Friday, May 31, 2019

KỲ LẠ NHÀ HÀNG "PHỤC VỤ ĐỒ ĂN THỪA"

Một tối mùa hè ở Copenhagen, một đám đông tụ tập ở trước cửa nhà hàng có tên Dalle Valle. Khi đó là 22:30, bữa tối buffet sắp kết thúc và nhà bếp sắp đóng cửa. Tuy nhiên những người này, đa số ở độ tuổi 20-30, có mặt ở đây để mua những khẩu phần thức ăn nhà hàng không bán hết.


Dalle Valle là một trong số hàng trăm nhà hàng và quán cafe được liệt kê trên một ứng dụng có tên ‘Too Good To Go’, vốn cho phép bạn gọi những món đồ ăn không bán hết trước khi chúng bị vứt đi với giá rất rẻ.

Ứng dụng này là một trong các sáng kiến ra đời trong vài năm qua nhằm xử lý vấn đề lãng phí lương thực. Đan Mạch là một trong các quốc gia dẫn đầu trong nỗ lực xử lý vấn đề này.

Giống như nhiều quốc gia khác, Đan Mạch cũng đang đối mặt với vấn đề lãng phí lương thực.

Một cuộc khảo sát do chính phủ thực hiện vào năm 2014 chỉ ra rằng trung bình mỗi hộ gia đình Đan Mạch bỏ phí 105kg lương thực, thực phẩm mỗi năm.

Với giá trị trung bình 3.000 kroner (350 bảng Anh), đây là một lượng lương thực khá lớn đối với hầu hết các gia đình.

Các cửa hàng cũng bỏ phí những sản phẩm bị lỗi bao bì hoặc các lỗi nhỏ khác. Ví dụ như các nhân viên ở tiệm bánh có thể vứt đi cả một suất bánh mì mới ra lò chỉ vì nó có hình dáng không đẹp.

Tại châu Âu, 100 triệu tấn lương thực bị vứt đi mỗi năm. Thức ăn sau khi phân huỷ tạo ra 227 tấn khí thải tương tự như khí CO2, tương đương với tổng lượng nhiên liệu hoá thạch thải ra tại Tây Ban Nha.

Đây không chỉ là vấn đề ở những nước giàu.

Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc ước tính lượng lương thực bị lãng phí ở các nước đang phát triển và các nước công nghiệp hoá lần lượt là 630 và 670 triệu tấn. Nhìn chung, một phần ba lượng lương thực được sản xuất ra mỗi năm bị lãng phí, tương đương với một nghìn tỷ đô la.

Giờ đây, Đan Mạch đang chỉ ra cho chúng ta hướng giải quyết. Nước này đã giảm lượng lương thực bị lãng phí xuống 25% trong 5 năm qua, theo một nghiên cứu do Hội đồng Nông Lương của Đan Mạch công bố.

Trên toàn châu Âu, 100 triệu tấn thực phẩm bị đổ đi mỗi năm, tạo ra lượng khí thải nhà kính khổng lồ

Thành công của Đan Mạch chủ yếu phụ thuộc vào nỗ lực thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Hồi năm 2016, hai chi nhánh của siêu thị WeFood mở cửa tại Copenhagen. Các chi nhánh này chỉ trưng các thực phẩm đã quá hạn được bán.

Anh Quốc là nước xếp hạng thứ nhì trong nỗ lực giảm lượng thực phẩm bị lãng phí. Trong thời gian từ 2008 đến 2013, nước này đã giảm lượng thực phẩm bị lãng phí xuống 21%. Dự án Real Junk Food Project đã mở cửa hàng đồ ăn dư thừa đầu tiên ở Anh tại thành phố Leeds hồi tháng Chín năm 2016.

Tuy nhiên, Đan Mạch giờ đây có nhiều sáng kiến để giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Hầu hết những nỗ lực này là do Selina Juul khởi xướng. Là một nhà hoạt động về thực phẩm vốn từng làm nghề thiết kế đồ hoạ, Selina đã bắt đầu một chiến dịch với tên gọi Stop Spild Af Mad (‘Ngưng Lãng Phí Thức Ăn’) 8 năm trước.

Khi Juul chuyển đến Đan Mạch vào hồi thập niên 1990 để học tập, bà cảm thấy phấn khích khi nhìn thấy thực phẩm luôn dồi dào ở khắp nơi.

“Tôi đến từ Moscow, nơi mà chủ nghĩa cộng sản vừa sụp đổ và các siêu thị luôn luôn thiếu hàng,” bà nói. “Thực phẩm luôn là thứ thiếu hụt, không đủ đáp ứng nhu cầu.”

Tuy nhiên, trong thời gian làm việc bán thời gian ở khu vực làm bánh bên trong một siêu thị, bà cũng ngạc nhiên khi thấy bánh mì bị bỏ phí chỉ vì chúng mang hình dáng xấu.

Vào năm 2008, Juul lập một trang Facebook kêu gọi người Đan Mạch ngưng lãng phí thức ăn.

Trang này sau đó trở nên thịnh hành đến nỗi Selina được mời lên sóng truyền hình quốc gia để thảo luận về vấn đề này hai tuần sau đó. Juul sau đó được REMA 1000 - một chuỗi siêu thị giá rẻ lớn ở Đan Mạch, đề nghị giúp tìm cách xử lý tình trạng lãng phí thực phẩm trong các cửa hàng của họ.

Khoảng 29.000 tấn bánh mì và bánh ngọt bị vứt đi mỗi năm ở Đan Mạch, phần lớn bởi vì chúng được bán theo những khẩu phần lớn hơn nhu cầu thực, John Rosenlowe, một quản lý tiếp thị tại REMA 1000, nói.

Để xử lý vấn đề, REMA 1000 đã giảm kích cỡ bánh mỳ của họ xuống còn 40-50% và giảm giá theo mức tương tự. Điều này không những giảm lượng thức ăn bị lãng phí ở mỗi hộ gia đình mà còn giảm lượng sản phẩm bị vứt đi ở các cửa hàng, Rosenlowe nói.

Nhiều công ty khác đã làm theo REMA 1000. Các cửa hàng bán lẻ như Lidl và Coop Danmark đã tham gia vào nỗ lực giảm lượng lương thực bị lãng phí.

Lidl đã ngưng các hoạt động giảm giá, điều trước nay thường khiến người đi chợ mua nhiều hơn cần thiết. Unilever thì tài trợ các túi miễn phí cho các nhà hàng dọc khắp Đan Mạch để khuyến khích thực khách mang thức ăn thừa về nhà. Các nhà hàng bắt đầu bán thức ăn dư thừa thông qua ứng dụng như Too Good To Go. Các doanh nghiệp áp dụng những biện pháp nhằm giảm lãng phí sẽ nhận được chứng chỉ từ một tổ chức với tên gọi ReFood.

Các tổ chức phi lợi nhuận cũng có đóng góp. Ida Merethe Jorrgensen, chủ tịch của Danske Handicaporganisationer, một quỹ từ thiện đóng ở Kolding, đã hợp tác với các nhóm tình nguyện để thu thập thực phẩm tồn kho và phân phối cho những gia đình có thu nhập thấp.


Tại hầu hết các quốc gia, trong đó có Đan Mạch, không có luật pháp nào ngăn chặn việc bán thực phẩm quá hạn sử dụng. Tuy nhiên hạn sử dụng trên một sản phẩm khiến người mua nghĩ rằng chúng chỉ đáng vứt đi. Tuy nhiên điều này đang thay đổi.

“Tôi nhận ra rằng mua thực phẩm gần hết hạn sử dụng sẽ rẻ hơn rất nhiều,” Aslan Husnu, một nhà nghiên cứu tại Đại học Aarhus có thói quen săn lùng những món hàng giảm giá ở các siêu thị nói.

“Để tránh lãng phí, tôi chỉ cần mua một lượng nhỏ thực phẩm, mua thường xuyên, và không quá chú trọng hình thức.”

Những nước khác giờ đây đang theo bước chân của Đan Mạch. Pháp và Ý gần đây thông qua các điều luật cho phép các doanh nghiệp, trong đó có các nông trại, dễ dàng quyên góp thức ăn dư thừa cho các hội từ thiện hơn.

Các ứng dụng cho điện thoại thông minh cho phép người ta tìm đến thức ăn thừa dễ dàng hơn ở nhiều nước. “Trung bình một người dùng điện thoại kiểm tra điện thoại 6 giây một lần, điều này khiến việc tương tác với thị trường định sẵn dễ dàng hơn bao giờ hết.”

Thế nhưng mô hình tại Đan Mạch không phải dễ dàng theo đuổi. “Đan Mạch là một nước nhỏ, theo lối sống khá cổ điển, và là một nước dân chủ xã hội, vốn đã quen với việc đưa ra các quyết định dựa trên lợi ích của số đông và hạn chế sự lựa chọn của cá nhân,” Krishnendu Ray, từ Đại học New York, nói. Các chính sách này khó lòng tồn tại ở những quốc gia như Hoa Kỳ, ông nói.

Với Madeline Holtzman, việc giảm lượng lương thực bị lãng phí là điều không phải tranh cãi. “Chất thải thực phẩm là một trong những nguồn đóng góp khí thải methane lớn nhất, nó lại là vấn đề về môi trường dễ giải quyết nhất cũng như là hiểm họa về môi trường ít bị giới hạn và bị chính trị hoá nhất.”

Là sinh viên cao học tại Đại học New York, Hotzman cho rằng cần phải nâng cao sự hiểu biết để người ta có thể đưa ra sự lựa chọn riêng cho mình. Bà đã giúp cho ra đời Toast Ale ở Hoa Kỳ - một loại bia Anh làm từ bánh mì dư thừa.

Tại Đan Mạch, Juul cho rằng ý thức trong xã hội về vấn đề này ngày càng tăng. Bà cũng cho biết WeFood đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung vì các doanh nghiệp từng đóng góp thức ăn thừa giờ đây không còn thừa nhiều thức ăn nữa. Các ứng dụng như Too Good To Go đã trở nên thịnh hành đến nỗi nhiều nhà hàng giờ đây phải từ chối khách hàng.

Vì vậy, lần tiếp theo bạn nhìn thấy một đám đông xếp hàng trước một nhà hàng, có lẽ họ không phải đang đợi gọi món ăn chính mà là họ đang đợi những thức ăn sắp bị ném vào thùng rác.

Prathap Nair
BBC Future
Link tiếng Anh: