Wednesday, May 1, 2019

THỐNG NHẤT ĐỂ LÀM GÌ?

Không thể chối cãi là nhờ có Trịnh Nguyễn phân tranh, chia đôi đất nước mà lãnh thổ VN được mở rộng về phía Nam, lập ra thêm một “nước Việt” mới gọi là Xứ Đàng Trong.
Xứ Đàng Trong có nhà nước riêng, có bản sắc riêng, tập tục và sinh hoạt có nhiều đổi mới, nhưng cái gốc văn hóa Việt, cái gốc người Việt vẫn giữ nguyên, không mất đi đâu.
Giá như hồi đó, Nguyễn Huệ rồi tiếp theo đó là Nguyễn Ánh không thống nhất đất nước, dân tộc ta có hai nước Việt.


Lỡ sau đó người Pháp có đến đánh chiếm thì biết đâu may mắn, ta chỉ mất một nước, còn lại một nước để chống giữ và phục hồi. Giống như hồi Mãn Thanh xua quân qua xâm lược chỉ chiếm được Xứ Đàng Ngoài, ta còn Xứ Đàng Trong giàu vật lực để Nguyễn Huệ dựa vào đó mang quân ra tái chiếm lãnh thổ.

Nhưng lịch sử thì không có chuyện giá như, hơn nữa việc thống nhất đất nước của Nguyễn Ánh để lập nên nước Việt Nam to lớn là tất yếu, là mong muốn của cả dân tộc. Ai không muốn thống nhất, để đất nước liền mạch và rộng lớn hơn chứ?

Những tưởng cơ hội lớn chưa từng có ấy mở ra cho dân tộc, khi hòa bình lập lại, đất nước liền một giải từ Bắc vào Nam, người lãnh đạo là vua Gia Long – từng bôn ba giao tiếp với phương Tây, từng thấy sự tiến bộ và giàu mạnh của họ nên đã xin nhờ vả để kháng chiến chống Tây Sơn – sẽ tiếp thu cái mới, xây dựng một triều đình tiến bộ, hướng đến một chân trời mới, giải phóng dân tộc ra khỏi tư duy nô lệ vào tư tưởng lạc hậu phương Bắc, để canh tân và phát triển đất nước.

Nhưng không, Triều đình nhà Nguyễn lại quay vào con đường nô lệ tư duy cũ, vất bỏ hết những cải cách vừa mới manh nha thời Tây Sơn, tự nguyện chọn hệ tư tưởng Khổng Nho làm kim chỉ nam, lấy học thuật từ chương khoa bảng lạc hậu kiểu Trung Hoa làm nền tảng, ngay cả luật pháp cũng sao chép lại luật Càn Long, trong khi trước đó Đại Việt đã có bộ luật Hồng Đức khá căn bản.


Cách làm đó của nhà Nguyễn đã dập tắt mọi tư duy sáng tạo của người dân, đẩy giới tinh hoa trí thức VN vào con đường mòn thui chột, suốt đời ngồi tụng tứ thư ngũ kinh, suốt đời phải ngu trung, phải “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, làm tổn hao năng lượng dân tộc đến cả trăm năm và để lại di chứng đến tận ngày nay bởi học thuyết Khổng Nho đã quá lạc hậu với thời đại.

Một dân tộc ngu muội và hèn yếu vì bị bưng bít kéo dài với thế giới bên ngoài, vì bị nhà cầm quyền làm thui chột óc sáng tạo, thì cái gì đến phải đến là tất yếu: Mất nước.
Nhiều sử gia ca ngợi Nguyễn Ánh có công thống nhất đất nước, mang hòa bình đến cho dân tộc. Nhưng thống nhất hòa bình để có kết cuộc như vậy thì thống nhất để làm gì? Có ý nghĩa gì mà tụng ca?

Đau đớn cho dân tộc ta, qua đến cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 lịch sử bị lặp lại.
Đất nước bị chia cắt làm hai bởi ý thức hệ. Chiến tranh khốc liệt kéo dài trong 20 năm, cuối cùng miền Bắc cộng sản đã chiến thắng miền Nam tự do, thống nhất đất nước và lập lại hòa bình.

Miền Bắc theo thể chế độc đảng toàn trị, một dạng phong kiến mới, buộc nửa nước tôn thờ một chủ nghĩa duy nhất là chủ nghĩa cộng sản, dập tắt mọi tư duy phản biện và sáng tạo, đẩy nửa dân tộc đi vào một con đường độc đạo, bưng bít với thế giới tiến bộ bên ngoài.
 

Những tưởng sau khi chiếm được miền Nam, nhà cầm quyền cộng sản thấy thực tế phát triển mọi mặt của xã hội miền Nam khi người dân được tự do làm ăn, được tự do tư hữu và quan trọng là tư duy sáng tạo được tự do khai phóng, thì sẽ thay đổi theo hướng tiến bộ để đưa cả nước đi lên giàu mạnh và hạnh phúc.

Nhưng không, tai họa trước đó chỉ ảnh hưởng lên nửa nước, bấy giờ có cơ hội do thống nhất, đã đổ ập lên toàn dân tộc. Tinh hoa đất nước là giới trí thức, giới doanh nhân công thương nghiệp bị tiêu diệt, nền kinh tế bị phá nát, và nghiêm trọng nhất là làm tiêu hao năng lượng dân tộc vào thứ học thuyết Mác Lê Mao phản động, sai trái và tàn độc.
Đau hơn nữa là trước kia chỉ nửa nước bị Tàu cộng kiềm chế, nay do thống nhất, cả nước bị chúng kiềm tỏa, khó tìm cách thoát ra.

Câu hỏi thống nhất để làm gì lại đặt ra sau hơn 200 năm.

Do vậy kẻ chiến thắng đừng tụng ca chiến tích nữa, đừng xưng tụng công lao thống nhất nữa, mà phải nghiêm túc đặt ra câu hỏi sau gần 50 năm chiến thắng họ đã làm gì cho đất nước tốt đẹp hơn lên?

Xin đừng tự sướng khi lấy những phát triển vật chất hào nhoáng bên ngoài hiện nay so với thời đói nghèo năm 45, mà hay hãy so với các nước chung quanh, so với chính thời đại đang phát triển như vũ bão. Và hãy nghiêm túc đánh giá những hào nhoáng bên ngoài đó có xứng với lượng tài nguyên khổng lồ đã bán đi, có xứng với rừng vàng biển bạc, môi trường trong sạch đang bị tàn phá đến không còn gì cho con cháu trong tương lai, có xứng với món nợ khổng lồ đang càng ngày càng lớn lên.


Còn chưa nói đến đạo đức xã hội đang suy thoái và lòng người đang li tán.

Nếu thực tâm vì đất nước thì đảng cộng sản cầm quyền đã đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích của của đảng, đã nhanh chóng thay đổi theo hướng văn minh tiến bộ theo xu thế chung của thế giới.

Có gì khó khăn trong chuyện thay đổi mà cứ giả bộ “trăn trở” và ì ạch mãi?

Câu hỏi “thống nhất để làm gì” sẽ còn đặt ra với dân tộc nầy đến bao giờ?

HUỲNH NGỌC CHÊNH
Theo 8 Sài Gòn