông có một quy tắc về 6 loại người mà ông sẽ không trị bệnh:

1. Những người có quyền lực mà kiêu ngạo, độc đoán.
2. Những người tham tiền hơn mọi thứ.
3. Những người tham ăn, tham uống.
4. Những người bệnh nặng, nhưng không chịu điều trị từ sớm.
5. Những người quá yếu để dùng thuốc.
6. Những người tin vào yêu thuật mà không tin vào thầy thuốc.


Trong lịch sử nền y học Trung Hoa truyền thống, có bốn vị danh y nổi tiếng, đó là: Biển Thước, Hoa Đà, Tôn Tư Mạc và Lý Thời Trân.

Biển Thước là một trong những vị thầy thuốc đầu tiên được biết đến vào thời Chiến quốc, từ năm 770 – 221 trước Công Nguyên. Theo các văn kiện lịch sử, Biển Thước có khả năng nhìn thấu thân thể bệnh nhân. Ông cũng là người đã nghĩ ra phương pháp bắt mạch.

Theo truyền thuyết, Biển Thước đã cứu thế tử nước Quắc từ cõi chết trở về. Thông qua bắt mạch, Biển Thước biết được thế tử đang ở trong trạng thái chết giả, và ông đã dùng thuật châm cứu để cứu sống thế tử. Từ đó, Biển Thước được người đời ca tụng là có tài “cải tử hoàn sinh”.

(Sưu tầm trên mạng)

No comments: