Có một ngộ nhận thú vị đó là mỗi khi nhắc đến chữ “Anh hùng áo vải” người ta nghĩ ngay đến việc người đó nghèo. Nhưng đến khi xem xét kỹ gia thế mới biết hễ ai “áo vải” khởi nghĩa gia sản cũng đều rất giàu có. Lê Thái Tổ thân là hào trưởng đất Thanh Hóa, giàu nứt đổ đổ vách; còn ba anh em Nhạc – Lữ – Huệ cũng là dân thương buôn có tiếng vùng Tây Sơn.
Có câu “Tướng vô tài, sĩ bất lai”, nôm na là thân người làm tướng không có chút tiền lận lưng thì chả có ai đầu quân về để giúp đánh nhau đâu. “Tài” ở đây có nghĩa là tiền tài chứ không phải tài năng. Người ta cứ nghĩ “chí sĩ khắp nơi theo nghĩa lớn chạy về”, thì đúng là có nghĩa lớn thật đấy, nhưng cũng phải cho ăn cơm đã thì mới có sức đánh giặc. Nuôi từng đó binh mã không phải là chuyện nhỏ, nghèo thì hầu như không thể có chuyện khởi nghĩa.
Tìm hiểu về nguồn gốc của chữ “áo vải”, chúng ta sẽ thấy nó chẳng liên quan gì tới chuyện giàu hay nghèo. Trong các thư tịch của Lê Thái Tổ hoặc của Nguyễn Huệ khi giao thiệp với Trung Hoa thường rất hay nhắc đến chữ “xuất thân áo vải”, nguyên bản là bố y, hoặc bạch dinh, mà sau này người ta thường viết lại là người anh hùng áo vải.
Áo vải ở đây chính là để chỉ rằng mình xuất thân từ người dân, không có quan tước, quần áo không có phẩm phục, không có mối liên hệ với triều đình cũ.
Theo quan điểm thời xưa: “Ăn lộc của vua thì phải lo nỗi lo của vua”, “trung với vua” là điều bắt buộc phải làm của mỗi thần tử, tội danh “bầy tôi phản vua” là một cái tội danh rất nặng. Do đó dễ thấy là các cuộc đảo chính, chính biến do các tướng lĩnh đều bắt buộc họ phải tôn phò một ai đó trong hoàng tộc lên để lấy cái chính danh. Nhà Lê không còn thực quyền chỉ còn mỗi cái tiếng mà trong hơn 200 năm đến tận thế kỷ 19 vẫn được dùng làm một chiêu bài khởi nghĩa đủ thấy tính chính danh rất quan trọng. Các triều phải đối mặt với tội danh “bầy tôi giết vua” thường phải chịu rất nhiều khó khăn dù là trong đối nội hay đối ngoại, dễ thấy như trường hợp của nhà Mạc.
Do đó, đối với những trường hợp như Lê Thái Tổ hoặc Nguyễn Huệ, họ thường dùng chữ “bố y” áo vải để chứng tỏ rằng mình không phải thần tử của triều trước, không cần phải có cái nghĩa tôn phò triều trước như một bầy tôi, và thường dùng chiến công chống ngoại xâm, bình định nội loạn để khẳng định công tích của mình đối với đất nước, nhân đó sáng lập ra một triều đại mới.
Về sau này, từ anh hùng áo vải được dùng để mô tả những vị vua nước ta xuất thân từ tầng lớp bình dân mà lập nên nghiệp lớn, nhưng càng dùng nhiều người ta càng quên đi nguồn gốc của nó, cuối cùng mới dẫn đến cái chuyện buồn cười: anh hùng áo vải tức là anh hùng nghèo, hay thậm chí anh hùng áo vải không có tiền mặc giáp mà chỉ mặc áo vải ra trận, đến cả hình minh họa về họ cũng trở nên nhầm lẫn.
Đăng lại từ bài viết của tác giả Minh Đức
Đăng trên Fanpage Sử Văn Các