Một xã hội “khói hương”, với hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người chen chân mang vác thủ lợn, gà luộc, vàng mã, đủ thứ lễ lạt cồng kềnh và cầu kỳ khắp các chùa chiền, miếu, phủ; từ nơi xa xôi hẻo lánh đến thị thành nhộn nhịp; từ đầu tuần tới cuối tuần, dai dẳng hết cả tháng Giêng, tháng Hai, có nơi còn vắt sang tháng Ba.
Đâu đâu cũng thấy những người là người, nghi ngút khói hương, sì sụp khấn vái, cầu ước.
Xa xôi gì đâu, mới cách đây mấy ngày, dư luận khiếp đảm chứng kiến một cuộc hỗn chiến dã man bằng nắm đấm, gây gộc, hung hăng và máu để cướp cho bằng được quả “phết”, tại Phú Thọ. Vì tương truyền, có quả ấy trong nhà, cả năm sẽ may mắn, ăn nên làm ra, rồi cả …đẻ con trai.
Tối hôm sau, hàng chục nghìn người xếp hàng dài cả cây số, tràn khắp các con đường, ngay trục giao thông trung tâm của Thủ đô, vái vọng xa tít tắp vào ngôi chùa Phúc Khánh vì đặt niềm tin vào sự linh thiêng của nơi này.
Biển người chen chân đi lễ đầu năm ở chùa Phúc Khánh.
Mùi của khói hương là mùi của bình an, của tĩnh tại, của thời khắc thiêng liêng, của ước vọng tốt đẹp và hướng thiện. Thứ mùi ấy, nhất định không thể tồn tại giữa xô bồ và toan tính.
Cũng đêm đó, ở đền Trần Nam Định, hơn vạn người chen lấn, giẫm đạp, nhảy bổ lên cả lư đồng, bàn thờ để cướp bằng được một chút lộc mang về nhà. Lộc ấy, dù được cướp theo cách báng bổ nhất, cũng được nâng niu như thứ bùa hộ mệnh cho lòng tin mãnh liệt vào đường công danh, thăng quan tiến chức.
Rồi các phủ, các đền, chùa, miếu mạo…cứ sau Tết là tấp nập người ra kẻ vào, khổ sở chen lấn, sớ cầu xin nào cũng dài dằng dặc ti tỉ ước mong.
Thôi thì, cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp, an vui trong ngày đầu xuân năm mới vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt bao đời. Những địa danh tâm linh ấy, cũng được dựng lên từ ý nghĩa văn hóa và lịch sử đầy nhân văn của cha ông.
Nhưng thử hỏi, bao nhiêu người trong số các khách thập phương xa gần kia, mang cái tâm hướng thiện và cầu bình an thực sự đến với những nơi linh thiêng. Hay nhiều hơn thế, những kẻ đang hùng hổ cướp lộc và len lén mua khói bán nhang, mua thần bán thánh đến cầu khấn những điều biểu lộ sự tham lam vô độ của lòng người.
Nhảy bổ lên cả lư đồng, bàn thờ để cướp bằng được một chút lộc mang về nhà tại đền Trần
Mùi của khói hương là mùi của bình an, của tĩnh tại, của thời khắc thiêng liêng, của ước vọng tốt đẹp và hướng thiện. Thứ mùi ấy, nhất định không thể tồn tại giữa xô bồ và toan tính.
Từ bao giờ, niềm tin của con người được “gá” vào thánh thần chứ không phải giữa con người với con người, giữa con người với ngay chính xã hội mà chúng ta đang sống, đang tồn tại hiển nhiên như vậy?
Cả một xã hội khấn vái, ước ao, một xã hội biến mình thành nô lệ của hương khói và thánh thần.
Văn hóa, chắc rồi cũng đến hồi “mạt vận”, khó mà ngóc đầu lên được, khi thay vì ngẩng cao đầu mà dũng khí, thì cả biển người lại sống bằng quỳ lạy dập đầu và đi “xin” giàu có, vinh hiển, con cái, công danh sự nghiệp… từ các vị thánh thần. Quỳ lạy xong nhảy bổ lên đầu người khác, lên cả bàn thờ để cướp hương hoa vàng lộc, “mạt” ở đấy chứ đâu.
Không “mạt vận” sao được, khi sự mê tín cực đoan đã đẩy con người vào sự ngu muội và làm trỗi dậy tính dã man nhất, ác độc nhất, hình thành cả một thế hệ hung bạo.
Vung gậy đánh gục cái người đang là anh, em, chú, bác gần gũi đó để mang bằng được cái may, cái lộc về nhà là cầu an hay là biểu hiện của sự phi nhân tính đến lạnh sống lưng?
Sự hung hăng dã man tại lễ hội cướp phết Hiền Quan
Rồi từ sự hung hăng bạo ngược được “tôi rèn” ở nơi làng xã ấy, sẽ chẳng còn lạ khi người ta ra ngoài kia, lạnh lùng chém chết cả một gia đình vì mấy đồng bạc lẻ, xuống tay đâm chết một mạng người ngay trên bàn nhậu dễ dàng đến kinh sợ.
Xã hội khói hương dẫn văn hóa đi tắt đến ngày “mạt”, ngắn ngủi lắm.
An Yên
Theo Báo Mai
No comments:
Post a Comment